Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 24/1/2018

Filled under:

HÃY GIEO CÁCH HÀO PHÓNG
“Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường,... sỏi đá,... bụi gai,... đất tốt...” (Mc 4,3-8)
Suy niệm: Hoàn cảnh địa lý vùng Pa-lét-tin hiếm có những khu đất tốt bằng phẳng, thuận lợi. Người gieo phải có đôi chút mạo hiểm và hào phóng, tận dụng mọi ngóc ngách để gieo giống mới mong có mùa gặt mai sau. Thế giới ngày nay theo xu hướng vật chất hưởng thụ, chuộng cuộc sống tiện nghi dễ dãi, chẳng khác nào những bụi gai, cỏ rậm hay vệ đường sỏi đá; làm cho Lời Chúa được nghe lọt tai đã là khó, phương chi tìm ra được mảnh “đất tốt” để hạt giống Lời Chúa bám rễ nảy mầm! Chúa dạy các môn đệ của Ngài không được bó tay, nhưng phải gieo, gieo mãi, bất chấp lòng người là sỏi đá, vệ đường hay bụi gai. Điều này đòi hỏi nhà thừa sai có một tinh thần dấn thân và phó thác cao. Bởi gieo trồng vun tưới là việc của Phao-lô, của A-pô-lô, của bạn, của tôi, của chúng ta; còn kết quả là do Thiên Chúa (x. 1Cr 3,6).
Mời Bạn: Lòng người dù có là sỏi đá, vệ đường, bụi gai nhưng vẫn có thể được cày xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt. Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo đất. Chẳng hạn các thánh Phao-lô, Âu-tinh, Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã được biến đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta có sự nhẫn nại và hào phóng đó để Nước Trời được mùa gặt bội thu!
Sống Lời Chúa: Việt Nam đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng còn khá nhiều ‘đất hoang’. Đừng trì hoãn nữa, nhưng hãy gieo Lời Chúa cách hào phóng trong mọi sinh hoạt thường ngày.
Cầu nguyện: Đọc kinh Hoà Bình.


THÁNH PHANXICÔ SALÊ
GIÁM MỤC TIẾN SĨ
(1567 -1622)
Cho đến nay, nói tới giáo đoàn SaParis miền nam nước Pháp, không ai có thể quên tên vị truyền giáo trứ danh đã đem hoàn toàn đời mình phụng sự Chúa và Giáo hội, đã can đảm chống lại thệ phản giáo Canvanh và đưa nhiều linh hồn về cho Chúa: Thánh Phanxicô Salê, Giám mục Tiến sĩ.
Thánh Phanxicô ra đời ngày 21.8.1567 tại một dinh thự danh tiếng thuộc miền Savoa (Savoie). Thân mẫu ngài là bà Phanxicô Sion, và thân phụ là ông Phanxicô Nuven (Nouvelles), một lãnh chúa miền Salê. Cả hai là những tín hữu khôn ngoan, nhân đức, hết sức chăm lo giáo dục con cái. Nhờ đó cậu Phanxicô sớm tỏ ra một thiếu niên đạo đức và chăm chỉ học hành. Ngay vừa bảy tuổi, Phanxicô được gửi học tại Rốc, cậu học thông minh và cần mẫn nên hay được ban giáo sư chọn làm học sinh gương mẫu về đạo đức học đường. Trên khuôn mặt tròn trĩnh tắm nước da trắng mịn, nổi bật đôi mắt tinh sáng, biểu lộ phần nào ý chí sắt đá ẩn tàng trong con người cậu. Thêm vào đó, đôi môi thắm luôn điểm nụ cười hiền lành, làm chứng cho mọi lời nói sắt đá của cậu. Nhìn Phanxicô, ai cũng đoán cậu sẽ là người giúp ích nhiều cho xã hội sau này. Đó cũng là niền vui thầm kín của cha mẹ cậu.
Hơn muời tuổi, Phanxicô chịu phép Thêm sức, xưng tội lần đầu. Và vừa 14 tuổi được cha mẹ cho đi tu. Mấy năm sau ngài chịu phép cắt tóc.
Năm 1580 Phanxicô được gửi đến Paris theo học khoa tu từ và triết lý, dưới quyền giám hộ của linh mục thánh thiện Môrác Đêa (Morac Deâge). Dù sống giữa đô thị lớn, ngập lụt những xa hoa trần tục, sinh viên Phanxicô không để mình xao xuyến, hay bị lôi cuốn. Chàng vẫn giữ tấm hồn trong sạch, trung thành với lý tưởng tận hiến. Đó là kết quả lòng tin tưởng thầm kín vào Chúa như lời ngài thường nói: "Thiên Chúa là Thầy dậy duy nhất của tôi về mọi khoa nên thánh. Và tôi hoàn toàn tín nhiệm vào Ngài ". Sinh viên Phanxicô, ngay từ bé, đã yêu mến Đức Mẹ cách trọn hảo. Tại Paris ngài xin gia nhập Hiệp hội Thánh Mẫu sinh viên do các cha dòng Tên khởi xướng lập nên.
Biên thư cho các bạn quen biết sau này Phanxicô thường viết: "Tôi muốn chúng ta đừng ngày nào bỏ quên Đức Mẹ, hãy đọc kinh kính Người, hãy trút cho Người tất cả bầu tấm lòng của chúng ta ".
Qua sáu năm học tại Paris, Phanxicô trở về Savoa rồi sang Ý theo học trường Đại học Pađôva. Tại đây ngài chuyên về luật khoa và thần học. Hai năm sau ngài nhận mũ tiến sĩ do Đức Giám mục thành Pađôva trao tặng. Phanxicô từ giã kinh thành văn hóa, đi hành hương Rôma, Lorêtô, và về Savoa.
Gặp ngày đẹp trời, những cánh hoa phượng thi nhau phơi mầu, khiến ánh nắng đã chói lại càng chói thêm. Cảnh vật khoe tươi như thông cảm niềm hy vọng đang dâng lên phơi phới trong lòng cha mẹ và nhiều người thân thuộc của thánh tiến sĩ Phanxicô. Họ hớn hở trong muôn mầu áo, muôn tiếng nói cười chen vào điệu nhạc, dự ngày vinh qui của vị tiến sĩ trẻ tuổi. Phải, mới tuổi 25, tiến sĩ Phanxicô phải là người đầy tương lai. Nhưng tương lai của ngài là tận hiến đời sống, làm linh mục để phục vụ Nước Chúa chứ đâu có như người ta đoán, và thậm chí như cha ngài đã định tâm, là nhận tước quận công miền Villaroget, giữ ghế luật sư tại Savoa, và sau cùng kết hôn với ái nữ của lãnh chúa Vênhi. Họ đã thất vọng, cha ngàøi đã phẫn nộ vô ích trước lòng cương quyết và từ tốn của thánh nhân. Phanxicô không muốn bội lời hứa với Chúa hầu thỏa mãn cha mẹ và mọi người quen biết. Sau nhiều ngày cầu nguyện, Phanxicô nhận thấy cha vui vẻ đi bách bộ và ngắm cảnh ngoài vườn hoa, liền chạy ra quì dưới chân cha, trình bầy ý định và tỏ cho cha biết đã khấn giữ mình đồng trinh. Cảm động về cử chỉ trung hiếu và thánh thiện của con, ông nâng con dậy và hứa cho tự do quyết định.
Một tháng sau, ngài xin nhập hàng giáo sĩ và được bổ nhiệm làm giáo sư tại Chapit ở Giơne. Năm 1595, ngài thụ phong linh mục. Từ đó ngài càng thêm để ý sống thánh thiện bằng cách nhiệt tâm chu toàn nhiệm vụ tông đồ. Ngài rất chịu khó ngồi toà giải tội, chăm chỉ dọn bài giảng, bài dậy giáo lý tân tòng. Và lòng nhiệt thành ấy được nêu cao trong thời ngài truyền giáo tại SaParis, một thổ địa thuộc miền nam nước Pháp, một vùng nhiều núi và dân cư thưa thớt, chịu ảnh hưởng tin lành từ năm 1546. Mỗi ngày phái Tin lành một hoạt động mạnh; họ phá các tu viện, phá đổ nhiều thánh đường và ảnh tượng. Họ bất chấp lệnh truyền của quận công Savoa và vua nước Pháp. Phong trào đánh bại công giáo, phá an ninh càng phát triển mạnh hơn, từ ngày giáo phái Canvanh đột nhập. Muốn tìm cách đối xử với tình thế, quận công Savoa bèn đệ đơn xin Đức Giám mục Giơne cử nhiều linh mục đến SaParis giảng đạo, hầu chận đứng bè rối và tái lập nền tảng đức tin. Trong việc khó khăn này, dĩ nhiên cần có những linh mục vừa tài giỏi vừa thánh thiện. Vì thế Đức Giám mục buộc lòng cử cha Phanxicô, dù ngài chịu chức chưa được hai năm, và còn quá trẻ với tuổi 27. Trong bài sai, Đức Giám mục tỏ ra rất tín nhiệm cha. Còn cha, dù những người trong gia đình tỏ ý ngăn cản không muốn để cha xông pha vào nơi nguy hiểm như thế, ngài nhất quyết vâng lời, coi lệnh Giám mục là ý của Chúa.
Và ngày 14-7-1595, cha Phanxicô cùng lên đường đi SaParis với một linh mục bạn là cha Lui Salê. Bắt chước thánh Đaminh khi xưa, các ngài đi chân không, ăn mặc khó khăn và không mang tiền bạc. Đến ranh giới SaParis, việc đầu tiên của cha Phanxicô là đi thăm tất cả những thánh đường hoặc thôn làng công giáo bị tàn phá. Khỏi cần nói chúng ta cũng đoán được tâm hồn của thánh nhân phải xúc động và cảm thương đến chừng nào mỗi khi nhìn ngắm một cảnh hoang tàn vắng bóng đức tin. Nhưng càng khóc, ngài càng thêm phấn chấn và đầy ơn Chúa để thi hành sứ mệnh. Ngài nhất định đến Thomô trung tâm hoạt động của lạc giáo, để rao giảng và biện luận với bọn họ. Sau hai ngày đường mệt mỏi, cha Phanxicô đã tới nơi. Đã không ai tới nghe ngài giảng trừ một vài bà lão và lũ trẻ con nghịch ngợm, những lãnh tụ lạc giáo lại hạch sách xui người nguyền rủa, ném đá cha nữa. Nhưng Thánh Linh ở với cha Phanxicô, ngài không nao núng hay chán nản, một cố gắng can đảm hy sinh và tin cậy vào Chúa. Ngoài giờ rao giảng và tranh luận tín lý, ngài ngoại giao với chính quyền để treo biển ngữ, dán bích chương khắp thành phố, đồng thời ngài đi thăm các gia đình, không kể chi thái độ ghẻ lạnh và bất nhã của họ. Ngài sống đơn sơ, dễ dãi, vui vẻ và hiền hậu với mọi người bản xứ. Nói tắt, cha Phanxicô truyền giáo không những bằng lời giảng, bằng hoạt động trí thức, mà nhất là bằng lời cầu nguyện và bằng đời sống gương mẫu: "Lời nói đi đôi với đời sống", đó là phương pháp cha mang ơn Chúa đến cho dân miền SaParis. Vì thế, dần dà họ cảm phục đời sống thánh thiện và lời giảng chân thật của cha thừa sai. Dân chúng bất chấp lời dụ dỗ ngăm đe của lãnh tụ tà giáo, họ kéo đến nghe và về bàn luận với nhau. Họ tỏ thái độ ngoan ngoãn, mời cha Phanxicô đến giảng tại nhà mình. Họ còn tự động làm cho cha một chòi cao giữa thành phố để tiện việc rao giảng, cũng như can đảm bảo vệ ngài trước sức đàn áp dã man của bọn người dã tâm… Sau cùng, dân chúng đổi thái độ, từng làng từng khu phố, đua nhau nộp đơn xin thụ giáo… Còn gì vui mừng và an ủi cha Phanxicô hơn nữa? Sau bao ngày khó nhọc gieo hạt thì nay mùa gặt đã tới. Cha đưa tin cho Đức Giám mục hay và xin ngài đến thăm viếng giáo dân. Với tư cách là chúa chiên, Đức Giám mục đến thăm viếng dân SaParis, đem lại nhiều an ủi cho đoàn chiên đông đúc sau nhiều năm lưu lạc vắng bóng chúa chiên.  Và đó là kết quả do ơn Chúa hòa lẫn với bốn năm hy sinh của hai cha thừa sai Lui và Phanxicô.
Tổ chức lại giáo đoàn SaParis, Đức Giám mục tâu xin Đức Giáo Hoàng đặt cho Phanxicô làm Giám mục phó, đến năm 1602 ngài được chính thức cai quản giáo phận Giơneo. Chúng ta không thể kể hết những hoạt động của Đức Giám mục Phanxicô.
Ngài luôn nêu cao đời sống nhiệt thành, tận tụy với đời sống tông đồ, mở mang nhiều cho giáo phận. Trong các mùa chay, ngài thân hành đến giảng tại các xứ lớn trong giáo phận. Ngài còn là một trong những nhân vật trọng yếu, có ảnh hưởng nhiều đối với các vua chúa, như quận công sứ Savoa, và vua Henricô IV. Ngài lại là bạn thân, có ảnh hưởng nhiều đến đời sống thánh Vinhsơn Phaolô, và việc thiết lập Dòng Kín tại Pháp. Và dù bề bộn mọi công việc bên ngoài, Đức cha Phanxicô không sao nhãng đời sống nội tâm. Đối với ngài, "tinh thần hy sinh và cầu nguyện là khí giới mọi thành công". Vì thế, hằng ngày ngài dành nhiều giờ nguyện gẫm và nghiên cứu các sách thiêng liêng. Ai lại không biết mấy tác phẩm thời danh, trình bầy một tu đức thuyết sâu xa của ngài? Cuốn "Nhập đề đời sống trọn lành" và cuốn "Luận về tình ái của Thần Linh". Chính ngài được coi là sáng lập dòng nữ "Con Đức Mẹ" mà sau đổi tên là dòng Thăm viếng. Viết về đời sống thánh Phanxicô, thánh Vinhsơn Phaolô đã chép một câu chí lý: "Thiên Chúa phải là Đấng nhân từ chừng nào, vì ngay chính Đức cha Phanxicô, đầy tớ của Người, mà cũng đã tốt lành như thế!"
Phải, Đức cha Phanxicô không những là chúa chiên hiền lành và gương mẫu, mà còn là vị thánh hoạt động. Ngài làm việc cho tới phút cuối cùng. Quả thế, dù trong người mỏi mệt, nhưng vì ích lợi chung, Đức cha cũng phải đi với quận công Savoa lo việc tại Lyông. Nơi đây ngài bị cảm nặng và trút hơi thở cuối cùng. Hôm ấy nhằm ngày 27-12-1622. Theo lời ngài trối lại, người ta đưa xác ngài về dòng Thăm viếng tại Annêcy. Đến ngày 19-4-1685, Đức Giáo Hoàng Alêxanđria VII phong người lên bậc hiển thánh, và tới năm 1877 dưới thời Đức Thánh Cha Piô IX, thánh Giám mục Phanxicô được tặng phong là một thánh tiến sĩ của Giáo Hội.



 Triệt Hạ Thập Giá

Gibert Keith Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm họa của vua thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề: "Bầu trời và Thập Giá". Một giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh quốc. 
Khi máy bay đi qua London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông nhà thờ chánh tòạ Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả đối với Kitô Giáọ Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện như sau: "Tôi cũng biết có một người thù ghét thập giá như ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta cũng tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người vợ, ông cũng tìm cách giành giật để kéo ra khỏi người bà. Ông nói rằng thập giá là một biểu trưng của sự độc ác dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.
 Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ của giáo sứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất. Sự thù hận đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi chiều mùa hè nóng bức nọ, ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh giá. Rồi trước mặt, đằng sau lưng ông, nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm chiếc gậy trên tay để đánh đổ tát cả những cây thập giá. Vào trong nhà, bất cứ những gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù của thập giá. Không còn dùng gậy để đạp đổ nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu chụi căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà.
 Câu  kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị tu sĩ là: "Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá, bạn sẽ không chóng thì chày phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này". Với cái chết của Ðức Kitô, thập giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó là chiến thắng của Tình yeu trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó có người còn tin ở sức mạnh của tình yêụ Ðạp đổ thành giá có nghĩa là nâng cao hận thù chết chóc lên cao và chối bỏ tình yêụ Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Bất cứ một con người có lý luận bình thường nào cũng có thể thấy được điều đó.
 Ngày nay, con người vẫn còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập giá. Không cần phải leo lên tháp chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá; hình thù của thập giá, dấu chỉ của Tình Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con ngườị Xúc phạm đến con người cách này hay cách khác cũng đã là một triệt hạ thập giá rồi.