Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 03-03-2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 15, 1-3, 11-32
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: 11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. 21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng. 25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! 31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.32Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Suy niệm 1
Dụ ngôn người cha nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng,
qua đó Đức Giêsu cho thấy tại sao ngài đón tiếp và ăn uống với tội nhân.
Đơn giản chỉ vì ngài giống Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.
Người cha nhân hậu là người tôn trọng tự do của đứa con thứ,
người đã chia một phần ba gia sản cho nó ngay khi ông còn sống.
Ông đã không tìm con, như người ta tìm chiên lạc hay tìm đồng bạc bị mất.
Ông tin và hy vọng sớm muộn nó sẽ về, nên ông kiên nhẫn chờ.
Vì chờ, nên ông là người đầu tiên trông thấy con trở về tiều tụy.
Không cầm lòng được vì thương, ông chạy ra, ôm lấy cổ con mà hôn.
Người con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.
Khi con thứ sám hối, ông đã trả lại cho cậu tất cả vinh dự của người con.
Việc duy nhất phải làm ngay là mở tiệc ăn mừng (cc. 23, 24. 29, 32).
Khi con cả giận dỗi, không chịu vào nhà chung vui với cha và em,
một lần nữa người cha lại đi ra và năn nỉ (c. 28).
Ông chấp nhận ở thế yếu vì ông không muốn mất một đứa con nào.
Ông không thể yên tâm ở trong nhà khi còn một đứa con ngoài cổng.
Hoán cải bao giờ cũng khó. 
Con thứ phải can đảm lắm mới dám trở về nhà cha.  
Làm sao lường được phản ứng của cha, anh, của gia nhân, hàng xóm? 
Làm sao dám về nhà trong tình trạng thân tàn ma dại ?
Nhưng con cả cũng không dễ vào nhà chút nào,
vì vào nhà là phải bắt tay thằng em đã phung phí hết của cải,
vào nhà là phải chấp nhận sự thiên vị khó hiểu của người cha (cc. 29-30).
Cả hai người con đều cần hoán cải.
Người con cả cũng hỗn hào với cha không kém gì đứa em (c. 30).
Em bỏ nhà ra đi nên đói, còn anh không chịu vào nhà nên cũng có thể bị đói.
Anh phục vụ cha rất tốt nhưng lại mong cha trả công như người thợ (c. 29).
Anh ở gần cha, nhưng thực sự trái tim lại xa cha.
Khi cha vui vì em trở về thì anh lại buồn giận.
Mùa Chay là thời gian trở về với Cha, trở lại với anh em.
Người con thứ đã đứng lên trở về nhà cha và tìm được hạnh phúc.
Không rõ người con cả có vào nhà cha và ôm lấy em mình không ?
Lời nguyện:
Lạy Cha,
người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi coi Cha
như người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng con thèm được tự do bay nhảy
ngoài vòng tay Cha,
nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như người con thứ,
chúng con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.
Lạy Cha đầy lòng bao dung,
xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.

Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2

       Mọi người, ai cũng có cha, hình ảnh người cha luôn là một hình ảnh đẹp. “Công cha như núi Thái Sơn”, chúng ta thường nói như vậy để răn dạy con cái của mình!
 
       Nhưng, ở đời tìm được một người cha lý tưởng thật là khó. Cũng có khi cha mẹ còn bị coi là cổ hũ, lạc hậu, khó tính, v.v. Mà dẫu sao, đối với người con, thì danh xưng “cha” là cả một sức mạnh hay âu yếm, an ninh và ấm cúng: “Có người cha nào lại không chạnh lòng thương con cái”. Cha mà không thương con thì chỉ là “ông kẹ”; mẹ mà không thương con thì chỉ có là “mẹ mìn”. Thật ra, trong xã hội ngày nay, những người cha “quái đản” không phải là hiếm đâu!

      Người cha trong Tin Mừng hôm nay thuộc vào hạng “quí hiếm”. Hiếm trong cách xử sự với con cái. Hiếm trong cái nhìn lạc quan về tình yêu thương: ông có hai người con; hai con mà chẳng con nào ra con nào. Thằng nhỏ thì bố còn sống đấy đã đòi chia gia tài. Ăn chơi phè phớn, hết tiền, hết cái ăn, kể cả cám heo cũng không có, mò về, chẳng những ông không “xử” nó mà còn bày tiệc ăn mừng … vì nó còn khỏe!

       Thằng lớn cũng không khá hơn, có hơn thằng em một chút là nó không bỏ đi thôi. Sống với bố mà nó cũng chẳng hiểu bố tí nào. “Ở nhà mà lòng thì đi hoang”. Em về, bố mừng còn nó thì ghen. Nó bảo bố quá đáng. Nó nói bố nó không biết nhìn. Nó buồn vì bố nó vui. Nó ở nhà với bố chỉ để hy vọng bố nó cho nó cái gì! Ở với bố, nhưng nó và bố nó là hai thế giới xa lạ. Thế mà bố nó vẫn bảo: “Con ơi, mọi sự của cha là của con”.

        Người cha mà thánh Luca kể lại đúng là hiếm thật. Chẳng có ai như ông. Chẳng có ai thương con bằng ông. Con bỏ đi. Ông buồn. Ông ngóng trông con từng ngày. Thấy con từ xa, chưa kịp để nó tới, “ông đã chạy lại”. Nó chưa kịp nói, ông đã nói thay nó. Thay vì trách nó, ông lại chỉ thấy dạt dào một tình thương.

        Theo thánh Luca, người cha ấy chỉ có là Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới đủ kiên trì, tình yêu và nhẫn nại đối với con cái mình. Chỉ có Thiên Chúa - Cha - Đấng ở trên trời “mới cho mặt trời mọc lên soi kẻ dữ người lành và làm mưa trên kẻ ngay người ác”.

        Thiên Chúa là vậy, chạnh thương, nồng nàn, yêu không tính toán. Và loài người, không ai là cha như Thiên Chúa được. Chỉ có Thiên Chúa mới quên hết mọi lỗi lầm, mới cúi xuống trên người tội lỗi. Chỉ có Thiên Chúa mới cố bám lấy tình thương khi con người cố tình bội phản.

        Như vậy, khi cho chúng ta đọc bài này trong Mùa Chay, Giáo Hội muốn chúng ta hãy học cách làm cha như Thiên Chúa. Nói cách khác, Mùa Chay là dịp để chúng ta suy nghĩ về tình thương của Cha, Đấng ngự trên trời và học nơi người tư cách làm một người cha nơi dương thế.

        Lạy Chúa, xin tỏ tình thương của Chúa cho chúng con, để chúng con trở nên những con người mẫu mực khôn ngoan trong vai trò là một người gia trưởng. Và xin Chúa cũng biến đổi, nâng đỡ những đứa con của Chúa, để giữa cảnh đời bon chen, nhiều cạm bẫy, chúng con luôn đứng vững trong vòng tay âu yếm của Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường