Trong một thế giới đang chạy theo khoái lạc, lợi nhuận và sở hữu không ngừng mà nói đến phục vụ trong tinh thần từ bỏ thì quả là xa xôi, không tưởng. Chẳng ai muốn làm chuyện gì cho người khác mà không có lợi lộc. Trong một nếp sống văn minh vật chất, người ta lại càng muốn hưởng thụ mà ít ai thật sự muốn phục vụ. Ngoài ra, chẳng ai muốn phục vụ mà không được nêu cao danh tánh, chẳng ai muốn hy sinh mà không được nổi nang danh phận. Lối sống này cũng đã thấm nhiễm vào đời sống của mọi thành phần trong Giáo hội: từ bỏ thì ít mà chiếm giữ thì nhiều; hy sinh thì nhỏ mà đòi hỏi thì lớn; nói thì dạy dỗ đủ mọi điều mà làm và sống điều mình nói thì chẳng có bao nhiêu; điều gì dễ dàng thoải mái thì tha thiết đón nhận, còn điều gì khó khăn nặng nề thì tìm cách cho đi; điều gì thoả thích thì vui hưởng, còn điều gì không ổn và bất lợi thì phản kháng hoặc dồn trách nhiệm cho người khác. Quả như điều Chúa Giêsu đã nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4).
Thật ra ngay trên con đường thành đạt để hưởng thụ hay sở hữu danh vọng chóng qua, người ta cũng đã phải từ bỏ rất nhiều. Động lực từ bỏ khác nhau nên giá trị đời sống cũng khác nhau. Đối với chúng ta, từ bỏ là điều kiện để bước theo Đức Giêsu trên con đường hiến thân phục vụ Nước Trời. Chính tinh thần từ bỏ của Chúa Giêsu là nguyên tắc mô phạm, là dấu chỉ cao vượt có sức thuyết phục nhất của lòng nhân hậu Thiên Chúa. Trước tiên, từ bỏ cũng là qui luật phát triển cuộc sống.
1. Từ bỏ là qui luật phát triển cuộc sống
Từ bỏ vừa là qui luật vừa là điều kiện nhất thiết để phát sinh và triển nở cuộc sống. Con nhộng không thể thành bướm nếu không rời bỏ cái kén. Thai nhi không thể thành người nếu ở mãi trong bụng mẹ; đứa bé không thể trưởng thành nếu không bỏ lại cái nôi êm ấm. Để thành công hay thành đạt ở đời, người ta cũng phải từ bỏ nhiều thú vui, lợi lộc, và có khi phải bỏ mạng trước gian nan thử thách.
Từ bỏ là nét đẹp của một tính cách. Có biết bao điều hèn kém và xấu xa đòi hỏi ta phải từ bỏ để làm đẹp tính cách của mình. Ngay cả những điều tốt cũng phải từ bỏ để chọn một điều tốt hơn. Có nhiều người không có can đảm từ bỏ nên suốt đời bị giằng co, ray rứt. Trong sự phục vụ, tinh thần từ bỏ phải là một chứng tích đương nhiên của một con người có tinh thần trách nhiệm, liên đới và tổ chức.
Từ bỏ là nét đẹp của đời sống tinh thần, nhưng thường làm ta phải ngần ngại và luyến tiếc, cảm thấy mình bị mất mát và nhiều khi bị thương tổn. Sự cắt tỉa nào mà không gây đau đớn, xót xa, nhưng đó là điều cần thiết để cây đời sinh hoa kết trái. Khi một phiến đá thấy mình trở thành một tác phẩm nghệ thuật, lúc đó nó mới biết ca ngợi sự đau khổ mà người thợ điêu khắc đã đục đẽo nó qua bao ngày. Cũng vậy, khi thấy mình trở nên một con người thành toàn hơn về mọi phương diện, ta mới biết yêu chuộng sự từ bỏ mà Đấng tác tạo đã làm nên. Chính sự từ bỏ sẽ giải thoát ta khỏi những gì đang kìm hãm chính mình, những gì làm giảm bớt cơ hội vươn tới, những gì làm tê liệt sự phát triển nhân tính, để còn mở ra cho ta một chiều kích siêu việt, linh thánh, “cùng thần tri hóa”.
Từ bỏ là thái độ cao thượng để đem lại an vui cho đời, nhưng xem ra cứ mãi là điều khó, vì khi phục vụ chúng ta vẫn ham muốn một địa vị, một chức vụ. Khi phục vụ, chúng ta vẫn muốn thấy mình sáng giá hơn người khác, và có khi không ngần ngại dẫm lên sự phục vụ của người khác. Về việc tranh giành ảnh hưởng trong việc phục vụ, Đức Cha Bùi Tuần có lần đã viết lên cảm nhận của Ngài như sau: “Tôi thấy trên bàn thờ dâng lễ có một cây nến cháy đứng bên một chậu ba bông hồng đẹp. Đầu lễ 3 bông hồng còn rất tươi. Cuối lễ những bông hồng này rủ xuống thê thảm. Lý do là vì chúng bị cây nến đứng quá gần tạt hơi nóng sang. Thấy thế tôi thầm nghĩ thay cho bông hồng: Bạn cũng như chúng tôi đều phục vụ cả, thế thì tại sao bạn lại đốt chúng tôi. Phục vụ kiểu này có lợi cho bạn, nhưng chúng tôi thiệt hại lớn. Chúa thấy chúng tôi bị bạn huỷ hoại như thế này chắc Chúa chẳng vui gì. Từ hình ảnh trên tôi nghĩ đến Lời Chúa: “Ta thích lòng nhân hậu chứ không phải hy lễ”.
Thiếu cảnh giác, phục vụ dễ trở thành bình phong để ta nêu cao bản thân mình, nhất là đôi khi có cảm tưởng mình hy sinh và đóng góp nhiều hơn những người khác. Lúc đó ta dễ bị cám dỗ để khoa trương, như một cách bù trừ hay lấy lại những gì mình đã mất. Thiếu tinh thần từ bỏ, ta rơi vào thái độ “biệt phái” mà Chúa Giêsu từng cảnh giác các các môn đệ (x. Mt 16, 6).
2. Từ bỏ những gì mình có
Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày. Điều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy có. Điều đã bỏ từ lâu, nay lại dính bén. Chính vì vậy, từ bỏ phải là thái độ nội tâm liên tục. Tình yêu không thể chỉ nửa vời hay chỉ trong những lúc hứng khởi, nhưng là trọn vẹn và trung kiên cho đến cùng, và chỉ như vậy ta mới có thể dấn thân phục vụ cách triệt để mà không còn đặt nặng bản thân mình.
Ai cũng thích ngồi lại để hưởng thụ những gì mình đã làm nên, thích ở lại trong những thành công mình đã làm được, thích ẩn náu trong những tình cảm mình đã làm thành. Đó là tâm lý chung, nhưng rồi những điều đó sẽ dần dần biến chúng ta thành những con người tầm thường, mất đi tính cách phục vụ chân chính, chỉ lo tìm mình chứ không còn thao thức tìm Chúa. Điều đáng sợ nhất là ngày càng dính bén và bám níu vào cuộc sống này.
Khi bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia sau phép lạ hóa bánh (Mt 14, 22-27), Chúa Giêsu rõ ràng muốn tránh cho các môn đệ khỏi mọi dính bén mùi thế tục, và khỏi mọi lôi cuốn tình cảm của người đời. Ngài cũng từng xác định mạnh mẽ: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." (Lc 9, 62). Chỉ có tinh thần từ bỏ không ngừng mới giúp chúng ta cảnh giác những cạm bẫy liên tục trên con đường phục vụ. Cũng chỉ có tinh thần từ bỏ mới giúp chúng ta có tự do thực sự để sống sứ vụ của mình cách thanh thoát và an vui.
3. Từ bỏ tới mức độc cuối cùng
Đừng cho mình là khôn ngoan để rồi từ chối không muốn tiến xa hơn nữa trên con đường từ bỏ. Muốn dành phần riêng cho mình để khỏi mất hết, là một tính toán sai lầm, vì “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 33).
R. Tagore cũng đã ngộ ra tính chất sâu xa của sự từ bỏ qua dụ ngôn người hành khất gặp Đức Vua [1]: Khi xe Vua ngừng, người hành khất thầm nhủ duyên may đã đến, tưởng rằng Vua sẽ thương ban vàng bạc, nào ngờ Vua lại chìa tay xin: “Có gì cho Ta không?”.
Người hành khất bối rối, lưỡng lự một hồi rồi móc ra từ trong bị một hạt lúa rất nhỏ bé dâng cho Vua. Khi chiều về và ngày đã tàn, anh ta giốc túi ăn xin ra, thì lạ thay có một hạt lúa vàng cũng rất nhỏ bé. Nghẹn ngào anh ta khóc nức nở :“Phải chi tôi dâng hết cho Người”.
Với xác tín thâm sâu đó, Tagore mới dâng lời nguyện ước: “Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi, đến với Người trong mọi thứ mọi điều, và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi chẳng bao giờ lẫn tránh được Người...”[2]
4. Từ bỏ chính mình
Trong sự dấn thân phục vụ, chúng ta dễ bị cám dỗ đặt mình làm trung tâm, lấy mình làm tiêu chuẩn. Do đó từ bỏ những gì mình có thì còn tương đối dễ, mà từ bỏ chính chính mình thì quả là hết sức khó khăn. Từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi của mình thì còn được, nhưng từ bỏ chính bản thân mình để dám chịu quên lãng, chịu coi thường, chịu nhục, chịu khổ, chịu thóa mạ, chịu chết... thì chỉ có những ai có một tình yêu sâu thẳm như Đức Kitô mới dám sống đời phục vụ.
Trong sự từ bỏ chính mình, người ta có cảm tưởng đánh mất chính mình. Thật ra đó chỉ là ảo tưởng, vì chúng ta chẳng có gì để mất. Từ bỏ trước tiên là xoá bỏ ảo tưởng đó, bởi vì chẳng có gì trong cuộc sống này thuộc về chúng ta, mà tất cả đều thuộc về Chúa. Chúng ta từ bỏ ảo tưởng về bản thân mình, chứ không từ bỏ sự sống linh thiêng của Chúa ban cho mình.
Từ bỏ có nghĩa là dâng hiến lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài mà chúng ta cứ ngỡ là thuộc về mình, mà vì vô tình hay cố ý chúng ta đã xâm chiếm một cách bất chính. Nếu trong sự phục vụ có mất gì đi chăng nữa thì cũng là để được lại một sự sống đích thực, dồi dào và sung mãn hơn.
Từ bỏ chính mình là cách diễn tả một tình yêu tột bậc, để sống tận tình và thuộc trọn về người mình yêu. Cần chìm sâu trong cầu nguyện không ngừng để có thể gặp gỡ và sống thân tình với Đức Kitô là chính Đấng phục vụ. Nơi Ngài sự phục vụ của chúng ta được thanh luyện để trở nên trong sáng, được thánh hoá để trở nên cao cả, được chúc phúc để trở nên ơn lành cho tha nhân.
5. Niềm vui phục vụ trong tinh thần từ bỏ
Theo lẽ tự nhiên, ai cũng mong muốn cho mình có được cuộc sống thành đạt, sung sướng, an nhàn. Nhưng rồi cuộc đời này không phải là nơi để an hưởng, mà là nơi để phục vụ. Chỉ sau một cuộc đời phục vụ hết mình ta mới được Chúa cho vào chốn hoan lạc muôn đời. Tuy nhiên ngay trong phục vụ đã có phần nào sự hoan lạc đó, như R. Tagore đã cảm nghiệm: “Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời là hoan lạc. Khi thức dậy, tôi thấy cuộc đời là phục vụ, và rồi khi tôi phục vụ, tôi đã khám phá thấy phục vụ chính là hoan lạc”.
Thật vậy, phục vụ là niềm vui, và còn là vinh hạnh của mỗi người chúng ta vì được góp phần với Chúa vào cuộc sống này. Cái buồn khổ nhất là thấy mình không còn được phục vụ nữa hoặc không còn khả năng để phục vụ. Tuy nhiên sự phục vụ không chỉ hệ tại ở hành động hay hoạt động nhưng trước tiên là ở chính tâm thế của mình: một tâm thế yêu thương. Bởi vậy, có những người bệnh tật, liệt lào, không còn làm gì được nhưng sự hiện diện của họ vẫn đem lại niềm vui, an ủi, khích lệ cho ta, nhất là mẫu gương của họ về lòng trung thành và yêu mến.
Ai cũng cần một chỗ để phục vụ trong Giáo Hội, nhưng tiếc thay, chỗ phục vụ đó ngày càng bị tục hóa, đó là chỗ danh vọng, chỗ quyền hành, chỗ bề trên, mà còn là nhữngbề trên thượng cấp. Người ta thích dùng những danh xưng kịch cợm để tuyên xưng bản thân mình. Danh Thiên Chúa trở nên bình phong và phương tiện để danh con người được rạng sáng. Mọi lễ lạc được tổ chức rầm rang xem ra vì vinh danh của những cá nhân nào đó chứ không phải vì vinh danh Chúa. Đó là chưa nói đến những thảm trạng trong đời sống Giáo Hội từ xưa đến nay không ngớt những phe nhóm, vây cánh, tranh giành ảnh hưởng và chức vị, đấu đá lẫn nhau dưới nhiều hình thức, và vẫn có những kẻ tìm mọi cách thăng quan tiến chức, y như ở đời…
Cũng may trong Giáo Hội vẫn luôn có những người sống âm thầm trong tinh thần từ bỏ, vẫn còn những cộng đoàn thánh thiện, vẫn không thiếu những thánh nhân, nên Thiên Chúa chưa bị biến thành ngẫu tượng do tham vọng và ước muốn thống trị của con người. Thật ra, mỗi người chúng ta cũng cần một chỗ để phục vụ, quan trọng không phải chỗ cao hay thấp, trên hay dưới, lớn hay nhỏ, mà là một chỗ thật gần với trái tim Chúa, trong trái tim Chúa. Chính trong trái tim Chúa mà ta không cần chỗ nào khác, để phục vụ với niềm vui sâu xa.
Trong tinh thần từ bỏ, thánh Phaolô khuyên ta “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta” (Ep 6, 7). Khi phục vụ tha nhân trong tinh thần đó ta thấy tâm trí mình thoát khỏi tính ích kỷ. Và rồi bình an đổ đầy lòng ta, thấy mình không cần phải tìm những gì lớn lao khác, cũng chẳng phải tranh giành ảnh hưởng với ai. Sự phục vụ nào cũng đòi ta xả kỷ, đừng tìm kiếm hay cầu mong điều gì cho mình, đừng nghi kỵ hay loại trừ sự phục vụ của người khác, mà trái lại còn cộng tác cho sự thành công của họ. Đó mới là sự phục vụ chân chính và thánh thiện như Đức Kitô.
6. Chúa Giêsu: gương mẫu tự hủy để phục vụ (Pl 2,6-12)
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…”
Đức Giêsu không chỉ cởi bỏ chiếc áo vinh quang để mặc lấy tấm thân nô lệ của chúng ta, nhưng còn sống kiếp nô lệ, làm công việc của kẻ nô lệ. Nhờ liên đới tính, việc tự hạ của Đức Kitô có một năng động lực kì diệu trong kế hoạch của Thiên Chúa. Tác động của Đức Kitô tiến hành theo kiểu nghịch lý: Người trở thành nghèo khó để làm cho ta nên giàu có; Người trở thành yếu đuối để cho chúng ta sức mạnh; Ngài trở thành điên rồ để cho chúng ta được khôn ngoan,… Tóm lại, Đức Giêsu đã tự hủy hoàn toàn. Người đã tự hủy mình ra không để nên tất cả cho mọi người. Từ một vị Thiên Chúa, Người tự hủy để trở nên một con người; rồi từ một con người, Người lại tự hủy để chết cho tội lỗi của con người; và nơi Bí Tích Thánh Thể, Người lại tự hủy một lần nữa để nên lương thực trường sinh cho con người. Tình yêu phục vụ của Đức Kitô quả thật vô biên đối với nhân loại chúng ta.
Là những người được kêu gọi tiếp nối sự phục vụ cứu độ của Đức Giêsu, chúng ta cũng tiếp nối tính cách “tự hủy” của Người trong suốt cuộc đời mình. Một sự phục vụ đích thực không thể phục vụ từ trên, nhưng là sự phục vụ từ dưới, như một người tôi tớ. Vì thế:
- Đừng quan trọng hóa bản thân mình, đừng coi mình hơn người khác hoặc muốn ngang hàng với người khác, “đừng cho mình là khôn ngoan”, “đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn” (Rm 12, 16). Hãy tập sống âm thầm, quên mình, nhận lấy thân phận thấp hèn, “coi người khác trọng hơn mình”. Từ bỏ như vậy không làm mình giảm giá, nhưng là trở nên sáng giá theo ước muốn của Đức Kitô.
- Chỉ khi ta hạ mình xuống, người khác mới được nâng lên; chỉ khi ta chịu nhỏ xuống, người khác mới có thể lớn lên; chỉ khi ta thành người nghèo khó, người khác mới trở nên giàu có; chỉ khi ta chấp nhận bị khinh khi, người khác mới được tôn trọng; chỉ khi ta chịu kém cỏi, người khác mới được khôn ngoan... Nếu không như thế, thì tất cả những điều trên sẽ bị đảo ngược lại, và đời phục vụ của ta sẽ là một thất bại, vì không đi vào con đường tự hủy của Đức Kitô.
Sự phục vụ của chúng ta có giá trị vĩnh cửu vì mang dấu ấn của Đức Kitô là tinh thần từ bỏ, vì nhằm qui hướng về vinh danh Thiên Chúa và ích lợi phần rỗi các linh hồn. An vui biết bao khi ta ra khỏi bản thân mình, không còn loay hoay và quanh quẩn với chính mình. Tuy nhiên, đây vẫn là trận chiến cam go mà ta phải vượt qua từng ngày trong sự gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, Đấng chuyển thông cho ta chính tinh thần của Người.
Lời nguyện
Lạy Chúa! trên con đường thành đạt đời này,
người ta cũng phải từ bỏ rất nhiều, huống chi thành đạt đời sau.
người ta cũng phải từ bỏ rất nhiều, huống chi thành đạt đời sau.
Trên phương diện tinh thần, có biết bao điều hèn kém đòi con phải từ bỏ.
Ngay cả những điều tốt, con cũng phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn.
Ngay cả những điều tốt, con cũng phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn.
Tình yêu không thể nửa vời hay chỉ trong những lúc hứng khởi,
nhưng là trọn vẹn hoàn toàn, nên Chúa đòi con phải từ bỏ cả chính mình.
nhưng là trọn vẹn hoàn toàn, nên Chúa đòi con phải từ bỏ cả chính mình.
Từ bỏ để dấn thân phục vụ, để nhiệt tình dâng hiến,
qua đó con tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.
qua đó con tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Từ bỏ chính mình không phải là đánh mất mình,
mà là dám buông mình rơi vào vòng tay Chúa.
mà là dám buông mình rơi vào vòng tay Chúa.
Xin cho con đừng nghi ngại và sợ hãi
để dám sống đức tin liều lĩnh này.
để dám sống đức tin liều lĩnh này.
Như Chúa Giêsu đã từ bỏ chính mình để phục vụ nhân loại,
để cứu chuộc loài người chúng con.
Xin cho con cũng biết từ bỏ chính mình để phục vụ tha nhân,
để góp phần vào ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.
để cứu chuộc loài người chúng con.
Xin cho con cũng biết từ bỏ chính mình để phục vụ tha nhân,
để góp phần vào ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.