Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Đấu tranh với Tự đại

Filled under:


Chúng ta sống trong một thế giới nơi mọi thứ quá kích động sự tự đại của chúng ta, trong khi đó lại ngày càng ít công cụ để đương cự với nó.
Facing the Dragon
Vài năm về trước, Robert L. Moore đã viết một quyển sách rất ý nghĩa, với tựa đề Đối diện Con Rồng [Facing the Dragon]. Moore tin rằng con rồng đe dọa chúng ta nhất, chính là con rồng của sự tự đại trong chúng ta, nó khuấy động nội tâm chúng ta khiến chúng ta tin rằng mình đặc biệt phi thường và mang số mệnh cao cả. Tình trạng này bủa vây tất cả chúng ta. Nói đơn giản, mỗi người chúng ta, mỗi một trong bảy tỷ người trên trái đất, không thể nào không cảm thấy mình là trung tâm của vũ trụ. Và bởi điều này gần như vô thức, đồng thời chúng ta lại thiếu khí cụ để giải quyết nó, nên nó gây ra một tình trạng đáng lo sợ. Tự đại không phải là công thức cho hòa bình và hòa hợp, mà là cho ghen tương và xung đột.
Mà tình trạng này không phải lỗi của chúng ta, và tự nó cũng không phải là là một khiếm khuyết đạo đức trong bản tính của chúng ta. Sự tự đại của chúng ta phát xuất từ cách Thiên Chúa tạo thành chúng ta. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Đây là chân lý giáo điều căn bản nhất trong nhận thức Do Thái- Kitô giáo về nhân thể. Tuy nhiên, không thể hiểu nó theo kiểu đơn giản hóa, như kiểu một biểu tượng đẹp đẽ được đóng dấu vào linh hồn chúng ta. Đúng hơn, cần phải hiểu thế này: Thiên Chúa là lửa, lửa bất diệt, một sinh lực không ngừng tìm kiểm để ôm trọn và thổi bùng mọi tạo vật. Và ngọn lửa đó có trong chúng ta, khơi lên trong chúng ta những cảm thức thần linh, một trực giác rằng chúng ta cũng có sinh lực thần thiêng, và cũng là một áp lực muốn trở nên đặc biệt phi thường và đạt được một sự cao cả nào đó.
Có thể nói, được tạo thành theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, nghĩa là có một con chíp thần thiêng bên trong chúng ta. Nó thiết lập cho chúng ta phẩm giá cao cả nhất nhưng cùng tạo nên những vấn đề lớn lao nhất. Sự vô hạn không nằm yên trong cái hữu hạn. Bởi có sinh lực thần thiêng bên trong, nên chúng ta không dễ bình yên trong thế giới này, những khao khát và mong mỏi của chúng ta quá vĩ đại. Chúng ta không chỉ sống trong sự bất an triền miên mà thánh Augustino đã nêu bật trong châm ngôn lừng danh: ‘Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.’ Mà sự tự đại bẩm tại này còn khiến chúng ta không ngừng nuôi dưỡng một niềm tin rằng chúng ta đặc biệt, có định mệnh độc nhất vô nhị, và được sinh ra để nổi trội, được công nhận, được biết đến với những sự phi thường của mình.
Và do đó tất cả chúng ta đều được một mã gene thần thiêng điều hướng để, có thể nói là tạo lập một tuyên bố trong đời, tạo lập sự bất tử cho riêng mình, và tạo lập một giả tượng phi thường mà thế giới phải để mắt đến. Đây không phải là một khái niệm trừu tượng, nó tuyệt đối thực tế. Chúng ta có thể thấy bằng chứng cho chuyện này trên mọi bản tin, trong mọi vụ đánh bom, trong mọi mưu đồ xấu xa táo tợn, và trong mọi tình huống khi ai đó muốn mình nổi trội. Chúng ta cũng thấy nó trong sự đói khát danh vọng, trong khát khao được nổi tiếng, và trong nhu cầu muốn được nhìn nhận là độc nhất vô nhị và đặc biệt.
Nhưng sự tự đại này, tự nó không phải là lỗi lầm của chúng ta, và cũng không nhất thiết là một khiếm khuyết đạo đức. Nó đến từ cách chúng ta chúng ta được tạo thành, thật nghịch lý thay, nó đến từ những gì cao cả và tốt đẹp nhất trong chúng ta. Vấn đề là, ngày nay, chúng ta thường không có khí cụ để vận dụng nó sao cho sinh sôi những điều tốt đẹp. Vì nhiều lý do, chúng ta ngày càng sống trong một thế giới kích động quá đáng sự tự đại của mình, ngay cả khi chúng ta không nhận ra tình trạng này và nhất là khi chúng ta ngày càng ít công cụ tôn giáo và tâm lý để xử lý nó. Những công cụ này là gì?
Về tâm lý, chúng ta cần những hình ảnh con người cho phép mình hiểu bản thân một cách lành mạnh, nhưng cũng bao gồm cả việc chấp nhận những giới hạn, những nản lòng, sự vô danh của chúng ta, và cả việc cuộc sống chúng ta phải dành không gian cho cuộc sống người khác nữa. Về mặt tâm lý, chúng ta phải có những công cụ để hiểu cuộc đời mình, thừa nhận rằng mình đặc biệt và độc nhất vô nhị, nhưng vẫn là một trong số hàng tỷ cuộc đời đặc biệt và độc nhất vô nhị khác.  Về mặt tâm lý, chúng ta cần những công cụ tốt hơn để vận dụng sự tự đại của mình.
Về tôn giáo, đức tin và giáo hội chúng ta cần phải đem lại một nhận thức về nhân thể sao cho chúng ta có thấu suốt và khuôn khổ để có thể sống sự độc nhất vô nhị và đặc biệt của mình, trong khi biết bình an với tinh thần, những giới hạn, những thất bại, sự vô danh, và dành không gian cho sự độc nhất vô nhị và đặc biệt của cuộc đời người khác.  Về căn bản, tôn giáo phải cho chúng ta những công cụ để nắm bắt cách lành mạnh ngọn lửa thiêng bên trong bản thân mình, và hành động lành mạnh với những tài năng và thiên tư mà Chúa ban cho chúng ta, nhưng là trong khuôn khổ đi kèm để nhận thức khiêm nhượng rằng những thiên tư này không phải của chúng ta, mà là của Chúa, và tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta đạt được đều là ơn Chúa. Chỉ khi đó, chúng ta mới không gục ngã vì thất bại và tự đắc vì thành công
Robert Lax cho rằng, bổn phận trong đời không phải là tìm được lối mòn trong khu rừng, cho bằng tìm một nhịp điệu để bước đi.


J.B. Thái Hòa chuyển dịch