Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Ðức Thánh Cha hành hương Cha Pio: viếng Ðền thánh San Giovanni Rotondo

Filled under:

Ðức Thánh Cha hành hương Cha Pio:
viếng Ðền thánh San Giovanni Rotondo

Ðức Thánh Cha hành hương Cha Pio: viếng Ðền thánh San Giovanni Rotondo.

Ðức Thánh Cha hành hương Cha Pio: viếng Ðền thánh San Giovanni Rotondo..

San Giovanni Rotondo (Vat. 17-03-2018) - Lúc 9 giờ rưỡi sáng ngày 17 tháng 3 năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến thị trấn San Giovanni Rotondo, gặp gỡ các trẻ em bị ung thư và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
Trong số các công trình Cha Piô để lại nơi đây có Nhà Thoa dịu đau khổ, nay là một nhà thương tối tân nhất ở miền nam Italia với 1,200 giường bệnh, gồm rất nhiều khu khác nhau.
Ðến San Giovanni Rotondo lúc 9 giờ rưỡi, Ðức Thánh Cha đã được giáo quyền, chính quyền, cũng như các cha dòng Capuchino tiếp đón và liền đó ngài đến thăm khu điều trị trẻ em bị ung thu tại bệnh viện Nhà Thoa dịu đau khổ gần đó. Ðức Thánh Cha đã ân cần hỏi thăm và khích lệ hơn 20 em bị ung thư, cùng với cha mẹ các em.
Và lúc gần 11 giờ, Ðức Thánh Cha đã viếng Ðền thánh Ðức Mẹ Ân Phúc. Tại đây, cha Bề trên tổng quyền và cha giám tỉnh dòng Capucino, Thánh Thiên Thần và Thánh Piô, đã tiếp đón, hướng dẫn ngài kính viếng di hài Cha Thánh Piô và Thánh Giá các dấu thánh giữ tại Ðền thánh này.
Cử hành thánh lễ
Lúc 11 giờ 30 Ðức Thánh Cha bắt đầu cử hành thánh lễ ngoài trời cho khoảng 30 ngàn tín hữu từ các nơi tựu về, trong đó có 300 bệnh nhân được sự giúp đỡ của tổ chức Unitalsi chuyên giúp đưa các bệnh nhân đi hành hương. Ðặc biệt cũng có một phái đoàn tín hữu gốc Ý từ Argentina.
Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có Ðức Tổng Giám Mục Michelle Castoro của giáo phận Manfredonia sở tại cùng với 3 Giám Mục, Cha Bề Trên Tổng quyền dòng Capuchino và khoảng 100 Linh Mục dòng Capuchino và thuộc tổng giáo phận Manfredonia sở tại.
Bài giảng
Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc trong thánh lễ, Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu qua 3 lời: cầu nguyện, bé nhỏ, khôn ngoan.
Ngài nêu cao cách thức của Chúa Giêsu khi cầu nguyện, đối thoại như con thảo với Chúa Cha, và Cha Piô cũng thường nhắn nhủ các con cái: "Hỡi các con, hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện luôn luôn, không bao giờ mệt mõi" (Parole al 2o convegno internazionale dei gruppi di preghiera, 5-5-1966).
Ðức Thánh Cha nói:
Chúng ta hãy tự hỏi: kinh nguyện của chúng ta có giống kinh nguyện của Chúa Giêsu hay không, hoặc đó chỉ là những lời kêu cứu khẩn cấp thỉnh thoảng xảy ra? Hoặc chúng ta hiểu kinh nguyện như những liều thuốc an thần cần sử dụng đều đặn để được lắng dịu tinh thần, chống lại sự căng thẳng? Không phải vậy, kinh nguyện là một cử chỉ yêu thương, là ở với Chúa, là trình bày cho Chúa cuộc sống của thế giới: đó là công việc từ bi thương xót tinh thần không thể thiếu được. Và nếu chúng ta không phó thác các anh chị em và những tình cảnh cho Chúa, thì ai sẽ làm? .. Vì thế Cha Piô đã để lại cho chúng ta các nhóm cầu nguyện. Cha nói với họ: "Chính kinh nguyện là sức mạnh của tất cả các tâm hồn tốt lành được liên kết với nhau, kinh nguyện ấy làm chuyển động thế giới, đổi mới các lương tâm [ ...] chữa lành những người bệnh, thánh hóa công việc, nâng cao sự săn sóc sức khỏe, mang lại sức mạnh tinh thần [..], làm lan tỏa nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa trên những yếu nhược và kiệt lực".
Lời thứ hai là "bé nhỏ". Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha vì đã tỏ lộ những mầu nhiệm nước Chúa cho những người bé nhỏ. Ðây là những người không tự mãn, tự phụ, những người có con tim khiêm tốn và cởi mở, thanh bần và túng thiếu, thấy mình cần phải cầu nguyện và để cho mình được đồng hành. Con tim của những người bé nhỏ giống như ăng ten bắt được tín hiệu của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa tìm cách tiếp xúc với tất cả mọi người, nhưng ai coi mình là người lớn, thì tạo nên một sự nhiễu sóng trầm trọng; khi người ta tự mãn, thì chẳng còn chỗ cho Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa yêu thương hơn những người bé nhỏ, và tỏ mình ra cho họ..
Lời sau cùng là sự khôn ngoan, như bài đọc thứ I theo sách ngôn sứ Giêrêmia (9,22) "Người khôn ngoan đừng tự phụ vì sự khôn ngoan của mình, kẻ mạnh đừng hãnh diện vì sức mạnh của mình". Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại có những tài năng lớn lao và sức mạnh chân thực không hệ tại quyền lực ... Khí giới khôn ngoan duy nhất và không thể chiến bại chính là đức bác ái được đức tin linh hoạt, vì đức bác ái có năng lực giải trừ sức mạnh của sự ác. Thánh Piô đã chiến đấu chống sự ác trong trọn cuộc đời và đã chiến đấu một cách khôn ngoan, như Chúa, nghĩa là với lòng khiêm tốn, vâng phục, với thập giá, dâng hiến đau khổ vì tình yêu. Tất cả đều cảm phục Cha về điều đó, nhưng ít người bắt chước cha ... Thánh Piô đã dâng hiến cuộc sống và vô số những đau khổ để giúp các anh chị em gặp gỡ Chúa. Và phương thế quan trọng để gặp Chúa chính là phép giải tội, bí tích hòa giải. Chính nơi bí tích này mà một cuộc sống khôn ngoan, được yêu thương và tha thứ, được khởi sự và tái khởi sự, chính nơi bí tích này bắt đầu sự chữa lành tâm hồn. Cha Piô là tôn đồ của tòa giải tội. Ngày nay ngài cũng mời gọi chúng ta đến bí tích này.
Sau thánh lễ Ðức Thánh Cha còn chào thăm chính quyền và một số đại diện tín hữu trước khi đi ra bãi đậu trực thăng lúc 1 giờ trưa để đáp trực thăng về Roma lúc 2 giờ.




Ðức Thánh Cha hành hương Cha Pio:
viếng làng Pieltrecina

Ðức Thánh Cha hành hương Cha Pio: viếng làng Pieltrecina.

Ðức Thánh Cha hành hương Cha Pio: viếng làng Pieltrecina.

Pieltrecina (Vat. 17-03-2018) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dành sáng ngày 17 tháng 3 năm 2018 để hành hương tại những nơi của Cha Pio vị linh mục 5 dấu thánh, nhân dịp niệm 100 năm thánh nhân được mang 5 dấu thánh của Chúa và kỷ niệm 50 năm thánh nhân qua đời.
Cha thánh Piô được coi là vị thánh được sùng mộ nhiều nhất ở Italia. Ðền thánh Piô ở San Giovanni Rotondo mỗi năm thu hút gần 7 triệu tín hữu đến hành hương kính viếng.
Thân thế cha Pio
Cha Pio tục danh là Francesco Forgione, con thứ tư trong gia đình rất nghèo với 7 người con tại làng Pietrelcina, cách Roma 240 cây số về hướng đông nam. Năm 1903, khi được 16 tuổi, Francesco được nhận vào nhà tập dòng Capuchino và được đổi tên thành tu sĩ Pio Pietrelcina. Thày được thụ phong linh mục 7 năm sau đó, 1910, với phép chuẩn của Tòa Thánh, vì chưa đủ 24 tuổi như giáo luật đòi hỏi.
Trong thế chiến thứ I, cha Piô bị động viên và sau đó được giải ngũ vì lý do sức khỏe, và trở về tu viện nhỏ ở San Giovanni Rotondo, thuộc tỉnh Foggia. Sáng ngày 20 tháng 9 năm 1918, sau khi dâng lễ, và đang quỳ gối tạ ơn trước một tượng Thánh Giá lớn, Cha Pio đột nhiên thấy tay chân và cạnh sườn của mình bị thủng và đẫm máu, đồng thời Cha cảm thấy đau đớn khôn tả. Vừa khi thấy máu rỉ ra, Cha Pio, rất kinh hãi và lết từ cung nguyện về phòng. Cha tìm cách cầm máu các vết thương, dùng tất cả các băng và khăn. Lúc ấy, Cha Bề trên Paolino về tới tu viện thấy Cha Pio đi lảo đảo và nhìn những băng mà Cha Pio tìm cách dấu dưới ống tay áo dòng. Cha bề trên dẫn Cha Pio vào phòng và muốn biết xem điều gì đã xảy ra. Kinh ngạc về những điều đó, cha Paolino viết cha cho cha bề trên tỉnh. Cha giám tỉnh, cha Tổng quyền đều ra lệnh: "giữ im lặng".
Suốt trong suốt 2 năm sau đó, cha Pio phải chịu nhiều cuộc khám nghiệm y khoa. Mặc dù lệnh của các bề trên Capuchino truyền phải giữ im lặng và thận trọng, nhưng tin Cha Pio chịu năm Dấu Thánh dần dần được truyền đi. Khi dâng thánh lễ, Cha Pio phải giơ tay lên và dân chúng bắt đầu đặt câu hỏi những vết thương rướm máu của cha là gì. Và thế là thiên hạ bắt đầu kéo tới San Giovanni Rotondo.
Lúc 5 giờ sáng mỗi ngày, Cha Pio cử hành thánh lễ, nhà thờ đông chật tín hữu. Khi cha đọc những lời truyền phép, mọi người đều thinh lặng như tờ. Rồi Cha Pio giải tội mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ, cho đến khi tối xẩm. Dân chúng kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đợi trước tòa giải tội.
Từ năm 1923 đến 1933, Cha Pio phải trải qua những tháng ngày rất cay đắng. Nhiều người, kể cả các nhân vật trong Giáo Hội, đã tố cha là người lường gạt, bất tuân lệnh bề trên, hoặc là người gây ra tình trạng cuồng tín nơi dân chúng. Cha Pio bị các bề trên cấm không được làm lễ công khai cho các tín hữu nữa. Dầu vậy, rất nhiều tín hữu tiếp tục tuốn đến tìm gặp vị linh mục này để xin ngài khuyên bảo và cầu nguyện cho. Cha Pio âm thầm chịu đựng, tiếp tục làm việc thiện cho tha nhân bao nhiêu có thể. Nhưng rồi sóng gió và cay đắng cũng qua đi.
Cha Piô qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968, thọ 81 tuổi và được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 phong hiển thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002.
Thăm làng Pietrelcina
Lúc 7 giờ sáng 17 tháng 3 năm 2018, từ Vatican, Ðức Thánh Cha đáp trực thăng bay đến làng Pietrelcina, hiện có hơn 3 ngàn dân cư và thuộc giáo phận Benevento.
Ðến nơi vào lúc gần 8 giờ, ngài đã được chính quyền và giáo quyền địa phương cùng với hàng chục ngàn tín hữu nồng nhiệt tiếp đón, đặc biệt là các cha dòng Capuchino.
Tại đây sau khi cầu nguyện tại nguyện đường các Dấu Thánh, ngài gặp gỡ các tín hữu tại quảng trường trước nhà nguyện.
Huấn dụ
Trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhắc lại sự kiện hồi tháng 9 năm 1911, cha Piô về làng quê dưỡng bệnh. Ðối với Cha, "thời kỳ này không phải là một giai đoạn dễ dàng: cha bị xao xuyến mạnh mẽ trong nội tâm và sợ sa ngã phạm tội, cảm thấy mình bị ma quỉ tấn công..
Ðức Thánh Cha nói:
"Trong những lúc kinh khủng ấy, cha Piô kín múc nhựa sống từ kinh nguyện liên tục và lòng tín thác nơi Chúa. Cha kể lại cho cha giám tỉnh Benedetto trong thư hồi tháng 3 năm 1911: "Tất cả những hình ảnh ma quái mà quỉ du nhập trong tâm trí con biến mất, khi con tín thác phó mình trong vòng tay Chúa Giêsu".
Cha Piô cho biết tâm hồn mình cảm thấy "như được một sức mạnh cao cả thu hút trước khi được kết hiệp với Chúa vào ban sáng trong bí tích". "Và chính sự đói khát ấy được mãn nguyện", sau khi rước Chúa, "và ngày càng được tăng trưởng thêm" (Thư 31, trong cuốn "Epistolario I, p.217). Thế là Cha Piô chìm đắm trong kinh nguyện để ngày càng gắn bó hơn với các kế hoạch của Chúa. Qua việc cử hành Thánh Lễ, là con tim mỗi ngày và là sự sung mãn đời sống thiêng liêng của Cha, cha Pio đạt tới một mức độ cao trong sự kết hiệp với Chúa. Trong thời kỳ ấy, cha Piô nhận được từ trời cao những ơn thần bí đặc biệt, báo trước sự xuất hiện nơi thân xác cha những dấu hiệu cuộc khổ nạn của Chúa Kitô".
Từ những điều trên đây, Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu làng Pietrelcina và giáo phận Benevento rằng: "Tu sĩ khiêm hạ dòng Capuchino này đã làm cho thế giới ngạc nhiên bằng cuộc sống tận tụy cầu nguyện và kiên nhẫn lắng nghe các anh chị em, và cha đổ tình thương của Chúa Kitô như dầu thơm trên những đau khổ của họ. Khi noi gương anh dũng và các nhân đức của Cha Piô, anh chị em cũng có thể trở thành những dụng cụ tình thương của Chúa Giêsu đối với những người yếu đuối nhất. Ðồng thời, khi để ý đến lòng trung thành vô điều kiện của Cha Piô đối với Giáo Hội, anh chị em hãy làm chứng về tình hiệp thông, vì chỉ có tình hiệp thông mới xây dựng. Tôi cầu các tín hữu miền này có thể kín múc nhựa sống mới từ những giáo huấn do cuộc sống của Cha Piô trong thời điểm không dễ dàng như hiện nay, giữa lúc dân số dần dần giảm sút, và già nua, trong khi nhiều người trẻ buộc lòng phải đi nơi khác để tìm công ăn việc làm".
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu làng Pietrelcina và giáo phận Benevento, Ðức Thánh Cha còn dành 20 phút để chào thăm các bệnh nhân ngồi trên xe lăn và một số các tín hữu địa phương trước khi đáp trực thăng lúc 9 giờ để bay tới San Giovanni Rotondo một thị trấn 25 ngàn dân cư, cách đó 93 cây số đường chim bay về hướng đông bắc. Ðây là nơi Cha Piô được bề trên bổ nhiệm tới từ năm 1916.

G. Trần Ðức Anh, OP