Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 25/3/2018

Filled under:

Căn phòng của tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu? (Mc 14,14).

 Chính vào ngày giết chiên vượt qua, Giêrusalem sôi sục bầu khí thù hận, các nhà lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Chúa Giêsu.  Trong bối cảnh đó, Chúa vẫn chuẩn bị thật chu đáo và kín cạnh.    Một căn phòng nhỏ, trên lầu đã được chuẩn bị:  vừa kín đáo, vừa ấm cúng, phù hợp cho cuộc gặp gỡ quan trong này.  

Ngài cần một điểm hẹn không chỉ để ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ lần cuối, mà chính là để bộc lộ trọn tình yêu của Ngài cho những người Ngài yêu mến, qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể, phương thế để hiến thân trọn vẹn cho họ, để ở lại với họ  'mọi ngày cho đến tận thế.'  
Từ nay bất cứ ở đâu diễn ra bí tích Thánh Thể nơi đó đều trở thành điểm hẹn của Tình Yêu. 

Chúa Giêsu đã sắp xếp tất cả để yêu tôi ngay trước những kẻ đang tìm giết Ngài.  


4. Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng về Chúa tất cả tấm thân và cuộc sống của con.


Ngày 25 tháng 03
LỄ TRUYỀN TIN
Đã đến lúc Chúa Giêsu giáng thế. Thiên Chúa sai Đức Tổng thần Gabriel đến thành Nazareth, nơi Mẹ Maria đang sống. Đức Tổng thần với diện mạo rực rỡ huy hoàng tiến vào căn nhà bé nhỏ của Mẹ Maria và trông thấy Mẹ đang cầu nguyện. "Kính chào Bà, hỡi Đấng đầy ân sủng!" Thiên thần nói, "Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc giữa các người phụ nữ". Mẹ Maria thật ngạc nhiên khi nghe những lời ca ngợi của sứ thần.
"Hỡi Maria, đừng sợ!" Gabriel trả lời: rồi ngài nói với Mẹ rằng Mẹ sắp sửa làm Thân Mẫu của Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ loài người. Mẹ Maria hiểu được vinh dự mà Thiên Chúa ban cho Mẹ thật lớn lao vĩ đại. Và Mẹ thưa: "Này tôi là tôi tớ của Chúa!" Ngay lúc ấy, Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa và Mẹ vẫn xưng mình là nữ tỳ, là đầy tớ của Người.
Mẹ Maria cũng biết rằng khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ sẽ chịu nhiều đau khổ. Mẹ nhận biết Mẹ sẽ phải đau khổ khi Con của Mẹ chịu đau khổ. Thế nhưng, với tất cả tâm hồn, Mẹ thưa lên : "Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời Ngài truyền".
Lịch phụng vụ Rôma lấy danh xưng "lễ Truyền Tin" để gọi lễ Ngôi Lời Nhập Thể, vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ: lễ của Ngôi Lời làm "Con Đức Trinh Nữ" và lễ Đức Trinh Nữ là "Mẹ Thiên Chúa".
Về phía Đức Kitô, phụng vụ phong phú vô tận của cả Đông phương lẫn Tây phương đều ca tụng lễ trọng này như là tưởng niệm tiếng "Fiat" có giá trị cứu rỗi của Ngôi Lời Nhập Thể, đã vào trong trần gian với lời này: "Lạy Chúa, này con đến để thi hành ý Chúa"; đồng thời cũng là để tưởng niệm bước đầu của công cuộc cứu chuộc và hợp nhất mật thiết, bất khả phân ly giữa Thiên tính và Nhân tính trong ngôi vị độc nhất của Ngôi Lời.
Về phía Đức Maria, lễ này được coi là lễ của Eva mới, người trinh nữ vâng phục và trung tín, đã nhờ tiếng Fiat đại độ của mình, và nhờ phép Chúa Thánh Thần, trở nên Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ thật của loài người; đồng thời Mẹ cũng là Hòm Bia Giao Ước đích thực và Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa vì đã tiếp đón Đấng trung gian độc nhất trong cung lòng mình. Vì vậy, đây là lễ tưởng niệm giây phút tột đỉnh trong cuộc đối thoại cứu rỗi giữa Thiên Chúa và loài người; cũng là dịp kính nhớ sự ưng thuận tự do và sự hợp tác của Đức Maria đối với chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Chín tháng trước ngày lễ Sinh Nhật, Hội Thánh mừng lễ Truyền Tin, ngày mà Sứ thần đến với Đức Trinh Nữ Maria báo cho biết, Trinh Nữ đã được chọn để làm Mẹ Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa.
Đức Maria đại diện cho dân tộc mình, cũng như đại diện cho nhân loại, đã trả lời bằng tiếng "Fiat". Chức "Thiên Mẫu" là mầu nhiệm trọng tâm trong cuộc đời của Đức Maria: tất cả mọi mầu nhiệm và ân sủng khác đều bắt nguồn từ đấy và cũng hướng vào đấy.
Lễ "công bố ngày sinh nhật của Chúa" đã được mừng kính ở Giáo hội Đông phương từ khoảng năm 550 vào ngày 25 tháng 3. Giáo hội Latinh mãi cho đến thế kỷ thứ bảy mới mừng thánh lễ này.
Trong dịp này, Mẹ Maria đã ban tặng chúng ta một mẫu gương khiêm nhượng và vâng phục thật cao cả phi thường. Cũng thế, chúng ta hãy bày tỏ lòng mến yêu Thiên Chúa qua việc vâng lời những vị đại diện của Người là cha mẹ, các thầy cô giáo và các bề trên của chúng ta.