Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Người ăn trộm quân tử

Filled under:

Thời Hồng Đức nhà Hậu Lê, hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) có một tay trộm nổi tiếng : không chỉ vì tài đào nghạch khoét vách, mà còn nghĩa hiệp chuyên lấy của kẻ giàu để giúp người nghèo. Ông hành động xuất quỷ nhập thần, ra vào nhanh như gió, chẳng chỗ nào không lọt, nên được gọi là Quận Gió.
Vua Lê thánh Tông (1460-1497) nghe tiếng, giả làm học trò nghèo muốn về quê ăn tết lại hết  lộ phí, đến xin giúp đỡ. Quận Gió thương tình hứa giúp và hỏi cậu học trò nghèo có biết nhà nào giàu có để ông ra tay kiếm chác cho cậu. Vua kể tên một số nhà giàu trong kinh thành, nào ngờ Quận Gió lắc đầu nguầy nguậy, nói rằng những gia đình đó do cần cù làm ăn hay tằn tiện mà có, ai nỡ lòng lấy trộm của họ. Bất chợt, Quận Gió vỗ đùi la lớn : « Tôi nhớ ra rồi, có quan coi kho bạc triều đình hay lấy trộm bạc của vua đem về nhà, để tôi đến nhà hắn lấy một ít giúp cậu ». Vua bán tín bán nghi vì xưa nay vị quan này có tiếng là liêm khiết, lẽ nào lại đi ăn cắp của công. Quận Gió bảo vua ngồi chờ, nửa canh giờ sau ông quay về, đưa mấy thỏi bạc cho vua và nói:«Thấy học trò nghèo mà chăm chỉ như cậu, tôi quyết giúp cho được mới thôi».Nhà vua nhìn những thỏi bạc, thấy trên đó có khắc 4 chữ « Ngự khố bạch kim », quả thật là bạc của triều đình, tại sao lại ở nhà quan thủ kho nếu không bị trộm ?
Sáng hôm sau trong buổi thiết triều, giữa triều đình vua đã tra vấn và viên quan coi kho bạc liền nhận tội, nhà vua cách chức ông ta. Ngài cất lời khen ngợi Quận Gió và còn ban cho ông tấm biển vàng ân tứ đề 3 chữ « Trộm quân tử » do chính tay vua viết nên .

Lời bàn :

Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm
(Vẽ cọp vẽ da khó vẽ xương. Biết người biết mặt không biết lòng).

Người đời thường nhìn bề ngoài và đánh giá người khác một cách chủ quan theo cảm nhận, hiểu biết giới hạn của mình, hoặc theo dư luận vốn nhiều định kiến. Ngay cả vua Lê thánh Tông nổi tiếng anh minh trong sử Việt cũng bị lầm lẫn. Cũng may sau vua đã sáng suốt và nhận biết : có tên trộm xấu và có ông quan tốt, thì cũng có « trộm quân tử » và có quan tham tiểu nhân. Trong cuộc sống, thay vì chỉ nhìn vào tước hiệu, lời nói, dáng vẻ bề ngoài, chúng ta hãy cùng đi vào tâm hồn để đánh giá và hiểu biết con người hơn . Ở đây, vua Lê thánh Tông chỉ khen một người vào lúc đó, nhưng muôn người qua các triều đại khác nhau đã khen vua là người sáng suốt, công bình.



Vị Vua Chăm Học
Trần Thái Tông (1218-1277) là vị vua đầu tiên của triều Trần, người rất chăm chỉ học tập, trong bài tựa kinh Kim Cang Tam-muội, nhà vua viết:
“Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, Trẫm cố học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa biết được bao lăm, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách; học sách Nho rồi còn học kinh Phật.”
Trong cuộc đời, ngoài việc trị nước, an dân, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất. Người đã viết sách, để lại cho hậu thế những tác phẩm sau :
1. Thin Tông Chỉ Nam
2. Kim Cang Tam-muội  Kinh chú giải
3. Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi
4. Bình Đẳng Lễ Sám Văn
5. Khóa Hư Lục                                                                                                                                                        
6.Thi tập


Lời bàn :
Con người khi sinh ra thì bản tính khá giống nhau , nhưng sẽ biến đổi khác nhau nhờ học hỏi, thói quen, kinh nghiệm, tu tâm dưỡng tính ; Nhờ học tập sẽ có tri thức và dễ trở thành người tốt.Người hiếu học như kẻ leo núi, càng lên cao càng nhìn được xa, để có thể phán đoán, xử sự không sai lầm cho mình và cho người. Vua Trần Thái Tông đã siêng năng học hỏi, trước là để tu thân, trau dồi đức hạnh, sau mới có thể dẫn dắt thiên hạ sống cảnh thái bình. Những gì không biết phải học, những gì không hiểu phải hỏi. Đức Khổng Tử khi bước vào Thái Miếu « mỗi việc đều hỏi », còn hỏi những điều người ta đều biết ; Có kẻ chế nhạo rằng : Người đã uyên bác mà lại đi hỏi người khác. Người chỉ trả lời « Đây chính là Lễ ». Lễ ở đây không chỉ là việc tế tự, mà còn là phong tục tập quán, là điển lệ pháp chế, là điều hợp với lẽ phải. Trên hết, lễ là sự thành thực, ngay thẳng, là « cái thực của nghĩa ». Khác với luật pháp trừng trị những sự việc đã có rồi, lễ nghĩa có mục đích giáo dục ngăn ngừa được việc xấu chưa xảy ra. Khổng Tử rất trọng lễ, hỏi để khỏi thất lễ. « Biết thì nói là biết, không biết thì nói mình không biết ». Biết không phải chỉ để đó hoặc khoe khoang tự cao, mà để đem ra thực hành : « tri hành hợp nhất ». Đó mới thực là quân tử chính danh.

 Nguyễn  Hoài Nam