“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”
(Mt 6,24)
Tiền bạc gắn liền với chất lượng và trở thành tiêu chuẩn để người ta chọn lựa. Học phí ngày càng cao khiến sinh viên nghèo gặp khó khăn, viện phí ngày càng tăng làm cho các bệnh nhân nghèo khốn đốn, bác sĩ nơi các bệnh viện công lương thấp, chuyển sang các nơi làm việc tư nhân lương cao với nhiều ưu đãi khác nhau, tiền bạc làm từ thiện không đến được “đúng chỗ” … Đó là thực tế đang diễn ra trong cuộc sống.
Người ta cần tiền. Tiền bạc bảo đảm cho nhu cầu vật chất và tinh thần. Dùng tiền bạc để mua nhà cửa, xe cộ, nhu yếu phẩm, … Dùng tiền bạc để chi trả cho các lần đi du lịch, vui chơi, giải trí… Dùng tiền để đóng học phí khi đi học, để trả chi phí khám chữa bệnh, để trả lương cho người lao động… Dùng tiền để xây nhà thờ, xây chùa, tổ chức các cuộc hội hè, đình đám, …
Có những người đã từ bỏ một cuộc sống tiện nghi, dính bén đến tiền bạc để trải nghiệm một cuộc sống không tiền bạc.
Mark Boyle, một người đã từng có cuộc sống thành đạt và tiện nghi, từ bỏ mọi thứ để bắt đầu một cuộc sống không tiền. Sau những năm tháng trải nghiệm, ông nói rằng con người ta bị lừa dối khi nghĩ rằng cuộc sống cần có tiền để ăn. Mặc dù đã làm lay động trái tim của hàng ngàn người, nhưng cuộc sống không tiền bạc đó cũng chỉ kéo dài được hơn chục năm.
Một cuộc sống không tiền bạc, dường như chỉ là một trải nghiệm trong một thời gian, để người ta biết điều chỉnh lại những nhu cầu của bản thân. Có lẽ khó ai có thể sống cả đời mà không liên quan đến tiền. Thử hỏi, nếu mọi người đều sống không tiền, liệu hành tinh này có phát triển hơn không?
Đồng tiền làm ra do chính mồ hôi, sức lao động của bản thân thật đáng quý. Khi phải vất vả làm ra đồng tiền, người ta mới quý trọng tiền bạc kiếm được.
Thế nhưng, có nhiều người đã sa ngã vì đồng tiền. Họ đã bất chấp thủ đoạn giành giựt, lừa đảo, trộm cắp, tham nhũng, nhận tiền hối lộ, … để kiếm tiền. Mối quan hệ trong gia đình bị rạn nứt chỉ vì tiền. Anh em trong cùng một gia đình cũng chỉ vì tiền mà giành giựt miếng đất này, căn nhà nọ. Vì tiền, người ta sẵn sàng chặt phá rừng, san lấp sông ngòi bừa bãi, khai thác gỗ quá mức, làm độc nguồn nước sông ngòi, biển cả, … Đồng tiền trở nên thật “dữ”.
Nhưng thực sự, không phải chính đồng tiền làm cho người ta ra sa ngã nhưng là yếu tố đằng sau đồng tiền. Đó là những nhu cầu không chính đáng để thỏa mãn cho lòng tham của con người. Người ta sa ngã vì những tham vọng đối với đồng tiền, dẫn đến những đam mê quá mức vượt quá nhu cầu và ảo tưởng về sự vật. Người ta nghĩ rằng phải có nhà cao, cửa rộng, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vật chất mới có được hạnh phúc.
Đồng tiền là phương tiện để con người trao đổi các giá trị tương đương, chứ không phải là mục đích. Người ta kiếm tiền để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Cuộc sống hạnh phúc hơn mới là cái mục đích, còn tiền bạc chỉ là phương tiện giúp người ta đến với hạnh phúc.
Nếu có tiền mà không có tình yêu, có tiền nhưng mất đi danh dự, có tiền nhưng mất đi tình bạn, có tiền nhưng lại gây đau khổ cho người khác. Vậy có tiền có ích chăng?
Có người đã nói rằng tiền bạc mua được tất cả chỉ trừ hạnh phúc. Quả thật, có tiền chưa chắc có hạnh phúc, nhưng để có hạnh phúc đôi khi cũng chẳng cần có tiền. Bởi vì có những hạnh phúc không do tiền mang đến được.
Đó là sự bình an khi thấy gia đình sum vầy, con cái nên người, là nỗi vui sướng khi thấy người ta yêu thương mỉm cười, là niềm hân hoan khi thấy có ai đó đang chờ, đang đợi.
Đó là sự ngại ngùng và e thẹn khi lần đầu cầm tay người yêu, là khi cùng anh em, bạn bè thương mến hát những bản tình ca bằng cây guitar cũ kỹ với giọng hát sai tông, lệch nhịp…
Những khoảnh khắc ấy không thể mua được bằng tiền vì hạnh phúc, niềm vui, bình an không phải là thứ để mua bán hay cho vay mượn mãi mãi được.
Người ta ghét và sợ đồng tiền bạc.
Làm thế nào mà không ghét được khi tiền bạc là nỗi lo toan của những bệnh nhân nghèo, là nỗi vất vả của anh chị em công nhân phải lao động tăng ca ngày đêm, ăn cơm chỉ dăm con cá với bó rau, tiết kiệm tiền gửi về quê cho gia đình.
Làm thế mà không sợ khi tiền bạc là nỗi bận tâm của người giàu khi cứ phải chăm lo cho khối tài sản có được, là nỗi băn khoăn khi không biết số tiền làm từ thiện có đến được với người đang thực sự cần.
Nhưng, người ta cũng yêu và quý tiền bạc. Bởi lẽ, tiền bạc là nhịp cầu bắc nối giữa người có tiền và không có tiền. Người có tiền cảm thấy hạnh phúc khi cho đi bằng sự quảng đại, nhờ đó cảm thấy lòng bình an và niềm vui. Người nghèo lại cảm nhận được niềm an ủi khi có được cái họ đang cần để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu. Một niềm vui giữa người với người do tiền bạc mang lại.
Người ta cần một số tiền đủ để có cuộc sống bình an và hạnh phúc. Nhưng bao nhiêu là đủ? Mười triệu, một trăm triệu, một tỉ, mười tỷ, một trăm tỷ?… Không có con số nào để có thể nói rằng số tiền như vậy là đủ vì nhu cầu của con người như một cái bị không đáy, cứ muốn nhét vào nhét vào thêm.
Đầy đủ là một cảm giác hơn là những con số. Người ta sẽ không thể cảm thấy sự đầy đủ bằng những con số, nhưng là đào sâu cảm giác bằng lòng với những thứ bản thân đang có mới đem đến sự đầy đủ thực sự.
Tiền bạc bị mất giá và mục nát theo thời gian. Người ta khi sống xài tiền đến lúc chết cũng về với tro bụi. Người có tiền hay không có tiền sau khi chết cũng trở về tro bụi. Thứ được mua bằng tiền cũng sẽ bị mất giá sau khi được mua.
Vì vậy, cuộc sống không chỉ dừng lại ở vấn đề tiền bạc. Làm chủ đồng tiền là “chỉnh sửa” những nhu cầu không chính đáng và chia sẻ cho những ai đang thực sự cần bằng tấm lòng yêu thương. Đó là cách thức làm cho tiền nên “hiền”.
Đức Thiện SJ.