Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô

Filled under:

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô
nhân ngày Truyền thông Thế giới năm 2018

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Truyền thông Thế giới năm 2018.
Roma (VietCatholic News 24-01-2018) - Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi một nền "báo chí vì hoà bình" để đối phó với mối đe dọa của tin giả, đang "phát triển mạnh vì thiếu vắng sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác".
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới vào ngày 24 tháng Giêng năm 2018, lễ thánh Phanxicô Ðệ Salê, bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của sứ điệp năm nay là:
"'Sự thật sẽ giải thoát anh em' (Ga 8:32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình"
Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha chỉ ra bản chất sai trái của tin giả, làm thế nào để nhận ra tin giả, khả năng giải độc của sự thật, và một nền báo chí vì hoà bình đặt con người ở vị trí trọng tâm như thế nào.
Trong số các ngày kỷ niệm trên bình diện thế giới trong một năm, Ngày Truyền Thông Thế giới là lễ kỷ niệm duy nhất đã được Công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) được Ðức Thánh Cha Phaolô Ðệ Lục công bố ngày 4 tháng 12 năm 1963.
Ngày Truyền Thông Thế giới được được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống, năm 2018 rơi vào ngày 13 tháng 5 năm 2018. Tuy nhiên, sứ điệp của Ðức Thánh Cha thường được công bố trước, vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Ðệ Salê, bổn mạng các nhà báo, để các hội đồng giám mục, các ủy ban có liên quan ở các giáo phận và các cơ quan truyền thông có đủ thời gian để chuẩn bị các tài liệu in ấn, nghe nhìn và các tài liệu khác cho lễ kỷ niệm này ở các quốc gia và các địa phương.
Ngày Truyền Thông Thế giới lần đầu tiên được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, dưới triều đại Ðức Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục, là vị Giáo Hoàng đã muốn thu hút sự chú ý của toàn thể Giáo Hội đến truyền thông và sức mạnh to lớn mà nó có thể đem lại cho những thay đổi sâu xa về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018 là lần thứ 52.
Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của sứ điệp này:
Source: Libreria Editrice Vaticana MESSAGE OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS FOR WORLD COMMUNICATIONS DAY

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô Ngày Truyền Thông Thế giới 2018
"Sự thật sẽ giải thoát anh em" (Ga 8:32).
Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình
Anh chị em thân mến,
Truyền thông là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là một cách thiết yếu để trải nghiệm tình bằng hữu. Ðược tạo ra giống hình ảnh Ðấng Tạo Hóa, chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là chân, thiện, mỹ. Chúng ta có thể mô tả kinh nghiệm của chính mình và thế giới xung quanh chúng ta, và do đó, tạo ra ký ức lịch sử và sự hiểu biết về các sự kiện. Nhưng, khi chúng ta chiều theo thói kiêu ngạo và tính ích kỷ của mình, chúng ta cũng có thể bóp méo cách thế chúng ta sử dụng khả năng giao tiếp của chúng ta. Ðiều này có thể được nhìn thấy ngay từ những thời kỳ sơ khai, trong các câu chuyện Kinh thánh như câu chuyện Cain và Abel và chuyện tháp Babel (xem Sáng thế ký 4: 4-16, 11: 1-9). Khả năng bóp méo sự thật là triệu chứng nói lên tình trạng của chúng ta, trong cả hai chiều kích cá nhân và cộng đồng. Trái lại, khi chúng ta trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa, truyền thông trở thành một biểu hiện cho thấy rõ sự tìm kiếm chân lý có trách nhiệm và ý chí theo đuổi điều thiện của chúng ta.
Ngày nay, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng các kỹ thuật truyền thông và các hệ thống kỹ thuật số, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của cái được gọi là "tin giả". Ðiều này đòi hỏi một sự suy tư, và đó là lý do tại sao trong Sứ điệp Truyền thông Thế giới này, tôi đã quyết định trở lại vấn đề về chân lý, là điều đã được đề cập đến bởi các vị tiền nhiệm của tôi bắt đầu với Ðức Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục, trong sứ điệp năm 1972 của ngài, với chủ đề là: "Truyền thông Xã hội phục vụ Chân Lý". Bằng cách này, tôi muốn đóng góp vào dấn thân chung của chúng ta nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tin giả và tái khám phá phẩm giá của báo chí và trách nhiệm cá nhân của các nhà báo trong việc truyền đạt sự thật.
1. Tính "thất thiệt" của tin giả là gì?
Thuật ngữ "tin giả" đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi. Nói chung, nó liên quan đến sự lan rộng việc thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ cho những lợi ích về kinh tế.
Hiệu quả của tin giả phụ thuộc trước hết là vào khả năng bắt chước các tin tức thực sự, đến mức xem ra có vẻ hợp lý. Thứ nữa, cái thông tin này tuy giả nhưng trở nên đáng tin nếu nó "nắm bắt" được sự chú ý của người dân bằng cách đánh trúng các thành kiến và những định kiến xã hội, và khai thác được những cảm xúc bộc phát như lo lắng, căm hờn, tức giận và thất vọng. Khả năng truyền bá những tin giả này thường dựa vào việc lèo lái các mạng xã hội và các phương thức hoạt động của chúng. Những câu chuyện thất thiệt có thể lan truyền nhanh đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.
Khó khăn trong việc vạch trần và loại bỏ tin giả cũng do thực tế là nhiều người thường chỉ tương tác trong các môi trường kỹ thuật số với những người hợp ý với mình, trong các môi trường như thế, thường không có chỗ cho các quan điểm và ý kiến khác nhau. Thông tin sai lạc, do vậy, phát triển mạnh khi không có sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác có khả năng thách thức một cách hiệu quả các định kiến và tạo ra các cuộc đối thoại xây dựng; thay vào đó, nó có nguy cơ làm cho người ta trở thành những kẻ vô tình đồng lõa trong việc truyền bá những ý tưởng sai lệch và vô căn cứ. Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, tới mức mô tả họ như ma quỷ và nung nấu lòng căm thù họ. Tin giả là một dấu chỉ cho những thái độ thiếu khoan dung và quá nhạy cảm, và chỉ dẫn đến việc truyền bá sự kiêu căng và lòng thù hận. Ðó là kết quả cuối cùng của sự thất thiệt.
2. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra tin giả mạo?
Không ai trong chúng ta có thể cảm thấy được miễn trừ khỏi trách nhiệm chống lại những sự giả trá này. Ðây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì những thông tin sai lệch thường dựa trên những luận điệu cố ý gây hiểu nhầm một cách quanh co và xảo quyệt, và đôi khi còn sử dụng cả các cơ chế tâm lý tinh vi. Các nỗ lực đáng khen đang được thực hiện để hình thành các chương trình giáo dục nhằm giúp người dân lý giải và đánh giá thông tin được cung cấp bởi các phương tiện truyền thông và dạy họ tham gia tích cực vào việc vạch trần sự giả dối thay vì vô tình góp phần làm lan rộng những thông tin sai lệch. Cũng đáng khen ngợi đó là những sáng kiến về cơ chế và luật pháp nhằm phát triển các quy định giúp kiềm chế hiện tượng này, đó là chưa kể các công trình đang được thực hiện bởi các công ty công nghệ và truyền thông trong việc đưa ra các tiêu chí mới nhằm xác minh các đặc điểm nhận dạng cá nhân ẩn nấp sau hàng triệu hồ sơ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, việc ngăn ngừa và xác định cách thức hoạt động của thông tin sai lệch cũng đòi hỏi một quá trình phân định sâu sắc và thận trọng. Chúng ta cần phải vạch trần cái gọi là "những chiến thuật của con rắn" được sử dụng bởi những kẻ cải trang để tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ tại nơi nào. Ðây là chiến lược được sử dụng bởi "con rắn quỷ quyệt" trong Sách Sáng thế ký, đó là đứa đã tung ra những tin giả trước nhất (Sáng thế ký 3: 1-15), khởi đầu lịch sử bi thảm của tội lỗi con người, bắt đầu với cảnh huynh đệ tương tàn đầu tiên (xem Sáng thế ký 4) và dẫn đến cơ man những sự ác khác chống lại Thiên Chúa, người lân cận, xã hội và thiên nhiên. Chiến lược của "Cha đẻ những lời dối trá" ranh mãnh này (Ga 8:44) là bắt chước chính xác cái hình thức dụ dỗ tinh quái và nguy hiểm đó để lẻn vào con tim con người với những lý lẽ vừa giả dối vừa quyến rũ.
Trong trình thuật về tội lỗi đầu tiên, tên cám dỗ tiếp cận người phụ nữ bằng cách giả vờ là bạn của cô, chỉ quan tâm đến phúc lợi của cô, và bắt đầu bằng cách nói điều gì đó chỉ có một phần là thật: "Thiên Chúa thực sự nói rằng ông bà không được ăn trái của bất kỳ cây nào trong vườn này sao ?"(Sáng thế ký 3: 1). Trên thực tế, Thiên Chúa không bao giờ nói ông Adong không được ăn trái của bất kỳ cây nào, nhưng chỉ là trái từ một cái cây: "trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn" (Sáng thế ký 2:17). Người đàn bà sửa sai con rắn, nhưng lại để cho mình bị thua trước sự khiêu khích của nó: "Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: 'Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.'" (Sáng thế ký 3: 2). Câu trả lời của cô bao hàm những ý tưởng vụ luật và tiêu cực; sau khi lắng nghe đứa lừa dối và để bản thân mình chịu thua trước phiên bản của nó về các sự kiện, người phụ nữ bị lừa. Vì vậy, cô chú ý đến lời trấn an của nó: "Ông bà sẽ không chết đâu!" (Sáng thế ký 3: 4).
"Sự hủy diệt" của tên cám dỗ khoác lên chút sắc màu của sự thật: "Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác ." (Sáng thế ký 3: 5). Mệnh lệnh hiền phụ của Thiên Chúa là vì lợi ích của họ, đã bị làm mất uy tín bởi sự cám dỗ hấp dẫn của kẻ thù: "Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt" (Sáng 3: 6). Câu truyện Kinh thánh này mang lại một yếu tố thiết yếu cho suy luận của chúng ta: chẳng hề có những thông tin sai lạc mà lại vô hại; trái lại, tin vào sự giả dối có thể có những hậu quả thảm khốc. Ngay cả một sự méo mó chút đỉnh sự thật cũng có thể có những hệ quả nguy hiểm.
Ðiều nguy hiểm là lòng tham của chúng ta. Tin giả thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại, không phải vì cảm thức muốn được chia sẻ, là điều truyền cảm hứng cho các phương tiện truyền thông xã hội, mà bởi vì nó hấp dẫn lòng tham không đáy rất dễ bùng lên trong lòng người. Những mục tiêu kinh tế và lèo lái gây ra tin giả bắt nguồn từ lòng khao khát quyền lực, ham muốn sở hữu và lạc thú, mà chung cuộc biến chúng ta trở thành nạn nhân của một cái gì đó bi thảm hơn nữa: đó là sức mạnh lừa đảo của cái ác di chuyển từ lời nói láo này đến lời lừa dối khác nhằm cướp đi sự tự do nội tâm của chúng ta. Ðó là lý do vì sao giáo dục chân lý có nghĩa là dạy cho mọi người biết cách phân định, đánh giá và hiểu rõ những ham muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất đi nhận thức về điều thiện để rồi chiều theo mọi cám dỗ.
3. "Sự thật sẽ giải thoát anh em" (Ga 8:32)
Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta. Quan sát của Dostoevsky thật là chí lý: "Những người nói dối chính mình và lắng nghe những lời nói dối của chính họ đến một lúc nào đó sẽ hết còn phân biệt nổi đâu là sự thật trong họ, hoặc xung quanh họ, và như vậy họ mất tất cả lòng tự trọng và sự tôn trọng đối với người khác. Và khi không còn được ai tôn trọng, họ không còn biết yêu, và khi không có tình yêu, để lấp đầy chính mình và quên đi, họ lao vào những đam mê và những lạc thú tầm thường và chìm sâu trong thú tính giữa những thấp hèn của họ, tất cả đều do liên tục dối trá với người và với mình mà ra" (Anh em nhà Karamazov, II, 2).
Vậy làm thế nào để chúng ta tự bảo vệ mình? Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối là sự thanh lọc trong chân lý. Trong Kitô giáo, chân lý không chỉ là một thực tại nhận thức [chú thích của người dịch conceptual reality để phân biệt với physical reality - thực tại thể lý] liên quan đến cách thức chúng ta đánh giá sự vật, xác định xem chúng là đúng hay sai. Sự thật không chỉ mang ra ánh sáng những thứ được che giấu, "vạch ra thực tại", như thuật ngữ Hy Lạp xưa là aletheia (từ chữ "a-lethès", "không ẩn dấu") mà còn có thể làm chúng ta tin. Sự thật liên quan đến toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Trong Kinh Thánh, nó có nghĩa là sự ủng hộ, sự vững chắc và tin cậy, như được ám chỉ bởi từ gốc 'aman', là nguồn gốc của thành ngữ phụng vụ Amen của chúng ta. Sự thật là cái gì bạn có thể dựa vào, để không bị rơi. Theo ý nghĩa tương quan này, Ðấng duy nhất thực sự đáng tin cậy và tín thác - Ðấng mà chúng ta có thể tin tưởng chính là Thiên Chúa hằng sống. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói: "Ta là sự thật" (Ga 14: 6). Chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta trải nghiệm điều này trong lòng mình với niềm trung thành và tin tưởng vào Ðấng yêu thương chúng ta. Chỉ điều này thôi mới có thể giải phóng chúng ta: "Sự thật sẽ giải thoát anh em" (Ga 8:32).
Tự do khỏi sự giả trá và tìm kiếm mối quan hệ là hai thành phần không thể thiếu nếu những lời nói và cử chỉ của chúng ta là đúng, chân thực và đáng tin cậy. Ðể phân biệt sự thật, chúng ta cần phải phân định mọi thứ khuyến khích sự hiệp thông và cổ vũ điều thiện với bất cứ điều gì có xu hướng cô lập, chia rẽ và chống đối. Sự thật, do đó, không thực sự được nắm bắt dù cho nó không bị áp đặt bởi một cá nhân nào. Sự thật cần phải xuất phát từ các mối quan hệ tự do giữa con người với nhau, từ việc lắng nghe lẫn nhau. Chúng ta cũng không bao giờ có thể ngừng tìm kiếm sự thật, bởi vì sự giả dối luôn luôn có thể len vào, ngay cả khi chúng ta nói ra những điều đúng. Một lý luận cho dù không ai bắt bẻ vào đâu được, và hoàn toàn dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và làm mất uy tín của người đó trước mắt người khác, thì bất kể nó có vẻ đúng đến đâu đi nữa, nó cũng không phải là đúng. Chúng ta có thể nhận ra tính chân thực của những lời phát biểu qua hoa trái của chúng: liệu chúng có gây tranh cãi, chia rẽ, làm nhụt chí; hay chúng thúc đẩy sự suy tư trưởng thành và được thông tin đầy đủ, dẫn đến sự đối thoại xây dựng và những thành quả tích cực.
4. Hòa bình là những tin chân thực
Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho sự giả dối không phải là những chiến lược, nhưng là con người: những người không tham lam nhưng sẵn sàng lắng nghe, những người nỗ lực tham gia vào cuộc đối thoại chân thành để sự thật có thể nổi lên; và những người bị thu hút bởi sự thiện và chịu trách nhiệm về cách họ sử dụng ngôn ngữ. Nếu trách nhiệm là câu trả lời cho sự lan rộng của tin giả, thì một trách nhiệm nặng nề đặt trên vai những người mà công việc của họ là cung cấp thông tin, cụ thể là các nhà báo, những người bảo vệ tin tức. Trong thế giới ngày nay, công việc của họ, trong mọi khía cạnh, không chỉ là một nghề kiếm ăn; đó là một sứ mệnh. Giữa những cạnh tranh ác liệt và chạy đua ráo riết, họ phải nhớ rằng trái tim của thông tin không phải là tốc độ tường trình hay tác động của nó đối với độc giả, mà là những con người. Thông báo cho người khác có nghĩa là đào tạo người khác; nó có nghĩa là động chạm đến cuộc sống của người dân. Ðó là lý do tại sao việc bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin và bảo vệ việc truyền thông là những phương tiện thực sự để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.
Như thế, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình. Khi nói như thế, tôi không có ý muốn nói đến loại hình báo chí đầy mật ngọt và từ chối thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề nghiêm trọng; hay loại hình báo chí chỉ đầy cảm tính. Ngược lại, tôi muốn nói đến một nền báo chí trung thực trong đó chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu nghe thật kêu, và các tiêu đề giật gân. Một nền báo chí do dân tạo ra và vì dân, một nền báo chí phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có tiếng nói - và họ là đa số trong thế giới của chúng ta. Một nền báo chí ít tập trung vào các tin tức giật gân và tập chú nhiều hơn vào việc tìm ra các nguyên nhân cơ bản của các cuộc xung đột, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và góp phần giải quyết bằng cách thiết lập các quy trình đạo đức. Một nền báo chí dấn thân vào việc chỉ ra những lựa chọn khác hơn là sự leo thang các trận chiến la hét và bạo lực bằng lời nói.
Ðể đạt được mục đích này, lấy cảm hứng từ một lời cầu của Thánh Phanxicô, chúng ta có thể hướng về Ðấng Chân Lý với lời nguyện cá nhân sau:
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.
Giúp chúng con nhận ra sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông.
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.
Chúa là Ðấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
nơi có tiếng la hét, xin làm cho chúng con biết lắng nghe;
nơi có hoang mang, xin cho chúng con gợi hứng cho hài hòa;
nơi có mơ hồ, xin cho chúng con biết mang lại sự minh bạch;
nơi có sự loại trừ, hãy để chúng con mang đến tình đoàn kết;
nơi có chủ nghĩa kích động, xin cho chúng con biết dùng sự tỉnh táo;
nơi hời hợt, xin cho chúng con nêu lên những câu hỏi thực sự;
nơi có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức niềm tin;
nơi có hận thù, xin cho chúng con mang lại niềm tôn trọng;
nơi có sự giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật.
Amen.
Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2018
+ Ðức Giáo Hoàng Phanxicô

J.B. Ðặng Minh An dịch


Ðức Phanxicô nhìn lại
chuyến tông du Chile và Peru

Ðức Phanxicô nhìn lại chuyến tông du Chile và Peru.
Roma (VietCatholic News 24-01-2018) - 'Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai Quốc Gia Chị Em này, Chile và Peru, xin Chúa chúc phúc cho họ'.
Theo tin Zenit, ngày thứ Tư, 24 tháng 1 năm 2018, tại buổi triều yết chung tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dành phần lớn thì giờ nói về chuyến tông du Chile và Peru mà ngài mới kết thúc trước đó mấy ngày.
Sau đây là lời ngài:
Tôi trở về hai ngày trước đây từ chuyến tông du Chile và Peru. Hãy vỗ tay hoan hô Chile và Peru! Hai dân tộc tốt, thật tốt lành ... Tôi cám ơn Chúa vì mọi sự diễn tiến tốt đẹp: tôi đã có thể gặp gỡ dân Chúa đang lữ hành trên các lãnh thổ ấy - và cả những người không lữ hành nữa, những người hơi đứng yên một chỗ ... nhưng đều là những người tốt lành - và khuyến khích việc phát triển xã hội của các nước ấy. Tôi nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với các nhà cầm quyền dân sự và các giám mục, những người đã nghinh đón tôi một cách đầy chăm sóc và đại lượng; cũng như các người cộng tác và thiện nguyện viên. Anh chị em hãy nghĩ tại mỗi nước này đều có hơn 20 ngàn thiện nguyện viên: 20 ngàn và hơn thế tại Chile, 20 ngàn tại Peru. Quả là những người tốt lành, mà phần lớn lại là giới trẻ.
Trước khi tôi tới Chile, đã có một số cuộc biểu tình phản đối, vì những lý do khác nhau, như anh chị em đọc thấy trên báo chí. Và điều này làm cho khẩu hiệu của chuyến viếng thăm của tôi càng có liên quan và sống động hơn: "Mi paz os doy - Thầy ban bình an của Thầy cho các con". Ðây là lời lẽ của Chúa Giêsu ngỏ cùng các môn đệ, những lời lẽ được chúng ta nhắc lại trong mọi Thánh Lễ: ơn bình an, mà chỉ có Chúa Giêsu chết và sống lại mới có thể ban cho những người tự phó thác nơi Người. Không phải chỉ một số người trong chúng ta cần bình an: cả thế giới, trong thế chiến thứ ba đánh từng mảng ngày nay nữa ... Xin anh chị em vui lòng, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!
Trong cuộc gặp gỡ các nhà cầm quyền chính trị và dân sự của nước này, tôi đã khuyến khích con đường dân chủ của Chile, như là nơi gặp gỡ của tình liên đới và có khả năng chấp nhận tính đa dạng; vì mục đích này, tôi đã chỉ ra phương pháp lắng nghe: mà đặc biệt là lắng nghe người nghèo, người trẻ và người cao niên, di dân, và lắng nghe cả trái đất nữa.
Trong Thánh Lễ đầu tiên, cử hành cho hòa bình và công lý, các mối phúc đã được nói vang lên, nhất là "phúc cho những người kiến tạo hòa bình vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa" (Mt 5: 9). Một Mối Phúc làm chứng bằng lối sống gần gũi, thân mật; với ơn Chúa Kitô, chia sẻ và do đó củng cố kết cấu của cộng đồng Giáo Hội và của xã hội như một toàn thể.
Trong lối sống gần gũi này, các cử chỉ đáng kể hơn lời nói, và cử chỉ quan trọng tôi có thể làm là viếng nhà tù phụ nữ ở Santiago: gương mặt các phụ nữ này, nhiều người là các bà mẹ trẻ, với những đứa con của họ trong vòng tay, đã nói lên rất nhiều hy vọng, bất chấp mọi điều khác. Tôi khuyến khích họ đòi cho được, từ chính họ và từ các định chế, một hành trình chuẩn bị nghiêm túc để tái hội nhập, như một chân trời đem ý nghĩa lại cho các đau khổ hàng ngày của họ. Ta không thể nghĩ tới một nhà tù, bất cứ nhà tù nào, mà lại không có chiều kích tái hội nhập này vì nếu không có niềm hy vọng tái hội nhập xã hội này, nhà tù là một cuộc tra tấn bất tận. Thay vào đó, nếu anh chị em cố gắng tái hội nhập, ngay cả những người thọ án chung thân cũng có thể tái hội nhập, bất chấp việc làm của nhà tù hay của xã hội, cuộc đối thoại cũng sẽ mở ra. Nhưng nhà tù phải luôn luôn có chiều kích tái hội nhập này, luôn luôn.
Với các linh mục và người tận hiến cũng như với các giám mục Chile, tôi trải nghiệm hai cuộc gặp gỡ rất thâm hậu, càng có hiệu quả hơn nhờ cùng chia sẻ việc chịu một số vết thương gây ra cho Giáo Hội tại nước này. Nhất là, tôi đã củng cố các anh em tôi trong việc từ khước bất cứ thỏa hiệp nào đối với việc lạm dụng tình dục vị thành niên, và đồng thời, trong việc tín thác nơi Thiên Chúa, Ðấng thanh tẩy và đổi mới các thừa tác viên của Người bằng cuộc thử thách gian nan này.
Hai Thánh Lễ khác tại Chile đã được cử hành, một ở miền nam và một ở miền bắc. Thánh lễ ở miền nam, ở Araucanía, lãnh thổ nơi người Bản Ðịa Mapuche sinh sống, đã biến bi kịch và gian khổ của dân tộc này thành niềm vui; [tại đây tôi] đã phát động lời kêu gọi hòa bình, một thứ hòa bình vốn là hòa hợp trong tính đa dạng, và kêu gọi từ bỏ mọi thứ bạo lực. Thánh lễ ở miền Bắc, ở Iquique, giữa đại dương và sa mạc, là một bài thánh ca ca tụng cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc, được diễn tả một cách đặc biệt bằng lòng đạo bình dân.
Các cuộc gặp gỡ giới trẻ và Ðại Học Công Giáo Chile đã đáp ứng thách đố chủ chốt phải đem lại một ý nghĩa lớn lao cho đời sống các thế hệ mới. Tôi đã để lại cho giới trẻ các lời lẽ có tính lên chương trình của Thánh Albert Hurtado: "Chúa Kitô sẽ làm gì ở vị trí tôi ?" Và ở Ðại Học, tôi đề nghị mô thức đào tạo toàn diện, phiên dịch căn tính Công Giáo thành khả năng tham dự vào việc xây dựng các xã hội hợp nhất và đa dạng, nơi tranh chấp không bị che dấu nhưng được giải quyết bằng đối thoại. Luôn luôn có tranh chấp: cả trong nhà; luôn luôn. Nhưng xử lý tranh chấp một cách tồi sẽ tồi tệ hơn nhiều. Không được dấu diếm các tranh chấp, phải mang chúng ra ánh sáng, chúng phải được đối mặt và giải quyết bằng đối thoại. Anh chị em hãy nghĩ tới những tranh chấp nho nhỏ mà chắc chắn anh chị em sẽ gặp trong gia đình: không được dấu diếm chúng, nhưng chúng phải được đối mặt. Anh chị em hãy tìm thời gian [thích đáng], rồi nói ra: tranh chấp được giải quyết cách này, bằng đối thoại.
Ở Peru, khẩu hiệu chuyến tông du là "Unidos por la esperanza - Hợp nhất nhờ hy vọng". Hợp nhất không phải trong độc dạng khô cằn, mọi người y như nhau, đó không phải là kết hợp; nhưng chính trong sự phong phú của các dị biệt, chúng ta nhận được di sản từ lịch sử và văn hóa. Cuộc gặp gỡ các dân tộc vùng Amazon của Peru là biểu tượng của việc này; nó cũng đã làm phát sinh cuộc hành trình của Thượng Hội Ðồng Toàn-Amazon sẽ được triệu tâp vào tháng Mười năm 2019, và nó cũng đã được làm chứng bởi các khoảnh khắc sống với người dân Puerto Maldonado và các trẻ em ở "Nhà Tiểu Hoàng Tử". Cùng nhau, chúng tôi đã nói "không" với chính sách thực dân kinh tế và thực dân ý thức hệ.
Nói với các nhà cầm quyền chính trị và dân sự Peru, tôi đã đánh giá cao di sản môi trường, văn hóa và tâm linh của nước này, và tôi đã tập chú vào hai vấn đề đang đe dọa nó một cách trầm trọng hơn cả: xuống cấp sinh thái và xã hội, và tham nhũng. Tôi không biết anh chị em có nghe nói đến tham nhũng ở đây không ... Tôi không biết ... Nó không những chỉ tìm thấy ở những nơi đó mà thôi: cả ở đây nữa, và nó còn nguy hiểm hơn là bệnh cúm! Nó làm xáo rộn mọi sự và hủy diệt các trái tim. Tôi van xin đó, đừng tham nhũng. Và tôi đã nhận xét rằng không ai bị miễn trách nhiệm khi giáp mặt với hai đại họa này, và việc dấn thân chống lại chúng phải là quan tâm của mọi người.
Tôi đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên tại Peru bên cạnh đại dương, tại thành phố Trujillo, nơi năm ngoái trận bão có tên "Nino costiero" đã làm dân chúng thiệt hại nặng. Do đó, tôi đã khuyến khích họ phản ứng điều đó, nhưng cũng phản ứng cả những cơn bão tố khác như hình tội, thiếu giáo dục, việc làm và nhà ở yên ổn. Tại Trujillo, tôi cũng đã gặp các linh mục và người tận hiến của miền bắc Peru, chia sẻ với họ niềm vui ơn gọi và sứ mệnh, cũng như trách nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Tôi thúc giục họ phong phú trong ký ức và trung thành với gốc rễ của họ. Và trong số các gốc rễ này, có lòng tôn sùng bình dân đối với Ðức Trinh Nữ Maria. Cũng tại Trujillo, một cuộc cử hành kính Ðức Mẹ đã được tổ chức, trong đó, tôi đội triều thiên cho Ðức Mẹ Cổng Thành, tuyên bố ngài là "Mẹ Thương Xót và Hy Vọng".
Ngày cuối cùng của chuyến đi, tức Chúa Nhật vừa rồi, diễn ra tại Lima, với sắc thái thiêng liêng và Giáo Hội mạnh mẽ. Tại Ðền Thánh Peru rất nổi tiếng, nơi bức tranh đóng đinh tựa là "Senor de los Milagros" được tôn kính, tôi gặp chừng 500 nữ tu nội cấm, sống đời chiêm niệm: quả là "lá phổi" đích thực của đức tin và cầu nguyện dành cho Giáo Hội và xã hội như một toàn thể. Tại nhà thờ chính tòa, tôi đã thực hiện hành vi cầu nguyện đặc biệt nhờ sự cầu bầu của các thánh người Peru; tiếp theo là cuộc gặp gỡ các giám mục của xứ sở, với các ngài, tôi có đề xuất gương mặt gương mẫu của Thánh Turibius thành Mogrovejo. Tôi cũng chỉ ra rằng các thánh nam nữ người Peru không để mất thì giờ cho việc "sửa sang" hình ảnh của họ, mà thay vào đó, là bước chân theo Chúa Kitô. Ðấng nhìn họ một cách đầy hy vọng. Như mọi lúc, lời của Chúa Giêsu đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho mọi sự, và Tin Mừng Thánh Lễ cuối cùng cũng thế đã tóm tắt sứ điệp của Thiên Chúa gửi cho dân của Người ở Chile và Peru: "hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng" (Mc 1:15). Chúa dường như muốn nói, như thế, các con sẽ nhận được sự bình an mà Thầy ban cho các con và các con sẽ hợp nhất nhờ lòng hy vọng của Thầy. Ðó hơn kém là bản tóm lựợc chuyến đi của tôi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai quốc gia chị em này, là Chile và Peru, xin Chúa chúc phúc cho họ.

Vũ Văn An