Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

5 Năm Triều Đại Của Đức Phanxico

Filled under:

Từ năm nay nay, một con người mới ở ngôi Thánh Phêrô ở Rôma. Từ ngày 13 tháng 3 – 2013, Jorge Mario Bergoglio làm cho mọi người ngạc nhiên, ngài thúc đẩy họ, làm họ phải phản ứng. Bốn nhân vật người Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp sẽ bày tỏ ý kiến của mình về năm năm triều giáo hoàng của ngài, năm năm đã làm thay đổi hình ảnh của Giáo hội công giáo.
Trong bài đầu tiên, chúng tôi tham khảo ý kiến chung của các nhân vật này về năm năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô từ năm 2013 đến năm 2018.
Ký giả Christophe Büchi:
“Theo tôi, triều giáo hoàng này là một phần của những chuyện ngạc nhiên lạ lùng mà lịch sử Giáo hội công giáo không thiếu. Sau triều giáo hoàng của một giáo sư thần học Đức, mật nghị kế tiếp đưa người mục tử Argentina lên “ngôi” Thánh Phêrô, chứng tỏ cho thấy trong lịch sử Giáo hội, một biện chứng tinh tế mang đến những xáo trộn bất ngờ. Tôi tin, Thần Khí thổi nơi đâu Ngài muốn! Nói một cách nôm na: tôi vô cùng biết ơn năm năm triều giáo hoàng của ngài, năm năm dưới ngài làm nổi bật đức ái và thực tế nhân bản của thời buổi hiện đại”.
 Madeleine Duc-Jordan:
“Tôi ngưỡng mộ và biết ơn. Giáo hoàng của chúng ta mang đến một lối cải cách sâu đậm trong cách ngài đảm đương chức vụ giáo hoàng. Giáo hội La Mã có thể tự hào và hạnh phúc có được người đứng đầu với một trí tuệ như vậy, có khả năng  đương đầu được với tất cả các trận đấu”. 
Mục sư Denis Müller:
“Không chối cãi được, đây là thời buổi làm mới, dù chúng ta chưa biết các cải cách được dự trù có được tới bến hay chỉ mới phác thảo. Lòng can đảm của Đức Giáo hoàng buộc mọi người phải ngưỡng mộ. Các chương trình nội bộ của những người theo phái bảo thủ và truyền thống thì nặng nề và đáng lo.
Nhưng song song vào đó thì chúng ta lại thấy có một khuynh hướng bình luận lố đi các ý muốn thay đổi của Jorge Mario Bergoglio. Đức Giáo hoàng bị lý tưởng hóa – điều này không phải là mới trong đạo công giáo – nhưng ở đây lại nhấn mạnh trên tính cách “nhẹ nhàng” của ngài mà quên đi khía cạnh uy quyền cũng gây hoang mang nơi hình ảnh triều giáo hoàng của ngài”.
“Giáo hoàng của quý vị rất siêu (super)”, một người hồi giáo phát biểu
Cha xứ Pascal Desthieux:
“Đức Phanxicô là món quà lớn mà Chúa ban cho Giáo hội công giáo. Với một ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu, ngài dẫn dắt Giáo hội theo một tầm nhìn rõ ràng mà ngài trình bày trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Nhất là ngài nói qua tấm gương của chính mình.
Ngài làm những gì ngài nói, chẳng hạn ngài quyết định ở Nhà Thánh Marta, theo một lối sống thanh đạm. Ngài đánh động nhiều người kể cả những người không công giáo. Một ngày nọ, có một người hồi giáo nói với tôi: “Giáo hoàng của cha thật super!”.
Theo tôi, người ta hơi làm lớn các căng thẳng chung quanh Đức Phanxicô. Cách đây năm năm, các hồng y đã sáng suốt khi chọn ngài, họ đánh giá cao mong muốn đưa Giáo hội “đi ra” của ngài, họ xin ngài cải cách giáo triều. Cuộc cải cách này đang tiến hành trong một quá trình lâu dài, nhưng giáo hoàng Dòng Tên hiểu, đây không những chỉ cải cách cơ cấu vì nó cũng không giải quyết được gì nếu vẫn duy trì các “thói quen xấu”.  Vì thế ngài đưa tất cả các cộng sự viên của mình đi “linh thao” một tuần vào Mùa Chay.
Ngày 13 tháng 3 -2013, hồng y Jorge Mario Bergoglio trở thành Giáo hoàng Phanxicô. Nhìn lại năm năm một triều giáo hoàng đa dạng, một triều giáo hoàng đã làm mọi người ngạc nhiên và không ngừng làm ngạc nhiên tiếp. Trên năm câu hỏi, ban biên tập trang mạng công giáo Thụy Sĩ cath.ch hỏi ý kiến bốn quan sát viên am tường Giáo hội công giáo.

Giáo hoàng đã tạo nên sự kiện. Tại Rôma, ngài đi thăm người nghèo, ngài mang lại một làn gió mới. Theo bước đi  của người được tuần báo Mỹ Time bình chọn là nhân vật trong năm 2013, ngài vẫn có các hành vi mạnh và các hình ảnh đáng kể.
Bốn nhân vật của chúng tôi được mời để nhắc lại các thông điệp then chốt trong năm năm giáo triều của Đức Phanxicô, giữa năm 2013 và 2018. 
Ký giả Christophe Büchi:
“Theo tôi, giây phút xúc động nhất vẫn là năm phút đầu tiên triều giáo hoàng của ngài khi tân giáo hoàng “chào buổi chiều!” (‘Buona sera '). Một tông giọng mới chưa từng có. Sau đó ngài tự giới thiệu mình là giám mục Rôma chứ không phải là tân giáo hoàng, như thế Đức Phanxicô đã đặt cả một chương trình quản trị của mình.
Một giây phút khác của quan trọng là khi ngài trả lời một câu hỏi của ký giả hỏi ngài về những người đồng tính: “Tôi là ai để phán xét ...?” Bằng cách không phản đối một nguyên tắc bằng một nguyên tắc khác, nhưng hướng cuộc thảo luận theo một lối khác, Đức Phanxicô chứng tỏ cho thấy ngài là một tu sĩ Dòng Tên đích thực”. 
Bà Madeleine Duc-Jordan:
“Các giây phút quan trọng rất nhiều, các giây phút này đã làm cho tôi rất xúc động và ngạc nhiên. Giây phút xúc động là khi ngài ra ban công “chào buổi chiều”, ngài xin giáo dân chúc lành cho mình trước khi ngài ban phép lành cho họ và sau đó là ngài cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI.
Một hành vi can đảm và giây phút quan trọng nữa là chuyến đi đầu tiên của ngài là đến Lampedusa với người di dân vào tháng 7 năm 2013. Những lần đi khác với các hành vi biểu tượng: ngài đi tông du với chiếc cặp trong tay, các buổi họp báo ngẫu phát, làm đám cưới trên không ... Theo tôi, đó là các hành vi đập mạnh, cắm sâu trong tinh thần mục vụ gần gũi.
Và còn một thời điểm quan trọng khác là tháng 10 năm 2016 ngài đi Thụy Điển để mừng kỷ niệm 500 năm Cải cách giáo phái tin lành. Ngài chứng tỏ cho chúng ta thấy ngài quyết tâm theo đuổi con đường hiệp nhất”. 
Mục sư Denis Müller:
“Về mặt chính trị và thần học, dự định cải cách Giáo triều chưa xong; về lãnh vực luân lý, cách trả lời trong vấn đề ấu dâm. Về vấn đề gia đình, thật khó để biết cái gì sẽ xảy ra. Các kết luận của Thượng Hội đồng Gia đình có rõ ràng và chặt chẽ như người ta có thể nói bên trong nội bộ không?
Còn về chỗ đứng của phụ nữ, thái độ vẫn còn rất truyền thống, không nói gì về hôn nhân của các linh mục và phụ nữ được làm linh mục, các chủ đề này chắc chắn đi chung với nhau và vì thế sát cánh với nhau. Ngược lại, tôi thán phục sự trì chí của ngài về vấn đề hôn nhân đồng tính. Trên điểm này, các phê phán của tin lành vẫn còn theo phong tục tập quán, đành lòng theo tinh thần của thời đại”. 
Cha xứ Pascal Desthieux:
Giây phút then chốt bắt đầu ngay từ đầu, khi ngài xin giáo dân cầu nguyện cho tân giám mục Rôma. Chọn lựa chuyến tông du đầu tiên của ngài cũng rất ý nghĩa: tháng 7 năm 2013 ngài đi Lampedusa để tưởng niệm tất cả những người di dân đã bỏ mình trên biển cả.
Một thông điệp đáng lưu ý khác là các buổi lễ ngày Thứ năm Tuần Thánh: ngài bỏ phong tục cử hành lễ ở thánh đường Latran để đến các nhà tù (năm 2013, 2015 và 2017), đến bệnh xá cho người lớn tuổi và khuyết tật (2014) hay đến một trung tâm tiếp nhận người tị nạn (2016). Ngài rửa chân cho tù nhân, cho người lớn tuổi, cho người tị nạn cả cho đàn ông lẫn phụ nữ!
Một giây phút quan trọng khác trong tinh thần đại kết là ngài đã tham dự ngày mở đầu năm kỷ niệm 500 Cải cách ở Thụy Điển vào tháng 10 năm 2016.
Chúng ta có thể kể ra rất nhiều các giây phút quan trọng khác của ngài, nhưng một thời điểm quan trọng khác trong triều giáo hoàng của ngài là Năm Thánh Lòng thương xót, ngài mời gọi toàn Giáo hội, đặc biệt là những người có trách nhiệm để họ có một sự hoán cải hướng về lòng thương xót và trắc ẩn. Để chúng ta luôn “thương xót như Cha chúng ta hằng thương xót”.

Năm năm giáo triều, một trách vụ trên một người được các đồng bạn của mình bầu lên khi đã ở tuổi 76! Dù vậy, các tiếp xúc thường xuyên với những người ở mọi chân trời đã làm cho ngài thêm sức.
“Nếu bạn đối diện với giáo hoàng, bạn sẽ nói gì với ngài?”: câu hỏi được đặt ra cho bốn nhân vật người Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp. Các câu trả lời của họ làm khích lệ và các vấn đề mang một tiếng vang lớn cho những mong chờ trong Giáo hội công giáo hiện nay.
Ký giả Christophe Büchi:
“Nếu giáo hoàng ở trước mặt tôi, tôi muốn nói với ngài ‘xin cám ơn!’. Và: ‘Xin cha vững lái!’ Và có thể, tôi sẽ lấy hết can đảm nói với ngài: ‘Trọng kính Đức Thánh Cha, xin cha độ lượng với những người chống cha!’” 
Bà Madeleine Duc-Jordan:
“Tôi sẽ nói với ngài: ‘Xin cha tiếp tục có những hành vi ngôn sứ theo hình ảnh Chúa Giêsu Nadarét, Đấng đã đi khắp các vùng Palestina. Xin cha tiếp tục sứ vụ trong tinh thần mở ra của Giáo hội chúng ta. Xin cha tiếp tục là mục tử như cha đã là. Và con cầu nguyện cho cha’”. 
Mục sư Denis Müller:
“Tôi sẽ đặt cho ngài những câu hỏi về việc cải cách giáo triều, về địa vị của phụ nữ, về cuộc chiến đấu chống nạn ấu dâm, về hôn nhân của các linh mục, về chức thánh của phụ nữ. Tôi cũng hỏi ngài xem ngài có một chương trình chiến đấu, như đánh cờ vua, mình đánh một quân, đối thủ đánh một quân, theo đường đi của tình cờ. Và ngài có theo gương của Đức Bênêđictô XVI để từ nhiệm không.
Và nhất là tôi mời ngài đi xem một trận đá banh với tôi vì chúng tôi đều rất mê môn đá bóng. Và chúng tôi sẽ xem mình sẽ đi Buenos Aires để xem đội San Lorenzo hay ngài muốn xem bóng đá ở sân Maladière ở Neuchâtel của chúng tôi”.
“Xin ngài tiếp tục có những hành vi ngôn sứ theo hình ảnh của Chúa Giêsu”
Cha xứ Pascal Desthieux:
“Tôi sẽ nói với ngài như lần cuối cùng khi gặp ngài trong dịp đại hội các linh mục đại diện các tòa giám mục về đời sống thánh hiến tháng 10 năm 2016, lúc đó tôi đã nói: ‘Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con yêu cha rất nhiều!’. Và ngài đã trả lời cho tôi, bằng tiếng Pháp: ‘Vậy thì cầu nguyện cho cha, cha rất cần lời cầu nguyện’.
Và nếu chúng tôi có thêm thì giờ, tôi sẽ nói thêm, lời của ngài và gương của ngài đã làm cho tôi được lên tinh thần trong đời linh mục của tôi. Ngài nhắc tôi phải là người Mục tử nhân lành, phải săn sóc đàn chiên của mình.
Trong một cuộc gặp gỡ với các linh mục, khi nhắc đến dụ ngôn con chiên đi lạc, ngài đã dí dỏm nói, ngày nay chúng ta chỉ có một con chiên trong chuồng, chúng ta phải đi ra ngoài để đem 99 con chiên chúng ta còn thiếu. Như thế cần rất nhiều lòng độ lượng và can đảm, vì ở nhà với con chiên duy nhất, săn sóc chải lông cho mượt thì dễ hơn. Mà Chúa thì muốn chúng ta là các mục tử, chứ không phải người chải lông chiên!”

Hành trình của Đức Phanxicô không phải là hành trình của một dòng sông bình lặng. Can đảm, thậm chí là dám liều, ngài không ngần ngại đưa ra các khó khăn của Giáo hội công giáo, và đó là điều làm cho ngài bị chỉ trích về cách làm việc và đã đưa ra các rạn nứt trong hàng ngũ công giáo.
Dưới mắt các nhà quan sát, triều giáo hoàng của Đức Phanxicô có nhiều điểm mạnh, được xem là có nhiều tiến bộ trong một Giáo hội thừa hưởng di sản của Công đồng Vatican II. Nhưng cũng có một số người nói thẳng đến các khía cạnh không trong sáng trong các quyết định của triều giáo hoàng. Nêu lên các điểm yếu hay các yếu tố cần cải thiện cho triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, bốn nhân vật người Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp trả lời cho báo công giáo Thụy Sĩ, cath.ch
Ký giả Christophe Büchi:
“Theo tôi, điểm yếu là: tôi có cảm tưởng như Đức Phanxicô khá đơn độc. Các điểm cần cải thiện? Tôi cố gắng trả lời: tôi là ai mà cho ngài lời khuyên? Nhưng tôi có một câu hỏi: giáo hoàng có nghe đủ những người, mà có lý hay không, họ quan tâm đến những gì họ nghĩ là có một sự thay đổi trong đường lối lãnh đạo Giáo hội không?
Tôi nghĩ khi ngài “đặt người nghèo” lên hàng đầu, khi ngài có những quan điểm mang tính ngôn sứ, rất đòi hỏi và rất kiên quyết như quan điểm của ngài về người di dân, có thể ngài chưa lường được sự lo âu trong xã hội khi kêu gọi đón nhận người di dân. Vì thế tạo ra sự bất an, sự bất an này cần được xóa tan, điều này đòi hỏi thiện chí của tất cả mọi người”.
“Giáo hoàng có nghe đủ những người quan tâm đến các thay đổi trong đường hướng lãnh đạo Giáo hội không?”
Bà Madeleine Duc-Jordan:
“Sự chậm chạp trong các việc cải cách Giáo hội đè nặng trên một số tín hữu dấn thân và làm cho họ nản chí. Các khó khăn trong mục vụ hôn nhân, các người ly dị tái hôn hay việc phong chức cho các ông đã lập gia đình là các quan tâm của Giáo hoàng Phanxicô.
Nhưng các chỉ trích cũng nhắm đến nhịp độ các cải cách và thay đổi. Các tia hy vọng đã có từ hồi đầu triều giáo hoàng của ngài về sự tiến triển của vai trò phụ nữ trong Giáo hội, về chỗ đứng của họ trong các địa vị có những quyết định. Đôi khi chúng tôi mơ có thêm một chút dân chủ, có thêm quyết tâm hơn”.
Mục sư Denis Müller:
“Nhiệm vụ này khá nặng nề và ngài không cần lời khuyên dù là lời khuyên của những người tin lành.
Tôi muốn hỏi ngài, ngài có thấy các nhà thần học công giáo quá thận trọng và kẹt cứng không và một cuộc cải cách về các nghiên cứu thần học sẽ được thực hiện ở Rôma và ở thế giới không.
Cuối cùng, tôi cũng tò mò muốn biết ý kiến của ngài về phẩm phục và lễ nghi nhà thờ, về sự tham dự của phụ nữ trong Giáo hội.
Cha xứ Pascal Desthieux:
“Thật sự tôi không thấy có điểm yếu. Vì trách nhiệm chính của ngài là thực thi đức ái, là chăm sóc sự hiệp thông trong toàn Giáo hội, tôi xin ngài lắng nghe những người không suy nghĩ giống ngài – và chắc chắn ngài đã làm – và cố gắng đến với họ để Giáo hội không bị chia rẽ”.

Sau năm năm ở ngôi Thánh Phêrô, một cái nhìn vượt quá ngày 13 tháng 3 năm 2018. Hình ảnh tích cực của Đức Phanxicô không ngăn bốn nhân vật của chúng tôi nói lên lời chúc cho sự tiếp tục triều giáo hoàng của ngài.
Ngày 13 tháng 3-2013 – ngày 13 tháng 3 năm 2018: năm năm triều giáo hoàng của ngài cũng là dịp có cái nhìn rộng hơn qua các lời chúc. Kích thích các trí thức công giáo, thể hiện các cuộc cải cách, đi thăm Argentina, sức khỏe và can đảm: các động lực thì rất nhiều và sâu đậm đối với giáo hoàng Nam Mỹ. 
Ký giả Christophe Büchi:
“Tôi có một lời chúc: đó là giáo hoàng mang động lực mới cho các trí thức công giáo và đặc biệt là giáo điều xã hội của Giáo hội, để người công giáo lại có mặt, không những trên địa bàn xã hội mà còn có mặt trong các cuộc thảo luận tri thức.
Nghệ thuật thiêng liêng và văn học tôn giáo xứng đáng được khuyến khích, mà theo tôi, không phải chỉ hạn hẹp trong khuôn khổ của đạo, nhưng trong tinh thần kitô và đại kết. Và dĩ nhiên, tôi chúc giáo hoàng quan tâm với sự đa dạng, thay đổi lại đối thoại đại kết trong Giáo hội”. 
Bà Madeleine Duc-Jordan:
“Tôi chỉ độc giả mong Đức Phanxicô của chúng ta cùng với những người thân cận với ngài có thể thực hiện được các công trình ngài đã khai mở, ngài tiếp tục sứ vụ của mình trong tinh thần cởi mở và trong tầm ảnh hưởng của Công đồng Vatican II.
“Làm cho mọi người ngạc nhiên khi loan báo Công đồng Vatican III” 
Mục sư Denis Müller:
“Tôi chúc ngài sức khỏe và dũng cảm không ngơi nghỉ. Một chiến thắng của Argentina ở cúp Bóng đá Thế giới Nga mùa hè này sẽ làm cho ngài vui.
Về lâu dài, tôi mong chờ ngài bổ vài phụ nữ lên hàng hồng y trước khi ngài từ nhiệm. Và trước đó thì ngài làm cho mọi người ngạc nhiên khi ngài loan báo triệu tập Công đồng Vatican III .”
Cha xứ Pascal Desthieux:
“Tôi chúc ngài tiếp tục phục vụ Giáo hội như ngài đã làm, cho đến khi nào sức khỏe của ngài cho phép. Như thế ngài có thể kết thúc việc cải cách Giáo triều và công bố tổ chức mới của ngài.
Tôi cũng chúc ngài thực hiện được chuyến đi mục vụ ở quê hương Argentina của ngài, họ nôn nóng chờ ngài, và ngài tiếp tục các chuyến đi ‘ngoại vi’. Ngài là ‘tiếng nói của người nghèo’ và tiếng nói của ngài được nghe và được tôn trọng.
Tôi cũng không quên ngài đã 81 tuổi và tôi mong, khi đến lúc ngài sẽ từ nhiệm như Đức Bênêđictô XVI tiền nhiệm của ngài”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch