Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Chí Lợi có thể giúp khôi phục niềm tin vào Giáo Hội địa phương

Filled under:

Những chuyến tông du bên ngoài Italia gần đây nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy ngài có khả năng đương đầu với nhiều vấn đề địa chính trị phức tạp của thế giới. Tháng 9 năm ngoái, ngài sang Colombia cổ vũ cho một thỏa thuận hòa bình với các chiến binh du kích. Nhiều người Colombia không tán thành thỏa thuận hòa bình này do chính phủ đề ra và mong muốn các chiến binh cộng sản phải bị trừng phạt vì tội lỗi của họ. Tháng Mười Một, ngài đã đến Miến Điện thu hút chú ý của thế giới vào tình cảnh bi thảm của người thiểu số Hồi giáo Rohingya, trong khi không dồn chính quyền nước này vào đường cùng.

Bây giờ, Đức Giáo Hoàng đang chuẩn bị khởi hành một chuyến tông du đến Chí Lợi.

Các quan sát viên địa phương và nhiều tiếng nói ở nước ngoài cho biết họ sẽ tập trung chú ý vào cách thức Đức Thánh Cha Phanxicô khôi phục lại niềm tin vào Giáo Hội địa phương sau các tai tiếng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Ngày 09/06/2016, sau khi kết thúc cuộc biểu tình ôn hòa của khoảng 150 ngàn học sinh trung học và sinh viên đại học ở thủ đô Santiago của Chí Lợi, một nhóm thanh niên bịt mặt đã xông vào nhà thờ Gratitud Nacional, nằm ở trung tâm Santiago, đập vỡ cửa và mang đi tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh cao khoảng ba mét, sau đó đập phá tượng ngay trên các đường phố chính của thành phố.

Bàng hoàng trước biến cố này, Đức Cha Luis Fernando Ramos Pérez, là Giám Mục Phụ Tá của Santiago cho biết: “Đó là một tình huống rất đau đớn đối với chúng tôi. Một biểu tượng tôn giáo có giá trị lớn đối với chúng tôi đã bị đập phá”

Cũng còn phải kể đến những vụ những người trẻ xông vào nhà thờ chính tòa Santiago, giơ cao những hình ảnh của bà tổng thống Michelle Bachelet, và gào thét các khẩu hiệu phò phá thai để phá rối các thánh lễ khi một số đông các Giám Mục vẫn còn đang cử hành trên cung thánh.

Với 66.7% dân số là người Công Giáo, những biến cố bi thảm này cho thấy Giáo Hội Chí Lợi đang bị thương rất trầm trọng. Giải thích tại sao Giáo Hội Chí Lợi ra đến nông nỗi như vậy không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ chắc chắn đóng một vai trò nhất định.

Nhưng cần phải nói ngay rằng những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ không nhất thiết tương ứng với quy mô của những vụ lạm dụng. Thật thế, trước thềm chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, người ta nói nhiều về những tai tiếng này khiến nhiều người nghĩ rằng có rất nhiều giáo sĩ Chí Lợi mắc vào tội ác này. Không đúng. Ngày thứ Tư 10 tháng Giêng, vài ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha, báo chí rộ lên một thống kê của một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ tên là BishopAccountability.org chuyên săn lùng các Giám Mục nào “bao che” tội ác này của các linh mục thuộc quyền và đưa các ngài ra tòa. Thống kê của tổ chức cố gắng lôi ra hết các giáo sĩ Chí Lợi phạm vào tội ác này từ thời xa xưa cho đến nay cũng chỉ đưa ra được 80 vị, trong đó có những vị tòa chưa có phán quyết. Thống kê này bao gồm cả những vị làm việc mục vụ tại Chí Lợi nhưng không phải là người Chí Lợi như linh mục Jeremiah Healy, người Ái Nhĩ Lan, linh mục Cornell Bradley, người Mỹ và linh mục Richard Joey Aguinaldo, người Phi Luật Tân.

Giáo Hội Công Giáo tại Chí Lợi có bao nhiêu giáo sĩ? Theo niên giám Tòa Thánh năm 2016, Chí Lợi có 2251 linh mục (1137 linh mục triều và 1114 linh mục dòng), 1091 phó tế vĩnh viễn, 1906 nam tu sĩ không có chức linh mục và 4048 nữ tu. Các vị chăm sóc mục vụ cho 952 giáo xứ thuộc 5 tổng giáo phận, 19 giáo phận, 2 miền Phủ Doãn Tông Tòa và một giáo phận của quân đội.

Như vậy, tỉ lệ các vị mắc vào tội ác này là rất ít. Tuyệt đại hàng giáo sĩ Chí Lợi là những người thánh thiện, tận tụy với sứ mệnh được giao và yêu mến đàn chiên được uỷ thác cho mình kể cả trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn ở các vùng nông thôn hẻo lánh.

Những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ Chí Lợi trong thực tế đã được thổi phồng lên, và có cả những âm mưu lôi kéo Đức Giáo Hoàng vào cuộc.

Vụ linh mục Fernando Karadima

Cha Fernando Karadima đã từng là một gương mặt rất có thế giá trong Giáo Hội Chí Lợi. Ông đã giúp đào tạo nhiều linh mục trong đó có 4 vị sau này là Giám Mục, Đức Cha Juan Barros là một trong 4 vị đó.

Tháng 2 năm 2011, Bộ giáo lý Đức Tin tuyên bố rằng những cuộc điều tra tại Chí Lợi cho thấy cha Karadima đã lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và truyền cho cha Karadima, lúc ấy đã 84 tuổi, phải lui vào sống ẩn dật, chấm dứt mọi thừa tác vụ công khai. Quyết định của Bộ giáo lý Đức Tin đã được đưa ra dù rằng trước đó tòa án đời đã hủy bỏ những cáo buộc chống lại cha Karadima xét vì những vụ lạm dụng đã xảy ra quá lâu và đương sự đã quá già.

Tai tiếng trong vụ cha Karadima gây ra những thiệt hại nặng nề cho Giáo Hội vì những cáo buộc cho rằng Đức Tổng Giám Mục Juan Francisco Fresno, Tổng Giám Mục Santiago de Chile, đã bao che cho những tội lỗi của cha Karadima trước những cáo buộc của anh chị em giáo dân từ năm 1984.

Đức Cha Juan Barros lúc ấy là linh mục thư ký cho Đức Tổng Giám Mục. Vì thế, ngài bị nghi ngờ đã có những ý kiến chống lại việc mở một cuộc điều tra các tội lỗi của cha Karadima - là thày dạy cũ của mình.

Ngày 10 tháng Giêng, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô thuyên chuyển Đức Cha Barros từ Giám Mục giáo phận quân đội về làm Giám Mục giáo phận Osorno, là một giáo phận rất nhỏ chỉ có 23 giáo xứ và 43 linh mục. Đây cũng là một giáo phận hẻo lánh nằm cách thủ đô Santiago đến 945km về phía Nam.
Phá rối ngay trong thánh lễ nhậm chức
Báo chí tại Chí Lợi làm ầm lên, và trong một diễn biến hết sức bi đát, một số người biểu tình phản đối Đức Cha Juan Barros ngay bên trong nhà thờ trong lễ nhậm chức của ngài hôm 21 tháng Ba, 2015.

Bộ Giám Mục đã ra một thông cáo nói rằng “Trước khi bổ nhiệm Đức Cha Juan de la Cruz Barros Madrid là giám mục Osorno, Chilê, Bộ Giám Mục đã cẩn thận xem xét vị ứng viên và không tìm thấy lý do khách quan nào để ngăn cản việc bổ nhiệm này”.

Hai tháng sau đó, Jaime Coiro, người từng là phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi, và là một người chống lại việc bổ nhiệm Đức Cha Juan Barros, gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô.

Không biết ông ta nói gì với Đức Thánh Cha, nhưng ngài có vẻ bực mình và nói rằng 

“Người dân ở Osorno đau khổ, đúng thế, nhưng vì dại dột, bởi vì họ không mở lòng ra với Chúa Thánh Thần. Hãy suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Đừng để những thành phần tả phái xỏ mũi, tất cả những kẻ ngốc đã khuấy động vụ này lên.” 

Ngài nói thêm rằng người dân Osorno đã “mất tự do, khi cho phép các chính trị gia lấp đầy đầu mình, phán đoán một giám mục mà không có bằng chứng nào, đó là vị từng là giám mục trong 20 năm”.

Mấy tháng sau đó, vào ngày 2 tháng 10, 2015 một đài truyền hình Chí Lợi bằng cách nào đó có được video này và tung lên với cáo buộc cho rằng Đức Thánh Cha không động lòng trắc ẩn đối với con chiên bổn đạo Osorno, không thích người Chí Lợi và quyết liệt bao che cho Đức Cha Juan Barros.

Trong một diễn biến mới nhất, Peter Saunders, người từng là một thành viên trong Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Em của Tòa Thánh, và đã rút ra khỏi ủy ban này nói với tờ Tablet là ông ta sẽ qua Chí Lợi để “quậy ầm lên”.



Thêm một lần nữa, Đức Phanxicô tránh về Argentina


Ngày thứ hai 15 tháng 1-2018, Đức Phanxicô lên đường đi Chi-lê và Pêru, đây là lần thứ sáu ngài về Châu Mỹ La Tinh nhưng thêm một lần nữa, ngài tránh về Argentina, một quyết định gây nhiều câu hỏi.
Sử gia người Ý Gianni La Bella, thuộc cộng đoàn công giáo Sant’Egidio, một cộng đoàn cánh tay mặt ‘không chính thức’ của ngành ngoại giao Vatican tóm gọn như sau: “Trong tất cả các chuyến đi của ngài đều có nguy cơ bị khai thác. Nhưng ở Argentina thì nguy cơ này cao nhất”.
Trong gần năm năm triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô, giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên trong lịch sử đã đi nhiều nước ở Châu Mỹ La Tinh như Ba Tây, Pa-ra-goay, Bô-li-vi-a, Cuba, Êcuađo, Cô-lông-bi. Đây là những dịp ngài kêu gọi hòa giải, hòa bình và đối thoại.
Bản đồ người công giáo ở Châu Mỹ La Tinh. Dọc nước Chi-lê là nước Argentina.
Rất nhiều quan sát viên ở Vatican cũng như ở Argentina đều xem các lời nói của ngài đều nhắm đặc biệt đến nước của mình, nơi ngài thường được xem như các can thiệp chính trị hay các mũi tên nhắm của ngài đều có ý muốn nói với Tổng thống Mauricio Macri cực kỳ tự do.
Ông La Bella cho rằng: “Tôi nghĩ Đức Phanxicô sợ sự phân cực rất mạnh ở Argentina làm nguy hại cho chức vụ mục vụ của mình”, tháng 9 vừa qua, ông La Bella cùng đi với Đức Phanxicô đến Colombia, một đất nước bị tàn phá vì 50 năm nội chiến.
Về phần ông Gustavo Vera, một người chiến đấu cho công bình xã hội ở Argentina và thân cận với Đức Jorge Bergoglio khi ngài còn ở Buenos Aires, ông cho biết: “Ngài luôn chủ trương văn hóa của gặp gỡ, của đối thoại, luôn tìm các điểm chung, làm việc lâu dài cho lợi ích tập thể. Nhưng tôi nghĩ, Argentina chưa tiến đến sự hài hòa, đối thoại và đường lối chính trị Quốc gia đúng đắn xứng với danh hiệu này”.
Yếu tố chia rẽ
Theo ông, quyết định không về nước mình, nơi ngài gần như sống cả đời là quyết định có tính cách rất cá nhân, ông tin rằng: “Ngài ráng sức để mình không phải là yếu tố chia rẽ, là tạo cơ hội, là tạo bè phái. Tôi nghĩ ngài giữ Argentina cho lần cuối. Tôi tin Đức Phanxicô sẽ về đất nước thân yêu của mình, tổ quốc thân yêu của mình khi ngài cảm thấy chuyến đi này là yếu tố kết hiệp và nảy sinh ra các điều kiện để đối thoại”.
Nhà Vatican người Ý, bà Franca Giansoldati gần đây đã nêu ra các lý do khác nhau có thể có để giải thích việc Đức Phanxicô chưa về nước mình, nơi chắc chắn ngài sẽ được đón tiếp vô cùng to lớn.
Bà tóm tắt: “Để tránh bị là công cụ cho chính quyền hiện nay, một chính quyền theo đường lối chính trị mà Đức Phanxicô không cùng chia sẻ, để tránh làm cho nước mình thành ưu tiên hơn so với các nước khác, là vì Đức Phanxicô muốn đảm trách một chức vụ hoàn vũ, để tránh hoài niệm phải về nơi mình thân thiết, nơi mình yêu thương”.
Các giám mục Argentina đã mời Đức Phanxicô về thăm ít nhất là năm lần, cuối cùng họ vui đùa kết luận, người Argentina không cảm thấy mình được thương!
Argentina không ở trong danh sách các nước Đức Phanxicô sẽ thăm trong năm 2018
Cách đây một năm, Đức Phanxicô thổ lộ: “Thế giới thì lớn hơn nước Argentina, vì thế phải chia sẻ. Tôi đặt mình trong bàn tay Chúa để Ngài chỉ dẫn đường đi cho tôi”.
Việc Đức Phanxicô dứt khoát chưa về Argentina làm cho nước này suy đoán đủ chuyện. Ông Julián, một người về hưu nói: “Chắc chắn ngài có những lý do của mình và ngài biết tình trạng của đất nước để ngài không về. Tôi nghĩ đây là một hình phạt cho chính quyền Macri, họ đáng bị phạt”.
Đức Phanxicô luôn lên án một cách chung chung đường lối chính trị phóng khoáng, xem tiền bạc là vua. Tháng 2 năm 2016, ngài đã tiếp Tổng thống Macri ở Vatican khi ông vừa được bầu, trong bầu khí theo thủ tục chính thức và lạnh lùng.
Hai người đã biết nhau rất rõ, Đức Phanxicô là Tổng Giám mục Buenos Aires rất lâu và Tổng thống Macri là thị trưởng Buenos Aires hồi đó.
Marta An Nguyễn dịch