Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Đức Phanxicô muốn có các “linh mục đường phố”

Filled under:

Các linh mục gần gũi, các linh mục có mặt, các linh mục nói chuyện với mọi người”
“Các linh mục gần gũi, các linh mục có mặt, các linh mục nói chuyện với mọi người ... Các linh mục đường phố”. Đó là điều Đức Phanxicô mong muốn trong Lễ Dầu ngài cử hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô sáng thứ năm 29 tháng 3 – 2018.
Trong bài giảng thánh lễ, ngài nhấn mạnh: “Linh mục gần với giáo dân, đi giữa bổn đạo mình với tình gần gũi, tình dịu dàng của một mục tử ... giáo dân không những yêu mến linh mục hơn, nhưng còn hơn thế nữa: họ cảm thấy nơi linh mục này có một cái gì đặc biệt, một cái gì chỉ có thể cảm nhận nếu có sự hiện diện của Chúa Giêsu”.
Ngài nói thêm: “Sự gần gũi không phải là một cái gì có thêm, nhưng thật sự là một cái gì như Chúa Giêsu có mặt trong đời sống của nhân loại, chứ không phải chỉ vẫn ở trong ý tưởng, khép kín trong sách vở, nhiều nhất là có một vài thói quen tốt dần dần trở thành thường lệ”.
Đức Phanxicô làm rõ: “Sự gần gũi còn hơn là tên của một đức hạnh đặc biệt, sự gần gũi là thái độ liên quan đến toàn diện con người, theo cách người đó xây dựng các mối liên hệ, cùng một lúc mình vẫn là mình, nhưng chú tâm đến người khác”.
Đức Phanxicô khẳng định, “các linh mục gần với giáo dân, có mặt với giáo dân, nói chuyện với mọi người ... Đó là các linh mục đường phố. Khi giáo dân nói linh mục này ‘gần’, chung chung họ nhấn mạnh đến hai điểm: điểm đầu tiên, ‘cha luôn ở đó’ (khác với linh mục ‘cha chẳng bao giờ ở đó’ và giáo dân hay nói ‘thưa cha, con biết, cha rất bận '). Và điểm thứ nhì, linh mục đó có lời để nói với từng người. Giáo dân nói: ‘Cha nói với tất cả mọi người; với người lớn cũng như với trẻ con, với người nghèo cũng như với người không tin ...’”
Các linh mục gần gũi với giáo dân này theo gương Chúa Giêsu, họ “có thể là một nhà kinh viện hay luật sĩ, nhưng họ muốn họ là người rao giảng phúc âm, người rao giảng đường phố, là sứ giả Tin Mừng cho giáo dân”. 
Sự gần gũi là chìa khóa của sự thật
Sự gần gũi là “chìa khóa của lòng thương xót” nhưng cũng là “chìa khóa của sự thật”, Đức Phanxicô khẳng định một lần nữa: “Sự thật không phải chỉ là định nghĩa dùng để đặt tên các trường hợp, các sự việc, phân biệt các khái niệm, các lý lẽ hợp lý ... Sự thật cũng là trung tín (emeth), đức tính cho phép mình chỉ định đúng người qua đúng tên của họ, như Chúa Giêsu đã đặt tên, trước khi phân loại hay định nghĩa theo “tình trạng” của họ”.
Đức Phanxicô cũng đả kích thói xấu của loại “văn hóa dùng tính từ”, xem người khác là “như thế này, như thế kia” ... không, họ là con của Chúa. Họ có những đức tính, những khiếm khuyết, nhưng là sự thật trung thực của con người, chứ không phải các tính từ trở thành bản chất của họ.
Ngài cũng cảnh báo chống “cám dỗ thần tượng hóa một vài sự thật trừu tượng. Đó là loại thần tượng thuận tiện, vừa tầm tay, mang lại một ít uy thế và quyền lực, nhưng lại khó nhận ra. Bởi vì “sự thật-thần tượng” tự ngụy trang, dùng những lời lẽ phúc âm như mặc áo bên ngoài, nhưng không cho phép đụng vào tâm hồn. Và còn tệ hơn nữa, điều này làm cho giáo dân không gần được với Lời Chúa, với các Bí tích của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành”.
Trong thánh lễ này, Đức Phanxicô đã làm phép dầu, dầu này sẽ được dùng trong các bí tích rửa tội, thêm sức và chịu chức. Ngài cũng làm phép dầu để dùng cho các tân tòng và khi xức dầu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thánh lễ Truyền Dầu tại Vatican
Thứ năm Tuần Thánh 2018
Anh em linh mục giáo phận Roma và anh em linh mục các giáo phận khác trên toàn thế giới, thân mến!
Khi đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay, tôi để tâm chú ý đoạn trích sách Đệ nhị luật nói rằng: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4,7). Sự gần gũi của Thiên Chúa… Sự gần gũi của Đấng là mục tử của chúng ta.
Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, chúng ta chiêm ngưỡng vị sứ giả của Chúa, vị ấy “được sức dầu và được sai đi”, đến giữa dân Chúa, đến gần người nghèo, người đau ốm và các tù nhân… Thần Khí Chúa ngự trên vị ấy, để tăng sức và đồng hành với vị ấy trên suốt hành trình.
Trong Thánh Vịnh 88, chúng ta thấy cách thức gần gũi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dẫn dắt Vua Đavit ngay từ khi Đavit còn rất trẻ. Chúa gìn giữ ông khi ông về già. Chúa ban cho ông danh hiệu thành tín: sự gần gũi của Thiên Chúa vững bền qua muôn thế hệ, và đó chính là lòng thành tín của Chúa.
Sách Khải Huyền đưa chúng ta lại gần Thiên Chúa, diện đối diện. Những lời ấy như sau: “Kìa mọi ánh mắt sẽ nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người”. Những lời ấy làm cho chúng ta nhận ra rằng, các vết thương của Đấng Phục Sinh là luôn luôn nhìn thấy được. Chúa luôn đến với chúng ta, như người thân cận của chúng ta, như thân thể của những ai đau khổ, đặc biệt là những người bé nhỏ.
Trọng tâm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa qua ánh mắt của chính người dân, vì lúc đó, mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Chúa (Lc 4:20). Chúa Giêsu đứng dậy đọc sách trong hội đường Nazaret. Người mở sách ra và đọc sách ngôn sứ Isaia. Mở ra, người gặp đoạn nói về người Tôi Tớ, chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã sức dầu tấn phong tôi…” (Is 61:1). Khi kết thúc, Chúa đã đánh thức người nghe nhận ra sự gần gũi được hàm chứa trong những lời Sách Thánh. Chúa nói: “Hôm nay, ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe” (Lc 4:21).
Chúa Giêsu gặp thấy và đọc lên sách thánh trong sự thông hiểu của một kinh sư. Người cũng có thể trở thành một nhà thông luật hoặc biệt phái, nhưng không, Chúa muốn trở thành Người loan báo Tin Mừng. Chúa muốn trở thành người giảng dạy trên đường phố, trở thành người mang tin vui cho người dân, trở thành vị sứ giả bước những bước chân như tiên tri Isaia loan báo: Đẹp thay bước chân người loan báo tin mừng!
Đây là chọn lựa tuyệt vời của Thiên Chúa: Chúa chọn sống gần gũi dân Chúa. Suốt ba mươi năm sống ẩn dật! Chỉ sau ba mươi năm sống cùng mọi người, Chúa mới bắt đầu đời rao giảng. Ở đây, chúng ta thấy phương pháp sư phạm của mầu nhiệm Nhập Thể, phương pháp hội nhập văn hóa, không chỉ đối với các văn hóa nước ngoài, nhưng trong chính giáo xứ của chúng ta, trong thứ văn hóa mới mẻ của người trẻ.
Sự gần gũi không chỉ là tên gọi của một nhân đức, mà còn là một thái độ kết nối toàn thể con người ta, gắn kết cách thức mà chúng ta tương quan với nhau, định hình cung cách mà chúng ta quan tâm đến bản thân và đến tha nhân… Khi người giáo dân nói về một linh mục rằng: “cha ấy rất thân thiện gần gũi chúng tôi”, thì giáo dân có ý nói hai điều. Thứ nhất có nghĩa rằng: cha ấy luôn hiện hiện với chúng tôi. Điều này trái ngược với điều mà nhiều người sẽ nói: Thưa cha, con biết cha rất bận… Thứ hai có nghĩa, rằng vị linh mục ấy sẵn lòng tiếp chuyện mọi người, rằng vị linh mục ấy nói chuyện với mọi người, với người lớn, với trẻ nhỏ, với người nghèo, với người chưa có niềm tin… Các linh mục phải là những người gần gũi, ở giữa người dân. Các linh mục phải là những người luôn sẵn lòng ở giữa mọi người vì mọi người, sẵn lòng nói chuyện với mọi người… tựa như những vị linh mục đường phố.
Một trong những người học được từ Chúa Giêsu cách thế trở thành nhà rao giảng đường phố, đó là Philipphe. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta đọc thấy tông đồ Philipphe ra đi loan báo Tin Mừng khắp các thành phố với đầy niềm vui (Cv 8:4.5-8). Philipphe là một trong những người mà Thần Khí có thể bắt lấy bất cứ lúc nào, và thúc đẩy ông ra đi loan báo Tin Mừng từ nơi này đến nơi khác, để làm phép rửa cho tha nhân, ngay cả cho vị quan của nữ hoàng Etiopia (Cv 8:5.36-40).
Sự gần gũi rất quan trọng đối với các thừa tác viên loan báo Tin Mừng, vì sự gần gũi là một trong những thái độ then chốt trong Tin Mừng. Chúa thường nói về điều ấy khi nhắc tới Nước Trời. Chúng ta có thể chắc chắn rằng, sự gần gũi thân thiện là yếu tố then chốt của lòng thương xót, vì giống như người Samaritano nhân hậu, sẽ chẳng có lòng thương xót nếu không biết rút ngắn khoảng cách mà tiến lại giúp đỡ tha nhân. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng, sự gần gũi là yếu tố then chốt của sự thật. Có thể rút ngắn khoảng cách để biết được sự thật cần được quan tâm hay không? Có chứ. Bởi vì sự thật không chỉ là một định nghĩa về những hoàn cảnh hoặc những điều này nọ từ một khoảng cách, bằng những lối luận lý trừu tượng. Sự thật không chỉ thế. Sự thật, chân lý cũng là sự thành thực. Điều này đòi hỏi chúng ta gọi tên anh chị em bằng cái tên thực sự của họ, chứ không phải theo những phạm trù hoặc theo những cái danh theo chức bậc theo hoàn cảnh này nọ.
Chúng ta phải cẩn thận, để khỏi rơi vào cám dỗ của những thần tượng, cám dỗ của những chân lý trừu tượng. Cám dỗ ấy cung cấp những thần tượng thoải mái, những lối đi dễ dãi, những uy tín này nọ, những quyền lực khó có thể nhận định. Những loại thần tượng của kiểu chân lý trừu tượng ấy, dường như khoác lấy dáng vẻ của Tin Mừng, nhưng hãy cẩn thận, đừng để những lời ấy chạm vào trái tim. Bởi vì lối cám dỗ ấy rất tệ, bởi vì các cám dỗ ấy tách rời người thường dân ra khỏi sự gần gũi chữa lành của lời Chúa và của bí tích mà Chúa đã lập.
Ở đây, chúng ta hãy trở về với Mẹ Maria, Mẹ của các linh mục. Chúng ta cũng có thể gọi Mẹ là “Đức Bà của sự gần gũi”. Như một người Mẹ đích thật, Mẹ luôn đồng hành từng bước bên ta. Mẹ chia sẻ với ta những khó khăn và Mẹ phủ bóng chúng ta bằng tình yêu mến của Thiên Chúa, và từ đó chúng ta không bao giờ có thể cảm thấy rằng mình bị bỏ rơi (Niềm Vui Tin Mừng, 286). Mẹ gần gũi chúng ta không chỉ bằng cách vội vã lên đường phục vụ, mà còn bằng cách Mẹ diễn tả ý kiến của Mẹ. Trong tiệc cưới tại Cana, vào đúng lúc cần, Mẹ đã nói với những người giúp tiệc rằng: “Người bảo gì, thì các anh cứ làm theo”. Lời nói của Mẹ trở thành khuôn mẫu cho ngôn ngữ của giáo hội. Nhưng để có thể nói những lời như Mẹ đã nói, chúng ta không chỉ xin Mẹ ơn để làm điều ấy, nhưng chúng ta còn phải biết hiện diện trong những giây phút quan trọng đối với mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, hoặc mỗi nền văn hóa. Chỉ nhờ sự tốt lành gần gũi ấy mà chúng ta mới có thể nhận thấy rằng, đang thiếu rượu, và rằng đâu là rượu tốt nhất mà Chúa muốn ban cho chúng ta.

Tôi gợi ý các anh em linh mục suy gẫm về ba lãnh vực của sự gần gũi mục tử, với những lời sau đây: “Chúa Giêsu bảo gì thì hãy làm theo”. Lời này cần được lắng nghe, dù trong ngàn phương cách khác nhau, nhưng lời ấy luôn là cung giọng của một người mẹ. Lời ấy cần được rót vào tâm hồn của tất cả những ai mà chúng ta nói với. Những lời ở đây là: đồng hành thiêng liêng, xưng tội, rao giảng.
Sự gần gũi trong cuộc nói chuyện thiêng liêng. Chúng ta hãy phản tỉnh về điều ấy bằng cách suy tư về cuộc gặp gỡ giữa Chúa và người phụ nữ Samari. Chúa Giêsu đã dạy chị phải thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật. Sau đó, Chúa nhẹ nhàng giúp chị nhận ra tội lỗi của chị. Cuối cùng, Chúa đã thông truyền cho chị tinh thần truyền giáo, và chị ra đi loan báo tin mừng cho cả dân làng. Như thế, Chúa cho chúng ta thấy một khuôn mẫu của cuộc đồng hành thiêng liêng. Chúa biết cách để đưa tội của chị ấy ra ánh sáng, nhưng không làm lu mờ lời cầu nguyện và lòng sùng mộ của chị, cũng không nghi ngờ về ơn gọi loan báo Tin Mừng của chị.
Gần gũi trong xưng thú tội lỗi, trong việc giải tội. Chúng ta hãy suy tư điểm này trong đoạn nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Thật rõ ràng là, trong giây phút đó, sự gần gũi là tất cả những gì có thể làm. Sự thật là Chúa Giêsu luôn tiếp cận và nói diện đối diện. Chúng ta hãy nhìn vào ánh mắt người khác như Chúa đã làm. Chúa cúi xuống, gần bên người phụ sữ ngoại tình sắp bị ném đá. Chúa ngẩng nên hỏi chị: Không ai ném đá chị sao? (Ga 8:11). Rồi có lời nói thêm: Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Những lời nói ấy cần được nói bằng cung giọng chân thành, để cho phép tội nhân nhìn tới phía trước, chứ không chỉ nhìn về phía sau. Thế nhưng, từ ngữ “đừng phạm tội nữa” được nhìn trong tầm nhìn của một cha giải tội luôn sẵn lòng lặp đi lặp lại bảy mươi lần bảy.
Cuối cùng, gần gũi trong sự loan báo. Chúng ta hãy phản tỉnh về điều này khi nghĩ về những người ở xa, được nhắc đến trong bài giảng đầu tiên của tông đồ Phêrô. Bài giảng ấy là một phần của lễ Hiện Xuống. Thánh Phêrô công bố rằng, lời tuyên xưng này cũng là “dành cho tất cả những người ở xa” (Cv 2:39). Khi nghe thánh Phêrô rao giảng như thế, người ta cảm thấy đau lòng bởi lời tuyên xưng tiên khởi Kerygma, và họ tự hỏi rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Cv 2:37). Bài giảng trong thánh lễ như là một tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi của người mục tử với người dân, và để biết được khả năng tương giao và thấu hiểu của mục tử với người dân (Niềm Vui Tin Mừng, 135). Trong bài giảng, chúng ta có thể thấy cách thức chúng ta gần gũi Thiên Chúa trong cầu nguyện, và cách thức chúng ta gần gũi dân Chúa trong đời sống thường ngày.
Tin mừng được hiện tại hóa nhờ hai hình thức của sự gần gũi ấy nuôi dưỡng và nâng đỡ bổ túc cho nhau. Nếu bạn cảm thấy xa Thiên Chúa, hãy tiến gần hơn đến người dân, vì người dân có thể chữa lành bạn khỏi căn bệnh ý thức hệ, và người dân có thể sưởi ấm lòng nhiệt thành của bạn. Những con người bé nhỏ sẽ dạy cho bạn cách nhìn Chúa Giêsu theo một lối khác. Từ lối nhìn của người dân, bạn sẽ thấy một Chúa Giêsu rất hấp dẫn, sẽ thấy Ngài là một người sống tuyệt vời và đầy thẩm quyền luân lý, sẽ thấy lời giảng dạy của Chúa rất giúp ích cho cách mà chúng ta sống cuộc sống này. Nếu bạn cảm thấy xa cách người dân, thì hãy tiến lại gần Chúa trong lời của Chúa. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu sẽ dạy chúng ta cách hành xử, cách nhìn về người khác. Và trong ánh mắt của Chúa, có từng người trong chúng ta, và vì từng người chúng ta mà Chúa đã đổ máu ra trên thập giá. Khi gần gũi thân thiết với Thiên Chúa, Lời của Ngài sẽ trở thành của ăn thành thịt trong bạn, và nhờ đó, bạn có khả năng gần gũi với tất cả mọi người. Qua sự gần gũi với dân Chúa, những đau khổ của họ sẽ được thổ lộ cho trái tim bạn, và bạn sẽ được thúc đẩy để thân thưa với Chúa. Bạn sẽ một lần nữa trở thành vị linh mục chuyển cầu.
Một người linh mục gần gũi người dân thì bước đi cùng mọi người với sự gần gũi thân thiện và hiền lành của người mục tử nhân hiền. Khi chăn dắt chiên, người mục tử có lúc dẫn đầu chiên, có khi đi giữa đoàn chiên, lúc khác lại đi sau chiên. Người ta không đánh giá cao một người chỉ vì người ấy là linh mục, nhưng hơn thế, người dân cảm thấy được rằng, có điều gì đó đặc biệt nơi người ấy: điều đặc biệt là họ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu. Điều ấy cho chúng ta hiểu được rằng, chúng ta gần gũi dân chúng không có nghĩa là chúng ta không có gì để làm. Bởi vì Chúa Giêsu đã hiện diện trong cuộc sống loài người. Người ở giữa chúng ta, không phải theo kiểu các ý tưởng hoặc những trang giấy, không phải thế, Chúa đã trở nên một con người bằng xương bằng thịt giữa chúng ta để ở với chúng ta.
Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, là Mẹ của sự gần gũi, để Mẹ đưa chúng ta đến gần tha nhân, và để khi chúng ta nói với người dân rằng “Người bảo gì, các anh hãy làm theo”, để khi nói như thế, chúng ta sẽ nói với cung giọng gần gũi dịu hiền của Mẹ, để sự gần gũi tình mẹ được hiện diện. Vì Mẹ là Đấng đã luôn biết thưa xin vâng, xin Mẹ đưa chúng ta ngày càng gần gũi thân thiết với Chúa Giêsu hơn.
Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ