ĐÁP LẠI LỜI MỜI CỦA CHÚA
“Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi hãy đi ra các ngả đường gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22,8-9)
Suy niệm: Nhiều người nhận định rằng việc “hành đạo” của nhiều tín hữu ngày nay đang trên đà giảm sút. Lý do là vì sống trong thời đại kinh tế thị trường được hỗ trợ bởi chủ nghĩa tự do thái quá và chủ nghĩa tiêu thụ, nhiều người tín hữu đang bị những điều hấp dẫn bên ngoài lôi kéo “ra khỏi nhà thờ”! Phải chăng điều này đúng với dụ ngôn mà Đức Giê-su đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay? Tiệc cưới cứu độ đã dọn sẵn, nhưng có quá nhiều chuyện “bên lề” -mà họ cho là “quan trọng hơn”- đã ngăn cản, đã kéo họ ra khỏi bàn tiệc này: kẻ đi thăm trại, người đi buôn…
Mời Bạn cùng chia sẻ nỗi niềm với chính Đức Ki-tô vì lời mời gọi của Ngài không được xem trọng, quan tâm đáp trả. Phải chăng chúng ta cũng đã từng từ khước lời mời của Chúa chỉ vì lòng còn vướng bận nỗi ham mê của cải, hay còn quyến luyến với đam mê nhục dục ích kỷ? Chúng ta phải là người trước tiên đáp lại lời mời gọi của Chúa để sống đúng vai trò ki-tô hữu của mình.
Chia sẻ: Hãy kiểm điểm lại xem trong cuộc sống của mình, bạn thường đưa lý do nào để từ khước lời mời gọi của Chúa Ki-tô sống theo Tin Mừng?
Sống Lời Chúa: Hằng ngày bạn hy sinh kiêng bớt một chi tiêu, một tiện nghi nào đó tuy được phép nhưng không thực sự cần thiết để tập đáp lại tiếng Chúa mời gọi trong mọi lúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và biết đáp trả lại bằng cách luôn biết can đảm để dám sống và thực thi những điều Chúa dạy trong đời sống của mỗi người chúng con. Amen.
Thánh Jeanne de Chantal (1572-1641)
|
Thật là một hôn nhân lạ đời! Ngay khi cô Jeanne về nhà chồng thì mới biết căn nhà ấy sắp sửa bị tịch thu. Chồng của cô, ông Christophe, không chỉ thừa hưởng chức nam tước mà còn làm chủ một đống nợ kếch sù.
Nhưng cô Jeanne không bước vào hôn nhân với hai bàn tay trắng. Cô còn đem theo một đức tin sâu đậm được khuôn đúc từ cha cô là người thảo luận đức tin với con cái hàng ngày và cho phép con cái đề cập đến bất cứ điều gì -- kể cả những điều mâu thuẫn. Cô còn có một tâm hồn từ bi mà bạn bè thường nói, "Ngay cả những chuyện khôi hài nhạt nhẽo cũng trở nên thú vị khi được cô kể lại."
Những đức tính này đã giúp cô Jeanne, người phụ nữ Pháp hai mươi tuổi, có đủ khả năng quản lý và trông coi mọi tài sản để thoát cảnh nợ nần và lại được sự quý mến của nhân viên. Bất kể những lo lắng về tài chánh, hai vợ chồng luôn luôn hoà thuận. Họ tận tụy cho nhau và có được bốn người con.
Một phương cách để bà Jeanne chia sẻ những ơn sủng của gia đình là chia sẻ thực phẩm cho những người nghèo đến xin ăn. Các người ăn xin sau khi nhận thực phẩm thường đi vòng sau nhà để xếp hàng xin ăn lần nữa. Khi được hỏi tại sao bà lại để những người này qua mặt như vậy, bà Jeanne trả lời, "Nếu Thiên Chúa cũng từ chối khi tôi trở lại với Ngài với cùng một lời cầu xin ấy thì sao ?"
Hạnh phúc gia đình bà vụn vỡ khi ông Christopher bị giết chết trong một tai nạn săn bắn. Trước khi từ trần, ông đã tha thứ cho người giết ông. Tuy nhiên, phải mất một thời gian thì bà Jeanne mới cho thể tha thứ được. Lúc đầu bà cố gắng chào hỏi người này khi gặp ở đường phố. Khi không thể thực hiện được điều đó, bà tìm cách mời họ đến nhà. Sau cùng bà đã có thể hoàn toàn tha thứ cho người này đến độ nhận làm mẹ đỡ đầu cho đứa con của họ.
Tất cả những khó khăn ấy như đã thúc giục bà tìm kiếm Thiên Chúa trong sự cầu nguyện và một đời sống tâm linh sâu đậm hơn. Lòng trông cậy Thiên Chúa của bà khiến Thánh Phanxicô de Sales phải kinh ngạc, ngài là giám mục, là cha linh hướng và cũng là một người bạn tốt của bà.
Với sự hỗ trợ của Đức Cha Phanxicô, bà Jeanne thành lập tu hội Thăm Viếng dành cho những người vì lý do sức khỏe hay tuổi tác đã bị các dòng khác hắt hủi. Bà tin rằng mọi người đều có cơ hội để sống ơn gọi của mình bất kể tình trạng sức khoẻ.
Thánh Vinhsơn Phaolô viết về bà như sau: "Bất kể những đau khổ của đời sống, khuôn mặt của bà không bao giờ mất vẻ bình an. Và bà luôn luôn trung thành với Thiên Chúa. Tôi coi bà như một trong những linh hồn thánh thiện nhất mà tôi đã từng gặp."
Bà từ trần ngày 13 tháng Mười Hai 1641. Hưởng thọ sáu mươi chín tuổi. Bà được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIII phong thánh năm 1767.
Ngài Là Sự Bình An Của Chúng Ta
Năm 1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng giao tranh với nhau.
Trong suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang Chile.
Không mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. �ể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng Chúa Giêsu.
Chính phủ Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi.
Sau khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: "Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân �ức Kitô". Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau: "Chính Ngài là sự bình an của chúng ta.
Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ tại đông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.
Hòa bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự "đạp đổ": chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở...
Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.