Ngày nay, tín hữu chúng ta ngày càng ngả theo chiều hướng tự vệ hơn là dám mạo hiểm chịu đóng đinh cho thế gian. Chúng ta làm việc này với thiện hướng tốt, nhưng thiện hướng tốt không đứng vững, vì hành động của chúng ta đi ngược lại với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu yêu mến thế gian đến nỗi để chính mình bị đóng đinh trên thập giá hơn là tự bảo vệ mình để thoát khỏi nó.
Ngày nay khuynh hướng tự vệ đầy dẫy trong các giáo hội, dù không phải là nó không có nguyên do hợp lý. Gần như mọi nơi trên thế giới, giáo hội đang bị vây hãm theo nhiều kiểu, hoặc do ngược đãi thực sự, hoặc do đơn thuần do bất kính, nhận thức sai lầm hay đối xử bất công. Nền văn hóa thế tục hóa mang trong mình một tâm thức chống Kitô giáo và chống hàng giáo sĩ, nhiều tín hữu cảm thấy điều này chính là thứ định kiến cuối cùng được chấp nhận về mặt lý thuyết trong nền văn hóa của chúng ta.
Và ý nghĩ này chẳng hoang tưởng chút nào. Thực sự là có như vậy. Nền văn hóa thế tục có những đặc tính tốt của nó, nhưng nó cũng bao hàm một thứ gì đó thiếu chính chắn và tự đại đối với di sản Do Thái - Kitô giáo. Không khác gì cảm giác của một đứa trẻ dậy thì khi lần đầu tiên cảm nhận được sức mạnh của mình, nền văn hóa thế tục cũng có thể phê phán quá mức và đối xử bất công đầy chua cay với những gì là nguồn cội của nó. Những đứa trẻ dậy thì thường rất khắc nghiệt với cha mẹ và nền văn hóa thế tục cũng thường rất khắc nghiệt với di sản Do Thái - Kitô giáo của nó.
Vì thế, tôi có thể hiểu được tại sao thời nay, quá nhiều lãnh đạo cũng như các thành viên tận tụy trong giáo hội ngày càng thủ thế hơn. Tuy nhiên, dù hiểu được bản chất ẩn khuất trong điều này, tôi vẫn không thể đồng ý với phản ứng như thế, cụ thể là khuynh hướng co cụm phòng thủ, đóng chặt mọi lối vào dù là nhỏ nhất, và xem nền văn hóa của chúng ta là một địch thủ chống lại những gì chúng ta cần tự vệ hơn là xem nó như một thế giới mà Chúa Giêsu đã dùng cái chết để chuộc lấy và là điều mà chúng ta được mời gọi hãy đến để yêu thương và cứu lấy nó. Tại sao sự tự vệ này sai lầm, do bởi tất cả những nguyên do dường như chúng ta được mời gọi để làm vậy hay sao?
Điều sai lầm trong khuynh hướng tự vệ của chúng ta là vì nó thật sự đối lập với những gì Chúa Giêsu đã làm. Chúng ta thấy điều này suốt trọn Tin Mừng. Các môn đệ của Chúa Giêsu luôn mãi cố để bảo vệ Ngài khỏi những nhóm khác nhau, những người mà họ cho là không xứng đáng đứng trước Ngài, và Chúa Giêsu thì luôn làm rõ rằng Ngài không cần hay không muốn được bảo vệ: “Hãy để họ đến với ta!” chính là một trong những câu hay nói của Chúa.
Thêm vào đó, và quan trọng hơn nữa, các môn đệ cố gắng đế bảo vệ Ngài khỏi những người và những việc mà họ cho là nguy hại đến Ngài. Do đó, họ cố gắng thuyết phục Ngài đừng chấp nhận chịu đóng đinh thập giá, và thực thế, lúc Ngài bị bắt, họ dùng gươm để cố bảo vệ Ngài. Khi Ngài sắp bị bắt, họ hỏi Ngài: Chúng con nên dùng vũ lực để bảo vệ Thầy hay không? Chúng con có nên tuốt gươm khỏi vỏ hay không? Đáng buồn thay, họ không đợi Ngài trả lời, khi cố gắng bảo vệ Chúa, Phêrô đã rút gươm, chặt đứt tai một trong số những kẻ đang bắt Chúa Giêsu.
Vậy Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào trước nỗ lực bảo vệ này? Chúa đã nói: Không được làm thế! Nhưng chúng ta không biết Chúa nói với giọng như thế nào. Giận dữ và quở trách dữ dội? Hay thất vọng vì thấy Phêrô, tảng đá của Chúa, giáo hoàng tương lai đã hiểu lầm đến tệ hại những gì Chúa muốn nói? Hay, với giọng buồn của một bà mẹ khi bảo con mình đừng đánh nhau nữa, dù lúc đó sự cam chịu trong giọng nói của bà cho bà biết chúng sẽ chẳng bao giờ làm như thế? Cho dù với giọng như thế nào, thông điệp trong đó vẫn rất rõ ràng: Những môn đệ tiên khởi của Chúa không hiểu được một trong những điều cốt yếu về Thầy mình. Chúa Giêsu đã dành trọn cuộc đời rao giảng của mình để chữa lành, trong đó có chữa tai cho kẻ điếc được nghe, và trong đêm cuối cùng trên thế gian này, trưởng tông đồ của Ngài lại đi cắt tai kẻ khác để cố bảo vệ Ngài.
Bài học cho chúng ta thật thâm thúy thay: Việc Chúa Giêsu chữa lành các đôi tai thể hiện mong ước được đối thoại của Ngài, còn hành động cắt lìa tai của Phêrô lại thể hiện ý muốn chấm dứt đối thoại. Trọn con người và thông điệp của Chúa Giêsu đã thể hiện và rao giảng cho sự yếu đuối sẵn sàng chịu tổn thương và chấp nhận triệt để thập giá hơn là tự vệ, còn các môn đệ của Ngài, ngay lần đầu gặp thù địch, đã đáp trả bằng bạo lực và tự vệ.
Chúng ta không được quên bài học này: Tất cả mọi sự đều cho thấy Chúa Giêsu rao giảng về sự sẵn sàng chấp nhận tổn thương hơn là tự vệ. Chúa sinh ra máng lừa, một máng đựng thức ăn, nơi gia súc đến để ăn, và đến cuối đời, Chúa đặt mình trên bàn, “thịt hằng sống cho thế gian”, để thế gian ăn lấy Ngài, những lời đầu tiên của Ngài là kêu gọi sám hối, thay đổi tâm thức, như thế là đối lập với hoang tưởng kình địch, và cuối cùng, Ngài phú mình chịu đóng đinh hơn là tự vệ. Đó là lời đáp của Chúa Giêsu với thế gian, một thế gian hiểu lầm và đối xử tàn tệ với Ngài. Ngài mở rộng cánh tay trong sự yếu đuối dễ tổn thương hơn là nắm chặt nắm đấm để tự vệ.
Và theo đúng lý tưởng của Chúa, đó là cách chúng ta nên đáp trả khi thế gian bất công với chúng ta. Không như Phêrô, người theo bản năng đã rút gươm ra khỏi vỏ mà chẳng nhớ gì đến lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta không nên để một mối đe dọa bên ngoài xóa sạch những gì là tâm điểm trong con người và giáo lý của Chúa Giêsu, cũng như đừng đáp trả bằng một lối đi ngược lại Tin Mừng, một kiểu thù địch đáp trả thù địch, thiếu chính chắn đáp trả thiếu chính chắn.
J.B. Thái Hòa dịch
“Lời ca tụng cho sự khát khao” là chủ đề cho tuần tĩnh tâm của Vatican
cath.ch, 2018-01-29
“Lời ca tụng cho sự khát khao” là chủ đề các bài suy niệm của linh mục José Tolentino Mendonça cho tuần tĩnh tâm của Đức Phanxicô và giáo triều Rôma từ ngày 18 đến 23 tháng 2-2018 ở Ariccia, vùng ngoại ô của Rôma. Linh mục Tolentino Mendonça là phó viện trưởng Viện Đại học công giáo Lisbon (Bồ Đào Nha), cha cũng là cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về văn hóa.
Dưới sự hướng dẫn của Linh mục Mendonça, giáo triều Rôma và Đức Phanxicô sẽ suy niệm về đề tài “khát khao”: hiểu biết về khát khao, nhận ra mình khát khao, khát khao Chúa Giêsu, giọt nước mắt nói lên khát khao, uống cho thỏa cơn khát của mình, ân phúc của khát khao. Ngày tĩnh tâm bắt đầu bằng một thánh lễ, trước khi nghe giờ suy niệm. Sau đó vào buổi chiều sẽ có một bài suy niệm khác.
Vừa là nhà thần học, vừa là thi sĩ, theo một số người, Linh mục Tolentino Mendonça được xem là một trong các tiếng nói có ảnh hưởng nhất về văn hóa của nước Bồ Đào Nha. Linh mục là người đại diện nước Bồ Đào Nha trong ngày thế giới thơ năm 2014. Các tác phẩm thơ của cha được nhiều giải thưởng. Cha cũng viết rất nhiều tác phẩm thiêng liêng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch