Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT - NGÀY 25 THÁNG 03 NĂM 2018

Filled under:

Xin đừng theo ý con
Lời ChúaMc 11, 1-10
    Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêrusalem, gần làng Bếtphaghê và Bêtania, bên triền núi Ôliu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và đem nó về đây. Và nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy?”, thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay”. Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền tháo dây lừa ra. Mấy người đứng đó nói với các ông: “Các anh tháo con lừa ra làm gì vậy?” Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để mặc các ông. Hai ông đem con lừa về cho Ðức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. Nhiều người cũng trải áo họ xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ðavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!”
Suy nim:
Chúa Nhật Lễ Lá là một lễ vui,
nhưng cũng là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa.
Chúng ta chứng kiến hai đám rước trái ngược nhau.
Trong ngày Lễ Lá, Ðức Giêsu được đón rước vào thành,
giữa tiếng hò reo vang dậy.
Ngài như vị Vua Mêsia lẫm liệt trên lưng lừa.
đi trên con đường của những nhành cây xanh mới chặt.
Sau đó ít ngày là đám rước lên núi Sọ.
Không có tiếng tung hô, chỉ có lời kết án.
Không có những nhành cây, chỉ có cây thập giá.
Ngày xưa, có ai tham dự cả hai đám rước đó không?
Chúng ta thường mệt mỏi khi nghe bài Thương Khó,
và thấy mình dửng dưng, xa lạ, bàng quan.
Thật ra nỗi khổ đau và cái chết của Chúa
 vì tôi, vì yêu mến tôi (x. Gl 2,20).
Cần nghe đọc bài Thương Khó một cách chậm rãi,
và bước theo Chúa qua từng chặng đường.
Hãy ở lại với Chúa trong lúc khó khăn này.
Cần cảm nghiệm được nỗi cô đơn của Chúa.
Ba môn đệ thân tín đã bỏ rơi Ngài.
Họ ngủ say để mặc Ngài một mình khắc khoải.
Giuđa chỉ điểm bắt Ngài bằng một nụ hôn.
Các môn đệ sợ hãi bỏ Ngài mà chạy trốn.
Phêrô thề là không hề quen biết Ngài.
Ðức Giêsu cô đơn trước đám đông cuồng nộ.
Họ bị kích động đòi đóng đinh Ngài.
Họ coi Ngài còn thua Baraba là tên phiến loạn.
Không rõ đám đông Ngài đã nuôi ăn, nay ở đâu?
Những người mới tung hô Ngài, nay ở đâu?
Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn
khi Ngài cảm thấy chính Cha cũng vắng bóng:
Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?
Cần cảm nghiệm nỗi đau trên thân xác Chúa.
Khuôn mặt ngời sáng của Con Thiên Chúa làm người
nay bị khạc nhổ, bị tát, bị đánh túi bụi.
Ðôi mắt với cái nhìn bao dung ấy
nay bị bịt lại để làm một trò chơi trẻ con.
Tấm thân đã gánh lấy nỗi đau của bao người
giờ đây được phơi ra cho những trận roi cầy nát.
Ðôi bàn tay đã chữa bệnh và chúc lành,
nay co quắp và bầm tím vì những mũi đinh.
Ðôi bàn chân từng rong ruổi khắp nẻo đường truyền giáo,
nay không đủ sức nâng cả thân mình đang trĩu nặng.
Cần cảm nghiệm nỗi ô nhục của Chúa.
Danh dự và phẩm giá vẫn là điều đáng trọng.
Ðức Giêsu bị bắt làm hề, đóng vai Vua dân Do Thái,
được mặc cẩm bào, được đội triều thiên, được cầm vương trượng.
Có vị vua nào được bái lạy như vị vua này không?
Ðức Giêsu bị lột áo trước khi bị đóng đinh.
Con Thiên Chúa đỏ mặt trước cái nhìn của thế giới!
Cuộc thương khó của Chúa vẫn kéo dài đến tận thế.
Thập giá của Chúa, của tôi, của anh em tôi, là một.
Chúa mời tôi vác thập giá của mình theo Chúa hằng ngày,
và giúp tha nhân vác thập giá của họ.
Ước gì thế giới có thật nhiều Simon Kyrênê.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện
với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm

Dân Israel trải qua dòng lịch sử, họ luôn sống trong niềm hy vọng Đấng Cứu Độ. Niềm hy vọng trong dân của giao ước ngày càng gia tăng. Có lẽ do những lời giảng dạy của Chúa qua các phép lạ Chúa thực hiện, đặc biệt là dấu lạ Chúa làm cho Lagiarô sống lại mấy ngày trước lễ Vượt Qua đã khiến lòng tin và niềm hy vọng trong dân ngày càng gia tăng nơi Đức Giêsu. 

“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa ngự đến” (Mc 11,10). Đây là lời đón tiếp nồng nhiệt vang vọng trong đoàn người đón chào Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Qua lời chúc tụng này chúng ta thấy dân Israel đã đặt tất cả niềm tin vào Đức Giêsu là Chúa của mình, cũng như qua bao năm tháng hy vọng vào Đấng Messia, thì giờ đây niềm hy vọng của dân tộc đã đến. Chính vì lý do này mà dân chúng lại càng hô to: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa ngự đến”. 

Đức Giêsu là Đấng Messia, là Vua dân Israel. Nhưng phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật Lễ Lá không dừng lại việc Chúa tiến vào Giêrusalem giữa rừng người hân hoan chúc tụng Chúa. Bởi vì sau đó là bức màn thương khó được mở ra, qua đó đưa chúng ta đến mầu nhiệm cứu độ mà Chúa thực hiện bằng sự khổ đau và cái chết ê chề của Người trên thập giá. 

Lời của tiên tri Isaia trong bài đọc 1 mô tả hình ảnh của người tôi tớ Thiên Chúa: Đó là người tôi tớ thi hành thánh ý của Thiên Chúa, vì lẽ đó mà người tôi tớ này đành chấp nhận để mọi người chê cười, phỉ nhổ, đánh đập, bỏ rơi. Thứ đến là lời của bài Thánh vịnh đáp ca nói lên tâm tình của người công chính bị bách hại. Lúc này người công chính bị mỉa mai sỉ nhục chỉ biết trông cậy một mình Thiên Chúa mà thôi. “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ ruồng bỏ con sao” (Tv 21,2). Tiếp theo là bài đọc 2 trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Philiphê còn cho chúng ta biết thêm con đường cứu độ của Chúa Giêsu. Mặc dù là Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu đã tự hạ mình tột cùng, bằng việc “Không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toán trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại con hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8). Cuối cùng là bài Thương khó trong Tin Mừng Máccô đã cho chúng ta chứng kiến cảnh cuối cùng công trình cứu độ của Chúa Cha, qua sự thương khó và cái chết đem ơn cứu độ của Chúa Giêsu trên thập giá. 

Chúng ta thử hỏi vì sao mà Chúa Giêsu là người tôi tớ, người công chính và là Thiên Chúa, phải đành chấp nhận bản án hy sinh trên thập giá? Thưa là vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta mà Người đã từ trời xuống thế để chọn lấy con đường đau khổ hy sinh giao hòa con người với Chúa Cha, để lôi kéo muôn người dưới mặt đất được lên thiên đàng. Như vậy con đường hạ mình tột cùng của Chúa Giêsu sẽ là con đường để Đức Giêsu được Chúa Cha tôn vinh tột cùng và được đặt làm Chúa và làm Vua toàn thể nhân loại. Cũng như còn đường tự hạ của Chúa Giêsu là con đường để con người được Chúa Cha ban ơn tha thứ, ơn giao hòa và sự sống vĩnh cữu trong nước trời. 

Qua sự hy sinh của Chúa Giêsu, Ngài đã cho thế giới biết chìa khóa để mở cánh cửa nước Trời đón nhận mọi người, đó là sự vâng phục hạ mình, đau khổ và hy sinh. Như vậy chúng ta hãy cùng với Đức Giêsu tiến vào thành Giêruselem bằng sự vâng phục và tuân giữ lời Chúa cách triệt để, cũng như bằng thái độ khiêm tốn trong lời nói, suy nghĩ và hành động, đặc biệt là sự hy sinh từ bỏ con đường tội lỗi và gánh lấy mọi sự khổ đau hồn xác của anh chị em trong kinh nguyện, trong sự kết hợp với hy tế cứu độ của Đức Giêsu Kitô, là người tôi tớ đau khổ gánh lấy mọi khổ đau của con người, ngõ hầu tất cả mọi người sẽ được cứu chuộc nhờ máu Người đổ ra trên thập giá. 

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con được cùng với Mẹ chúc tụng Đức Giêsu, Con của Mẹ là Đấng nhân danh Chúa ngự đến. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường