Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 5/3/2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 4, 24-30  
24 Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.” 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi. 
Suy niệm 1
Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta nghe 
về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu 
khi Ngài trở về với hội đường của làng Nazareth thân quen.
Nơi đây Ngài gặp lại những người đồng hương. 
Họ ngỡ ngàng trước những lời Ngài giảng. 
Họ muốn Ngài làm những điều Ngài đã làm ở Caphácnaum (Lc 4, 23). 
Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu tục ngữ : 
“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình” (c. 24). 
Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ. 
Như những ngôn sứ khác trong lịch sử Israel, 
Ngài cũng không được đón nhận và tin tưởng bởi những người cùng quê. 
Họ nghĩ mình đã quá biết Ngài, biết gia tộc, biết nghề nghiệp, 
biết quá khứ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành. 
Chính cái biết ấy, đúng nhưng không đủ, 
lại trở thành một chướng ngại cho việc họ nhận ra Ngài thật sự là ai. 
Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 22). 
Đúng Ngài là con ông Giuse, một người thợ mộc. 
Đúng ngài là ông thợ mộc độc thân người làng Nazareth. 
Giêsu Nazareth là tên được ghi trên thập tự, 
Nazareth sẽ mãi mãi đi với tên Ngài để phân biệt ngài với những Giêsu khác.
Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường Nazareth, quê nhà của mình. 
Ngài quen biết những khuôn mặt trong hội đường này và yêu mến họ. 
Nhưng sứ mạng của Ngài trải rộng hơn Nazareth nhiều. 
Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã, 
cũng không bị giữ chân bởi những người đồng bào cùng tôn giáo.
Để biện minh cho thái độ rộng mở của mình, 
Đức Giêsu đã nhắc đến hành động của hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước. 
Êlia, vị ngôn sứ đầy quyền năng, được Thiên Chúa sai đến với một bà góa. 
Bà này là một người dân ngoại sống ở Siđôn vùng dân ngoại. 
Êlisa, vị ngôn sứ học trò của Êlia, đã chữa bệnh phong cho Naaman. 
Ông này là người dân ngoại, chỉ huy đạo quân của Syria. 
Như thế các vị ngôn sứ nổi tiếng đã không bị bó hẹp trong dân Do thái. 
Họ đã mở ra với dân ngoại.
Đức Giêsu cũng chẳng bị giới hạn bởi bất cứ biên cương nào. 
Ngài chẳng dành cho quê nhà Nazareth một ưu tiên nào. 
Phải chăng vì thế mà Ngài làm họ phẫn nộ đến độ muốn xô Ngài xuống vực? 
Nỗi đe dọa lại đến từ chính những người đồng hương. 
Làm sao chúng ta nhận ra và chấp nhận những ngôn sứ bề ngoài rất bình thường 
đang sống trong cộng đoàn chúng ta hôm nay?
Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giêsu,dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúahiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mìnhnơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng conđể khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2
 
       Chúa bảo chúng ta: đừng kiêu ngạo, đừng quá tự mãn về mình, bởi vì chúng ta mong manh, yếu đuối lắm, và bởi vì, chúng ta thân phận tội lỗi, cần ơn tha thứ của Chúa. Vì thế, hãy tỉnh thức để nhận ra lỗi lầm, để kịp thời sám hối trước khi thời hạn Chúa chờ chúng ta qua đi.

       Tuy nhiên, kinh nghiệm cho hay rằng, sám hối chỉ xảy ra khi người ta biết hối lỗi, biết ăn năn về lỗi lầm đã qua; thế nhưng, chỉ hối lỗi khi người ta biết rằng, việc mình làm đã gây ra đau khổ cho người yêu thương mình; biết rằng: mình làm thế là không phải, không nên với tình yêu người khác dành cho mình; nghĩa là hối hận chỉ xảy ra khi người ta đặt mình trước một ai đó, mà họ biết người ấy tốt với mình, người ấy thương mình, cũng có nghĩa sám hối chỉ xảy ra khi người ta tin vào lòng thương xót của Chúa.

       Chính vì thế, lời Chúa bảo chúng ta rằng, để việc sám hối có hiệu quả, chúng ta phải tin vào lòng thương xót của Chúa, phải đặt mình trước tình yêu của Đức Chúa, bởi vì có tin Chúa yêu mình, mình mới sẵn sàng hối cải, mới can đảm nhận ra và xưng thú lỗi lầm.

      Như vậy, tin Thiên Chúa yêu mình, hay tin vào lòng thương xót của Chúa, đó mới là điều căn bản. Thiên Chúa yêu con người thế nào, chúng ta đã biết.

     Thiên Chúa yêu con người như người cha chạnh thương con cái; như người mẹ nựng đứa con thơ; Ngài không chấp tội con người như câu chuyện vua Đavít là một ví dụ; hơn thế nữa, không chỉ không chấp tội con người, Thiên Chúa còn dùng tình yêu để cứu chuộc con người…
Thiên Chúa của chúng ta là như vậy. Ngài vừa là một người cha, vừa là một người mẹ; vừa là một ông chủ, nhưng cũng là một đầy tớ; vừa là Chúa, nhưng cũng vừa là một con người; vừa là thượng tế, nhưng cũng là của lễ cứu độ hiến dâng.

      Vì thế, sống ở trên đời là sống trong sự bao bọc của Chúa, sống trong tình yêu của Chúa. Thiên Chúa luôn luôn và mãi mãi thực thi lòng thương xót của Ngài trên trần gian và nơi con người, nhưng con người lại trốn tránh và không tin vào tình yêu của Thiên Chúa, họ tin vào khả năng của mình hơn; họ tự mãn, tự kiêu. Họ nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ làm cho họ trở thành yếu đuối và nhu nhược! Cũng như ông Naaman, một vị tướng tài đã không tin vào một Thiên Chúa gần gũi nhưng quyền năng; hay như một dân Do Thái kỳ thị muốn chứng kiến một dấu lạ từ trời nơi một Giêsu đồng hương!

       Chúng ta ngày nay cũng rơi vào trường hợp của một trong hai đối tượng đó; đòi dấu lạ, nếu không được thì nao núng niềm tin và có khi đòi bỏ Chúa. Chúa vẫn luôn làm phép lạ trong cuộc sống này, vì Đức Giêsu hôm qua, hôm nay, và mãi mãi vẫn là một.
Mùa Chay là cơ hội để chúng ta thay đổi cách nhìn, đổi mới niềm tin, thật tình sám hối để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Tin vào tình yêu của Chúa sẽ biến đổi và đưa chúng ta trở về chính lộ trong sự tha thứ của Thiên Chúa và phục vụ anh chị em như thánh Phaolô đã nói: “Người ta được nên công chính không phải do làm những gì luật dạy, nhưng là tin vào Đức Giêsu Kitô”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thật tình sám hối ăn năn vì những lỗi lầm trong cuộc sống, và tin tưởng vào tình yêu tha thứ của Chúa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường