Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY- Ngày 12/8/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 18: 21-19,1)

18, 21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? "22Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết."27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao! "29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh."30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? "34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

19, 1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.

SUY NIỆM 1

Bài Tin mừng hôm nay nói vấn đề tha thứ cho nhau. Qua câu trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu giải thích về tinh thần và lý do tha thứ. Ngài dạy, tha thứ thì không có giới hạn. Chính Thiên Chúa đã tha muôn vàn tội lỗi cho ta thì chính ta cũng phải tha thứ lỗi lầm cho nhau.

Muốn thuyết phục chúng ta tha thứ cho nhau Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn hai con nợ để minh hoạ cho chúng ta thấy rõ ràng chúng ta tha thứ cho người khác thì sẽ có lợi rất nhiều vì sẽ được Chúa tha thứ cho chúng ta nhiều hơn. Tính ra lỗi lầm của người ta xúc phạm đến chúng ta có là bao so với lỗi lầm chúng ta xúc phạm đến Chúa.

"… Thưa thầy, nếu anh em cứ xúc phạm đến con con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?". Phêrô muốn hỏi Chúa Giêsu phải xử trí như thế nào khi mình bị xúc phạm. Các Rápbi ngày xưa bảo là có thể tha tới ba lần … Phêrô đưa ra con số bảy vốn được tượng trưng cho sự hoàn hảo. Nhưng Chúa dạy phải tha đến "bảy mươi lần bảy", nghĩa là tha không giới hạn và không điều kiện nào. Chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta và Người không đòi hỏi chúng ta một điều kiện nào. Nhận biết tình thương của Chúa, tôi phải tha thứ cho anh em, những người lỗi phạm đến tôi để đáp trả tình thương của Chúa và xứng đáng làm con cái Chúa.

Cốt lõi của Tin Mừng là sự tha thứ, đây là tuyệt đỉnh của giáo huấn của Chúa Giêsu. Lời cầu xin tha thứ của Chúa Giêsu là bảo chứng của những lời Ngài rao giảng. Suy niệm về sự tha thứ, trước hết chúng ta phải hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của những cử chỉ tha thứ của Thiên Chúa và sự bắt đầu lại của con người. Mỗi một lần con người vấp ngã là mỗi lần Thiên Chúa thực thi lòng thương xót. Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy được sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ mặc hay trừng phạt, mà trái lại còn hứa ban ơn cứu rỗi. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa trải dài tình yêu nhẫn nhục tha thứ cho dân riêng của Ngài. Qua Chúa Giêsu, lòng tha thứ của Chúa Cha đã bộc bạch một cách trọn vẹn. Những trang cảm động nhất trong Tân Ước hẳn phải là những trang về lòng tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua lời nói, cử chỉ của Chúa Giêsu.

Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc chiến làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.

Nếu Thiên Chúa càng tỏ rõ vinh quang và sự cao cả của Ngài khi Ngài tha thứ thì con người càng nên giống Thiên Chúa khi biết tha thứ cho nhau. Chính vì thế mà Đức Giêsu đòi hỏi phải tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ đến vô cùng, lúc đó mới có thể nói “tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta”. Như thế, tha thứ được xem như đòi hỏi hàng đầu không phải đối với một số thành phần ưu tuyển mà là đối với mọi Kitô hữu.

Trong thực tế chúng ta đều có kinh nghiệm rằng tha thứ như thế không phải là chuyện dễ dàng: “Tôi sẵn lòng tha thứ, nhưng tôi sẽ không thể quên sự xúc phạm người đó đã làm cho tôi, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng người đó nữa.” Tha thứ như thế chưa phải là tha thứ thực sự, chưa phải là tha thứ như Chúa đã tha: xoá sạch cả tội lỗi lẫn hình phạt do tội gây ra và còn phục hồi cho con người địa vị và phẩm giá là người con của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con khó tha thứ cho người anh em đã xúc phạm đến con. Xin Chúa giúp con biết noi gương Chúa trên thập giá còn tha thứ cho kẻ đã đóng đinh mình.

Lạy Chúa Giêsu, lòng yêu thương, tha thứ thật tuyệt vời, cao đẹp làm sao? Chúng con sẽ hạnh phúc biết bao nếu chúng con biết mang trong mình khối tình rộng mở của Chúa. Xin Chúa là Đấng Tình Yêu biến đổi những hẹp hòi, ích kỷ của con người chúng con, để trở thành hoa trái của tình yêu mến. Amen.


GKGĐ Giáo phận Phú Cường

Suy niệm 2

  1. Chồng có được phép rẫy vợ không?
Một số người Pharisiêu đến hỏi Đức Giêsu: “chồng có được phép rẫy vợ không?” Ngày nay, cả hai vợ chồng đều được mời gọi chia sẻ bổn phận lo cho đời sống gia đình, tùy theo khả năng và hoàn cảnh; vì thế, câu hỏi này phải được nói lại như sau: vợ chồng có được phép bỏ nhau không? Bởi vì, ngày nay, người vợ cũng có thể chủ động bỏ chồng của mình!
Những người Pharisiêu hỏi như thế là để thử Đức Giê-su. Thử, nghĩa là đặt người khác vào trong một tình huống khó khăn, để xem người này có nói sai hay hành động sai hay không nhằm kết án. “Thử” ở đây tương đương với hành động giăng bẫy. Và câu hỏi của những người Pharisiêu thực sự là một cái bẫy chết người; thực vậy, nếu Ngài trả lời không được phép, Ngài sẽ nói ngược với Luật Môsê, mà Luật Mô-sê đến từ chính Thiên Chúa; nếu trả lời được phép, Ngài sẽ trở thành người đồng lõa với tệ nạn lạm dụng sự cho phép của Lề Luật để bỏ nhau, một cách vô trách nhiệm và gây hậu quả sâu rộng, trong thực tế.

  1. Sự Dữ và Lề Luật
Quả thật, có điều luật, được viết trong sách Đệ Nhị Luật, đòi buộc phải làm giấy li hôn, trong trường hợp li dị (x. Đnl 24, 1). Đặt vào bối cảnh lịch sử, thực ra, đó là một luật tiến bộ, đặc biệt theo hướng tôn trọng người phụ nữ: thay vì đuổi vợ bừa bãi, thì người chồng phải viết chứng thư, trao tận tay để nàng có thể làm lại cuộc đời. Nhưng Đức Giêsu, một cách thật bất ngờ, mặc khải cho người nghe thực trạng mà từ đó luật được ban hành, thực trạng mà Đức Giêsu gọi là “lòng chai dạ đá” của con người. Luật được ban, điều này có nghĩa là “cái xấu”, sự dữ đã có mặt. Chẳng hạn luật cấm giết người, điều này có nghĩa là người ta đã giết người trong thực tế! Điều này đúng cho mọi Lề luật, xưa cũng như nay, đời cũng như đạo.
Như thế, Lề Luật chỉ giới hạn và ngăn cản, như cái đê chắn sóng nước hung dữ, chứ không thể giải quyết tận căn sự dữ có trong lòng con người, gây tai hại cho đời sống con người, trong đó có đời sống hôn nhân và gia đình; hơn nữa, trong thực tế, chính khi nại đến Luật, để biết được phép hay không được phép, thì giao ước, tình yêu, lòng trung thành, tương quan hiệp nhất đang bị tổn thương và có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ. Khi nói đến Luật, thì sự dữ đã có đó rồi, tương tự như khi người ta thiết lập luật li dị hay nói đến luật li dị. Điều lạ lùng là khi có lề luật, cái xấu không bớt, nhưng lại càng sinh sôi (x. Rm 7, 7-13), như chúng ta thấy hiện nay trong mọi lĩnh vực, bởi vì tương quan tình yêu, tình bạn, tình đồng bào và đồng loại đã bị đỗ vỡ (hay nghiêm trọng hơn, không được xây dựng từ khởi đầu) ngay trong lòng con người.

  1. Trở về nguồn gốc: ơn sủng và tình yêu
Đức Giê-su quan tâm đến cái xấu đang có mặt trong lòng con người, và mời gọi chúng ta giải quyết tận căn bằng cách trở về với nguồn gốc.
  • Ở nguồn gốc, không có lề luật, chỉ có ơn sủng nhưng không tuyệt đối: người phụ nữ là một tuyệt tác của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, ban không cho người đàn ông; và ngược lại, người đàn ông, vốn là tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa, được ban không cho người phụ nữ. Người phụ nữ là tuyệt tác, vì được dựng nên từ xương thịt con người, vốn là tinh hoa của sáng tạo; trong khi đó, người đàn ông được dựng nên từ bùn đất. Vì thế, người phụ nữ được gọi là phái đẹp và tượng trưng cho sự dịu dàng.
  • Ở nguồn gốc, là tình yêu hai người dành cho nhau một cách quảng đại và nhưng không, cùng với lời cam kết thuộc về nhau vĩnh viễn, vì cả hai một cách tự do, trở nên “một xương một thịt”.
Nguồn gốc của sáng tạo là ơn sủng và tình yêu, và ở ngọn nguồn của mỗi đôi hôn nhân cũng như vậy, cũng là ơn sủng và tình yêu. Bởi vì người con trai hay người con gái đã làm gì cho người kia, mà người này lại tự nguyện thuộc về mình suốt đời, tự nguyện cho đi, trao vào tay người kia cuộc đời mình? Xóa bỏ hay quên đi tình yêu nhưng không ban đầu này, đời sống hôn nhân sẽ không còn nền móng, và sẽ mau chóng đổ vỡ. Bởi vì, đời sống hôn nhân không thể chỉ đặt nền tảng trên lề luật, cho phép hay không cho phép, nhưng đặt nền tảng trên ơn sủng, ơn sủng nhưng không của Thiên Chúa ban người kia cho mình, ơn sủng nhưng không của người này trao ban cho người kia; và từ đó phát sinh lời cam kết vĩnh viễn thuộc về nhau, cho dù cuộc đời bể dâu.
Vợ chồng chọn nhau, nhưng còn được mời gọi đón nhận nhau như quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, trong một Giao Ước được Thiên Chúa đóng ấn vĩnh viễn. Tình yêu và Giao Ước của Thiên Chúa mới là đá tảng vững bền cho đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, cảm xúc của chúng ta hay giao động và không ổn định.
Và ơn gọi dâng hiến cũng cò cùng một nền tảng: ở ngọn nguồn là ơn huệ sự sống, tái tạo sự sống và ơn gọi nhưng không Chúa ban, và chúng ta liều mình đáp lại vĩnh viễn và qua từng ngày sống, với lòng cảm mến, với tâm tình tạ ơn và ca tụng: “Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”.

* * *
Lời cam kết tình yêu của Thiên Chúa là Chân Lý, nghĩa là luôn luôn đúng. Lời cam kết của chúng ta, trong giao ước hôn nhân cũng như trong lời tuyên khấn, cũng được mời gọi trở nên “chân lí”, nghĩa là luôn luôn đúng, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc