Lời Chúa: Mc 6, 1-6
1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? ” Và họ vấp ngã vì Người.4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.
Suy niệm 1
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi.
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát.
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo…
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy.
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
“Bởi đâu ông này được như thế?
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c. 2).
Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ.
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa,
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài?
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu.
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ.
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông,
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ.
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu.
Chính cái biết này đã ngăn cản
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế:
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ.
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường,
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét.
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa?
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống.
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy niệm 2
Chúa Giêsu đã làm cho những người theo Chúa hết sức ngạc nhiên khi nói rằng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4). Quả thật, trước sự cứng lòng tin của những người cùng quê hương xứ sở, Chúa Giêsu đã phải thốt lên những lời chua xót.
Dân thành Na-da-rét đã vấp ngã vì Chúa Giêsu và đã không đón nhận lời rao giảng của Người bởi lẽ đối với họ, Chúa Giêsu chỉ là một người thợ bình thường. Người cũng xuất thân từ một gia đình không có gì nổi bật và cũng quá quen thuộc giữa xóm làng của họ. Chính những định kiến đó đã làm cho tâm trí họ đóng kín trước những chân lý và giáo huấn của Chúa Giêsu. Và điều đáng nói là do sự tự mãn và thành kiến của mình, họ đã không nhận ra căn tính đích thực của Chúa Giêsu là Đấng mà họ mong chờ. Đó cũng là lý do Người đã không thể làm được phép lạ nào giữa họ.
Chúa Giêsu đến để cứu chữa con người khỏi những đau khổ của bệnh tật, khiếm khuyết không chỉ về thể lý mà còn về tâm linh. Nhưng trên hết, Người đến để giải thoát con người khỏi sự giam cầm của tội lỗi và cái chết. Thế nhưng Tin Mừng cứu độ chỉ dành cho những ai có tâm hồn đơn sơ và khiêm tốn nhận mình bất toàn, lỗi tội. Vậy với bài học của dân thành Na-da-rét, chúng ta cần có thái độ nào để có thể lãnh nhận tự do và bình an của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô?
Lạy Chúa Giêsu nhân lành, Chúa đến để khoả lấp mọi ước vọng của chúng con. Xin cho chúng con có một tâm hồn đơn sơ khiêm tốn để có thể nhận ra chỉ nơi Chúa, chúng con mới tìm gặp được niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực cho đời mình. Amen.
Ngay từ đầu Tin Mừng, tác giả Máccô cho thấy Chúa Giêsu hành động với uy quyền trước toàn dân. Nhưng sau đó, những trở ngại đã xuất hiện: thân nhân Người đi bắt Người về, vì cho rằng Người đã mất trí; các kinh sư thì nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và dùng quyền của nó mà trừ quỷ; bằng kiểu diễn tả bóng bảy, Người đã nói đến sự cứng lòng của dân Israel; trận bão trên biển không nhận chìm được con thuyền của Người, là một hình ảnh cho hiểu là sứ vụ của Người sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đứng vững; yêu cầu của dân Ghêrasa cũng ở trong chiều hướng ấy.
Chúa Giêsu trở lại quê hương Nadarét. Người vào hội đường để giảng dạy, tức là thi hành sứ mạng ngôn sứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù đã biết các phép lạ Chúa Giêsu làm và nay vừa nghe Người giảng, dân làng Nadarét lại chỉ coi Người như là “bác thợ, con bà Maria, anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn” mà thôi.
Tin Mừng Máccô cho thấy liên hệ huyết thống cũng như tình đồng hương không giúp người ta nhận biết Chúa Giêsu trong chân tính của Người. Muốn khám phá ra mầu nhiệm Chúa Giêsu, người ta phải để cho chính Người dẫn dắt và giáo huấn ngày qua ngày.
Trang Tin Mừng tường thuật chuyến về thăm Nadarét cũng nói đến thái độ không tin của người dân Nadarét, khiến họ không chấp nhận Chúa Giêsu. Như thế, truyện này tóm tắt một vài đề tài đã được triển khai trong các phân đoạn trước: tư cách môn đệ và lòng tin, Chúa Giêsu là thầy và là vị làm phép lạ, sự hiểu lầm và sự loại trừ Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu về quê, có các môn đệ đi theo, và bắt đầu giảng dạy cho bà con ở quê nhà. Nhưng đây không có gì là một cuộc “vinh qui” cả. Người ta ngạc nhiên nhận ra sự khôn ngoan của Ngài, và trong đầu họ bật lên một loạt dấu hỏi. Chỉ tiếc là những hiểu biết và kinh nghiệm vốn có của họ về “bác thợ Giêsu” đã dập tắt sự ngạc nhiên nơi họ và không cho phép họ khám phá được gì xa hơn về Ngài. Ta thấy định kiến tai hại biết bao. Và đến lượt Chúa Giêsu ngạc nhiên về sự thiếu khả năng ngạc nhiên nơi những người đồng hương của Ngài: “Ngài lấy làm lạ vì họ không tin”.
Tin Mừng hôm nay cho thấy niềm tin và tình yêu khiến cho người ta nhạy cảm được với những gì liên can đến đấng hay người mình yêu, và nghi kỵ, hận thù khiến cho người ta mù lòa, điếc lác trước tha nhân, như được phản ảnh trong 2 Sm 24, 2.9-17 : ở đây, cho thấy sau khi ra lệnh kiểm tra dân số, với tâm hồn nhạy cảm trong tương quan với Thiên Chúa, Đavít phát hiện ra làm như thế là xúc phạm đến Đức Chúa, vì không hoàn toàn tín thác nơi Ngài mà có vẻ cậy dựa vào binh lực hơn.
Người Nadarét nuôi quan niệm sai lầm về Ðấng Cứu thế. Theo họ thì vị thiên sai phải là một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc, một nhà cải cách xã hội tài ba, một vị tướng lãnh tài giỏi, bách chiến bách thắng, có thể đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Khi họ nhận ra Chúa Giêsu không thích hợp với với quan niệm họ sẵn có về Ðấng cứu thế, thì họ từ khước Người. Vì thế đối với họ, Chúa Giêsu không thể là Ðấng cứu thế.
Thành kiến của họ đã làm cản trở cho đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng của Chúa như Chúa muốn họ tin tuởng. Do đó Chúa Giêsu nói với họ: Ngôn sứ có bị coi rẻ thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình (Mc 6, 4). Phúc âm hôm nay ghi lại: Người đã không thể làm phép lạ nào tại đó, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân (Mc 6, 5). Sở dĩ Chúa Giêsu không làm phép lạ nào được vì như lời Phúc âm ghi lại họ cứng lòng tin (Mc 6, 6)
Con người hôm nay, những người Nadarét mới, vẫn đang thấy Chúa Giêsu là một cớ gây ngạc nhiên và vấp ngã. Do sự từ khước của con người hôm nay, hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến, họ không hiểu được cốt lõi tinh túy của sứ điệp, cũng không tạo cơ hội cho các việc kỳ diệu có thể xảy ra hay cho ơn Chúa có thể đến được với chính họ và người khác.
Từ đây, chúng ta có thể đi đến một nhận định: cộng đoàn Kitô hữu có hai trách nhiệm, bởi vì phải vừa biết nhận ra các ngôn sứ được Thiên Chúa cho xuất hiện giữa các thành viên của mình, vừa phải hỗ và làm gia tăng ơn Chúa mà sự hiện diện của họ mang lại. Ý thức này đòi hỏi cộng đoàn phải trở thành một tập thể sẵn sàng, trong tư thế cầu nguyện, có cái nhìn khôn ngoan, để nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa.
Tất cả các điều này không đơn giản: trong đời sống mỗi ngày, chúng ta ghi nhận rằng cộng đoàn chúng ta đang bước đi giữa hai đe dọa: một bên, cộng đoàn có thể rơi vào một thứ hứng khởi dễ dãi mà chạy theo bất cứ một chủ trương đổi mới nào, để rồi cuối cùng bị lạc hướng và bị phân tán; một bên, cộng đoàn dễ bị thu hút bởi xu hướng bất động và sự cứng ngắc do bám vào một vài điều xác tín nào đó.
Nếu ta chỉ đi tìm Chúa nơi những người quyền cao chức trọng, hay ở những nơi huy nga tráng lệ mà thôi, ta sẽ khó tìm thấy Chúa. Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bình thường mà ta thường gặp, cũng như những sự việc xẩy ra thường ngày. Ta khó nhận ra những dấu vết của Chúa nơi người khác cũng như sự việc ta gặp hằng ngày nếu ta để cho thái độ quen quá hoá nhàm xâm chiếm đời sống tư tưởng của ta.
Ta có thể tìm thấy Chúa nơi người đau yếu, bệnh tật, nghèo khổ và tù đầy. Ðó là điều Chúa nói trong Phúc âm thánh Mátthêu: Khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn (Mt 25, 35). Ðể có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở. Nếu ta để cho thành kiến về đạo giáo làm mù quáng, thì những thành kiến có thể làm cản lối Chúa vào nhà tâm hồn.
Nếu ta vịn cớ nọ cớ kia để đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng chịu, không vào được, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do và Chúa tôn trọng tự do của loài người. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn của mỗi người. Chúa không ép buộc ai theo Chúa và sống theo đường lối đức tin. Chúa chỉ mời gọi. Việc chấp nhận hay không là tuỳ thuộc vào mỗi người.
Để có khả năng ngạc nhiên trước Chúa Giêsu và tin vào Ngài, ta cần nhìn, lắng nghe và kinh nghiệm Chúa Giêsu một cách mới mẻ ở đây và lúc này, chứ đừng đóng chặt Ngài trong bất cứ khuôn kinh nghiệm nào thuộc quá khứ. Đây là một việc đầy thách đố, song đây cũng là bước quyết định của công cuộc Tân Phúc Âm hóa!
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường