Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 22, 1-14)
1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng:2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! "5Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn,6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới,12 mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? " Người ấy câm miệng không nói được gì.13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
SUY NIỆM
Ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho con người được Chúa Giesu sánh ví như một bữa tiệc đã dọn sẵn; và Chúa Giêsu cũng sánh ví mọi người như những thực khách đã được mời trước, còn Thiên Chúa như một vị vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Thế nhưng, không thể nào ngờ rằng nhà vua ngày hôm đó hết sức bị bẽ mặt khi phải chứng kiến việc các thực khách được mời đến dự tiệc đã nhất mực từ chối.
Qua đó cho thấy: để đón nhận được ơn cứu độ, con người cần phải có thái độ và đời sống xứng hợp. Điều này được thể hiện nơi hình ảnh của người khách bị nhà vua đuổi ra khỏi phòng tiệc, vì anh ta đã không sẵn sàng mặc áo cưới để vào dự tiệc. Chiếc áo cưới mà Chúa Giêsu muốn diễn tả chính là các nhân đức, là đời thánh thiện. Hay nói cách khác, khi chỉ mang danh hiệu là Kitô hữu thì chưa bảo đảm chắc chắn để được giải thoát, mà cần phải có được những tâm tình và cách sống của Chúa Giêsu.
Vì thế, chúng ta cùng xin cho mỗi người chúng ta đừng chỉ dừng lại ở việc giữ đạo, nhưng phải biết cố gắng vươn lên đến mức sống đạo trong cuộc sống cụ thể hằng ngày.
Ước gì không một ai trong chúng ta phải là người khước từ lại lời mời gọi của Chúa, mà tất cả đều mau mắn đáp lại lời mời gọi đến dự bữa tiệc mà Thiên Chúa đã được dọn sẵn.
Và để được vào dự bữa tiệc đó, cần nơi mỗi người phải có một “bộ y phục” xứng đáng. Vì vậy, điều cần thiết nơi mình là hãy làm cho tâm hồn được trong sạch bằng cách thể hiện tấm lòng ăn năn thống hối, bày tỏ quyết tâm trở về với Chúa.
Được như thế chúng ta sẽ xứng đáng để vào dự bữa tiệc được dọn ra trên bàn thờ trong các Thánh lễ và cũng như bữa tiệc trên Nước Trời sau này. Amen.
- Hình ảnh tiệc cưới
- Những điều lạ lùng
- Đang đi đường, được kéo vào phòng tiệc, thì làm sao mà có áo đẹp và đúng nghi thức được.
- Những người kia cũng từ ngoài đường đi vào đột xuất, tại sao họ có y phục lễ cưới, còn người này thì không? Tại sao chỉ có một người? Xét cho cùng xắc xuất rất ít: một trên nhiều ngàn người!
- “Y phục lễ cưới” không thể là đức hạnh hay đời sống luân lí được, vì trong phòng cưới đầy người: “xấu tốt” : « Các đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận tốt xấu, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách » (c. 10).
- Ơn huệ “y phục lễ cưới”
- Lời của nhà vua ngỏ đích thân với một người được mời; hình ảnh này muốn nói cho chúng ta rằng, những người trong phòng tiệc không thể là một đám đông ô hợp, dù trước đó họ đã là như thế, và từng người trong phòng tiệc không thể là vô danh với nhau và nhất là với Nhà Vua.
- Nhà Vua ước ao đi vào tương quan đích thân với từng người được mời. Và riêng với người này, Ngài chất vấn về cái thiếu của anh ta, cái thiếu rất quan trọng và rất thiết yếu. Trước mặt Chúa, trước ân huệ và lòng thương xót của Chúa, ai trong chúng ta cũng đều thiếu điều gì đó rất quan trọng, rất riêng tư và rất sâu thẳm; và chỉ có một mình Chúa và chúng ta mới biết được thôi.
- Chúa hỏi và Chúa chờ đợi chúng ta trả lời. Thiếu sót nghiêm trọng của nhân vật trong dụ ngôn có lẽ không phải là « y phục », cho bằng anh đã “câm miệng”, vì sợ hãi hay vì không muốn mở lòng ra, đi ra khỏi chính mình để đáp lời Nhà Vua với tất cả con người thật của mình và kêu cầu lòng thương xót.