Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 22 THÁNG 03 NĂM 2018

Filled under:

Lời Chúa: Ga 8, 51-59

51
 Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”52 Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.
53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? “54 Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”
57 Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! “58Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! “59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. 
Suy Niệm
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.
Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59).
Ném đá là hình phạt của người Do-thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.
Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng, 
nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa ?
Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.
Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ 
vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56). 
Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,
mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới.
Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58).
Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê
khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).
Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.
Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.
Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),
bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.
Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.
Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.
Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình.
Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).
Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ.
Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương,
và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).
Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu :
Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.
Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),
và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).
Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình.
Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm.
Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51)
chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).
Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại.
Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.
Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm.
Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.
Lời nguyện
Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.

Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.

Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.

Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,S.J.

SUY NIỆM

Cuộc sống trần gian vốn có những qui luật để bảo vệ bình an, trật tự cho con người, cho xã hội. Ai làm trái với những qui định, sẽ phải chịu trừng phạt hoặc chịu những hậu quả đau thương cho bản thân, cho người khác.

Nhưng những gì do con người qui định, lại thường quá giới hạn và bất toàn, chỉ phục vụ cho lợi ích của một tầng lớp nào thôi. Từ đó, có những bất phục tùng, những phản kháng. Cách phản ứng thường tình này, trở thành một thói quen vô thức, khiến chúng ta bất phục tùng với cả lời Chúa.

Một thanh niên bị bạn khiêu khích, đang chuẩn bị hung khí để đi trả thù. Lòng dâng trào sự thù hận. Tâm trí đang căng thẳng trước khi hành động. Đêm nay, tên khiêu khích xúc phạm sẽ không được sống trên đời. Trời tối, đêm về, tâm hồn anh chỉ còn là một màu đen. Tắt đèn, giả vờ nằm ngủ. Anh nhìn ngọn đèn nhỏ trên bàn thờ gia đình. Một chút ánh sáng mờ nhạt còn lại trong phòng tối. Bất giác, ánh sáng le lói của ngọn đèn thờ kia dọi vào tim anh, khi nhìn tượng Chúa mà ngọn đèn kia bao năm dọi sáng cho anh nhìn thấy Chúa giữa đêm tối. Lời Chúa như một ánh chớp chiếu tỏa hồn anh. Lời yêu thương từ thập giá hôm nào anh đã học, nay vang lên trong tâm trí anh. Lòng hận thù bị phá tan. Bước chân sắp ra đi để trả thù, để giết người, phút chốc, anh đã quì gối trên sàn nhà, mắt đăm đăm nhìn tượng Chúa, anh thưa: 

“Lạy Chúa, xin giúp con biết tha thứ như Chúa đã tha cho con. Xin cho con thực hiện lời Chúa truyền là: anh em hãy yêu cả kẻ thù”. Chưa bao giờ anh thấy lời Chúa sống trong anh như hôm nay, như chính giây phút giằng co khốc liệt này. Nhưng cuối cùng  lời Chúa đã giữ anh thoát tai họa và chết chóc.

Lời Chúa là chân lý. Lời Chúa là tình thương. Tất cả những lời mà Chúa trao ban cho chúng ta là để khi đón nhận thì được sống đời đời. Chúng ta giữ hay không giữ cũng không thêm, không bớt gì cho vinh quang Chúa. Nhưng sẽ liên hệ đến vận mệnh của mỗi người chúng ta. Tuân giữ thì được sống. Khước từ là chết. 

Lạy Chúa, nếu có bao lần thất bại trong đời, nếu có bao tội con phạm, tất cả, là do con không còn giữ lời Chúa. Anh thanh niên kia đã được lời Chúa cứu thoát cả xác lẫn hồn. Xin cho mỗi người trong gia đình và cộng đoàn chúng con, biết để tâm suy gẫm học hỏi và nhất là quyết thực hành lời Chúa dạy chúng con, để lời Chúa luôn gìn giữ chúng con trong sự sống ơn thánh. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường