Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

SUY NIỆM HÀNG NGÀY - NGÀY 12/3/2018

Filled under:

Lời Chúa: Ga 4, 43-54
43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ. 46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.48 Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! “49 Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! “50 Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin.54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.
Suy nim 1
Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường gặp nỗi sợ hãi, lo lắng 
của những bậc cha mẹ trước căn bệnh hiểm nghèo của con mình. 
Ông trưởng hội đường Giairô khẩn khoản nài xin Đức Giêsu 
Con bé nhà tôi gần chết. Xin Thầy đến và đặt tay trên nó” (Mc 5, 23). 
Bà dân ngoại gốc Canaan kêu lên: “Xin thương xót tôi,
vì con gái của tôi bị quỷ ám trầm trọng lắm”
 (Mt 15, 22). 

Người cha có đứa con bị động kinh cũng nài van Đức Giêsu: 
“Xin Thầy chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22). 
Trong bài Tin Mừng hôm nay viên sĩ quan, có lẽ của vua Hêrôđê, cũng năn nỉ: 
“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất !” (c. 49). 
Bệnh tật và cái chết đang đe dọa đứa con khiến cha mẹ khổ đau và bối rối. 
Họ không muốn mất đứa con đã trở nên một phần của đời họ. 
Họ vội vã đến với Đức Giêsu như đến với một nơi có thể cấp cứu kịp thời. 
Họ tin vào sự hiện diện của Ngài, vào sự chữa lành mà Ngài đem lại.  
Lòng tin của viên sĩ quan đã lớn lên từ từ. 
Ông tin nhờ nghe người ta nói về những gì Đức Giê su đã làm ở vùng Giuđê. 
Ông gặp Ngài vì tin Ngài có thể chữa đứa con trai đang nguy tử của ông 
bằng cách đi với ông về nhà ở Caphácnaum (c. 49). 
Nhưng sau đó ông tin vào uy quyền của lời Đức Giêsu : 
“Ông cứ về đi, con ông sống!”nên ông vâng lời đi về nhà một mình (c.50). 
Chẳng cần sự hiện diện, chỉ cần lời của Ngài nói từ xa cũng đủ con ông khỏi bệnh. 
Lòng tin của ông được vững vàng hơn khi ông kiểm chứng và biết rõ 
chính vào giờ Ngài nói thì con mình được chữa lành (c. 53). 
Bây giờ hẳn ông đã tin trọn vẹn vào chính con người Đức Giêsu. 
Lòng tin ấy lôi cuốn cả gia đình ông tin theo. 
Sau khi dấu lạ xảy ra, không thấy nói gì về thái độ ngạc nhiên của gia quyến. 
Kết quả tuyệt vời của dấu lạ là chính lòng tin của mọi người trong nhà. 
Họ sẽ được ông kể cho nghe từng chi tiết câu chuyện gặp gỡ.
Trong tiệc cưới ở Cana, lòng tin của Đức Maria đã dẫn đến dấu lạ đầu tiên. 
Dấu lạ này đã khiến các môn đệ Đức Giêsu tin vào Ngài (Ga 2, 11). 
Trong dấu lạ thứ hai này ở Cana, lòng tin của viên sĩ quan, của một người cha, 
đã dẫn đến lòng tin của những người thân thuộc. 
Lòng tin thật sự bao giờ cũng có khả năng thu hút, lôi kéo, lan rộng. 
Ngay trước đoạn Tin Mừng này, 
chuyện người phụ nữ Samari cũng cho ta thấy điều đó. 
Từ lời chứng của chị, dân thành Xykha đã tin vào Đức Giêsu (Ga 4,39).
Đời chúng ta cũng có những lúc tưởng như tuyệt vọng, 
khi ta thấy tuột khỏi tay mình những gì rất quý mà mình muốn ôm giữ. 
Hãy nhìn lên thánh giá để khỏi mất lòng tin. 
Hãy chấp nhận đi vào những nẻo đường lạ lẫm mà Chúa đang mời gọi. 
Như viên sĩ quan, ta sẽ gặp tin vui ngay trên đường về nhà.
Cầu nguyn:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
|Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2
Tin Mừng theo thánh Gioan rất đặc biệt bởi lẽ Tin Mừng Gioan được xem là Tin Mừng của mầu nhiệm tình yêu thương. Hết sức đơn giản, vì trong Tin Mừng, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Tình thương của Thiên Chúa diễn tả bằng nhiều hình ảnh với nhiều cung bậc khác nhau qua những lời giáo huấn và việc làm của Chúa Giêsu.

Thiên Chúa thể hiện tình yêu với con người bằng những cung bậc khác nhau. Có lúc thiết thân như bạn hữu: “Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15, 15), có lúc bao dung độ lượng như người cha già ngóng đợi đứa con hoang đàng trở về.

Loài người là đối tượng để Thiên Chúa yêu thương.Người nhìn ngắm, thấu hiểu từng cảm xúc suy nghĩ của chúng ta.Người biết rõ những gì chúng ta khát vọng chờ mong. Người thấu cảm nỗi tâm tư, những cơn cám dỗ và những khoảng trống trong tâm hồn ta. Người đếm từng sợi tóc, từng mạch máu nhỏ li ti đang ngầm chảy trong ta. Người biết ta yếu đuối để vực dậy đỡ nâng, biết ta cô đơn trống vắng để lấp đầy.

Thiên Chúa lắng nghe từng nhịp đập con tim, từng bước chân ta vụng về dễ dàng vấp ngã, vì thế Người đã tự nguyện gánh lấy mọi khổ đau để cho ta được hạnh phúc viên mãn. Thiên Chúa đã tự trói buộc mình vào tình yêu nhân thế để rồi trả lại cho con người niềm tự do của thuở ban đầu Sáng Thế. Người hủy diệt sự chết để rồi tái sinh ta trong sự sống mới vinh quang.

Tin mừng cho thấy, trong một lần trở lại thăm quê hương Nagiarét, Chúa Giêsu tỏ thái độ thất vọng về một số người đồng hương rất cứng lòng tin, nên Người bỏ đó mà đi đến Galilê.Nơi đây Người được dân chúng đón tiếp nồng nhiệt. Trong số đó có viên sĩ quan của nhà vua nghe biết tiếng tăm và quyền năng của Chúa Giêsu nên ông tìm đến gặp và xin Người chữa đứa con trai của ông đang trong giờ phút thập tử nhất sinh. 

Tin Mừng hôm nay chỉ cho biết một ít thông tin về viên sĩ quan ngoại đạo và đứa con trai của ông. Thái độ khẩn khoản của ông trước Chúa Giêsu chứng tỏ tình thương đối với đứa con mà ông đang từng giây từng phút giành lấy từ tay tử thần. Ông đã không để ý đến lời khiển trách của Chúa Giêsu nhưng một mực tin vào quyền năng và tình thương của Chúa: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất” (câu 49). Ông vui mừng khi Chúa Giêsu nhận lời:“Ông cứ về đi, con ông sống”(câu 50) và vội vã trở về nhà. Ông ta mong ước Chúa Giêsu có mặt lúc này để cứu sống con ông, nhưng Chúa Giêsu đã làm điều mà chính ông ta cũng không ngờ, Ngài dùng Lời quyền năng để phán và phép lạ đã xảy ra. Chúa Giêsu sẵn có sự sống Thiên Chúa nơi mình nên Ngài chỉ phán có một lời, đứa trẻ đã được lành mạnh. Kết quả là viên sĩ quan và cả gia đình của ông đã nhận được sự sống thần thiêng và ơn cứu độ.

Sau khi cầu xin Chúa Giêsu, viên sĩ quan đã được mời gọi hãy tin vào lời Chúa nên ông đã ra về. Khi ông còn đang đi xuống thì nhận được tin báo con ông đã khỏi bệnh. Với cách chữa bệnh “từ xa”, Chúa Giêsu một lần nữa thực hiện phép lạ thứ 2 tại Cana giúp dân chúng tin nhận quyền năng của Thiên Chúa.

Phép lạ xảy ra trong một bối cảnh khá đặc biệt. Trong khi những người Do Thái tại Nagiarét không đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thì những người dân ngoại lại nhận được. Điều này cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa không đến do mối liên hệ dân tộc huyết thống nhưng do lòng tin. Ơn cứu độ mang tính phổ quát không chỉ gói gọn trong một dân tộc Do Thái nhỏ bé nhưngmở rộng đến các dân ngoại. Những người Do thái thường hãnh diện là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn, họ có thái độ ích kỷ hẹp hòi, kiêu căng tự mãn với những truyền thống của cha ông. Trái lại những người sống ở miền Galilê là nơi có nhiều dân ngoại nhưng họ lại có tấm lòng cởi mở dám đón nhận chân lý đức tin nên họ đã được Chúa Giêsu thực hiện 2 phép lạ.

Phép lạ Chúa Giêsu làm hôm nay đã mở đường cho gia đình viên sĩ quan tìm về ơn cứu độ. Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã thực hiện những việc tương tự và được rất nhiều người tin theo. Phép lạ ấy vẫn có thể xảy ra trong thời đại chúng ta. Chúng ta không dùng lời để phán nhưng dùng đôi chân để đi đến với những người bất hạnh, dùng đôi tay để nâng đỡ những người túng thiếu chung quanh chúng ta.

Chúng ta có dư khả năng để làm phép lạ khi chúng ta bớt những khoản chi tiêu trong gia đình  để chia sẻ cho các trại nuôi trẻ mồ côi, người tàn tật, các cụ già yếu neo đơn. Những người này không chìa tay xin chúng ta đâu, nhưng trong tinh thần bác ái Kitô giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta tự nguyện sống khắc khổ để chia cơm sẻ bánh cho họ, không phân biệt lương giáo.

Chúng ta có thể cứu sống một đứa trẻ lâm bệnh không có tiền chữa trị, chúng ta có thể giúp nuôi dưỡng một trẻ em nghèo có điều kiện đến trường, một người tàn tật có công ăn việc làm nhờ vào những khoản tiết kiệm của chúng ta…và còn biết bao việc mà chúng ta có thể làm để thăng tiến đời sống của những người cùng khổ. Đó là những phép lạ mà chúng ta có thể làm trong thời đại hôm nay.

Chính tình yêu từ thập giá Chúa Giêsu đã hóa giải mọi nỗi nghi ngại ngờ vực, đã cho hạt cát nhỏ bé bất xứng trở thành viên ngọc vô giá. Tình yêu có những cung bậc khác nhau, có lúc sôi nổi dữ dội, cũng có lúc trầm lắng tha thiết.Có thứ tình yêu nồng thắm mặn mà, cũng có tình yêu thoáng chút dịu êm. Dù ở cung bậc nào trầm hay bổng thì tình yêu vẫn là điều kỳ diệu muôn thuở làm say đắm lòng người. Bởi lẽ tình yêu là nguyên lý của cuộc sống.

Đối với Thiên Chúa, tình yêu không tính bằng thành tích và những việc làm vượt sức con người, nhưng tình yêu đặt ở tấm lòng với con tim yêu mến. Chúng ta chỉ là phàm nhân đầy yếu đuối không có gì đáng giá để sánh ví với tình yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.Thế mà Thiên Chúa đã yêu nhân loại bằng tình yêu tự hiến, không so đo tính toán.

Con người là đối tượng duy nhất được Thiên Chúa yêu thương. Người đã nhìn ngắm công trình tạo dựng với tất cả lòng bao dung, mong muốn được ở lại và nên một với con người. Đức Hồng Y Gioan Henry Newman đã từng cảm nhận sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa, ngài nói: “Anh em là những thụ tạo của Thiên Chúa. Ngay con chim trời bé nhỏ Người cũng chăm sóc huống chi anh em là nghĩa tử của Người, là tạo vật đã được cứu chuộc và thánh hiến. Anh em mang lấy vinh quang và lời chúc lành được tuôn trào từ Người Con duy nhất là chính Đức Giêsu Kitô”.

Người Kitô hữu hôm nay được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu là đem Tin Mừng đến với con người thời đại. Chúng ta không đi con đường nào ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Muốn được như thế, trước tiên, bản thân chúng ta phải là những người tin. Tin thì không cần có điều kiện, tin là nhắm mắt bước đi theo sự chỉ đường của Thiên Chúa. Con đường ấy không bao giờ phù hợp tâm thức của con người. Đó là con đường hy sinh, cầu nguyện; con đường canh tân, hoà giải; con đường bác ái, sẻ chia mà Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy thực hành trong Mùa Chay thánh.