NÓI LỜI CỦA CHÚA KI-TÔ
Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” (Mc 6,22)
Suy niệm: Vì một câu nói giữa ngất ngây cuộc vui, Hê-rô-đê đã giết chết người mình nể trọng. Kẻ nói lời chân lý bị giết chết bởi kẻ tưởng rằng mình có chân lý. Giá như hôm nay Hê-rô-đê có được cái đắn đo “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì thảm kịch có lẽ đã không xảy ra. “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”, cùng câu nói này, đặt trên môi miệng của Chúa Giê-su thì phúc cho mọi nhà, nhưng đặt trên môi miệng của Hê-rô-đê thì hoạ cho muôn dân. Lời nói phát xuất từ một tâm hồn ích kỷ, hưởng thụ đem lại chia rẽ, chết chóc. Trái lại, Lời Chúa Giêsu xuất phát từ tình yêu, được thúc đẩy bởi Thánh Thần, là Lời đem lại sự sống đời đời.
Mời Bạn: Đã bao lần chúng ta có những lời nói tưởng như nói cho vui miệng, vô thưởng vô phạt, lại trở thành hung khí giết chết những tâm hồn nhiệt huyết, cắt đứt tình bạn, phân ly tình nghĩa vợ chồng! Đã bao lần, do thiếu đắn đo suy nghĩ, do nóng giận mất khôn, chúng ta đã có những câu nói giết chết danh dự và nhân cách của nhau!
Chia sẻ về lời của thánh Giacôbê: “Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng cái lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa… Thưa anh em, như vậy thì không được” (Gc 3,9-10).
Sống Lời Chúa: Trước khi phát ngôn dừng lại một giây lát để tự nhắc nhở mình biết nói những lời xây dựng tình yêu thương hiệp nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “con người sống là vinh quang của Thiên Chúa” (Th. I-rê-nê). Xin cho chúng con biết nói và hành động xứng với phẩm giá con người để vinh quang Chúa được tỏ rạng.
Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Chém Đầu
|
Lời thề khi say sưa của một vị vua coi thường danh dự, một điệu vũ mê hoặc và một con tim hận thù của hoàng hậu đã đưa đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Vị ngôn sứ vĩ đại nhất đã chịu chung số phận như nhiều ngôn sứ khác trong Cựu Ước: bị tẩy chay và tử đạo. "Tiếng kêu trong sa mạc" không ngần ngại lên án kẻ có tội, và dám nói lên sự thật. Tại sao ngài làm như vậy? Ngài được gì khi hy sinh mạng sống mình?
Nhà cải cách tôn giáo này đã được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị dân chúng đón nhận Đấng Thiên Sai. Ơn gọi của ngài là một hy sinh cách vị tha. Chỉ có một quyền năng mà ngài công bố là Thần Khí Thiên Chúa. "Tôi làm phép rửa cho các người với nước để giục lòng sám hối, nhưng Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các ngươi trong Thánh Thần và lửa" (Mátthêu 3:11). Phúc Âm kể cho chúng ta biết có nhiều người theo Gioan để tìm kiếm hy vọng, có lẽ vì nóng lòng chờ đợi Đấng Thiên Sai. Gioan không bao giờ tự nhận cho mình cái vinh dự giả dối khi dân chúng tuốn đến với ngài. Ngài biết ơn gọi của mình là sự chuẩn bị. Khi đã đến lúc, ngài dẫn các môn đệ đến với Chúa Giêsu: "Hôm sau, ông Gioan lại có mặt ở đó với hai môn đệ của ông và khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông nói: 'Đây là Chiên Thiên Chúa.' Hai môn đệ nghe nói, liền đi theo Đức Giêsu" (Gioan 1:35-37)
Chính Gioan Tẩy Giả là người đã chỉ đường đến Đức Kitộ Đời sống và cái chết của Gioan là để hy sinh cho Thiên Chúa và loài người. Lối sống đơn giản của ngài thực sự là lối sống tách biệt khỏi vật chất thế gian. Tâm hồn của ngài đặt trọng tâm ở Thiên Chúa và lời mời gọi ngài nghe được từ Thần Khí Thiên Chúa đã đánh động tâm hồn ngài. Tin tưởng ở ơn Chúa, ngài đã can đảm nói những lời kết tội hoặc kêu gọi sám hối, vì sự cứu độ.
Lời Bàn
Mỗi người đều có một ơn gọi mà họ phải lắng nghe. Không ai có thể lập lại sứ vụ của Thánh Gioan, và tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến một sứ vụ riêng biệt. Đó là vai trò làm chứng nhân cho Đức Giêsu của mỗi một Kitô Hữu. Bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống, chúng ta được mời gọi để trở nên môn đệ của Đức Kitô. Qua hành động và lời nói, người khác sẽ nhận thấy chúng ta đang sống trong niềm vui khi tin nhận Đức Giêsu là Chúa chúng ta. Chúng ta không bị gò bó bởi sức mạnh hạn hẹp của chính chúng ta, nhưng chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh từ ơn cứu độ bao la của Đức Kitô.
Lời Trích
"Họ đến gặp Gioan và nói: 'Thưa thầy, người đã ở với thầy bên kia sông Giođan, và được thầy chứng thực, bây giờ ông ấy đang làm phép rửa, và mọi người đều đến với ông ấy." Gioan trả lời: 'Không ai có thể nhận được gì mà không do trời ban. Chính anh em làm chứng là tôi đã nói: tôi không phải là Đấng Thiên Sai, mà chỉ là kẻ được sai đến trước Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; người phù rể đứng ở đó thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng rể. Như vậy niềm vui của tôi đã được trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Gioan 3:26-30).
Cái Chết Của Một Tiên Tri
Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối.
Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.
Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối.
Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.
Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi.