Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 2/8/2016

Filled under:

CANH TÂN ĐỜI SỐNG
Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước và đến với Chúa Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với.” (Mt 14,29-30)
Suy niệm: Có những cơn gió không chỉ làm xao động mặt hồ Ga-li-lê-a phẳng lặng, mà còn khiến cho người ngư phủ từng trải như Phê-rô phải cuống cuồng sợ hãi. Hãi sợ trước hiện tượng thiên nhiên là một điều dễ hiểu, nhưng bỗng dưng mất hết niềm tin vào Chúa là một điều khó hiểu. Phê-rô đang đi trên mặt nước đến với Chúa theo lời ông xin, thế mà phút chốc vì cơn gió, ông không còn vững mạnh, đôi chân ông rung lên theo nhịp sóng, lòng tin của ông cũng chao đảo “cuốn theo chiều gió”. Kinh nghiệm ngư trường không giúp được gì lúc này. Rất may, còn một “chiếc phao cứu sinh”, đó là chút lòng tin đủ để thốt lên với Chúa: “Thưa Ngài, xin cứu con”.
Mời Bạn: Kinh nghiệm của Phê-rô không cho phép một ai trong chúng ta tự hào rằng niềm tin của mình đã mạnh đủ hay mình đã “thâm niên” trong Đạo Chúa. Một số biến cố có thể hất tung niềm tin của chúng ta, làm sụp đổ những ngôi “nhà xây trên cát”. Vì thế, cần xây dựng một đời sống luôn gắn kết với Chúa đến mức trong mọi hoàn cảnh, kể cả nghịch cảnh, vẫn thốt lên được lời cầu nguyện đến Chúa như Phê-rô.
Chia sẻ: Chia sẻ kinh nghiệm vượt qua thử thách cam go khi sống đức tin.
Sống Lời Chúa: Ngoài giờ cố định gặp Chúa như Thánh Lễ, đọc kinh chung, bạn hướng lòng về Chúa trước mỗi công việc bạn sắp làm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho biết con kêu Tên Chúa hằng ngày, nhất là khi gặp cơn thử thách cam go. Như Phê-rô, con sợ hãi muôn điều bởi con không thấy Chúa. Lạy Chúa, xin cứu con.

Thánh Eusebius ở Vercelli
(283?-371)
Có người nói nếu không có lạc giáo Arian có lẽ thật khó để viết về cuộc đời của nhiều vị thánh tiên khởi. (Nguyên lý căn bản của lạc thuyết Arian là từ chối thiên tính của Đức Kitô và bởi đó, họ cũng từ chối thiên tính của Chúa Thánh Thần). Thánh Eusebius là một trong những vị bảo vệ Giáo Hội trong thời kỳ nhiều thử thách.

Sinh ở đảo Sardinia, ngài là một thành viên của giáo sĩ Rôma và là giám mục đầu tiên của Vercelli thuộc Piedmont. Ngài cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống đan viện với đời sống giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ trong giáo phận với sự tin tưởng rằng phương cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là để họ nhìn thấy các giáo sĩ được đào tạo trong một cộng đoàn nhân đức và sống động.

Ngài được Đức Giáo Hoàng Liberius sai đến gặp hoàng đế Constantius để thuyết phục nhà vua triệu tập một công đồng nhằm giải quyết các khó khăn giữa Công Giáo và Arian. Khi công đồng được triệu tập ở Milan, vì cảm thấy khối Arian đang thắng thế, mặc dù người Công Giáo đông hơn nên Đức Eusebius không đến tham dự, mãi cho đến khi chính nhà vua ép buộc.

Khi nhà vua yêu cầu mọi giám mục phải ký vào bản án để buộc tội Đức Athanasius -- là người cương quyết chống với lạc thuyết Arian -- Đức Eusebius đã từ chối; thay vào đó, ngài đặt Kinh Tin Kính lên bàn hội nghị và yêu cầu mọi người ký tên vào đó trước khi bàn đến các vấn đề khác. Nhà vua dùng áp lực với Đức Eusebius, nhưng ngài quả quyết rằng Đức Athanasius vô tội, và nhắc nhở hoàng đế rằng không thể dùng thế lực ngoài đời để ảnh hưởng đến các quyết định của Giáo Hội. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết ngài, nhưng sau đó lưu đầy ngài đến Palestine. Ở đây, phe Arian kéo ngài lê lết trên đường phố và giam ngài trong một căn phòng nhỏ, và sau bốn ngày ngài tuyệt thực để phản đối họ mới thả ngài ra, nhưng được một ít lâu, họ lại tiếp tục hành hạ ngài.

Đức Eusebius phải tiếp tục cuộc sống lưu đầy ở Tiểu Á và Ai Cập, cho đến khi tân hoàng đế cho phép ngài trở lại giáo phận ở Vercelli. Ngài tham dự Công Đồng Alexandria với Đức Athanasius và chấp thuận khoan hồng cho các giám mục trước đây theo phe Arian. Ngài còn cộng tác với Thánh Hilary ở Poitiers để chống với lạc giáo Arian.

Lời Trích
"Để việc chăm sóc các linh hồn có hiệu quả, các linh mục được yêu cầu sống chung trong một cộng đoàn, nhất là những ai sinh hoạt trong cùng một giáo xứ. Nếp sống này không những khích lệ giáo dân hoạt động tông đồ, mà còn là một gương mẫu của lòng bác ái và sự hiệp nhất cho người tín hữu" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 30).

Nghệ Thuật Làm Lửa

Thời xa xưa, tìm được cách làm ra lửa là cả một phát minh vĩ đạõ.
Có một nhà phát minh nọ, sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc này sang bộ lạc khác để quảng bá phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu phương pháp của ông mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng con người quảng đại này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội.
Cũng giống như những bộ lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm ra lửa cũng hồ hởi đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ lòng ghen tức, họ âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi mưu sát ông, để đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của ông và đặt trên bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính nhắc đến như một đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được các tư tế cho đặt vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy lòng tin mà chạm đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị Thượng tế của bộ lạc cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát minh ra lửa.
Ðể đảm bảo tính cách tinh ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế ra vạ tuyệt thông hoặc tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải thích của họ. Dân chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lưòi giải thích của các vị tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa.
Câu chuyện ngụ ngôn trên đây đã được một vị linh đạo nổi tiếng của Ấn Ðộ là linh mục Anthony De Mello ghi lại trong các câu chuyện có nội dung giáo lý của cha.
Người tín hữu Kitô chúng ta có lẽ cũng không thoát khỏi khuynh hướng ấy. Chúng ta dễ bị cám dỗ nhìn vào đạo của chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những nghi thức, của những điều phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của đạo chúng ta chính là tình yêu.
Quên đi cốt lõi của Tin Mừng là Yêu Thương, chúng ta cũng loại bỏ chính Chúa Kitô ra khỏi cuộc sống của chúng ta.