Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

PHỤC SINH – MỘT GIÁ TRỊ CAO TRỌNG

Filled under:

Chiếm vị trí quan trọng trong Kitô giáo, mầu nhiệm Phục sinh trở thành mầu nhiệm trung tâm của niềm hy vọng vĩnh cửu mà loài người mong đợi. Bởi thế không lạ gì thời gian cử hành mầu nhiệm Phục sinh là thời gian cao điểm của cả năm phụng vụ. Vì là mầu nhiệm cao cả, lễ Phục sinh trở thành Đại lễ mà không lễ nào có thể vượt qua.
Nhưng không phải chỉ có phụng vụ mới nhấn mạnh tầm quan trọng của lễ Phục sinh. Đúng hơn, phụng vụ chỉ dựa trên những gì đã được mạc khải, vì thế ta hãy nhìn lại chính lời mạc khải của Chúa từ trong Thánh Kinh, nhất là nơi các sách Tin Mừng như nền tảng của đời sống Giáo Hội để mà suy nghĩ, để cầu nguyện và để sống.
Chỉ nơi bốn sách Tin Mừng mà thôi, ta đã có đến 131 câu đề cập đến biến cố Phục sinh, kể từ lúc các phụ nữ đi thăm mồ từ sáng sớm, đã phát hiện ra ngôi mộ trống và được báo cho biết Chúa đã sống lại, đến biến cố thăng thiên. Sách Công vụ Tông đồ và các thư Tân Ước còn cung cấp thêm 160 câu về đề tài Phục Sinh của Chúa chúng ta. Chỉ riêng thánh Phaolô đã có 22 lần nhắc đến.
Không ai phủ nhận rằng, mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô là mầu nhiệm có tầm quan trọng. Vì khởi đi từ mầu nhiệm này, Con Thiên Chúa làm người. Phải có một con người - Thiên Chúa ấy, thì hôm nay mới có Đại lễ Vượt qua thánh thiện này.
Biến cố giáng sinh còn là một sự kiện lịch sử quan trọng, không chỉ vì biến cố ấy trở thành cái mốc quan trọng của thời gian, nhờ đó loài người biết được năm tháng ngày giờ, nhưng biến cố nhập thể còn quan trọng hơn nhiều trong niềm tin vào một dòng lịch sử có bàn tay Thiên Chúa đang điều khiển từng ngày, để hướng dẫn, lèo lái mọi biến cố lịch sử theo ý Ngài: lịch sử cứu độ.
Chính biến cố nhập thể ấy, đã làm cho lịch sử cứu độ lật sang trang mới. Và Đấng Phục Sinh hôm nay là trung tâm của cả dòng lịch sử đang trôi giữa mọi chiều kích lịch sử của con người.
Bởi thế, không ai còn nghi ngờ rằng, mầu nhiệm Nhập thể và Giáng sinh là mầu nhiệm rất quang trọng. Thế nhưng mầu nhiệm quan trọng ấy chỉ được nhắc đến ít hơn nhiều so với mầu nhiệm Vượt qua.
Vì sao sự Phục sinh của Chúa Kitô lại quan trọng như thế? Là bởi vì Kitô giáo không bao giờ là một mớ lý thuyết trừu tượng, nhằm cung cấp một hệ thống giáo điều hay tín lý.
Nhưng Kitô giáo trước tiên là một phẩm vị, là một lẽ sống, là chân lý được cụ thể nơi một con người.
Con người ấy cũng chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, sống trong trần gian và dạy người ta phải sống các giá trị cao cả, các giá trị mang chiều kích thánh thiên hướng về Thiên Chúa: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo"; "phúc cho các người là người hiền lành"; "phúc cho các ngươi là những người phải chịu đau khổ"; "phúc cho các ngươi là những người ao ước trọn lành"; "phúc cho các ngươi vì các ngươi biết xót thương"; "phúc cho các ngươi vì đã giữ lòng trong sạch"; "phúc cho các ngươi là người mang lại bình an"; "phúc cho các ngươi vì lẽ đạo mà bị bắt bớ"...
Vì Kitô giáo đặt trung tâm vào Chúa Kitô, bởi thế tất cả những gì là chân lý Kitô giáo phải thuộc về một chân lý nguồn, chân lý mà từ đó phát xuất mọi lẽ sống.
Do đó, những giá trị cao cả hướng về Thiên Chúa được tóm gọn trong các mối phúc ấy, đã bị người đời đóng đinh cùng với Đấng đã từng giảng dạy nó.
Và hôm nay, hay cho hết mọi thời, nếu loài người đã đóng đi Giêsu, thì những giá trị mà Giêsu rao giảng cũng đã chết một cái chết đáng thương như chính Giêsu vậy.
Nhưng không, Giêsu đã chiến thắng. Giêsu là một con người rất bình thường, nhưng cũng là một Thiên Chúa mà tình yêu của Người có sức cứu độ diệu kỳ.
Vì thế, một khi Giêsu đã bước ra khỏi mồ, đã toàn thắng, đã khải hoàn phục sinh, thì tất cả những giá trị cao cả mà Giêsu đã rao giảng, đã sống, và đã chết cho nó, trở thành những giá trị vĩnh cửu, những giá trị mà tất cả những ai nghe theo và sống, sẽ mang trong mình chiều kích phục sinh như chính Giêsu, Đức Chúa chúng ta.
Bởi thế, nếu giáo thuyết của Chúa Giêsu có cao đến đâu, siêu phàm cách mấy, nhưng bản thân Người không phục sinh, Người chỉ là một kẻ nói dối, một tên bịp bợm. Và những giáo thuyết ấy sẽ không có bất cứ một giá trị nào.
Nhưng hôm nay Chúa Giêsu đã sống lại và vẫn đang sống, sống đến muôn đời, cho nên nếu Kitô giáo là chân lý cụ thể nơi một con người mang tên Giêsu, và chính Đấng mang tên Giêsu là trung tâm của Kitô giáo, thì giáo thuyết của Người là một giáo thuyết tuyệt đối, một giáo thuyết chứa chan niềm an ủi, niềm hy vọng và vĩnh cửu.
Tắt một lời: Đối với Kitô giáo, chỉ có Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô, và trong Chúa Kitô, mọi giá trị của cuộc sống trở thành vĩnh cửu. Trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, Kitô giáo mãi mãi đặt niềm hy vọng cánh chung của mình nơi Người.
Bởi thế mà Phục sinh trở thành Đại lễ, và niềm tin phục sinh chiếm chỗ quan trọng trong mọi sinh hoạt của đời sống Giáo Hội, đi từ Lời mạc khải của Thánh Kinh, đến phụng vụ, và đến từng ngõ ngách của đời sống riêng tư nơi mỗi Kitô hữu.
Vì nói như thánh Phaolô: Nếu Chúa Kitô không sống lại, chúng ta là những người vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì đã đặt tin tưởng và một chuyện hảo huyền. Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, ta vẫn mang tội lỗi ở trong mình, không ai có thể giải cứu được, không ai đưa ta đến gặp Thiên Chúa được. Nếu Chúa kitô không sống lại, thập giá chỉ là dấu của nhục nhã, đau khổ của con người sẽ không có lối thoát, cái chết của con người sẽ là đường cùng, là ngõ cụt (1Cr 15, 12 tt).
Lạy Đấng Phục Sinh là Đức Chúa chúng con tôn thờ, chúng con tin Chúa và hy vọng vào Chúa, vì chỉ có Chúa, Đấng Phục Sinh duy nhất mới có thể đưa chúng con đến với Thiên Chúa. Xin ban bình an cho chúng con, để dù vác thập giá nặng nề đến đâu, dù thập giá có làm chúng con ngã xuống vì hết sức, vì tàn hơi, chúng con vẫn can đảm đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa, Đấng Phục sinh vinh hiển đang đổ tràn ơn Phục sinh trong cuộc đời chúng con.
LM. JB NGUYỄN MINH HÙNG (Gx: TTĐ)

 Nguồn: conggiaovietnam.net