‘Chúng ta phải kể tội mình ra’
© Vatican Media
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay, buổi tiếp kiến đầu tiên của năm 2018, được tổ chức lúc 9:25 trong Đại sảnh Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Tiếp tục chủ đề giáo lý về Thánh Lễ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về nghi thức sám hối, Zenit có bài dịch (tiếng Anh) toàn văn dưới đây.
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng hài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tiếp tục loạt giáo lý về Thánh Lễ, hôm nay trong bối cảnh của những nghi thức đầu Lễ, chúng ta suy tư về nghi thức sám hối. Trong thinh lặng, nó giúp chuẩn bị thái độ sẵn sàng tâm hồn để xứng đáng cử hành những mầu nhiệm thánh, đó chính là biết nhận tội của mình trước Thiên Chúa và anh em; thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân. Đúng vậy, lời mời gọi của linh mục đến toàn thể cộng đoàn đang cầu nguyện, vì tất cả chúng ta là những người có tội. Thiên Chúa có thể ban được cái gì cho một tâm hồn đầy những kiêu căng với bản thân, với những thành công của người đó? Chẳng có gì cả, vì khi một người quá tự cao thì không có khả năng đón nhận sự tha thứ, no nê với ý nghĩ xem mình là người công chính. Chúng ta hãy nghĩ đến dụ ngôn người Pha-ri-sê và người thu thuế, trong đó người thứ hai – người thu thuế — về nhà và được nên công chính, tức là được tha thứ (x. Lc 18:9-14). Một người ý thức được những sự khốn khổ của mình và cúi ánh mắt xuống với lòng khiêm nhường, cảm nhận được cái nhìn thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên mình. Từ những kinh nghiệm chúng ta biết rằng chỉ người nào biết thừa nhận lỗi lầm của mình và xin sự tha thứ, thì mới hiểu và biết tha thứ cho người khác.
Lắng nghe tiếng nói của lương tâm trong thinh lặng giúp chúng ta có thể nhận ra rằng những tư tưởng của chúng ta rất xa với những tư tưởng của Thiên Chúa, rằng lời nói và hành động của chúng ta thường theo tính trần gian, nghĩa là có những lúc nghịch lại với Tin mừng. Vì thế, ngay vào đầu Thánh Lễ, chúng ta cùng thực hiện cử chỉ sám hối qua nghi thức thú tội tổng quát, được nói lên với chủ ngữ ngôi thứ nhất số ít (Tôi). Mỗi người thú nhận với Chúa và với anh em “đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.” Đúng, cả những điều thiếu sót, đó là sao lãng làm việc tốt mà một người đáng lẽ phải làm. Chúng ta thường cảm thấy mình rất tốt vì — chúng ta nói rằng — “Tôi chưa làm gì sai phạm với ai cả.” Nhưng không làm gì sai phạm với anh em vẫn chưa đủ, chúng ta phải chọn cách làm việc thiện để làm chứng tá tốt lành thể hiện chúng ta là những môn đệ của Chúa Giê-su. Phải nhấn mạnh rằng thú tội là tốt, bất kể là với Thiên Chúa hay với anh em, rằng chúng ta là những người tội lỗi: việc này giúp chúng ta hiểu được chiều kích của tội khi nó chia cách chúng ta với Thiên Chúa, và chia rẽ chúng ta với anh em và ngược lại. Tội lỗi phá vỡ: nó phá vỡ mối quan hệ với Thiên Chúa và nó phá vỡ mối quan hệ với anh em, mối quan hệ trong gia đình, trong xã hội và trong cộng đoàn. Tội lỗi luôn phá vỡ, chia cách, chia rẽ.
Những lời chúng ta thú nhận từ miệng kèm với hành động đấm ngực, thừa nhận rằng tôi đã phạm tội bởi chính lỗi của bản thân tôi, chứ không phải do người khác. Quả thật, rất thường khi vì sợ hãi hay xấu hổ, chúng ta chỉ ngón tay để tố cáo người khác. Việc thừa nhận chúng ta đáng trách là rất khó, nhưng chân thành thú nhận, thú nhận tội lỗi của chúng ta, sẽ làm chúng ta nên tốt. Cha nhớ đến một câu chuyện của một nhà thừa sai lớn tuổi kể lại, câu chuyện một người phụ nữ đến xưng tội và bắt đầu kể ra những tội của chồng bà; rồi bà tiếp tục kể tội của mẹ chồng, và tiếp đến là tội của những người hàng xóm. Đến một lúc cha giải tội phải nói với bà: “Nhưng thưa bà, bà kể xong chưa? — Rất tốt: bà đã kể xong tội của người khác. Bây giờ hãy bắt đầu xưng tội của bà.” Chúng ta phải kể tội của chúng ta!
Sau phần thú tội, chúng ta nài xin Mẹ Maria Đồng Trinh Diễm Phúc, các Thiên Thần và các thánh khẩn cầu cho chúng ta. Ở đây, sự hiệp nhất với các Thánh là rất quý báu: đó chính là sự can thiệp của “những người bạn và mẫu gương đời sống” (Preface of November 12) giữ gìn chúng ta trên hành trình tiến đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa, khi tội lỗi hoàn toàn bị tiêu diệt.
Ngoài cách “tôi thú nhận,” có thể thực hiện hành động sám hối theo những công thức khác, chẳng hạn: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì chúng con đã lỗi phạm chống lại Người. / Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi của Người cho chúng con. / Và ban ơn cứu độ cho chúng con” (x. Tv 123:3; 85:8; Gr 14:20). Đặc biệt trong ngày Chúa nhật, có thể ban phép lành và rảy nước thánh để nhắc lại Bí tích Rửa tội của chúng ta (x. OGMR, 51), để thanh tẩy tội của chúng ta. Và cũng là một phần trong nghi thức sám hối, có thể hát kinh Kyrie eleison (Kinh Thương xót): theo cách diễn đạt của Hy lạp cổ xưa, chúng ta ngợi khen Thiên Chúa – Kyrios – và khẩn nài lòng thương xót của Người (Ibid., 52).
Sách Thánh cho chúng ta nhiều ví dụ sáng ngời về những hình ảnh “sám hối,” nhìn lại bản thân sau khi đã phạm tội, và tìm được lòng can đảm để gỡ bỏ chiếc mặt nạ và mở lòng ra cho ân sủng làm canh tân lại tâm hồn. Chúng ta nhớ đến Vua Đa-vít và những lời của vua trong sách Thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (51:3). Chúng ta nhớ đến Đứa con Hoang đàng trở về với cha nó; hay lời cầu xin của người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Chúng ta cũng nhớ đến Thánh Phê-rô, đến Da-kêu, đến người phụ nữ Samari. So sánh bản thân với sự mỏng giòn của đất sét mà từ đó chúng ta được tạo dựng nên là một kinh nghiệm củng cố cho chúng ta: nó làm chúng ta biết chấp nhận những sự yếu đuối, nó mở rộng con tim của chúng ta biết khẩn cầu lòng thương xót của Chúa để biến đổi và hoán cải. Và đây là điều chúng ta làm trong nghi thức sám hối đầu Lễ.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Tiếng Ý
Cha xin gửi những lời chúc hy vọng và hòa bình cho Năm mới tới tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Ý đang hiện diện trong Buổi Tiếp Kiến Chung đầu tiên của năm 2018.
Cha rất vui được chào đón các tham dự viên của Tổng Công hội của Dòng Nữ tu Lòng Thương xót và Dòng Thánh Giá. Cha khuyến khích anh chị em hãy thăng tiến đặc sủng bằng tinh thần phục vụ và trung thành với Giáo hội.
Cha chào các chủng sinh của Học viện Thừa sai Consolata; các thành viên của Gia đình Cầu nguyện và Bác ái của Agropoli và các nhóm giáo xứ, đặc biệt anh chị em từ Mozzo, từ Belvedere di Tezze sul Brenta và từ Sant’Arsenio.
Cha gửi lời chào đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Trong Năm Mới này cha mời tất cả hãy đón nhận và chia sẻ lòng nhân từ của Thiên Chúa mỗi ngày. Các bạn trẻ thân yêu, hãy là những sứ giả của tình yêu của Đức Ki-tô giữa mọi người; anh chị em bệnh nhân thân mến, hãy tìm sự hỗ trợ của Chúa trong sự đau khổ, và chúng con những đôi uyên ương mới thân yêu, hãy làm chứng nhân cho niềm vui của Bí tích Hôn nhân qua tình yêu chung thủy và dành cho nhau.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mời toàn thể thế giới đến với máng cỏ như thế nào?
Rõ ràng, những ngôi sao sáng đang lấp lánh ngoài cửa sổ của Angelo Roncalli (Gioan XXIII) vào Đêm Giáng Sinh năm 1902. Khi những người tham dự các cuộc vui đang giải trí ở các con đường ở Roma, thì các chủng sinh của ngài đang ngủ trên giường. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng tương lai ngồi vào bàn làm việc suy gẫm về việc sinh hạ của Đức Giêsu. Ở tuổi hai mươi mốt, ngài vừa mới hoàn tất một năm phục vụ quân sự gay go trong Quân đội Quốc gia Ý và bây giờ ngài không muốn gì hơn là cầu nguyện và trở lại với nhịp sống của đời sống chủng viện.
Khi ngài tưởng tượng chính mình đang ở quang cảnh tại Belem, ngài được đổ đầy một cảm thức bất xứng. “Con là một người chăn cừu nghèo túng”, ngài viết. “Con chỉ có một cái chuồng tồi tàn, một cái máng nhỏ … Những rơm rác của quá nhiều sự bất toàn sẽ châm vào Chúa và làm cho Chúa khóc – nhưng ôi lạy Chúa của con, Chúa có thể mong đợi gì nơi con? Đây một chút nhỏ bé là tất cả những gì con có”.
Đó là khởi đầu của một sự chiêm niệm suốt đời về Hài Nhi Giêsu – một sự chiêm niệm sẽ biến đổi cái “một chút” mà Angelo Roncalli có và đã huấn luyện ngài trở thành một người lãnh đạo được yêu quý của toàn thể Giáo Hội.
Một cái nhìn rộng mở. Một tuần lễ sau, tại một Thánh Lễ trong tuần Lễ Ba Vua, Roncalli một lần nữa suy gẫm về một quang cảnh Giáng Sinh, điều này biểu lộ trên bàn thờ:
Những tư tưởng nào đã tràn ngập tâm trí tôi, những cảm xúc nào đã đổ đầy tâm hồn tôi khi chiêm ngắm Đức Giêsu được tôn thờ bởi những người chăn cừu và ba vua! Tôi nghĩ Tin Mừng đã được rao giảng cho Dân Ngoại, các sứ mạng Kitô giáo đã được truyền bá khắp thế giới, đúng thật Giáo Hội hoàn vũ là Giáo Hội Công Giáo đích thực. Ôi lạy Chúa Giêsu, ngôi sao của Chúa đã xuất hiện trên mọi bầu trời mà vẫn còn nhiều người chưa nhận biết Chúa … Nguyện xin cho tất cả mọi người phục vụ Chúa, yêu mến Chúa và tung hô Chúa là Đấng Cứu Độ của họ.
Con trai của những người tá điền làm thuê nghèo khó không thể quên được ý tưởng Đức Giêsu đã đến vì toàn thể nhân loại: Đông và Tây, giàu và nghèo, đã rửa tội và không được rửa tội. Ngài muốn cho toàn thể nhân loại đều cảm nghiệm được ánh sáng của Tin Mừng hầu cảm thấy rất gần Thiên Chúa mùa Giáng Sinh đó. Gần sáu mươi năm sau đó, với tư cách là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, ngài đã ở trong vị trí duy nhất để mang quan điểm này vào cuộc sống.
Những nỗi đớn đau buổi đầu. Được lãnh chức thánh vào năm 1904, Roncalli đã ở Ý hai mươi năm sau đó, nhuần nhuyễn với những kỹ năng của một người vị mục tử và quản trị Giáo Hội. Cha không được huấn luyện gì về ngoại giao, tuy nhiên, cha ngỡ ngàng khi Đức Giáo Hoàng Pio XI đã bổ nhiệm cha làm đại diện cho ngài ở Bulgaria – người đại diện ngoại giao đầu tiên, trong năm thế kỷ, xuất thân từ Roma tới đất nước đó.
Đây sẽ là cơ hội đầu tiên trong nhiều cơ hội cho ngài để mở rộng tay ra đón tiếp các Kitô hữu và những người ngoại giáo. Để củng cố sự tín nhiệm của Roncalli, Đức Giáo Hoàng đã phong chức giám mục cho cha trước khi cha đi đến đó. Các Đức Giám mục khác cho rằng công việc xa xôi của ngài sẽ chóng vắn thôi. Ngài rời Sofia vào năm 1925, với hai nhiệm vụ chính trước mắt.
Nhiệm vụ đầu tiên là phải bảo đảm cho số dân Công Giáo ít ỏi ở miền Đông của Bulgari rằng họ không bị quên lãng. Trong dân chúng, điều này có nghĩa là họ nhận được lời hứa từ Roma là sẽ mở một chủng viện địa phương cho các linh mục.
Điều ưu tiên chính yếu khác của Đức Cha Roncalli là phải biết dân số Chính Thống giáo đông đảo ở Bulgari. Ngài đã hoàn thành công việc này qua những chuyến đi đến những ngôi làng xa xôi bằng cách cưỡi trên những con la hoặc bằng những chiếc xe bò. Trước lâu đó, ngài đã thực hiện những mối tương quan cá nhân mạnh mẽ với những người Bulgarian của tất cả các giáo phái.
Từ lo lắng đến bình an. Tuy nhiên, khoảng năm 1930, trôi qua năm năm và Đức Cha Roncalli đã cảm thấy như Chúa đang thử thách sự kiên nhẫn của Ngài. Một phần vì các sự sắp xếp cho chủng viện thì diễn tiến chậm chạp – bởi những trì hoãn ở Roma. Trên hết các vấn đề đó, ngay cả sau tất cả những năm tháng đó, Roncalli không chắc chắn về mục đích của sứ mạng ngài ở Bulgari đối với những nhóm tôn giáo khác nhau. Với những vấn đề này và thêm những gánh nặng lo lắng khác trong tâm trí, ngài cần sự trợ giúp của Chúa. Khi đến thời gian tĩnh tâm cá nhân năm của mình, ngài đến một căn nhà dành để tĩnh tâm trên sông Danube để suy gẫm về các bài linh thao của Thánh Ignatio Loyola.
Lần tĩnh tâm đó là một bước ngoặt đặc biệt. Khi ngài cầu nguyện và suy niệm, ngài cảm thấy rằng Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn vô tư, cùng với sự chấp nhận hiển nhiên và mới mẻ nhiệm vụ của ngài. Kết thúc tĩnh tâm, ngài xin Chúa giúp ngài tiếp tục lãnh các trách nhiệm, tuy chúng không rõ ràng và mới mẻ đối với ngài.
Năm sau, vào ngày sinh nhật thứ năm mươi, Roncalli vẫn cảm thấy những hiệu quả của cuộc tĩnh tâm đó. “Từ đó”, ngài viết, “Tôi đã cảm thấy và vẫn cảm thấy, bình thản hơn về bất cứ điều gì mà tương lai mang đến”. Đó là một sự bình an của tâm trí kéo dài đến tận khi lìa đời.
Những cánh tay huynh đệ và trái tim ấm áp. Vui vẻ và bình an, Đức Cha Roncalli đã sống nhiều năm ở Bulgari. Cuối năm 1994, ngài được bổ nhiệm lại tới Thổ Nhĩ Kỳ – một đất nước phần lớn là Hồi Giáo và còn hơn thế nữa. Đức Cha Roncalli, đã đến Bulagri mà không ai hay biết, ngài tiếp nhận buổi liên hoan chia tay linh đình từ những người bạn thân. Họ buồn bã khi thấy ngài đi: từ những người đại diện tòa án hoàng gia đến các chủng sinh mới đến.
Trong một bài giảng lễ Giáng Sinh như lời tạm biệt của mình, Đức Cha Roncalli đã nói với những người Bulgari về một tập quán của người Ái Nhĩ Lan rằng các gia đình thường để một cây nến cháy ở cửa sổ vào lễ Giáng Sinh để bày tỏ cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria thấy rằng họ đang đợi các ngài đến. Ngài đã hứa làm điều tương tự như vậy:
Không ai biết những con đường tương lai. Bất cứ nơi nào tôi có thể đi, nếu một người Bulgari đi ngang qua cửa nhà tôi, nếu là ban đêm hay nếu người đó nghèo túng, họ sẽ tìm thấy cây nến cháy sáng ngay ở cửa sổ của tôi. Cóc, cóc (gõ cửa). Bạn sẽ không bị hỏi bạn có phải là người Công Giáo hay không; danh hiệu anh em Bulgari là đủ. Mời vào. Hai cánh tay huynh đệ sẽ tiếp đón bạn và trái tim ấm áp của một người bạn sẽ làm nên một ngày lễ hội.
Đức cha Roncalli đã mang thái độ cởi mở và kiến tạo hòa bình này theo mình trong suốt hơn hai mươi năm làm công việc ngoại giao. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngài làm việc không mệt mỏi để xây dựng những chiếc cầu của lòng tử tế và am hiểu với phần lớn những người Hồi Giáo. Ở Hy Lạp, ngài mở rộng tình bạn với những anh chị em Chính Thống Giáo. Và ở Pháp, ngài làm việc chăm chỉ để mang lại sự hòa giải giữa các bè phái đã hình thành như kết quả của chiến tranh thế giới thứ hai. Bất cứ nơi đâu ngài đến, ngài đều tìm thấy những cơ hội để phục hồi những mối tương quan đã bị đổ vỡ và làm cho người ta mềm lòng ra với Giáo Hội.
Được định hình bởi Thánh Thần. Mặc dầu với tất cả những việc tốt lành của mình, Đức Cha Roncalli phần lớn ở ngoài hệ thống rada của Giáo triều Roma. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi ngài được gọi trở lại nước Ý vào năm 1953 để làm việc với tư cách là Hồng y – Tổng Giám mục Venice. Ngài vui vẻ đảm trách công việc mục vụ tại một giáo phận ở Ý và lý lịch quốc tế của ngài đã sớm được nhiều vị hồng y chú ý. Không ai biết đến ngài, qua năm thập niên quá khứ, Chúa Thánh Thần đã định hình ngài cách âm thầm thành một ứng viên có khả năng cho chức vị giáo hoàng.
Cứ như thể tất cả cuộc sống và sự nghiệp của cha Roncalli đều là sự chuẩn bị cho nhiệm vụ cuối cùng này. Để giải quyết những hàng loạt những cuộc xung đột về chính trị và liên tôn giáo, ngài có thể xem xét cách cẩn thận và bình tĩnh trước những căng thẳng có tính toàn cầu đến từ cuộc Chiến Tranh Lạnh, cũng như những cuộc xung đột ở Á Châu và Phi Châu. Ngài đã có khả năng xem xét những bè phái trong Giáo Hội Công Giáo, cũng như giữa những người Công Giáo và những người Kitô hữu của các truyền thống khác, và chúng ta hãy xem một số chiếc cầu hòa giải được thiết lập thế nào.
Đó là một hành trình dài đến Roma, nhưng Đức Cha Roncalli chưa bao giờ đánh mất cảm thức bình an mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trong suốt cuộc tĩnh tâm trên sông Danube – ngay cả khi khói trắng bay lên từ Nhà Nguyện Sistine vào năm 1958, công bố ngài là Đức Giáo hoàng.
Một Giáo Hội chiếu sáng cho Thế giới. Cho dẫu tình trạng không ổn về địa lý, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nhìn thấy một cơ hội đầy ý nghĩa cho Giáo Hội vào lúc ngài được bầu cử. Ngài đã nhận thức được tiềm năng cho một kỷ nguyên chân thật và cởi mở mới, nơi mà Giáo Hội có thể chiếu sáng như một ngọn đèn dẫn đường cho những vùng ngoại biên của thế giới. Đây là lý do tại sao mà chỉ ba tháng sau khi được bầu, Đức Giáo Hoàng Gioan đã làm nên lên một sự loan báo đầy kinh ngạc.
Ngài đã mời các Đức Giám mục trên khắp thế giới tới Roma để họp bàn về vấn đề được gọi là “Công đồng Vatican II”. Đức Giáo hoàng Gioan đã nhìn thấy Công đồng như một cơ hội cho Giáo Hội gặp gỡ tốt hơn các nhu cầu hoàn vũ và các thành viên khác nhau. Đó cũng là cơ hội để đẩy mạnh tình hữu nghị với các truyền thống Kitô giáo khác. Cuối cùng, đối với ngài, đây là một cơ hội để xin Chúa Thánh Thần đến canh tân Giáo Hội, nhờ đó ánh sáng Tin Mừng có thể đến với những dân tộc và những vùng đất mới.
Vào tháng 10 năm 1962, ở tuổi tám mươi, Đức Giáo Hoàng Gioan chính thức khai mạc công đồng. Ngài đã lên tiếng kết án “những ngôn sứ chết chóc” đã chỉ nhìn thấy bóng tối và sự dữ trên thế giới. Thay vào đó ngài hứa rằng Giáo Hội sẽ dùng “thuốc của lòng thương xót”. Rồi ngài để cho các Giám mục làm việc khi ngài tuân theo công việc hằng ngày trong căn hộ của ngài về hệ thống camera quan sát. Ngài bước vào một hay hai lần để đảm bảo rằng Công đồng vẫn đang được thực hiện đúng với quan điểm của Tin Mừng, nhưng trên hết, ngài phó thác cho dự án của Chúa Thánh Thần và các nghị phụ của Công đồng.
Bệnh tật đã làm cho Đức Gioan giảm sút, nhưng ngài muốn duy trì việc tập trung vào quan điểm của ngài là các dân tộc và các bộ lạc trên trái đất biết tôn thờ Chúa Giêsu nơi máng cỏ. Ngài qua đời vào ngày 03 tháng 6 năm 1963, lúc mà dường như cả thế giới tiếc thương ngài. Một tờ báo có tựa đề “Một Cái Chết trong Gia đình Nhân Loại”.
Hãy đến, chúng ta thờ lạy. Hơn năm mươi năm sau đó, điều đó chỉ như quan trọng khi chúng ta duy trì việc mở rộng sứ điệp ơn cứu độ và niềm hy vọng cho tất các dân tộc. Vì thế bạn hãy nhìn vào hang đá giáng sinh năm nay, hãy xin Đức Giáo Hoàng Gioan, bây giờ đã là một vị thánh, giúp bạn phản chiếu ánh sáng của hang đá giáng sinh như ngài đã tỏa sáng. Sứ mạng loan báo Tin Mừng khởi đi từ máng cỏ và tiếp tục với mỗi người chúng ta.
Theo the Word Among us
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP.