Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 07-03-2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 5, 17-19
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”
Suy nim 1
Vào thời Tin Mừng Mátthêu được viết, các người Do thái thuộc Hội Đường
thường chỉ trích các người Do thái đã tin vào Đức Giêsu Kitô,
coi họ như những người đã bỏ Luật Môsê, bỏ cái cốt lõi của Do thái giáo.
Đức Giêsu của Mátthêu đã bác bỏ lối hiểu sai này.
“Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17).
Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo,
bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn,
do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài.
Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa.
Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật.
Có một dòng chảy liên tục trong khoa sư phạm của Thiên Chúa.
Ngài huấn luyện Dân Ngài qua Môsê và các ngôn sứ trong lịch sử.
Đỉnh cao nhất là Đức Giêsu, Đấng vén mở trọn vẹn ý định của Thiên Chúa.
Đức Giêsu không phá những công trình đi trước, ngài kiện toàn.
Lời giáo huấn của Ngài vừa liên tục với,
vừa vượt qua Giao Ước thứ nhất còn khiếm khuyết.
Vượt qua về chiều rộng,
khi Ngài mời ta đi xa hơn chuyện không được giết người,
mà còn không được có hành vi, lời nói giận ghét anh em (Mt 5, 22).
Vượt qua về chiều sâu,
khi Ngài đòi ta không được giữ Luật kiểu giả hình bên ngoài,
nhưng phải khởi đi từ trái tim, từ cái tâm bên trong (cc. 27-28),
khi Ngài đưa ra những đòi hỏi tận căn trước đây chưa hề có
về việc chẳng những không được trả thù mà còn yêu kẻ thù (cc. 38-48).
Mọi lề luật đều qui về điều răn chính yếu là yêu thương.
Phải yêu như Cha trên trời mới trở thành con cái Cha (c. 45).
Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được Ngài kiện toàn.
Luật ấy là lời giáo huấn của Ngài mà các môn đệ đã nghe.
Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ.
Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ con.
Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ,
ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân.
Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu,
và “dạy người ta mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20),
đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải thoát chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 
SUY NIỆM 2

Trong một sáng tác của mình, cha Anthony de Mello viết một câu chuyện như sau: Một ông vua nọ rất trác táng, suốt ngày chỉ lo nhậu nhẹt và lao vào những cuộc ăn chơi trụy lạc, chẳng lo gì cho dân. Khuôn mặt của ông lúc nào cũng đỏ gay và sặc sụa mùi rượu. 

Một hôm, nhà vua cưỡi ngựa đi dạo ngoài kinh thành. Ông gặp một tu sĩ già với áo quần cũ kỹ, còn khuôn mặt thì nhợt nhạt xanh xao. Nhà vua dừng lại và trịch thượng chào vị tu sĩ bằng giọng mỉa mai: “Xin chào ông tu sĩ già. Nhìn áo quần lếch thếch và gương mặt cáu bẩn của ông, tôi thấy ông chẳng khác gì một con heo”. 

Vị tu sĩ cúi đầu lắng nghe, gương mặt bình thản, chẳng tỏ vẻ khó chịu chút nào. Một lát sau, vị tu sĩ ngẩng đầu lên, nhìn chăm chú vào đức vua và đáp lễ: “Thần xin cám ơn bệ hạ, còn thần, thần nhìn khuôn mặt đức vua trông giống như một vị thánh”. 

Nhà vua kinh ngạc hỏi lại: “Ta miệt thị ngươi, ngươi không buồn cũng chẳng giận, còn khen ta có khuôn mặt giống một vị thánh, tại sao thế?”. Vị tu sĩ điềm nhiên trả lời: “Tâu đức vua, một con người sống với trái tim và tâm hồn của loài heo, thì nhìn ai cũng giống heo. Ngược lại, một con người có tâm hồn và trái tim của một ông thánh, sẽ thấy mọi người giống các vị thánh…”

Luật cơ bản nhất, quan trọng nhất trong đời sống con người là luật bác ái. Mọi thể hiện của việc giữ luật không đặt đức bác ái làm nền tảng, thì hành động giữ luật có khi trở nên tàn nhẫn, có khi chỉ là một thứ phương tiện để loại trừ đồng loại quanh mình. 

Những người biệt phái, nhất là các luật sĩ, vốn là những người trung thành với lề luật. Họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng phía sau sự trung thành ấy hàm chứa thái độ tự mãn chính mình và soi mói tha nhân.

Tự mãn: Họ cho rằng, trung thành với lề luật là đương nhiên trở nên người công chính. Và như vậy, chỉ có họ là công chính, là người thuộc về Thiên Chúa, người được Thiên Chúa yêu thương. 

Soi mói: Họ nhìn những ai không tuân giữ luật lệ theo kiểu của họ bằng cặp mắt khinh dễ, miệt thị. Và vì mang sẵn một não trạng tự tôn về mình, họ luôn dò xét người bên cạnh, thậm chí lên án và loại trừ anh chị em xung quanh. 

Ý nghĩa của lề luật và tinh thần giữ luật mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải là con đường dẫn người ta đến tình yêu, đến hiệp thông và đỡ nâng nhau.

Vì thế, sự bất cập trong lề luật mà những luật sĩ trong đạo Do Thái thể hiện, đòi phải được kiện toàn. Chúa Giêsu là Đấng làm cho lề luật được hoàn bị. Người muốn chúng ta hiểu rằng, chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể giữ trọn vẹn lề luật và nên công chính. Chính trong ơn Chúa, mà con người phải yêu thương nhau, phải đón nhận và hy sinh cho nhau. Dù là luật nào đi nữa, họ phải luôn nêu cao tinh thần bác ái.

Chúa Giêsu mặc cho tinh thần giữ luật chiếc áo của tình yêu, để từ nay, ai biết giữ luật, người đó phải biết yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của mọi lề luật.

Trong câu chuyện bên trên, với thái độ điềm tỉnh nhưng cương quyết, vị tu sĩ già đã dạy ông vua hóng hách bài học của sự yêu thương và tôn trọng người đối diện với mình.

Chúng ta cần sống tinh thần luật như thái độ khôn ngoan của vị tu sĩ trong câu truyện, đừng nhìn người khác bằng cặp mắt chỉ thích đánh giá, thích soi mói, khinh thị như các luật sĩ trong Tin Mừng, hay như nhân vật nhà vua trong câu chuyện.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi ánh mắt của con để con nhìn anh chị em thân thiện. Xin biến đổi môi miệng con để con nói những lời yêu thương dịu dàng. Xin biến đổi tai con, để con vẫn vui khi phải đón nhận những lời khó nghe. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng, tươi tắn, luôn luôn nở nụ cười thân thiện, cảm thông. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường