HƠN CẢ ĐIỀU TỐT NHẤT
Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra ... (Mc 2,12)
Suy niệm: Đứng lên, vác chõng mà đi! Có lẽ ta phải nằm liệt một chỗ nhiều năm như anh này mới cảm được hết cái tuyệt vời của việc “đứng lên vác chõng mà đi.” Nhưng đó chưa phải là tất cả điều tuyệt vời đang diễn ra ở đây. Anh vác chõng đi ra trong sự thanh thoát của tâm hồn, vì anh đã được thứ tha hoàn toàn khỏi tội lỗi. Đúng như lời của một mẩu quảng cáo rất ấn tượng: Better than the best! Tốt hơn điều tốt nhất!
Mời Bạn: Hầu như ai cũng có những vấn đề phải lo, từ chuyện sức khoẻ, chuyện làm ăn, đến chuyện học hành, chuyện gia đình, v.v... Và ta thường nghĩ: điều tốt nhất cho tôi lúc này là trả được món nợ kia, hay chữa dứt được chứng đau bao tử nọ, hay đạt được đủ điểm trong kỳ thi sắp tới, hay kiếm được một công việc làm... Thực ra, còn có điều tốt hơn những ‘điều tốt nhất’ ấy nữa: đó là tình trạng được giải phóng trong tâm hồn, được hoàn toàn tự do đối với tội lỗi, được ơn thứ tha của Chúa. Bạn có tha thiết với điều ‘siêu tốt’ này không?
Chia sẻ: Câu chuyện người bại liệt hôm nay cho thấy Chúa Giêsu vừa có quyền năng vừa rất muốn cho ta nhiều hơn ta dám mơ. Bạn có muốn mang những vấn đề của mình, nhất là chính tình trạng tội lỗi của mình, đến với Chúa Giêsu không? Tại sao?
Sống Lời Chúa: Đến lãnh bí tích Hòa Giải để được tha thứ và bình an sâu xa trong tâm hồn cho năm mới. Ta quyết giữ sự bình an này, ngay cả dù nghèo dù khổ, hơn là có được mọi thứ mà mất sự bình an ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi và chữa lành con. Xin cho mọi người trong gia đình con được ơn bình an này.
THÁNH NỮ MAGARIT BÔGÔIS
Magarit sinh ngày 17 tháng 4 năm 1620 tại thành Troy nước Pháp, nhưng ngài sống gần tám mươi năm ở Montriơ, nước Canada. Magarit là con thứ sáu trong gia đình có mười hai người con. Song thân của ngài là những người rất mộ đạo.
Khi Magarit lên mười chín thì thân mẫu qua đời. Ngài đã thay mẹ săn sóc các em trai và em gái của mình. Thân phụ ngài cũng mất lúc ngài được hai mươi bẩy tuổi. Khi việc gia đình được dàn xếp ổn định, Magarit đã cầu nguyện xin Chúa cho biết phải làm gì trong cuộc sống của mình. Lúc ấy, nhà lãnh đạo Montriơ, Canada đến thăm nước Pháp. Ông đang gắng tìm những người dạy học cho Tân Thế Giới (gồm Châu Mỹ, Bắc Mỹ và Nam Mỹ). Ông mời Magarit đến Montriơ dậy các lớp đạo và ngài đã bằng lòng.
Magarit đã phân phát phần tài sản thừa kế của mình cho các anh chị em trong gia đình. Họ không thể tin rằng ngài sẽ thực sự rời bỏ đất nước văn minh của họ để đi đến nơi hoang mạc khô cằn bên kia đại dương. Nhưng ngài đã đi.
Ngày 20-6-1653, ngài vượt biển và đến Canađa vào khoảng giữa tháng 11.
Năm 1657, Magarit tiến hành xây dựng một nguyện đường dành để tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Năm 1658, ngài mở một trường dậy học đầu tiên. Ngài nhận thấy nhu cầu cần có thêm nhiều giáo viên hơn cho công việc. Vì thế năm 1659, ngài về Pháp và trở lại cùng với bốn người cộng tác. Đến năm 1670, ngài lại đi Pháp và đem về sáu người bạn nữa.
Những người nữ can đảm này đã là những nữ tu đầu tiên của Tu Hội Nữ Tử Thánh Mẫu.
Thánh Magarit và các nữ tu của ngài đã giúp đỡ những kiều dân khi thực phẩm khan hiếm. Họ mở trường dậy nghề và huấn luyện cho các bạn trẻ biết cách điều khiển công việc ở nhà cũng như ở ngoài đồng. Cộng đoàn của thánh Magarit càng ngày càng phát triển. Tính từ năm 1681 cộng đoàn có mười tám nữ tu, trong đó có bảy chị người thổ dân. Rồi, họ lập thêm những nhóm truyền giáo và hai nữ tu đã đứng ra giúp Hội truyền giáo thổ dân. Chính thánh Magarit đã nhận hai chị người thổ dân đầu tiên này vào cộng đoàn.
Năm 1693, Mẹ Magarit đã trao cộng đoàn lại cho người kế nghiệp Mẹ. Vị bề trên mới này là nữ tu Maria Babiê, người Canađa đầu tiên gia nhập cộng đoàn. Năm 1698, luật dòng của thánh Magarit được Giáo hội duyệt xét. Magarit dùng ít năm cuối đời của mình để cầu nguyện và viết tự truyện. Vào ngày cuối năm 1699, một chị nữ tu trẻ hấp hối, Mẹ Magarit đã nài xin Thiên Chúa trao đổi sự sống của Mẹ cho chị nữ tu. Vào sáng ngày 1 tháng giêng năm 1700, chị nữ tu trẻ đã hoàn toàn bình phục. Đối lại, Mẹ Magarit phải chịu một cơn sốt cùng cực. Mẹ đã chịu đau suốt mười hai ngày và qua đời ngày 12 tháng giêng năm 1700. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho Mẹ ngày 2/4/1982. Khi không có đủ can đảm để thực hiện những điều mỹ hảo, chúng ta hãy cầu xin với thánh Magarit Bôgôis giúp chúng ta can đảm và quảng đại như ngài.
Tiên Vàn, Hãy Tìm Kiếm Nước Chúa
Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu trâm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: "Có tiền mua tiên cũng được". Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh doanh giàu có này?
Charles Schwab, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác. Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túị Hơưard Hopson, giám đốc của một hãng gas lớn trở thành điên loạn. Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túị Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong Chính Phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng. Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.
Bức tranh trên đây không hẳn đã là số phận tất yếu của những người giàu có. Có biết bao nhiêu người giàu có đã có một cuộc sống an lành hạnh phúc? Tiền bạc của cải tự nó không phải là một điều xấụ Ai trong chúng ta cũng cần có tiền bạc của cải để sống xứng đáng với nhân phẩm. Sự túng thiếu bần cùng là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con cái Ngài phải lâm vào.
Tuy nhiên, tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡị Nếu được sử dụng như một phương tiện, tiền bạc sẽ giúp cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình hơn. Nếu trái lại, con người chạy theo tiền của như một cứu cánh trong đời người, nghĩa là con người có thể tôn thờ nó như thần tượng để quên đi tất cả những giá trị khác trong cuộc sống, thì lúc đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu với con người.
Khi kể lại dụ ngôn của người quản lý biết dùng tiền của để mua chuộc bạn bè, Chúa Giêsu muốn kéo chúng ta trở lại với chân lý nền tảng trong cuộc sống: hãy chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu, hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống vĩnh cửụ Hãy hướng tất cả mọi sự vào cùng đích của cuộc sống. Hãy dùng tiền bạc, hãy cư xử thế nào để luôn có những người bạn luôn chờ đón ta trước cổng Thiên Ðàng