CHÚA GIÊ-SU LÀ “RƯỢU MỚI”
“Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nút bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, thì phải bầu mới.” (Mc 2,22)
Suy niệm: “Rượu mới thì phải bầu mới.” Chúa Giê-su đã sánh ví Ngài chính là rượu mới, và những ai đón nhận Ngài, cần có bầu da mới. Điều đó có nghĩa là, muốn đón nhận rượu mới là Chúa Giê-su chúng ta phải hoán cải, nghĩa là thay đổi cái nhìn, thay đổi thái độ sống. Chẳng hạn, cái nhìn về ăn chay và cầu nguyện: Ngài dạy khi ăn chay, cầu nguyện, đừng làm bộ rầu rĩ để cho người ta biết, nhưng hãy để một mình Cha trên trời biết anh em ăn chay, cầu nguyện. Còn về thái độ sống: khi đón nhận rượu mới là Chúa Giê-su, Chúa sẽ giúp chúng ta bước vào một khung trời đầy hy vọng, đầy niềm vui, đầy tình yêu.
Mời Bạn: Chúng ta có thể kể ra những khung cảnh mà Kinh Thánh mượn hình ảnh rượu để diễn tả như: rượu trong tiệc cưới Ca-na; rượu khi thiết lập bí tích Thánh thể; rượu trong bữa tiệc Nước trời – ngày ấy Ta thiết đãi muôn dân, rượu thì ngon, thịt thì béo; Lời Chúa hôm nay, rượu mới bầu da mới. Chúa Giêsu giới thiệu Ngài là “rượu mới”, “rượu mới” giúp cho đôi bạn tại tiệc cưới Cana - rượu hảo hạng chứ không phải rượu xoàng. Gia đình bạn hãy là “bầu da mới”, là cuộc sống hiệp nhất yêu thương, để xứng tầm đón nhận “rượu mới” Giê-su.
Sống Lời Chúa: Tôi sống yêu thương để xứng đáng với hồng ân tình yêu được lãnh nhận từ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hôm nay Chúa nói với con: rượu mới thì bầu phải mới. Xin cho con nhớ lời dạy của Chúa. Amen.
THÁNH PHAOLÔ ẨN SĨ
(229 -342)
Thánh Phaolô Ẩn tu sinh tại Thêbai (Thébaide) đời Hoàng đế Alexanđê Sêvêrô
Từ bé Phaolô đã được hưởng thụ một nền giáo dục gia đình rất chu đáo. Phaolô rất ham học văn chương Hi lạp và Ai Cập. Cha mẹ cậu chết năm cậu lên năm tuổi, để lại cho cậu một gia tài "kếch sù" và một người chị đã lập gia đình.
Cuộc bách hại đạo thời Hoàng đế Đêciô đã đưa lại cho Phaolô một dịp thuận tiện khả dĩ có thể bỏ mình hoàn toàn và khinh chê tiền bạc hư nát. Ý thức được mối nguy hiểm đang đe dọa và hoàn toàn nghi ngờ tài lực của mình, Phaolô lẩn trốn về đồng quê xa vắng để có thể sống cuộc đời an toàn trước sự đe dọa của bọn khát máu người công giáo. Ít lâu sau, một tai hoạ bất ngờ xẩy đến.
Vì muốn chiếm đoạt cả gia tài của nhạc phụ, người anh rể Phaolô quyết tâm nộp em vợ mình cho quan. Dò biết ý kiến phản phúc của người anh rể, Phaolô muốn lánh mình để khỏi nên cớ cho anh vấp phạm.
Ngài cam chịu chết đói hoặc bị súc vật dầy xéo còn hơn để bị nộp cho quan. Phaolô liền trốn vào sa mạc và định ở lại đấy cho tới khi cuộc bách hại chấm dứt. Thiên Chúa quan phòng đã hướng dẫn ý định của Phaolô sang một hướng khác. Trong cuộc sống tịch liêu, dần dần Người đã làm cho Phaolô say mê cuộc sống mà trước đây ngài đã làm vì cưỡng bách. Từ nay Phaolô trở thành một ẩn sĩ thực thụ trong cách sống cũng như trong tinh thần, chứ không phải chỉ nguyên là một người lánh nạn.
Phaolô cứ tiến sâu mãi vào trong rừng thẳm hoang vu. Cuối cùng ngài đã tìm thấy dưới chân núi một hang đá có một tảng đá lớn đậy ở ngoài cửa. Tò mò, ngài lật hòn đá ra nhìn vào trong và thấy hang rất đẹp, gọn ghẽ tựa như một căn phòng. Vào trong hang, Phaolô khám phá được một mạch nước rất trong bắt nguồn ở một suối nước gần đó. Lại nữa, chung quanh có rất nhiều cây cọ mọc chen chúc nhau trông rất ngoạn mục. Hình như miền này xưa đã có người ở vì gần đấy thầy Phaolô còn thấy có lơ thơ vài mái nhà bỏ hoang với ít dụng cụ cũ kỹ như búa, đe, rìu, cối xay… Các nhà khảo cổ Ai Cập cho rằng thời hoàng hậu Clêôphát, người ta đã thiết lập một xưởng đúc tiền giả ở đây.
Thánh Phaolô coi nơi đây như một địa điểm Thiên Chúa quan phòng đã dành để cho mình: rừng cọ mọc quanh núi sẽ cung cấp áo cho ngài mặc và là lương thực để ngài sống. Nơi đây rất thuận tiện để thầy kết hợp với Chúa bằng lời cầu nguyện, suy ngắm và trầm lặng. Hằng ngày Thiên Chúa làm phép lạ để nuôi sống ngài: ngày nào cũng như ngày nào có một con quạ tha đến cho ngài một chiếc bánh. Chúa đã dùng cách đó để nuôi sống ngài cũng như xưa đã nuôi sống tiên tri Êlia trong sa mạc.
Sở dĩ chúng ta được biết rõ chi tiết về cuộc sinh sống kỳ lạ của thánh nhân trong suốt 90 năm trời là nhờ cuộc thăm viếng của thánh Antôn ẩn sĩ. Thánh Phaolô ẩn tu lúc ấy đã được 113 tuổi, còn thánh Antôn mới 90 tuổi. Một ngày kia Antôn thầm nghĩ có lẽ mình là người đã sống tịch liêu lâu năm nhất trong rừng vắng chăng? Đồng thời ngay lúc đó ngài nghe thấy trong chiêm tượng có tiếng nói cho biết ở trong chính nơi hoang địa này còn có một người sống tịch liêu lâu hơn ngài và ngay bây giờ ngài phải đi ngay tới thăm người đó. Mặc dầu tuổi già sức yếu, mới tảng sáng, Antôn đã chống gậy vội vã lên đường. Không biết phải đi về hướng nào, nhưng ngài cứ liều bước đi mặc cho Chúa quan phòng hướng dẫn. Ngài cứ đi miết vào rừng sâu cho đến ngày thứ ba mới gặp được một quả núi. Nơi đây ngài thấy một hang rất sâu, đồng thời xa xa trong hang có ánh lửa chập chờn. Ngài cứ rảo bước theo hướng lửa sáng.
Tới nơi, nghe tiếng chân đi bên ngoài, người trong hang hoảng sợ và giữ thế thủ bằng cách đóng sập cửa lại. Người trong hang không phải ai xa lạ, chính là thánh Phaolô ẩn sĩ mà thánh Antôn đang tìm gặp. Thánh Antôn khẩn khoản xin được đàm đạo với thánh Phaolô. Nhưng thánh Phaolô nhất định khước từ. Rút cuộc thánh Phaolô đành phải mở cửa để đón thánh Antôn vào. Gặp nhau, hai vị tu hành lão thành đã trao đổi cho nhau những nụ hôn thắm thiết, hai vị thánh cảm tạ Chúa vì đã 90 năm nay, thánh Phaolô chưa gặp và nói chuyện với một người nào. Thánh Phaolô cho thánh Antôn hay ngài linh cảm đã đến ngày ngài được về chầu Chúa trên thiên quốc. Cuộc hội đàm được diễn ra trong bầu không khí thân mật và đạo đức.
Trong lúc hai vị đang đàm đạo với nhau, một con quạ bay tới và đặt dưới chân hai vị một cái bánh. Thánh Phaolô nói với thánh Antôn:
"Bạn thân mến, bạn hãy cảm tạ Thiên Chúa nhân từ đã cung cấp của ăn cho chúng ta. Suốt 90 năm trời nay, ngày nào con quạ cũng đem đến cho tôi một nửa chiếc bánh; hôm nay vì có bạn tới thăm tôi, nên Chúa đã ban cho chúng ta hai khẩu phần". Hai vị đồng thanh cảm tạ, rồi bẻ bánh ra ăn. Trước khi ăn, vì tỏ lòng tôn kính nhau, không vị nào nhận việc bẻ bánh trước cả. Thánh Phaolô trọng kính khách và hơn nữa phép lịch sự buộc ngài nhường quyền đó cho thánh Antôn. Nhưng thánh Antôn lại trọng kính tuổi già và lòng đạo đức của thánh Phaolô. Ngài còn vịn vào câu "tiên chủ hậu khách" để khước từ làm công việc đó. Cuối cùng hai vị đồng ý mỗi người cầm một đầu chiếc bánh mà kéo cho đến khi bánh đứt làm hai. Dùng bữa xong, hai vị đồng cảm tạ Chúa, rồi thức suốt đêm để cầu nguyện.
Sáng hôm sau thánh Phaolô nói với thánh Antôn:
"Bạn thân mến! Đã từ lâu tôi vẫn biết có bạn ở nơi hoang địa này. Thiên Chúa đã hứa sẽ cho tôi một vị ẩn sĩ khác để cùng với tôi thi đua phụng sự và mến yêu Người: vị ẩn sĩ đó chính là bạn. Giờ đây, giấc ngủ ngàn thu hạnh phúc tôi hằng mong đợi đã đến. Thiên Chúa đã sai bạn tới đây để chôn xác tôi hay nói đúng hơn là để trả "đất" lại cho "đất".
Thánh Antôn oà lên khóc. Ngài khẩn khoản xin thánh Phaolô đừng bỏ ngài, nhưng xin Chúa cho ngài được làm bạn đồng hành với Phaolô trong cuộc hành trình về thiên quốc. Thánh Phaolô trả lời:
"Bạn thân mến, bạn không nên ước muốn những điều vừa ý bạn, nhưng hãy ước vọng những gì làm ích cho người bạn của bạn hơn. Công việc chôn cất xác tôi không nặng nhọc lắm đâu: bạn chỉ việc trở về lấy cái áo choàng mà Đức Giám mục Athanasiô đã tặng bạn, rồi bạn lại đây để liệm xác tôi, thế đã đủ rồi".
Thánh Phaolô xin như thế là có ý để thánh Antôn không có mặt ở đó lúc ngài hấp hối cốt tránh cho Antôn khỏi sự buồn phiền quá. Đồng thời ngài cũng có dụng ý tìm dịp thuận tiện cho thánh Antôn có thể thông cảm với thánh Athanasiô, vị Giám mục can trường đã mạnh dạn bênh vực đức tin công giáo trước lạc giáo Ariô.
Thánh Antôn ngạc nhiên hết sức khi nghe thánh Phaolô nói đến chiếc áo choàng của thánh Athanasiô đã tặng ngài.
Dâng lời cảm tạ Chúa xong, ngài hôn mặt và tay thánh Phaolô, rồi trở về chốn cũ. Ngài đi về "tu viện" một cách nhanh chóng như bay vậy… khó lòng tin được một thân xác yếu đuối vì tuổi tác và chay tịnh như thân xác thánh Antôn lại có thể chịu đựng được một cuộc hành trình vất vả như thế nếu không có phép lạ của Chúa can thiệp. Tới "tu viện", hai môn đệ nhìn thấy ngài về vội vã ra đón và hỏi han tin tức về cuộc hành trình của ngài. Ngài không trả lời chi cả nhưng chỉ nói những lời đầy khiêm tốn:
"Tôi là người khốn nạn! Tôi là một tội nhân khốn nạn! Tôi bất xứng với danh hiệu người ẩn sĩ. Tôi đã xem thấy Êlia. Tôi đã nhìn thấy Gioan trong sa mạc và nói đúng hơn, tôi đã xem thấy Phaolô trên Thiên Đàng". Không kịp nói thêm gì hết, thánh nhân vội vã vào phòng riêng lấy chiếc áo choàng của Đức Giám mục Athanasiô. Các môn đệ ai nấy nóng lòng muốn biết rõ chi tiết câu truyện ra sao nhưng ngài không có thời giờ để thuật lại. Không kịp ăn một miếng bánh nhỏ, thánh nhân lại vội vã lên đường mong chóng tới nơi. Vì sợ rằng nếu chậm trễ sẽ không được gặp thánh Phaolô nữa. Hôm sau, lúc tảng sáng khi thánh Antôn mới đi được chừng 3 giờ đồng hồ thì ngài đã thấy linh hồn thánh Phaolô sáng láng và đẹp đẽ đang vút bay về trời giữa đoàn thiên thần ca hát tưng bừng. Thánh Antôn ngã lăn ra đất, nước mắt dàn dụa, miệng than van:
"Lạy thánh Phaolô sao Ngài bỏ tôi? Sao ngài ra đi mà không cho phép tôi từ giã ngài? Phải chăng vì tôi biết Ngài muộn quá nên ngài từ giã tôi vội vã như thế chăng?"
Sau này thánh Antôn kể lại rằng từ lúc đó hình như ngài không đi khúc đường còn lại, nhưng là " bay ". Tới nơi, thánh Antôn bước vào trong hang thánh Phaolô vẫn ở, ngài thấy xác vị tu hành đang quì bất động, mắt ngước nhìn trời, hai tay giơ thẳng. Thoạt nhìn, ngài tưởng như thánh Phaolô còn sống nên ngài đến quì cạnh thánh Phaolô để cầu nguyện với thánh nhân, nhưng rồi vì không nghe thấy tiếng thở nữa, bấy giờ ngài mới ôm chầm lấy cổ thánh Phaolô mà hôn, rồi ngài liệm xác thánh nhân trong chiếc áo choàng của Đức Giám mục Athanasiô. Khâm liệm xong, ngài lấy hết sức lực kéo xác ra khỏi hang và hát kinh như Giáo Hội quen hát khi cử hành lễ nghi an táng. Thánh Antôn nhìn trước nhìn sau không tìm được một vật dụng gì khả dĩ đào được một cái huyệt. Đang băn khoăn lo nghĩ bỗng ngài thấy hai con sư tử từ rừng thẳm tiến về phía ngài. Tới chỗ để xác, chúng nằm phủ phục trước xác thánh tỏ vẻ cung kính. Chúng gầm thét vang cả một góc trời tỏ dấu thương tiếc. Rồi chúng lấy chân đào một lỗ vừa sâu vừa rộng, đủ để chôn xác một người. Xong việc, chúng đến bên thánh Antôn liếm chân và tay ngài như thể để xin trả công. Thánh Antôn đoán chúng muốn xin phép lành. Ngài giơ tay ban phép lành cho chúng với lời nguyện sau:
"Lạy Chúa nếu không có phép của Chúa, môït lá cây cũng sẽ không rụng và một con chim nhỏ bé cũng sẽ không bao giờ chết đói, xin Chúa ban cho hai con sư tử này những gì Chúa biết chúng cần". Rồi ngài ra hiệu cho chúng rút lui.
Huyệt đã sẵn, thánh Antôn lo mai táng người bạn già quá cố. Sau đó, ngài trở về hang lấy chiếc áo lá do chính tay thánh Phaolô đã đan để làm kỷ niệm, rồi ngài trở về tu viện.
Về tới nhà, ngài kể lại cho các tu sĩ từng chi tiết về hết những gì đã xẩy ra trong cuộc hành trình kỳ lạ của ngài. Hằng năm, cứ đến ngày lễ Phục sinh và Hiện xuống, ngài lại mặc áo lá của thánh Phaolô một lần để tưởng niệm vị tu hành lão thành khả kính.
Như vậy, thánh Phaolô ẩn tu qua đời năm 342, hưởng thọ 113 tuổi. Thánh nhân đã sống trong sa mạc hơn 90 năm. Người ta gọi ngài là vị ẩn sĩ tiên khởi để phân biệt với nhiều vị thánh khác cũng có tên là Phaolô. Giáo Hội mừng lễ thánh Phaolô ẩn tu vào ngày 15 tháng giêng. Vào quãng thế kỷ XII, xác thánh ngài được đưa về an táng tại nhà thờ Đức Thánh Trinh Nữ ở Contantinôpôli (Constantinople). Sau lại đưa về an táng tại nhà thờ thánh Julinô ở Vênêtia Vêniê năm 1240.
Bình An Cho Các Con
Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: "Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an".
Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an nghỉ nghìn thụ Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: "Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con".
Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.
Trước Chúa Kitô 600 năm tai Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủị Cánh cửa Hòa Bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đạị Thời đại nào thế giới cũng mong đợi hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành.
Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.
Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.