Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 5/3/2018

Filled under:

“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” .(Lc 4,24)

 Người ta thường hay nói “Bụt nhà không thiêng” hay “Quen quá hoá nhàm”. Còn Đức Giê-su thì khẳng định “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Đó là một trong những thử thách của người tông đồ khi bước theo Chúa phải chấp nhận những người thân, những người hàng xóm trước đây, từng chơi chung, từng sống chung họ không chịu chấp nhận, không chịu thông cảm, mà còn muốn chỉ trích hạ bệ. Là người tông đồ chúng ta cần phải trải qua những thử thách ấy để khỏi bị giam hãm bởi những ràng buộc người thân , người quen mà chúng ta có thể đến với tất cả mọi người.
 Không phân biệt đối xử vì tất cả mọi người đều là anh em
 Lay Chúa, xin cho con biết khi đã làm việc tông đồ thì không bị giới hạn bởi một phạm vi nào. Vì tất cả mọi những ai đón nhận Tin Mừng đều được ơn ơn cứu độ Amen



THÁNH GIOAN GIUSE THÁNH GIÁ
DÒNG ANH EM HÈN MỌN
(1654-1734)
Ischia, một hòn đảo nhỏ nằm giữa cửa vịnh thành Napôli nước Ý, một hòn đảo phì nhiêu vì thừa hưởng phún thạch của mấy ngọn núi lửa, đã hân hạnh là quê quán của thánh Gioan Giuse Thánh giá. Thánh nhân ra đời đúng ngày lễ Thăng Thiên năm 1654 trong một gia đình quý phái và nổi tiếng nhân đức. Cha ngài là ông Giuse Calôsitô, mẹ là bà Dona Gaguilo. Ông bà sinh hạ được năm người con cùng dâng mình vào nhà Chúa cả năm. Tuy nhiên, Gioan là người trổi vượt nhất xét về cả tài lẫn đức.
Đời sống thánh thiện của Gioan đã bộc lộ ngay từ bé. Hồi còn sống dưới mái gia đình ấm cúng, Gioan đã sớm yêu đời sống thinh lặng, ẩn dật và cầu nguyện. Gioan ít nô đùa hoặc giao du với anh em chúng bạn, nhưng thường tìm giờ rỗi tới nhà thờ viếng Chúa hay nói truyện đạo đức với những người thánh thiện. Gioan yêu mến Đức Mẹ cách riêng, cậu lập một bàn thờ nhỏ kính Người; mỗi ngày cậu lần hạt, đọc sách về Đức Mẹ và những hy sinh nhỏ mọn. Lòng bác ái của cậu nhờ đó mỗi ngày một lớn mạnh và bộc lộ ngay trên nét mặt, trong lời nói và việc làm. Cho đến nay, gương bác ái của Gioan vẫn còn sống động trong tâm trí người bản xứ. Bằng chứng là không một ai kể truyện thánh nhân lại bỏ sót câu: Gioan có lòng thương người như yêu Chúa.
Lặng lẽ sống trong gia đình và trên ghế học đường cho tới 17 tuổi, Gioan nhận biết ơn Chúa muốn gọi mình đi tu, sống đời tận hiến. Tuy nhiên Gioan còn do dự không biết nên chọn dòng nào: dòng khổ tu thành Sactrơ (Chartreux), hay dòng Anh em hèn mọn cũng gọi là dòng thánh Phanxicộ Để tìm biết ơn Chúa, Gioan làm tuần chín ngày kính Chúa Thánh Thần, rồi đến gặp cha Gioan Bênađô thuộc chi dòng họ Phan cải tổ. Cha vừa ở Tây Ban Nha tới với mục đích nghiên cứu và lập một tu viện tại đảo Ischia. Sau buổi tiếp truyện thân mật, Gioan thán phục nhân đức và sự thánh thiện của cha dòng, cố nài xin cho được thụ huấn với cha theo tinh thần thánh Phanxicô. Sau đó Gioan quyết định theo tiếng Chúa gọi và từ giã gia đình để đến gõ cửa một nhà dòng họ Phan tại Napôli.
Với tất cả cố gắng, thầy Gioan sống qua những năm nhà tập thánh thiện, để rồi chính thức từ giã đời trong buổi lễ mặc áo dòng. Từ đây Gioan mang thêm tên là Gioan Giuse Thánh Giá. Chuỗi tên chứng tỏ lòng yêu mến nồng nàn của ngài đối với thánh Gioan Tiền hô, thánh Giuse đồng trinh và Chúa Kitô tử nạn. Theo sử liệu nhà dòng còn để lại người ta được biết thầy Gioan sống những năm nhà tập một cách rất nhiệm nhặt. Hằng ngày thầy chỉ ăn bánh khô và uống nước lã; thầy chăm chú nghiền ngẫm Phúc âm và thư thánh Phaolô, nhất là sự thương khó Chúa Kitô. Vì thế mới sống trong mấy năm mà nhân đức thầy đã trổi vượt hơn các thầy. Thầy cũng rất được bề trên tín nhiệm. Ngay năm 1674 khi thầy Gioan mới 20 tuổi, các vị tu viện trưởng vì thán phục nhân đức và sự thánh thiện của thầy đã cử thầy điều khiển và thiết lập một nhà mới tại chân đồi miền Afila. Công việc thật khó khăn và phức tạp, nhưng với đức tin bền vững và chí làm việc không biết mệt mỏi, thầy Gioan đã hoàn thành mọi việc đúng ý cha tu viện trưởng. Công việc xong thầy lại trở về sống trong trầm lặng trung thành với quy luật vì đó là đường lối giúp thầy kết hợp mật thiết với Chúa Kitô trong mọi lúc. Thầy kết hợp với Chúa cách khăng khít đến nỗi nhiều lần đã ngất trí. Một lần kia trong giờ nguyện ngắm tại nhà nguyện, mọi người bỡ ngỡ nhìn thầy từ từ lên cao khỏi mặt đất. Ít lâu sau thầy được bề trên gọi chịu chức linh mục. Lúc đó thầy mới 23 tuổi.
Thầy thụ phong linh mục vừa được một năm, thì cha bề trên cử thầy làm bề trên nhà tập. Với nhiệm vụ mới cha Gioan càng cố gắng tăng cường đời sống nội tâm. Tinh thần yêu kỷ luật và lòng bác ái bao la của cha đã giúp cha sống với các tu sĩ cách nghiêm nhặt nhưng lại rất thân mật. Chủ trương của cha trong việc huấn luyêïn tập sinh là giúp họ hiểu và sống hiệp nhất với tình yêu Chúa để nhờ đó mà họ trung thành với kỷ luật. Ngoài sự hưởng nhờ đời sống thánh thiện của cha Gioan, tập sinh còn được chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm vì lời cầu nguyện của cha. Sau đó cha Gioan lại được cử làm giám thị nhà thử ở Afila, rồi hai năm sau tức năm 1690, cha lại trở về giữ chức vụ bề trên nhà dòng.
Nhưng đèn càng sáng, Chúa càng muốn đặt cao để cho mọi người đều được ánh sáng của đèn soi dẫn. Đó là lý do Chúa gọi cha nhận chức bề trên tỉnh dòng thánh Phanxicô cải tổ, theo lời đề nghị của nhiều tu viện nước Ý. Với tất cả niềm tin tưởng và cố gắng, cha đã thắng mọi khó khăn và thành công trong việc cải tổ quy luật dòng theo đúng tinh thần thánh Phanxicô. Sứ mệnh hoàn thành vừa đúng với nhiệm kỳ, cha Gioan sung sướng trở lại đời sống bình thường của một cha dòng tại tu viện thánh Luxia để hoàn tất đời tận hiến và phục vụ các linh hồn. Trong những ngày cuối đời, cha hân hoan hưởng tuổi già và lại được Chúa tỏ dấu yêu thương cho làm nhiều phép lạ. Nói đến những phép lạ Chúa làm vì lời cầu nguyện của thánh nhân, người ta không quên nhấn mạnh rằng đó là kết quả một đời sống đã chín mùi đức mến Chúa yêu người và lòng tín nhiệm hoàn toàn vào tình yêu Thiên Chúa. Ngày kia vì thông cảm sâu xa nỗi khổ tâm của một anh chàng lao động, thánh nhân đã khiến cành nho khô cắm vào bình trở nên xanh tươi, sinh ra những chùm quả chín mọng, dù rằng lúc đó không phải mùa nho chín; hơn thế nữa, chùm nho lạ kia còn biến thành thuốc thiêng cứu vợ anh thoát tay tử thần.
Riêng phần cha, không kể những lần ngất trí đàm đạo thân mật với Chúa, một lần vào đêm Giáng Sinh năm 1730, Chúa Hài Nhi đã hiện ra trên cánh tay Đức Mẹ, dạy bảo và an ủi thánh nhân. Chúa cũng cho ngài ơn nói tiên tri, đoán biết những sự kín nhiệm trong tâm hồn người ta. Lần kia có chị dòng lâm cơn hấp hối, người ta vội mời cha đến giúp chị trong giờ sau hết. Đến nơi cha thấy một thiếu nữ duyên dáng tuổi vừa đôi mươi, ngồi bên giường bệnh nhân; thiếu nữ đó là cháu của chị nữ tu. Tự nhiên nhưng với giọng quả quyết cha nói với thiếu nữ kia: "Này con, cha được mời đến để giúp dì con; người ta tưởng dì con chẳng còn sống mấy nỗi, nhưng không, dì con còn sống lâu. Trái lại cha bảo cho con biết một tin không ai ngờ kể cả con, là con đã bước tới ngưỡng cửa đời đời rồi đấy !" Mấy ngày sau xẩy ra đúng như lời cha đã tiên báo.
Nhưng điều cha mong ước hơn cả là được mau về trời hưởng kiến Thiên Chúa. Một tuần trước khi chết, Chúa đã cho cha hay giờ hạnh phúc cha hằng ao ước. Cha báo tin ấy cho mọi người trong nhà dòng, và hai hôm sau cha ngã bệnh. Năm hôm sau, cha kết thúc đời tận hiến bằng cái chết êm ái và thánh thiện. Hôm ấy là ngày 04-03 năm 1734.
Cha Gioan được Đức Piô VI cất lên bậc Chân phước ngày 15-05-1739, và Đức Grêgôriô tôn phong lên bậc Hiển thánh ngày 26-05 năm 1839. Xác cha hiện còn để trong nhà nguyện tu viện thánh nữ Lucia tại tỉnh Napôli. Nơi đây người ta dựng một phiến đá khắc mấy hàng chữ vàng lời cha thường nói khi còn sinh thời: "Cho dù không có thiên đàng và hoả ngục đi nữa, tôi vẫn một dạ yêu mến Thiên Chúa và anh em của tôi ".


Bệnh Quên

Trưa ngày 25/12/1985, sau khi dự lễ Giáng Sinh ở nhà thờ về, bà cụ Anne Mc Donnell ở tiểu bang New York, thấy một ông cụ già râu tóc bạc phơ như ông già Noel đang đứng trước cửa nhà. Thoạt nhìn, bà cụ tưởng một người nào đó giả dạng ông già Noel để đùa, nhưng sau khi nhìn kỹ, bà cụ nhận ra đó là chồng mình, đã biệt tích từ 15 năm qua....
Nguyên do vào ngày 24/12/1971, ông James Mc Donnell bị té xuống thang lầu, rồi qua hôm sau bị tai nạn xe hơi. Gần một tháng sau ông lại bị tai nạn xe hơi một lần nữa, bị chấn động não và bất tỉnh. Vài ngày sau đó, ông đi bách bộ ngoài trời cho thoáng khí, rồi từ đó đi biệt tích luôn.
Về sau, ông Mc Donnell kể lại rằng: "Tôi không còn nhớ gì cả. Tôi không biết tôi đã đến Philadelphia bằng phương tiện gì và bằng cách nào". Ông cũng không nhớ tên họ hay địa chỉ của mình, nên khi đi ngang qua một cửa hiệu có tên là Peter, ông tự đặt tên cho mình là Jim Peter, rồi kiếm việc làm ăn trên đó gần 15 năm.
Ngày Giáng Sinh năm 1985 vừa qua, tình cờ va đầu vào trần nhà ở sở làm, ông Mc Donnell bỗng phục hồi được trí nhớ. Ông nhớ lại tên tuổi, nơi sinh, chỗ ở cũng như quãng đời trước đó 15 năm. Ông liền tìm đến cuốn niên giám điện thoại để xem vợ còn ở chỗ cũ không. Khi biết chắc vợ mình chưa thay đổi địa chỉ, ông Mc Donnell đã đáp xe lửa về lại nhà cũ vào đúng ngày lễ Giáng Sinh...
Trong vòng 15 năm, ông Mc Donnell đã mắc một chứng bệnh: đó là bệnh quên. Quên có thể là một chứng bệnh như trường hợp ông Mc Donnell bị té thang lầu, bị tai nạn xe hơi.... Quên cũng có thể là những chứng bệnh thông thường của nhiều người lớn tuổi, như nhiều cụ già thường quên bẵng những sự việc vừa xảy ra, nhưng họ lại nhớ rất rõ ràng tỉ mỉ những việc đã xảy ra hằng ba bốn chục năm về trước. Nhưng cũng có những trường hợp con người muốn quên đi một dĩ vãng đau lòng nào đó, như trường hợp nhiều người tìm quên lãng trong men rượu khói thuốc...
Quên lãng có thể giúp con người tìm lại được đôi chút thanh thản trong tâm hồn, nhưng cũng có thể đưa con người đến chỗ vô ân. Người không còn muốn nhớ đến nguồn gốc và công ơn sinh thành của cha mẹ mình là người đáng trách. Người không còn muốn nhớ đến những liên hệ mình với người khác cũng là một người đáng trách. Người khép mắt bịt tai trước những nỗi đau khổ của người khác cũng là một người đáng thách...
Người Kitô luôn được nhắc nhở để tìm ra dấu chỉ của thời gian qua các biến cố, để nhờ đó luôn nhận ra sự hiện diện và tác động của Thiên Chúạ "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Ðó là khẩu hiệu hàng đầu của người Kitô. Họ được mời gọi để ôn lại bước chân đi qua của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Ðó là thái độ tỉnh thức mà Ðức Kitô không ngừng mời gọi chúng ta hãy có trong từng giây phút.