Vào lúc 14h15 giờ Roma, tức 20h15 giờ Việt Nam ngày 22/01/2018 Đức Giáo Hoàng Phanxico đã về tới Roma sau những ngày thăm viếng nước Chile và Peru. Chúng ta cùng điểm lại những sự kiện nổi bật trong những ngày qua của Đức Giáo Hoàng tại đất nước Peru.
Thứ bẩy ngày 19-1-2018, sau Thánh lễ ở thành phố Huanchaco trước sự hiện diện của 400 ngàn tín hữu, và viếng thăm khu vực Buenos Aires nơi dân chúng bị thiệt hại nặng nhất vị bão hồi tháng 4 năm ngoái, Đức Thánh Cha (ĐTC) đã về tòa Tòa Giám mục (TGM) Trujillo để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.
Sau đó, lúc 3 giờ chiều, ngài đến viếng Nhà thờ chính tòa địa phương. Thánh đường này có từ hơn 400 năm nay và đã bị động đất phá hủy hoặc làm hư hại nhiều lần, lần chót vào năm 1970.
Đến nơi ĐTC được Kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa và 300 người tiếp đón. Ngài cầu nguyện và đặt bó hoa dưới chân tượng Đức Mẹ, trước khi lên xe đi tới Đại chủng viện thánh Carlos và Marcelo cách đó 400 mét để gặp gỡ 1 ngàn người gồm các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc 11 giáo phận miền bắc Peru. Đại chủng viện cổ kính có từ 390 năm nay, và đã góp phần đào tạo rất nhiều LM, nhưng hiện nay là một trường trung học cấp I và II. Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa.
Trong bài giảng, ĐTC đã nêu bật sự cần thiết duy trì ký ức quá khứ liên quan tới cội nguồn của Giáo Hội và ơn gọi của từng người.
Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh Peru
Trong cuộc gặp gỡ các LM, tu sĩ và chủng sinh Peru, ĐTC nhắn nhủ mọi người hãy sống vui tươi, quí chuộng lòng đạo đức bình dân và có tinh thần học hỏi.
Cuộc gặp gỡ kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của ngài. Trước khi rời nơi gặp gỡ, ĐTC còn chụp hình lưu niệm với một nhóm nhân viên của học viện.
Buổi chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha đã cử hành phụng vụ kính Đức Mẹ tại Quảng trường Quân đội ở thành phố Trujillo với sự tham dự của 35 ngàn người.
Đức Thánh Cha cử hành phụng vụ kính Đức Mẹ tại Trujillo, Peru
Khi đến đây lúc gần 5 giờ chiều, ĐTC đi xe qua các lối đi để chào thăm mọi người, bầu không khí thật phấn khởi và vui mừng. Ngài chợt thấy một bà cụ già giơ cao tấm bảng trên đó có ghi câu: “Con tên là Trinidad, con 99 tuổi và chỉ muốn động chạm vào áo của ĐTC”. Thấy vậy, ngài bảo tài xế dừng xe lại và bước đến để ôm chào bà cụ già.
Trong lời chào mừng ĐTC, Đức TGM nhắc lịch sử Quảng trường Quân đội nơi mà những tiếng kêu tự do và độc lập của đất nước Peru được vang dội và củng cố, và đây là nơi mà mỗi năm vẫn diễn ra các cuộc rước kiệu trọng thể trong ngày Lễ kính Mình Thánh Chúa. Ngài cũng đề cao lòng sùng kính đặc biệt của các tín hữu ở Trujillo và Peru đối với Đức Mẹ “Mẹ Từ Bi Thương Xót và Hy vọng”.
Trong buổi cử hành phụng vụ kính Đức Mẹ này, ĐTC đã lên án nạn giết phụ nữ và đề cao lòng sùng kính của các tín hữu Peru đối với Đức Mẹ.
Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng về biến cố truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,26-38), ĐTC nhắc đến lòng từ mẫu của Đức Mẹ, Mẹ biết tâm hồn của người dân Peru miền bắc và bao nhiêu nơi khác nữa; Mẹ đã thấy nước mắt, nụ cười, và những khát vọng của họ. Tại Quảng trường này chúng ta muốn gìn giữ ký ức của một dân tộc biết rằng Mẹ Maria là người Mẹ không bỏ rơi các con cái của Mẹ.
ĐTC cũng nhận xét rằng:
“Tôi biết lòng kính mến của anh chị em đối với Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Cửa Otuzco mà ngày hôm nay, cùng với anh chị em, tôi muốn tuyên xưng Đức Mẹ Cửa là Mẹ Từ Bi Thương Xót và Hy vọng.
Qua các thế kỷ, Đức Mẹ đã bày tỏ tình thương đối với các con cái của Mẹ tại phần đất này, khi được đặt trên một cửa, Mẹ bảo vệ họ khỏi những đe dọa làm họ âu sầu, Mẹ khơi dậy tình thương của tất cả mọi người Peru cho đến ngày nay.
Đức Mẹ tiếp tục bảo vệ và chỉ cho chúng ta Cánh Cửa mở đường cho chúng ta tiến đến đời sống chân chính, Sự Sống không bao giờ tàn lụi. Mẹ là Đấng biết đồng hành với mỗi người con để họ trở về nhà..”
ĐTC nói thêm rằng: “Khi nhìn các bà mẹ và các bà nội, ngoại, tôi muốn mời gọi anh chị em hãy chiến đấu chống một tai ương tại đại lục chúng ta, đó là nhiều vụ giết nữ giới. Nhiều trường hợp bạo hành được giữ kín đằng sau bao nhiêu bình phong. Tôi mời gọi anh chị em hãy chiến đấu chống lại cái nguồn mặc gây ra đau khổ này bằng cách cổ võ những đạo luật và một nền văn hóa bài trừ mọi hình thực bạo hành”.
Tại Peru, năm ngoái có 368 vụ giết hoặc mưu sát nữ giới.
Sau bài huấn dụ của ĐTC, cộng đoàn đã hát kinh cầu Đức Mẹ trong khi các trẻ em mang hoa nến lên đặt trước ảnh thượng Đức Mẹ Cửa, La Puerta.
Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã ra phi trường Trujillo để đáp máy bay trở về thủ đô Lima, cách đó 500 cây số, 1 giờ 20 phút bay.
Sáng chúa nhật 21-1-2017, ĐTC đã đến Đền Thánh Chúa làm phép lạ ở thủ đô Lima để nguyện kinh giờ nhỏ với khoảng 500 nữ tu chiêm niệm thuộc các đan viện ở Peru vào lúc 9 giờ 15.
Đức Thánh Cha nguyện kinh với 500 nữ đan sĩ chiêm niệm Peru
Đền thánh này ở trung tâm lịch sử của thành Lima, dâng kính Bổn mạng của nước Peru là Chúa làm phép lạ. Đền thánh do các nữ đan sĩ Cát Minh nhặt phép coi sóc. Tại Đền thánh có bức bích họa Chúa Kitô chịu đóng đanh được vẽ trên tường hồi thế kỷ 17. Trận động đất dữ dội năm 1655 đã tàn phá bình địa phần lớn các dinh thự và nhà cửa ở Lima, nhưng bức tường có bức họa Chúa Kitô vẫn đứng nguyên. Cả những lần động đất sau đó cũng vậy. Các tín hữu rất sùng kính ảnh này và nhiều người được ơn lạ, phép lạ qua các thế kỷ. Vì thế, bích họa được đổi tên là “Ảnh Chúa phép lạ”. Ngày nay ảnh được đặt trên bàn thờ chính của Đền Thánh Nazareno. Bản sao của ảnh này, mỗi năm được rước trong tháng 10 qua các đường phố ở Lima.
Khi ĐTC đến Đền thánh, 500 nữ đan sĩ chiêm niệm từ các nơi ở Peru đã tề tựu về đây để tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC. Ngài tiến lên bàn thờ và đứng cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Chúa Phép Lạ.
Sau lời chào mừng của Mẹ Bề trên của các Đan sĩ cát minh nhặt phép ở Đền thánh, mọi người đã nguyện kinh giờ nhỏ.
Giảng sau bài đọc ngắn (Rm 8, 15-16), ĐTC nhấn mạnh chiều kích truyền giáo của kinh nguyện là nòng cốt đời sống chiêm niệm.
Cuối giờ kinh, ĐTC chào thăm riêng 6 vị Bề trên và Viện mẫu, trước khi đến đến viếng nhà thờ chính tòa thánh Gioan Tông Đồ và Thánh Sử của tổng giáo phận thủ đô Lima. Tại đây ngài cầu nguyện trước hài cốt 5 vị thánh người Peru, trước khi gặp gỡ 60 vị thuộc Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) nước này.
Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 11 giờ tại tòa TGM giáo phận Lima. Giáo hội Công Giáo tại Peru có tổng cộng 45 giáo phận và hạt đại diện Tông Tòa với tổng cộng 68 GM, kể cả các vị về hưu.
Trong cuộc gặp gỡ ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các vị Giám mục nước này noi gương thánh Toribio di Mongrovejo, là bổn mạng của hàng GM Mỹ châu la tinh.
Đức Thánh Cha gặp gỡ 60 Giám Mục Peru
Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng của ĐHY Cipriani, TGM giáo phận Lima sở tại, và Đức Cha Salvador Pineiro García-Calderón, Chủ tịch HĐGM Peru, ĐTC đã nhắn nhủ các GM về sự ra di, gần gũi dân chúng, thực hành bác ái, quan tâm đến các linh mục.
Sau khi gặp các GM Peru, lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã tiến ra bao lơn Nhà thờ chính tòa trước quảng trường Quân đội bên ngoài để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với hàng ngàn bạn trẻ và các tín hữu.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin này, ĐTC đã kêu gọi giới trẻ Peru vượt thắng những khó khăn, những ý tưởng tiêu cực, và tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha gặp gỡ các bạn trẻ và tín hữu thành Lima
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC nhắc đến những khó khăn mà các bạn trẻ có thể gặp phải, những ý tưởng tiêu cực có thể tràn tới.
ĐTC cũng nhắn nhủ các bạn trẻ đừng nản chí, ngài nói: “Chúa có một dự phóng cho mỗi người trong các bạn, Chúa yêu thương các bạn như thực thể hiện nay của các bạn và ngài có một mơ ước cần thực hiện với mỗi người trong các bạn. Các bạn đừng quên điều này: Chúa không bao giờ nản chí đối với chúng ta. Và nếu các bạn nản chí, thì tôi mời các bạn hãy đọc Thánh Kinh, và nhớ đến những người bạn mà Thiên Chúa đã chọn: Môisê là người nói cà lâm, Abraham là một cụ già, Giêrêmia quá trẻ, Zakêu là một người lùn; các môn đệ, khi Chúa bảo các ông cầu nguyện, thì các ông lại thiếp ngủ đi; Phaolô là một người bách hại các tín hữu Kitô, Phêrô đã chối Chúa... Khi Chúa Giêsu nhìn chúng ta, Chúa không nghĩ chúng ta thiện hảo thế nào, nhưng ngài nghĩ đến tất cả tình yêu mà chúng ta có trong con tim để trao tặng tha nhân và phục vụ họ. Đối với Chúa, đó là điều đáng kể và Chúa luôn nhấn mạnh về điều đó.. Câu hỏi duy nhất là: con có muốn theo Thầy để làm môn đệ của Thầy hay không?”
Cuối bài huấn dụ, trước khi đọc kinh Truyền tin, ĐTC còn lên tiếng về tình hình xáo trộn tại Cộng hòa dân chủ Congo bên Phi châu: cảnh sát và quân đội đã đàn áp cuộc biểu tình hôm chúa nhật 21-1 ở thủ đô Kinshasa làm cho 5 người chết và hàng chục người bị thương. Dân chúng biểu tình chống tổng thống Kabila tham quyền cố vị, mặc dù đã kết hai nhiệm kỳ làm tổng thống.
Sau kinh truyền tin và ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa.
Buổi chiều cùng ngày, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước 1,3 triệu tín hữu tại Lima, Thánh lễ đông đảo nhất trong 6 ngày viếng thăm của ngài tại Chile và Peru từ 15 đến 21-1-2018.
Sau khi kết thúc Thánh Lễ, ngài ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.
Tổng hợp từ http://vi.radiovaticana.va
Lịch sử ngắn gọn về chiếc Popemobile
Một trong những biểu trưng mang tính biểu tượng nhất của Đức Giáo hoàng là chiếc Popemobile. Đó là cách mà các Đức Giáo hoàng tạo sự gần gũi của mình hơn với người dân: công du trong số đàn chiên của mình. Nhưng đối với một công việc 2,000 năm tuổi, chiếc Popemobile là một sự đổi mới tương đối mới. Đây là một hướng dẫn mà xe đã phát triển như thế nào trong những năm gần đây.
Vào đầu thế kỷ 19, Đức Piô VII trở thành vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng xe ngựa. Mặc dù vào năm 1800 họ không gọi Popemobile, ngài là người đầu tiên sử dụng chiếc xe này. Các toa xe khác của giáo hoàng, lúc ấy được ngựa kéo, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Vatican.
Chiếc ô tô đầu tiên được giới thiệu vào năm 1929. Mặc dù xe hơi đã có mặt trong nhiều thập niên, Đức Giáo hoàng đã bị hạn chế tại Vatican kể từ khi nhà nước Đức Giáo hoàng sụp đổ năm 1870.
Đức Piô XI đã đi chiếc 1917 Graham Paige Type 837 trong chuyến tông du đầu tiên ra khỏi Vatican trong hơn nửa thế kỷ. Năm 1930, ngài nhận được một món quà là một chiếc Mercedes-Benz Nürburg, chiếc đầu tiên của nhiều chiếc xe Mercedes của Đức Giáo hoàng.
Năm 1960, chiếc Mercedes-Benz lại được tặng cho Đức giáo hoàng: chiếc này có thể hoán chuyển cho Đức Gioan XXIII.
Đức Phaolô VI đã sử dụng nhiều loại xe khác nhau, chẳng hạn như Lincoln Continental và Pullman của Mercedes-Benz 600. ngài cũng đã sử dụng xe tải Popemobile cổ điển màu trắng và đã trở nên mạnh mẽ nhất liên quan đến chuyến tông du. Trong suốt ba mươi năm trị vì, Đức Gioan Phaolô II đã đi nhiều chiếc Popemobile khác nhau: từ chiếc Ferrari đến một chiếc xe buýt với những mặt bằng kính. Có lẽ biểu tượng lưu ý nhất là chiếc mà ngài bị bắn: Fiat Campagnola năm 1973 được Đức Phaolô VI dùng trước đó.
Hình ảnh các vị giáo hoàng Phanxicô và Benedict XVI thường cho thấy các loại xe được sử dụng giống nhai, mặc dù chi tiết an toàn được cải thiện. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô còn được biết đến có quan hệ với chiếc xe nhỏ và hiệu quả mà ngài đã tạo hình ảnh khá khuấy đổng trong chuyến đi của mình đến Hoa Kỳ lúc đó, sau khi chào tổng thống, ngài bước lên chiếc Fiat.
Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn