Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 27/1/2018

Filled under:

BIẾT SỢ CÁI ĐÁNG SỢ
“Thầy ơi chúng con chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giê-su thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi, câm đi!” (Mc 4,38-39)
Suy niệm: Từ bao đời nay, con người vẫn bị ám ảnh bởi nhiều nỗi lo sợ. Sợ bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, chết chóc, sợ không biết ngày mai ăn gì, mặc gì… Lo sợ chiếm phần lớn thời gian cuộc đời. Niềm vui có đó rồi qua đi chứ nỗi lo, nỗi sợ rình rập quanh ta hằng ngày hằng giờ. Thực ra có nhiều khi người ta lo sợ hão huyền, sợ cái không đáng sợ. Tuy nhiên cũng có những cái sợ hữu lý, vì nếu không biết sợ sẽ làm hỏng công việc và mạng sống ta. Chiếc thuyền của thầy trò Chúa Giê-su và các môn đệ thật là nhỏ bé, mong manh trong cơn sóng dữ giữa biển hồ Ga-li-lê. Tình cảnh đó thực là đáng sợ. Nhưng Chúa Giê-su nói với họ “đừng sợ” bởi vì có “Thầy ở đây.” Chúa cho các ông và chúng ta ý thức cần phải tựa vào Ngài luôn luôn, vì Ngài là khiên che thuẫn đỡ cho đời ta. Biết sợ là biết mình bất lực, cần một nơi, một người để tựa nương. Đấng đó, không ai bằng Chúa. 
Mời Bạn: Bạn sợ nhất cái gì? Phải chăng là cái chết? Chúa Giê-su dạy điều đáng sợ nhất không phải là những thế lực chỉ giết được thân xác, mà là tội lỗi vì nó sẽ khiến chúng ta phải trầm luân cả xác với hồn trong hoả ngục (x. Mt 10,28). Vậy khi đối diện với những nỗi lo sợ ở đời này, bạn chạy đến với Chúa là nguồn trợ lực vô song và luôn tránh xa mọi tội lỗi. Như thế, bạn không còn phải sợ hãi điều gì.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp cơn lo sợ, bạn lặp lại lời Chúa Giê-su: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này.” (Ga 12,27).
Cầu nguyện:  Đọc kinh Lạy Cha với tâm tình con thơ phó thác mọi sự trong tay Cha.


THÁNH ANGIÊLA MERICI
ĐỒNG TRINH HIỂN TU
(1474 -1540)
Nói đến nữ thánh hăng hái trau dồi kiến thức, truyền bá đức tin, chấn hưng gia đình, xã hội, ta phải kể đến nữ thánh Angiêla Mêrici tại Mêrici. Angiêla chào đời ngày 21-3-1474 nước Ý, trong một gia đình trung lưu và đạo đức.
Ông Gioan và bà Biancôsi, cha mẹ Angiêla , là những bậc phụ huynh gương mẫu trong xóm làng. Hai ông bà đều đặc biệt chú ý thi hành giới điều mến Chúa yêu người. Tối nào trước khi ngủ, gia đình cũng đọc kinh chung với nhau và trước khi kết thúc buổi kinh, ông Gioan còn đọc cho cả gia đình nghe tích truyện một đấng thánh. Được hấp thụ bầu không khí đạo đức ngay trong gia đình tự buổi thơ ấu cô bé Angiêla sớm trở nên một thiếu nữ đạo hạnh và gương mẫu.
Khi lên chín tuổi, Angiêla đã bắt đầu một tuần tĩnh tâm và khấn giữ đức thanh tịnh suốt đời. Cô xin thân mẫu dành riêng cho mình một căn phòng làm nơi đọc kinh cầu nguyện. Từ đó, Angiêla khước từ mọi xa hoa phù phiếm trần tục.
Cô chuyên cần đọc kinh cầu nguyện và hăng hái làm việc lành phúc đức. Nhưng cũng như bao vị hiển tu khác, con đường của Angiêla đi không phải chỉ dệt toàn bằng hoa, nhưng là con đường đầy gian lao vất vả. Năm lên 12 tuổi, cái tuổi hoa niên tươi đẹp, cô mồ côi cả cha lẫn mẹ. Angiêla phải sang ở nhà một ông chú. Trong lúc khó khăn ấy, Angiêla vẫn bền lòng trung thành với Chúa. Cuộc đời mới không làm cho cô nản lòng thối chí trên đường tu luyện nhân đức. Nhưng trái lại hoàn cảnh khổ cực này càng làm cho cô sống kết hợp với Chúa hơn. Cô hãnh diện mỗi khi được thông cảm nỗi đau khổ mà Chúa đã chịu. Lớn lên, tuy phải làm ăn vất vả để giúp gia đình chú, cô vẫn đọc kinh nguyện gẫm và tỏ lòng kính yêu đặc biệt đối với Mẹ Maria. Để đáp lại tấm lòng tốt của người con hiếu thảo, một lần kia Đức Mẹ thân hành hiện ra với Angiêla trên đường từ đồng ruộng trở về. Trong hào quang rực rỡ, Đức Mẹ phán:
"Angiêla yêu dấu! Con cứ can đảm tiếp tục đời sống đạo đức, Mẹ sẽ cho con hưởng hạnh phúc với Mẹ". Để ghi nhớ ơn Đức Mẹ hiện ra, Angiêla dọn mình sốt sắng để khấn mặc áo dòng ba thánh Phanxicô. Từ đó như cánh diều đẫy gió, Angiêla càng bay bổng trên đường tu đức. Một khung gỗ nằm trơ vơ trong một xó nhà đối với người xa lạ có thể tưởng là một chuồng nuôi gia súc, nhưng chính đó là giường nằm của nữ thánh. Thức ăn chị dùng là những mẩu bánh mì khô và nước lã. Ban đêm chị thức đọc kinh nguyện ngắm lâu giờ. Thánh nữ nghĩ rằng: "Cầu nguyện hãm mình phải đi trước, nhưng lời nói việc làm cũng phải theo sau ngay, thì việc tông đồ mới mong có kết quả". Chính vì thế chị hằng tận tụy thương giúp và trợ cấp những kẻ nghèo gặp túng đói. Chị dùng lời nói an ủi và sự săn sóc để xoa dịu một phần nào nỗi đau đớn của những con người yếu đuối, bệnh tật. Được giúp đỡ những người hấp hối, chị lấy làm sung sướng hơn cả. Trong khi thi hành những công việc bác ái ấy, chị Angiêla đã tìm thấy ý Chúa muốn cho chị lập một hội, để tổ chức và phổ biến công cuộc bác ái một cách rộng rãi hơn.
Một ngày kia thánh nữ cùng mấy chị bạn lên đường công tác từ thiện. Trưa đến, các chị bạn ghé vào quán dùng cơm, Angiêla không vào quán ăn nhưng đến bụi cây sấp mình đọc kinh cầu nguyện. Đang khi chăm chú cầu nguyện, chị thấy hiện ra một cái thang dài bắc từ mặt đất cao vút lên trời. Trên thang đó, lên xuống muôn ngàn nữ thánh vận phẩm phục rực rỡ, đầu đội triều thiên bằng kim cương. Phút chốc, trong đám người đó, thánh Angiêla nhận ra một chị bạn mới qua đời. Chị này lại gần nói với thánh nữ: "Này chị Angiêla thân mến, mục đích Chúa cho chị xem thấy sự kiện này là muốn chị thành lập ở Brêsia một hội phụ nữ truyền bá đức tin và làm việc từ thiện."
Sau khi được mục kích hiện tượng lạ, Angiêla ngỏ truyện này với các bề trên giáo phận, và các chị được phép thành lập hội phụ nữ theo mục đích trên. Hội này phát triển rất mạnh. Ngày ngày hàng trăm phụ nữ đi tới các hang cùng ngõ hẻm yên ủi kẻ bệnh tật, dạy giáo lý cho trẻ em… Hội còn gồm những phụ nữ tình nguyện xông pha vào những xưởng thợ để chinh phục những chiên lạc về cùng Chúa. Ngoài nhiệm vụ làm bề trên hội, thánh nữ Angiêla còn dành nhiều thì giờ vào công việc khuyên nhủ kẻ có tội ăn năn trở lại. Cũng như các thánh tông đồ xưa, thánh nữ Angiêla được Chúa ban ơn thông hiểu Kinh Thánh và nói được tiếng La tinh mà không phải vất vả học hành. Trong cuộc đàm thoại với mọi người chị biết dùng lời thích đáng hầu giúp người ta biết mình phải cải thiện đời sống. Một lần kia, một sinh viên đại học Pađôva đến xin gặp Angiêla với mục đích khoa trương và thử tài thánh nữ. Anh giả ăn vận trang phục của một vị tiến sĩ: đầu đội mũ đỏ gắn cành dương liễu điểm thêm chiếc lông ngỗng. Sau vài câu chào hỏi xã giao, chàng sinh viên nói: "Tôi muốn trở nên một vị giáo sĩ, vậy xin bà cho tôi biết ý định của Thiên Chúa thế nào ". Chị Angiêla đáp: "Trước khi xứng đáng đón nhận sứ mệnh cao cả đó, một sứ mệnh cần phải khiêm tốn, thì tiên vàn anh phải thay đổi đời sống đã. Tôi trông anh có vẻ kiêu ngạo lắm". Lời nói thành thật của thánh nữ như có một thần lực soi sáng. Chàng thanh niên nhìn nhận thói hư nết xấu của mình và ăn năn hối cải. Ai cũng nhận thấy mỗi cử chỉ, mỗi lời khuyên của thánh nữ, đều có một ý nghĩa sâu xa, và là những tiếng chuông cảnh tỉnh tâm hồn.
Mỗi khi được gặp và nói truyện với thánh nữ, người ta cũng cảm thấy như được sự an ủi, nhất là can đảm hơn. Chính vì thế mà quận công Phanxicô Sforza nhận thánh nữ làm mẹ thiêng liêng vạch đường chỉ lối trên đường tu đức cho mình.
Thấy đời sống thánh thiện của Angiêla ảnh hưởng quá mạnh đến nhiều người, ma qủi đâm ra ghen ghét. Lần kia, chúng lấy hình thiên thần hiện ra với thánh nữ. Trong ánh sáng rực rỡ, chúng cất tiếng ca ngợi nhân đức và đời sống thánh thiện của chị. Biết là ma qủi đã thủ mưu cám dỗ, thánh nữ vội làm dấu thánh giá và nói: "Hãy cút đi, hỡi loài ma qủi độc dữ, ta chỉ là kẻ tội lỗi xấu xa không đáng được thiên thần hiện đến."
Tháng 5 năm 1524, Angiêla khởi hành một chuyến đi viếng Thánh địa với một cháu gái tên là Biancoci. Khi tầu cập bến Canđi, chị Angiêla chẳng may bị đau mắt rồi khiếm thị. Dầu sao, chị vẫn cảm thấy như có tiếng gọi thần bí của  Chúa, nên quyết định tiếp tục cuộc hành trình. Tuy bị mục tật không thấy được di tích của thánh địa, nhưng với một lòng kính ái sâu xa, thánh nữ đã cùng cháu gái đi viếng hầu hết các địa tích thánh. Để tỏ lòng trung thành làm tôi Chúa trong bậc tu trì, thánh nữ đã long trọng khấn lại lời hứa trên chính Núi Sọ nơi Chúa chịu chết. Khi trở về, tầu cập bến Canê, chị tới kính viếng một thánh đường tục truyền có một thánh giá hay làm phép lạ. Nơi đây chị đã được Chúa làm phép lạ cho khỏi khiếm thị.
Năm 1529 khi về tới nhà, thánh nữ nghĩ ngay đến nhiệm vụ khẩn cấp Chúa truyền phải làm là thiết lập một nữ tu viện. Thánh nữ bắt đầu vào việc ngay và tu viện thành hình với 12 chị tập sinh. Khi tu viện vừa thành lập, thánh nữ nghĩ cần phải huấn luyện cho các chị tập sinh có một kiến thức tu đức và học thức vững chắc. Vì thế, chính thánh nữ đích thân dạy học và linh hướng các nữ tu. Dòng phát triển rất mạnh. Sau một tháng, số nữ tu đã lên tới 60. Với sự nâng đỡ của Chúa và sự nhiệt thành của thánh nữ, số thiếu nữ xin đến thụ huấn càng ngày càng đông. Ngày 25-11 năm 1535, trong không khí tôn nghiêm và sốt sắng của thánh đường Afro, 27 nữ tu đã long trọng khấn 4 nhân đức: sạch sẽ, vâng lời, khó khăn và hãm mình. Thánh nữ Angiêla rất nhiệt thành với nhiệm vụ huấn luyện chị em.
Trong những giờ huấn dụ thánh nữ thường nói: "Chúng ta phải hoạt động dưới lá cờ đức tin để tiêu diệt thói hư nết xấu của xã hội".
Vì quá lao lực, tháng giêng năm 1540 thánh nữ ngã bệnh trầm trọng. Biết mình đã đến giờ phút về chầu Chúa, thánh nữ gọi đến bên giường khuyên nhủ mọi chị em trong nhà. Sau khi được chịu Mình Thánh Chúa, thánh nữ trút linh hồn trong khi miệng còn thầm thì câu: "Lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu". Thánh nữ qua đời ngày 28 tháng 01 năm 1540, hưởng thọ 66 tuổi và được phong hiển thánh ngày 24 tháng 05 năm 1807 dưới đời Đức Giáo Hoàng Piô VII. Thánh Angiêla đã khuất bóng, nhưng bên kia thế giới ngài vẫn lớn tiếng kêu gọi thanh thiếu nữ sống theo hẳn con đường thánh nữ đã đi! Con đường đó là phụng sự Chúa trong tin yêu, hy sinh và bác ái. Chỉ có con đường đó mới đưa người ta đến hạnh phúc trường sinh.

Ống Ðiện Thoại Sống

Xã hội càng văn minh, kỹ thuật càng tân tiến, thì người già càng bị ngược đãị Tại Roma chẳng hạn, với khoảng 3 triệu dân cư, người ta ước tính có đến trên sáu trăm ngàn người già. Chỉ có một số nhỏ được săn sóc đàng hoàng, đa phần phải trải qua một trong những thử thách lớn nhất của tuổi già là cô đơn và nhiều sự ngược đãi khác.
Từ bao lâu nay, các tu sĩ thuộc cộng đồng Thánh Egidio đã dấn thân một cách đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người già. Nay, cộng đồng còn đưa ra một sáng kiến mới gọi là "Cú điện thoại chống lại bạo động và bênh vực quyền lợi của người già". Với sáng kiến này, cộng đồng đã thiết lập một đường dây điện thoại đặc biệt nhằm giúp cho những người già đang sống một mình hoặc bà con thân thuộc của họ có thể liên lạc để xin trợ giúp tron bất cứ nhu cầu nàọ Túc trực điện thoại trên đường dây này là 60 nhân viên, tất cả đều đã từng có kinh nghiệm trong nhiều ngành khác nhau như luật pháp, cán sự xã hội, y tá, nói chung trong mọi lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề của người già. 
Qua sáng kiến trợ giúp trên đây, nhiều người già cả đã ý thức hơn về quyền lợi của họ cũng như tìm được nhiều an ủi đỡ nâng qua chính những người chỉ túc trực ở điện thoại để lắng nghe. 
Một tác giả đã viết về sự cô đơn như sau: "Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà chẳng có ai chọ Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông. Nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn bên cha mẹ. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn. Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những người khác…". 
Những dòng trên đây như muốn nói lên một sự thật: ai trong chúng ta cũng đều có thể rơi vào cô đơn. Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng có thể làm mồi cho cô đơn. Liều thuốc để ra khỏi sự cô đơn, chính là ra khỏi chính mình để làm cho người khác bớt cô đơn. Xã hội sẽ được ấm tình người hơn nếu mỗi người biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của mình để đến với người khác, để trở thành một đường dây điện thoại sống cho người khác.