Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 14-03-2018

Filled under:

Lời Chúa: Ga 5,17-30
17 Đức Giê-su đáp lại: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. 19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc.21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử,23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.
25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy,27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con29 và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.
30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi. 
Suy niệm 1
Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa,
mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.
Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình,

người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.
Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời.
Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha.
Giới lãnh đạo Do-thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng
vì Ngài đã dám nói : “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17).
Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha. 
Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18).
Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha.
Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng.
Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha,
đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu.
Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.
Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19). 
Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26).
Người ta tưởng Con bị vong thân, 
nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do trọn vẹn.
Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha.
Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì Cha có.
Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao được.
Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20).
Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c. 21).
Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26).
Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27),
và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28).
Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha (c. 23).
Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả từ Cha.
Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha,
nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai.
Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.
Tôi không đi qua tôi, để lại gì?Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2
 
Chúng ta vẫn thường được khuyên bảo “hãy thi hành thánh ý Thiên Chúa”. Ý muốn Thiên Chúa là thánh thiện luôn nhắm đến những kết quả thiện hảo. Do vậy, kẻ thực thi ý Chúa thì không sợ gặp thất bại. Trái lại, nếu việc làm không tương hợp với thánh ý thì khó lòng gặt được những kết quả tốt đẹp. Giống như cỗ máy đồng hồ: chỉ cần một răng bánh xe nào đó không ăn khớp với nhau, thì toàn bộ cỗ máy hoạt động lệch lạc khiến cho đồng hồ chạy sai! Đó là lý do vì sao chúng ta gặp nhiều đổ vỡ và thất bại trong các công việc mình làm. 

Nhưng làm sao biết được thánh ý Thiên Chúa để thi hành?

Chúa Giêsu là mẫu gương của người thi hành trọn vẹn thánh ý như Người xác nhận: “Ta không thể tự ý mình làm điều gì… vì Ta không tìm cách làm theo ý riêng Ta, nhưng theo ý Đấng đã sai Ta”. Nhưng làm sao biết được thánh ý nếu không nghe, không thấy? Thật vậy, Chúa Giêsu đã thấy Chúa Cha làm việc như Người xác quyết “Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người nhìn thấy Cha làm”. Nhưng làm sao Chúa Giêsu thấy được Cha Người nếu Người không gặp gỡ? Và Người gặp gỡ Chúa Cha bằng cách nào? Chính những giờ cầu nguyện trong thinh lặng âm thầm mà Người gặp gỡ Cha Người. Và nhờ sự tương giao thân tình gần gũi với Cha như thế mà Chúa Giêsu đã “bắt gặp” Cha đang làm việc, nắm bắt được điều Cha muốn, và làm được điều Cha làm. Nhờ thế, Chúa Giêsu được Cha tuyên bố “ Ta hài lòng về Người!” (Mt 3,17).

Như thế, Chúa Giêsu là mẫu gương cho mọi con cái Thiên Chúa. Chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Cha để Ngài dạy cho chúng ta hiểu được ý muốn của Ngài và học lấy việc làm của Ngài: không thể có đời sống Kitô giáo mà lại không có cầu nguyện, không có một mối quan hệ thân mật riêng tư nào với Thiên Chúa!

Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con tinh thần ham thích cầu nguyện và tỏ cho chúng con biết được ý muốn của Ngài, cùng ban ơn nâng đỡ giúp chúng con thi hành trọn vẹn thánh ý. Amen.
 
 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường