(Vatican News) Chia sẻ với các Kitô hữu hiện diện trong Thánh Lễ sáng Thứ Năm, ngày 22 tháng Ba năm 2018 tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ĐGH Phanxicô đã nói về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Khi chúng ta đến với phép Hòa Giải, không phải là đi đến tiệm giặt để gột sạch những vết nhơ, nhưng là đến để được Thiên Chúa ôm ấp yêu thương.
Trong khi chúng ta đang chuẩn bị cho Tuần Thánh sắp tới, ĐGH nhắc lại rằng Thiên Chúa luôn trung thành và không bao giờ bỏ quên chúng ta. Đó là lý do để chúng ta vui mừng và hy vọng.
Qua bài đọc thứ Nhất trong sách Sáng Thế, ĐGH nhắc lại lời Thiên Chúa hứa duy trì giao ước vĩnh cửu với tổ phụ Abraham, môt giao ước mà Ngài không bao giờ quên.
Tình yêu Thiên Chúa giống như tình yêu tự nhiên vô điều kiện của cha và mẹ.
ĐGH Phanxicô nói rằng “Tình yêu tự nhiên vô điều kiện của Thiên Chúa” là một tình yêu mà Ngài không bao giơ quên. Ngài nhắc đến loài hoa “Xin-đừng-quên-tôi” với sắc màu xanh và tím mà người ta thường biếu cho các bà mẹ ở Agrentina vào dịp lễ Ngày Của Mẹ, đặc biệt sắc hoa màu tím thì dành cho các bà mẹ đã qua đời.
“Tình yêu Thiên Chúa giống như tình yêu của một bà mẹ. Ngài không bao giờ quên chúng ta. Không bao giờ. Ngài luôn trung thành với giao ước của Ngài.” ĐGH nói rằng “điều này là bảo chứng cho chúng ta” và ngay trong những giây phút khó khăn, chúng ta cũng tin chắc là Thiên Chúa không quên chúng ta.
Đến với Phép Hòa Giải không giống như đi tới tiệm giặt.
ĐGH nói rằng sự trung thành của Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta tới niềm vui. Giống như tổ phụ Abraham, nguồn vui của chúng ta bắt nguồn từ khả năng vui mừng trong hy vọng bởi vì mỗi người đều biết rằng ngay cả khi chúng ta không trung thành thì Thiên Chúa vẫn luôn tín trung như được mô tả trong câu chuyện Người Trộm Lành:
“Thiên Chúa không thể nào chối bỏ chính mình, Ngài không thể nào chối bỏ chúng ta, Ngài không thể nào chối bỏ tình yêu của Ngài và Ngài không thể nào chối bỏ dân của Ngài bởi vì Ngài yêu thương chúng ta và đây là sự trung tín của Thiên Chúa.”
ĐGH nói tiếp rằng khi chúng ta tìm đến với Bí Tích Hòa Giải thì không phải là chúng ta đến tiệm giặt để làm sạch những vết bẩn: “Không phải vậy, chúng ta đi xưng tội để nhận được tình yêu trung tín này của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn đơi chờ chúng ta.”
Vui mừng trong hy vọng
ĐGH kết thúc bài chia sẻ bằng việc quy chiếu về bài đọc trong ngày nói đến việc những người thông luật nhặt đá để ném Chúa Giê-su như thể là “để che lấp sự thật về sự Phục Sinh” và nhắc nhở các tín hữu hãy vui mừng trong hy vọng bởi vì Thiên Chúa sẽ không bỏ mặc chúng ta mồ côi và Ngài yêu chúng ta giống như người cha và người mẹ yêu con cái của mình vậy.
Thánh Lễ làm sống lại Bữa Tiệc Ly của Chúa.
Thiên Chúa Cha phán rằng lễ vật là chính Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly được lập lại trong mỗi Thánh Lễ khi mình và máu ngài được hiến dâng dưới hình bánh và rượu và vẫn tiếp tục cho tới ngày nay qua việc cử hành thánh lễ của các linh mục và phó tế.
ĐGH nói rằng sau nghi thức bẻ bánh, vị chủ tế mời gọi các Kitô hữu tuyên xưng rằng Chiên Thiên Chúa là Đấng gánh tội trần gian. Đây là “lời mời gọi chúng ta nếm trải sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa, là nguồn mạch hân hoan và thánh thiện.” Nó cũng thúc đẩy chúng ta chất vấn lương tâm mình trong ánh sáng đức tin.
Thánh Ambrose đã dạy rằng việc ý thức về tội lỗi của mình giúp chúng ta chấp nhận “linh dược”là Máu Đức Kitô làm cho chúng ta kết hợp chặt chẽ hơn với Ngài.
Cuộc sống biến đổi trong Thánh Thể.
ĐGH nói về giây phút người Kitô hữu rước Thánh Thể.
“Khi chúng ta thưa Amen (tôi tin) với lời giới thiệu “Mình Thánh Chúa Kitô” là chúng ta mở lòng để đón nhận ân huệ quyền năng biến đổi của Thiên Chúa.
“Khi chúng ta lên rước lễ, là Chúa thực sự đến gặp chúng ta và biến chúng ta thành đồng hình đồng dạng với Người. Khi lãnh nhậnThánh Thể có nghĩa là chúng ta để cho chính mình biến đổi với Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.”
ĐGH nói rằng được nuôi dưỡng bằng bánh hằng sống, chúng ta trở nên “một Thánh Thể sống động”, nghĩa là chúng ta trở nên những gì chúng ta lãnh nhận.
Chúng ta nên âm thầm cầu nguyện sau khi Rước Lễ để “chiêm ngắm Chúa đang ngự trong lòng mình.”
ĐGH kết luận rằng những lời nguyện riêng tư này được cùng góp lại trong lời nguyện kết lễ mà “các linh mục chủ tế dâng lên để cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho chúng ta được phép tham dự vào bàn tiệc thánh này.”
Giuse Thẩm Nguyễn