Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Tin Công Giáo Thế Giới Ngày 01.8.2016

Filled under:



Toàn văn bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng trên chuyến bay từ Krakow về Roma


Đức Phanxicô tạo hình chim bồ câu hòa bình
Toàn văn bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng trên chuyến bay từ Krakow về Roma
Người Công giáo bị sốc sau vụ sát hại dã man cha Hamel .Cha bảo chúng con là mọi tôn giáo đều tìm hòa bình, nhưng cha Hamel bị giết dưới danh nghĩa Hồi giáo. Tại sao cha không bao giờ nhắc đến Hồi giáo khi nói về chủ nghĩa khủng bố?
Cha không thích nói về bạo lực Hồi giáo, bởi ngày nào cha cũng thấy bạo lực mỗi khi điểm báo ở Ý, đọc thấy chuyện ai đó giết bạn gái hay mẹ vợ, và đó là bạo lực của những người Công giáo được rửa tội. Nếu cha nói về bạo lực Hồi giáo, thì cha cũng nên nói về bạo lực Công giáo nữa chứ?
Không phải người Hồi giáo nào cũng bạo lực. Nó như món salad hoa quả vậy, có cái này cái kia. Và anh chị em thấy có những con người bạo lực trong các tôn giáo. Có một điều chắc chắn mà thôi, là luôn luôn có một nhóm nhỏ những người cực đoan trong mọi tôn giáo. Chúng ta cũng có. Và khi những người cực đoan đi xa đến độ giết người. Có thể giết người bằng miệng lưỡi mình, không phải cha mà là tông đồ Giacôbê đã nói vậy. Có thể giết người bằng gươm giáo. Thế nên thật không đúng khi đồng nhất Hồi giáo với bạo lực.
Cha từng có cuộc đàm đạo dài với một đại giáo chủ của Đại học Al Azhar, họ tìm kiếm hòa bình và thông hiểu. Sứ thần tòa thánh ở một nước châu Phi từng bảo cha rằng, ở thủ đô nước này, luôn có người xếp hàng để đi qua cửa thánh, rồi một số đi xưng tội. Nhưng hầu hết đi thẳng đến bàn thờ để cầu nguyện với Đức Mẹ, và đó là những người Hồi giáo muốn mừng Năm Toàn xá. Khi ở Trung Phi, cha đã thăm cộng đồng Hồi giáo, và giáo chủ Hồi giáo cũng lên xe với cha. Chung sống hòa bình là chuyện khả dĩ.
Nhưng có tồn tại những nhóm cực đoan. Cha tự hỏi vì sao nhiều người trẻ của chúng ta ở chốn nương thân, bị cướp mất lý tưởng sống, đến nỗi họ chạy theo thuốc phiện, bia rượu, hay thậm chí đi đầu quân cho khủng bố. Đúng, chúng ta có thể nói rằng ISIS là một nhà nước Hồi giáo, và đặc tính của ISIS là bạo lực, bởi nó khoe khoang với chúng ta những chuyện giết người. Nhưng đây chỉ là một nhóm nhỏ, anh chị em không thể, không đúng, và không thật khi gọi Hồi giáo là một đức tin khủng bố.’
Ngoài cầu nguyện và đối thoại, còn có khởi xướng cụ thể nào để đương đầu với bạo lực Hồi giáo?
‘Chủ nghĩa khủng bố ở khắp mọi nơi, chỉ cần nghĩ đến chủ nghĩa khủng bố bộ lạc ở một vài nước châu Phi. Chủ nghĩa khủng bố lớn lên khi không có chọn lựa nào khác. Và bây giờ, cha sẽ nói đến một chuyện có vẻ đầy hiểm họa. Khi anh chị em biến thần tài thành trung tâm của kinh tế thế giới, chứ không phải con người, thì đó chính là dạng đầu tiên của chủ nghĩa khủng bố. Anh chị em đã xóa đi sự nguy nga của tạo vật, và thay vào đó, đặt tiền bạc vào vị trí trung tâm. Đây là cơ sở đầu tiên quyết của chủ nghĩa khủng bố. Anh chị em cứ nghĩ mà xem.’
Trong bài nói chuyện tại Wawel ngay sau khi đến Ba Lan, cha nói rằng đất nước này là điểm mở đầu của cha để biết vùng trung đông châu Âu. Cha có ấn tượng gì về Ba Lan?
‘Thật là một Ba Lan đặc biệt, bởi một lần nữa đất nước này lại bị xâm chiếm, nhưng may thay, lần này là do các người trẻ. Cha nghĩ Krakow thật đẹp, người dân đầy nhiệt tình. Tối hôm nay, cha thấy rất nhiều người trên đường phố, dù cho trời đang mưa. Không chỉ thanh niên, mà cả các bà lớn tuổi nữa. Cha đã quen biết với những người Ba Lan từ khi còn nhỏ. Một vài bà Ba Lan đến làm việc cùng chỗ với bố của cha. Họ là những người tử tế và một lần nữa, ở đây, cha lại được thấy sự tử tế đó.’
Đức Phanxicô bế mạc giới trẻ 20160731
Những con cái trẻ tuổi của chúng con được đánh động, vì cha nói cùng ngôn ngữ với các em. Cha chuẩn bị thế nào, để dùng những ví dụ rất phù hợp với cuộc sống của các em vậy?
Cha thích nói chuyện với người trẻ, và thích lắng nghe người trẻ. Các em luôn luôn khiến cha thấy ngọt ngào, bởi các em nói những chuyện mà cha không nghĩ đến, hay chỉ mới nghĩ chưa tới. Những người trẻ sáng tạo và thao thức, và cha lấy cung giọng từ nhận thức này. Cha thường xuyên phải hỏi ý nghĩa của một vài diễn đạt của các em.
Giới trẻ là tương lai của chúng ta, và cần có đối thoại giữa quá khứ và tương lai. Đây là lý do vì sao, cha nhấn mạnh nhiều về đối thoại giữa người trẻ và ông bà, bởi cả hai đều có kinh nghiệm và cảm nghiệm để cho nhau. Giới trẻ nên cảm nhận quá khứ, lịch sử, nắm bắt và đưa nó tiến tới, với sự dũng cảm của hiện tại. Điều này rất quan trọng.
Cha không thích khi nghe có người nói: những đứa nhỏ này chẳng ý thức được gì! Chúng ta, những người lớn, cũng nói những chuyện ngu ngốc mà. Các em nói những chuyện ngu ngốc và những chuyện tốt lành, cũng như chúng ta vậy, cũng như tất cả mọi người.  Chúng ta cần học từ giới trẻ, và ngược lại. Đó là cách để lớn lên, tránh tâm thức khép kín và kiểm duyệt.
Thưa Đức Thánh Cha, cuộc trấn áp ở Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính có lẽ còn tệ hơn cả cuộc đảo chính nữa, khi binh lính bắt giam nhiều thành viên của quân đội, các thẩm phán, nhà ngoại giao, và nhà báo. Có hơn 13.000 vụ bắt bớ và hơn 50.000 người bị sa thải. Đây là cuộc thanh trừng. Ngày hôm kia, tổng thống Erdoğan đã bảo những người chỉ trích ông nên lo cho thân mình thì hơn. Chúng con muốn hỏi vì sao cha chưa nói về chuyện này. Cha có sợ chuyện này sẽ ảnh hưởng trên thiểu số người Công giáo ở đây không?
Khi có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ không thích nhưng cha chắc chắn là đúng, thì cha phải nói, và đã nói. Và tất cả anh chị em đều biết hậu quả rồi, chuyện về nạn diệt chủng Armenia. Nhưng cha chắc chắn về chuyện đó. Đến lúc này, cha chưa lên tiếng, là vì cha chưa chắc, dựa trên những thông tin cha có về tình hình ở đó. Cha lắng nghe thông tin từ Quốc vụ khanh, và một vài nhà phân tích chính trị quan trọng. Cha đang xem xét tình hình cùng với Quốc vụ khanh, và toàn bộ mọi chuyện chưa rõ ràng. Đúng là luôn luôn cần phải bảo vệ cho người Công giáo. Nhưng không phải bằng cách bỏ qua sự thật. Cần có sự cẩn trọng, nhưng trong trường hợp của cha, anh chị em đã thấy khi cần phải nói, cha đã nói.
Có một vấn đề mà mọi người đều thắc mắc mấy ngày qua. Là chuyện cảnh sát Úc đang điều tra các cáo buộc mới chống lại hồng y George Pell. Lần này, hồng y Pell bị cáo buộc xâm hại trẻ em. Theo quan điểm của cha, hồng y nên làm gì trong hoàn cảnh này?
Những bài báo đầu tiên nói về chuyện này, vẫn còn mơ hồ. Đó là chuyện cách đây 40 năm, và ngay cả cảnh sát cũng không nghĩ nhiều về chuyện này. Rồi có đơn kiện, và bây giờ hệ thống luật pháp đang xử lý. Không nên đưa ra phán xét nào trước khi công lý lên tiếng. Nếu cha nói đỡ, hay nói chống, thì cũng đều không đúng, bởi như thế là phán xét. Đúng là, vẫn còn đang là chuyện hoài nghi. Và luật pháp có một nguyên tắc rất rõ ràng về chuyện này: in dubbio pro reo. Chúng ta phải chờ cho công lý thực hiện tiến trình của mình, và đừng có phán xét trên truyền thông, phán xét bằng đàm tếu. Chúng ta cần phải để tâm đến phán quyết của công lý. Một khi công lý lên tiếng, thì cha sẽ lên tiếng.
Sau cú trượt ngã ở Czestochowa, bây giờ cha thế nào?
Lúc đó cha bận nhìn lên ảnh Mẹ, và quên mất một bậc cấp nhỏ. Cha đang cầm bình hương, và khi ngã, cha cứ để mình ngã tự nhiên, và nhờ đó cha không bị gì. Nếu chống lại cú ngã, thì hẳn sẽ có hậu quả rồi. Nhưng mọi chuyện đã ổn.
Tuần trước, có tin Vatican đang hooạt động như một bên đàm phán về cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Có thể có chuyện này không?
 Hai năm trước, cha đã có cuộc gặp tích cực với tổng thống Maduro. Rồi năm ngoái, ông cũng muốn gặp cha, nhưng đã hủy bởi ông bị viêm tai. Cha để qua một thời gian, rồi viết một lá thư gởi cho ông. Cha và ông nói về một cuộc gặp có thể có. Đúng, với tình hình trong trường này, lúc này có khả năng, dù cha không chắc, đang cân nhắc chuyện một đại diện của Tòa Thánh tham dự nhóm bàn thảo.

Trước khi bắt đầu buổi họp báo, Đức Phanxicô tưởng niệm một phóng viên của RAI đã qua đời ở Krakow. ‘Anh chị em là đồng nghiệp với cô ấy, nên cha muốn phân ưu về cái chết của Anna Maria Jacobini. Cha đã gặp chị và gia đình của cô ấy. Đây là một phần đau buồn của chuyến đi này.’
Đức Giáo hoàng cũng nhắc đến ngày làm việc cuối cùng của giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cha Federico Lombardi, cũng như của ông Mauro, môt thành viên phụ trách hành lý trên các chuyến bay giáo hoàng.  ‘Cha muốn cảm ơn cha Lombardi và ông Mauro, khi đây là lần cuối họ đi với chúng ta. Cha Lombardi đã ở Vatican Radio hơn 25 năm, và đi trên máy bay giáo hoàng hơn 10 năm. Ông Mauro đã đảm trách hành lý trong 37 năm. Cha cảm ơn cả hai rất nhiều.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch