Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NGÀY 11/3/2018

Filled under:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một”(Ga 3, 14-21)

14 “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

SUY NIỆM 1
  1. Con Rắn trên cây cột và Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh
  2. “Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột” (Ds 21, 9)
Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (x. St 3, 1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho bà Evà và ông Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: « chẳng chết chóc gì đâu ! » Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình ; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước : « Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chếhắc chắn ngươi sẽ phải chết » (St 2, 17). Mười một chương đầu của sách Sáng Thế cho thấy rõ, Lời Chúa là chân thật.
Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến (x. Ds 21, 4-9) và trong bài Tin Mừng Đức Giê-su so sánh mầu nhiệm Thập Giá của Người với chính con rắn này, chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người.
Chắc chắc chúng ta cũng có kinh nghiệm nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ ý định tốt lành của Thiên Chúa, khi cho chúng ta được làm người và sống trong một ơn gọi : Tại sao Chúa lại sinh ra con như thế này: thiếu đủ thứ, kém cỏi đủ thứ, thua thiệt đủ thứ ? Sao con không như anh kia, chị nọ? Tại sao con lại ra nông nỗi này, rơi vào tình cảnh khổ sở như thế này, Chúa dẫn vào đây để làm gì? Những lúc khủng khoảng như thế, chúng ta cũng kinh nghiệm được những hậu qủa tại hại của thái độ nghi ngờ. Trong khi đó, mỗi người chúng ta, theo Tv 139, là một tuyệt tác, mà nhiều khi chúng ta lại mù quáng không nhận ra: « Chúa dựng nên con cách lạ lùng ».

  1. “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”
Đức Giê-su, ngay từ những lời nói đầu tiên trong đời sống công khai, trong Tin Mừng theo thánh Gio-an (3, 14), đã đặt mầu nhiệm Thập Giá mà Người sẽ sống trong tương quan rất trực tiếp với hình ảnh « con rắn », biểu tượng của Tội và Sự Dữ :
Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
Theo lời này của chính Đức Ki-tô, chúng ta nên hình dung ra, hay tốt hơn là vẽ ra, một bên là « Con Rắn » bị giương cao trên cây gỗ, một bên là Đức Ki-tô được giương cao trên cây thập giá, thay vì là Sự Dữ, là Sa-tan, bởi vì theo luật, chỗ trên cây thập giá phải là chỗ của tử tội, của chính Tội. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vì, thế, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:
  • Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
  • Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.
  • Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.
  • Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

Theo lời của Đức Chúa, Mô-sê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành. Nếu hình phạt bị rắn độc cắn là nặng nề, để cho thấy rằng, thái độ nghi ngờ và kêu trách tự nó mang nọc độc giết người, thì ơn chữa lành thật nhẹ nhàng và nhưng không: “Ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể.

  1. “Ai Tin vào người thì được sống muôn đời”
Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.
Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.
Ơn chữa lành. Đúng là Thánh Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của tội. Nghi ngờ Thiên Chúa là căn bệnh nan y, nhưng được chữa lành tận căn bằng Thập Giá: Tình yêu đi đến mức “điên rồ” đến như thế; chúng ta cũng được mời gọi yêu Chúa “điền rồ” như thế.
Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết (St 3 và Ds 21). Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phân con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống.

  1. Tình yêu Thiên Chúa
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá, được hiểu khởi đi từ con rắn đồng trong sa mạc và cả con rắn trong Vườn Eden nữa, chúng ta mới có thể hiều sâu sa và con tim của chúng ta có thể bừng cháy khi nghe lời này của Đức Giê-su:
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời.
(c. 16)
Lời này của Đức Giêsu thật dịu dàng, an ủi vỗ về chúng ta, và nhất là làm cho chúng ta có can đảm trở về với Thiên Chúa như người con hoang đàng. Đây là một trong những lời của Đức Giêsu, nói cho chúng ta rõ nhất về khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, về con tim của Thiên Chúa, về cõi lòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thế gian, nghĩa là yêu tất cả nhân loại và yêu từng người trong nhân loại, dù con người là ai và đang ở tình trạng nào; Thiên Chúa yêu nhân loại, đơn giản là vì Ngài sinh ra nhân loại. Giống như cha mẹ sinh con, con nó nên người thì vui, nó hư đốn thì buồn, nhưng luôn luôn yêu con, dù nó như thế nào.
Và Thiên Chúa không yêu sơ sơ hay yêu tạm thời, nhưng Ngài yêu trọn vẹn và mãi mãi, bởi vì Ngài yêu loài người đến nỗi ban chính Con Một của mình; Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Một cũng là Con Duy Nhất của Ngài. Cho đi Người Con Duy Nhất chính là cho đi chính mình, bởi vì Cha và Con là một. Cuộc Thương Khó của Đức Kitô mà chúng ta sẽ tưởng niệm cách trọng thể vào Tuần Thánh, bí tích rửa tội, bí tích hòa giải và nhất là bí tích Thánh Thể, tỏ bày cho chúng ta tình yêu cho đi chính Con Một, chính bản thân mình của Thiên Chúa.
Vấn đế là chúng ta có chịu tin hay không? Đức Giê-su hay nói: “Lòng tin của con đã cứu con” (x. Lc 7, 50). Như thế, lòng tin có sức mạnh cứu độ: lòng tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị và Thập Giá của Đức Giê-su nói, giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi sự nghi ngờ chết chóc đối với tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Và đó chính là sức mạnh cứu độ của lòng tin, được chính Đức Giê-su nói công bố, chứ không phải là bất cứ điều gì khác, hay điều kiện nào khác.
Hơn nữa, tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa còn mời gọi chúng ta đón nhận “Hiện Thân” của tình yêu Thiên Chúa, là Đức Giêsu Con Thiên Chúa (Rm 8, 39) vào cuộc đời mình với những may rủi, với những thuận lợi cũng như khó khăn, với những biến cố vui buồn, những thành công và thất bại; tin vào Con Thiên Chúa, là đón nhận ánh sáng của Ngài vào ơn gọi của mình, ơn gọi hôn nhân hay tu trì, vào hướng đi của mình, vào cách sống của mình; tin vào Con Thiên Chúa là để cho Lời của Ngài hướng dẫn những lựa chọn lớn trong cuộc đời của chúng ta, cũng như những lựa chọn nho nhỏ hằng ngày. Tin vào Con Thiên Chúa như thế, chúng ta sẽ sống sung mãn, sống bình an, sống hạnh phúc thực sự, không phải ở đời sau, nhưng ngay hôm nay.
Vì thế, chúng ta cần ghi lòng tạc dạ lời này của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (c. 16). Chúng ta đừng bao giờ nghi hoặc, hay đừng để cho bất cứ ai, bất cứ lời nói hoặc lời dạy nào làm cho chúng ta nghi hoặc tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, bày tỏ ra cho chúng ta nơi Đức Kitô, và nhất là Đức Kitô chịu đóng đinh.

Khi chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta bị rắn độc cắn. Bị rắn độc cắn, thì đương nhiên là chết, không cần phải ai bắt mình ra xét xử, lên án và thi hành án phạt. Như chính Đức Giêsu nói:
Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án;
nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi,
vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa
(c. 17-18)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 2

Vào thứ Tư Lễ Tro ngày 14/02/2018, một kẻ thủ ác đã nã súng vào Trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, giết chết 17 em học sinh. Đúng là một thảm hoạ mà con người ngày càng phải đối diện, bởi đây không phải là thảm kịch duy nhật, nhưng là nó được tái diễn liên tục. Cuộc sống con người càng ngày càng bất an và chất chứa đầy nỗi lo âu. Bởi đâu các thảm kịch giết hại lại xảy ra thường xuyên trong một thời đại có thể nói, là thời đại của khoa học kỹ thuật với sự tiến bộ vượt bậc, một thời đại đang nỗ lực làm tất cả cho con người và vì con người?

Câu trả lời có thể tìm thấy trong Sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh cha Phanxicô, đó chính là tâm hồn con người càng ngày càng trở nên băng giá, mối tương giao huynh đệ giữa con người đang bị giết chết bởi lòng tham lam của cải. Đức Thánh cha viết: “Không có điều gì phá hủy lòng bác ái ghê ghớm cho bằng lòng ham mê tiền bạc, ‘gốc rễ của mọi tội lỗi’ (1Tm 6,10). Việc chối bỏ Thiên Chúa và bình an của Ngài sớm theo sau; chúng ta ưa thích nỗi sầu khổ của ta hơn là tìm kiếm sự thoải mái trong lời Chúa và các bí tích. Tất cả những thứ ấy khiến chúng ta chống lại bất cứ ai đe dọa đến ‘những điều chắc chắn’ của chúng ta: bào thai, người cao tuổi và ốm yếu, người di cư, người xa lạ giữa chúng ta, hoặc người hàng xóm không sống như mong đợi của chúng ta”.

Vâng, chính việc tham lam tiền bạc đã tạo ra bóng tối của ích kỷ, nơi tâm hồn của con người không còn vang lên những nhịp rung động đau xót trước nỗi đau và sự bất hạnh của người khác. Bóng tối này đã tạo ra những tảng băng huỷ hoại sự sống, khiến chúng ta luôn nơm nớp lo sợ.

Chúng ta phải làm gì trước thảm hoạ này? Hãy tìm đến với ánh sáng mà Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta, chính Đức Giêsu Kitô, Người là ánh sáng được đốt cháy bởi tình yêu. Vâng Người xuất hiện không để kết án, nhưng để soi sáng cho con người nhận ra chân lý của cuộc sống. Người soi sáng cho nhân loại nhận ra rằng, những gì con người đang sở hữu không bao giờ là của riêng một ai, bởi đó cần quan tâm đến sự thiếu thốn của người khác, nỗi đau của tha nhân để sẻ chia, để giúp đỡ là cách thế giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Quả thật, những cuộc giết hại con người gây ra cho nhau đều bắt nguồn từ sự ích kỷ, từ một tình yêu vị kỷ chỉ nghĩ đến mình, chỉ mong làm thoả mãn cho sự tham lam điên rồ của mình, hay nói cách khác tất cả nỗi khổ đau mà con người dành cho nhau đều xuất phát từ một trái tim chai cứng không còn nhịp đập yêu thương. Bởi đó, để có thể sống an vui, không có phương thế nào khác ngoài việc sống theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương như Thầy yêu thương”. Đó là ánh sáng mang lại niềm vui và hy vọng cho cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa, thế gian ngày càng chìm vào bóng tối của sự hận thù, yêu thương ngày càng vắng bóng trong các mối tương giao bởi con người ngày càng tham lam của cải vật chất và chỉ biết tôn thờ tiền bạc. Xin Chúa hãy dạy chúng con, những Kitô hữu, đừng tiếp tay với ma quỉ để gieo bóng tối của chết chóc, nhưng trái lại luôn thắp sáng ngọn lửa yêu thương bằng những hành vi bác ái mà Chúa đã dạy, để biết cho đi hơn là lãnh nhận, biết phục vụ hơn là thu tích. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường