Từ khi nào chúng ta có truyền thống biểu tượng tuyệt đẹp này? Là tín hữu kitô, tất cả chúng ta từ khi còn nhỏ đã được học chắp tay khi cầu nguyện. Nhưng nguồn gốc phổ thông này có từ khi nào?
Chúng ta tìm thấy vết tích của truyền thống này trong các văn hóa cổ truyền rất xưa, nhất là trong truyền thống do thái giáo. Trong sách Talmud, các quy chiếu cho thấy chắp tay cầu nguyện đã có từ giai đoạn theo sau Xuất hành (Exode) và tiếp tục cho đến khi các cộng đồng tín hữu kitô đầu tiên được thành lập. Theo một vài sử gia, các tín hữu kitô đầu tiên chỉ đơn giản tiếp tục làm theo truyền thống được thừa hưởng này từ di sản do thái giáo.
Tuân phục hay trung tín
Một niềm tin tôn giáo khác khá phổ biến cho rằng chắp tay là từ một thông tục La Mã tượng trưng cho sự tuân phục. Các sử gia tôn giáo phối hợp nguồn gốc của việc chắp tay của các tù nhân khi họ bị xiềng: bàn tay chắp lại biểu tượng của sự tuần phục. Vào thời La Mã cổ đại, một người lính bị bắt làm tù nhân sẽ được thoát chết ngay lập tức khi họ chắp tay lại. Ý nghĩa của chắp tay trong trường hợp này rõ ràng là: “Tôi xin đầu hàng”.
Nhiều thế kỷ sau, người ta có thói quen chắp tay lại để chứng tỏ lòng trung thành và vinh danh vị chúa tể. Với thời gian, chắp tay mang ý nghĩa biết ơn cho một uy quyền bên ngoài và tuân phục uy quyền này.
Chúng ta cũng tìm thấy ý nghĩa trung thành này trong khi phần phụng vụ chịu chức. Mở đầu buổi lễ, giám mục đặt tay và hỏi linh mục sắp được mình phong chức: “Anh hứa tôn trọng và vâng lời tôi cũng như các vị kế nhiệm tôi không?”.
Người ta thường cho rằng việc nắm bàn tay, để hai ngón cái lên nhau như dấu thập giá là dấu hiệu mình trung tín với Chúa, hướng lời cầu nguyện về với Chúa, nhắc cho chúng ta nhớ thập giá Chúa Kitô. Trên khía cạnh biểu tượng, cử chỉ có từ thời tổ tiên và phong phú này là một cử chỉ đẹp để dâng lên Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Lời chào của linh mục cử hành thánh lễ và câu trả lời của cộng đoàn giáo dân có nguồn gốc từ Thánh Kinh. Trong thánh lễ, khi linh mục khẩn cầu “Chúa ở cùng anh chị em”, cộng đoàn đáp lại “Và ở cùng cha”, câu “ở cùng cha” có nghĩa là gì?
Nghĩa chính xác của nó là gì? “Ở cùng” chính xác là linh mục đang cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ, câu trên được lập lại hai lần: lúc mở đầu bài đọc Phúc Âm và lúc ban phép lành cuối lễ. Đây là lời chào giữa người dâng thánh lễ và cộng đoàn. Sách lễ Rôma giải thích ý nghĩa lời chào đầu tiên: “Linh mục tuyên bố cho cộng đoàn sự hiện diện của Chúa. Lời chào của linh mục và câu đáp của cộng đoàn thể hiện huyền nhiệm của Giáo hội tụ họp lại với nhau”.
Nguồn gốc từ Thánh Kinh
Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân có nguồn gốc từ Thánh Kinh. Với lời chào này mà ông Booz, tổ tiên của vua Đavit nói với các thợ gặt: “Xin Chúa ở cùng các anh!” Và họ trả lời: “Xin Chúa giáng phúc cho ông!” (R 2, 4). Chúng ta cũng tìm thấy thành ngữ này trong các sách, Sử biên2 5, 2, Luca 1, 28 và 2, thư thứ 2 gởi tín hữu Thêxalônica 3,16. Câu trả lời “Và ở cùng cha” cũng có trong các đoạn thư số 2 gởi ông Timôtê: “Chúa ở cùng thần trí anh. Chúc anh em được ân sủng!” (4, 22). Và cũng có trong các sách công vụ khác của Thánh Phaolô: Galát 6, 18, Philípphê 4, 23; Philêmôn 25.
Lời chào và lời chúc
Dù Sách lễ Rôma cho đối thoại này là một lời chào, nhưng đây cũng là một lời chúc. Quả vậy, khi chào cộng đoàn tụ họp để dâng Phép Thánh Thể, linh mục tuyên bố với cộng đoàn Chúa thật sự hiện diện tại đây. Như chính Chúa Giêsu đã hứa: “Vì ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20). Trong trường hợp này, bản dịch chính xác hơn của chữ la-tinh “Dominus Vobiscum” sẽ là: “Chúa ở cùng anh chị em”. Tuy nhiên cũng có thể hiểu câu này như một lời chúc, Thiên Chúa thật sự ở với chúng ta để chúng ta có thể đón nhận ân sủng của Ngài. Và câu này nói lên một sự thật lớn lao: Chúa hiện diện nơi linh mục và cộng đoàn, tất cả kết hiệp với nhau trong cùng một đức tin.
Còn câu trả lời “Và ở cùng cha”. Chúng ta xem chữ “thần trí” ở đây nói lên chiều kích cao cả nhất của một con người, Thần Khí hiện diện với sức mạnh của Ngài. Và chính Thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu Rôma: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi! Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (8, 15-16). Chúng ta thấy đây đúng là câu đáp trả long trọng, chứ không đơn thuần “và ở cùng cha”. Như thế chính xác ở đây đặt phẩm cách và tầm quan trọng của linh mục cử hành Phép Thánh Thể: nơi linh mục là sự hiện diện đặc biệt của Thần Khí trong bí tích. Như thế chúng ta cũng có thể nói, câu “Và ở cùng cha” cũng là lời chúc bình an, nói lên sự tôn trọng và nhân lành đối với linh mục. Và cuối cùng, câu này có một giá trị đại kết, trong các phụng vụ của Giáo hội chính thống giáo và tin lành cũng dùng câu này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch