Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 06/01/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mc 1, 7-11

Khi ấy, ông Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.
Hồi ấy, Ðức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Suy nim 1
Trước khi mừng Lễ Chúa Hiển Linh cho các đạo sĩ dân ngoại,
chúng ta mừng Đức Giêsu được hiển linh trên sông Giođan,
dù theo Tin Mừng Máccô, cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết.
Nghe lời kêu gọi của Gioan từ hoang địa,
bao người từ khắp nơi kéo đến thú tội và chịu phép rửa của ông.
Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5).
Trong số những người xếp hàng chờ đến lượt mình, 
có Đức Giêsu, một ông thợ mộc từ vùng Nadarét.
Đức Giêsu có thú tội với Gioan, và sám hối để được tha thứ không? 
Đức Giêsu có biết mình là Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không?
Chúng ta cần chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu.
Hành vi công khai đầu tiên của Đức Giêsu
là đứng chung với đám đông, với tội nhân,
là khiêm hạ để mình bị dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy.
Nhưng vào chính giây phút Ngài lên khỏi nước (c. 10)
bất ngờ Ngài thấy trời cao mở ra:
Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài,
bất ngờ Ngài nghe tiếng Thiên Chúa nói riêng với mình :
“Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11).
Đối với Đức Giêsu, đây thật là một mặc khải quan trọng.
Thiên Chúa vén mở mối tương quan Cha-Con thân thiết,
đồng thời ban Thần Khí để Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu.
Nơi dòng sông Giođan hôm đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Đấng vô tội, vì luôn làm đẹp lòng Cha, 
nhưng vẫn đến với Gioan để xin chịu phép rửa sám hối.
Đức Giêsu là Đấng gần gũi với Thiên Chúa như Con với Cha,
nhưng cũng gần gũi với anh em của mình.
Những gì đã xảy ra ở sông Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu.
Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm mình, xóa mình, hủy mình,
là mỗi lần Ngài được nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải.
Sau khi chấp nhận đi con đường thập giá (Mc 8, 31),
Đức Giêsu được biến hình và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2).
Sau khi chấp nhận dìm mình trong cái chết nhục nhằn,
Đức Giêsu đã được Cha phục sinh và nâng dậy.
Có thể câu đầu tiên Chúa Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”.
Cuộc sống người Kitô hữu cũng là liên tục dìm mình.
Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy,
chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3).
Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới.
Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng.
Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 Suy niệm 2
“Tôi thì làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Chúng ta quen với cách gọi phép rửa tội để nói đến bí tích Thanh tẩy. Cách gọi này xem ra chú trọng đến tội lỗi, đặc biệt là nguyên tội do tổ tông loài người phạm. Chú trọng đến tội, chúng ta dễ quên đi khía cạnh ân sủng. Ân sủng lớn lao nhất là tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa, ân sủng đi bước trước, vì Người chủ động cứu độ chúng ta. 

“Phép rửa”, là cách dịch ý, có tính văn chương, nhưng không diễn tả đủ thực nghĩa. “tắm” hay “dìm vào, dìm xuống”, vừa diễn tả được ý nghĩa tẩy rửa, vừa diễn tả sự chìm ngập trong ân sủng. Nên cách nói phép rửa trong Thánh Thần thực ra là dìm vào trong Thánh Thần. Những người được dìm vào trong Thánh Thần thì được ân sủng Chúa bao bọc, chở che, giữ gìn. Chúng ta nhớ lại lời của sứ thần nói Đức Mẹ khi truyền tin: Ân sủng Đấng tối cao sẽ bao trùm lên bà. Những người được rửa tội, là những người được chìm ngập trong ân sủng, trong biển cả Thánh Thần, được Đấng tối cao ở trên, bao phủ. Như Chúa Giêsu trong biến cố trên sông Gio-dan lúc Gioan làm phép “dìm xuống” cho Người, Thánh Thần hiện xuống và kèm theo Lời Thiên Chúa Cha từ trên cao tuyên phán. Phép rửa của chúng ta cũng là phép rửa đầy tràn ân sủng Chúa như vậy. Khi được ân sủng Thánh Thần bao bọc, được chìm ngập trong biển cả của ơn Thánh, chúng ta nên một, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Như cá trong nước, như chim trong rừng, môi trường của ân sủng là môi trường của người đã được thánh hiến để ta sống và thể hiện được sứ mạng của chúng ta như vậy. Chúng ta được dìm vào trong ân sủng, để chúng ta sống trong sự thanh khiết, và càng thanh khiết, ân sủng Chúa càng bao bọc lấy cuộc đời chúng ta. 

Lạy Chúa, mỗi ngày xin cho chúng con ý thức được ơn gọi và sứ mạng mà chúng con được thông dự vào. Để trong ân sủng Chúa, chúng con trở nên chứng tá của tình yêu Chúa. Amen.      

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường