“Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”(Mc 4, 35-41)
Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi! “36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.
37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? “41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? “
Suy niệm 1
- Cuồng phong và giấc ngủ
Chúng ta hãy đặt mình trong tình huống này : cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước; trong khi đó Đức Giê-su vẫn ngủ! Vì thế các môn đệ không chỉ hoàng hốt, nhưng còn đánh thức và trách cứ Người: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúng ta hãy hình dung ra sự tương phản gần như tuyệt đối :
- Một bên là gió rít sóng gào, một bên là Đức Giê-su, đang ngủ vô tư như em bé (vì chỉ có em bé mới có thể ngủ trong những tình huống như thế).
- Một bên là các môn đệ chạy tới chạy lui hốt hoảng la hét, mất hết lòng tin.
- Một bên là tư thế nghỉ ngơi, an bình, hơi thở nhẹ nhàng, hoàn toàn phó thác của Đức Giê-su.
Hơn nữa trong bài Tin Mừng, thánh sử Mác-cô còn kể lại một chi tiết rất có ý nghĩa, đó là Đức Giê-su ngủ ở đàng lái!
Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.
(Mc 4, 38)
Giữa sức mạnh của phong ba, bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành, nghĩa là bằng sự tín thác tuyệt nơi Thiên Chúa.
Biến cố này giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu; thực vậy, trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu cũng sẽ đối đầu và chiến thắng sức mạnh của sự dữ, của tội lỗi và của sự chết bằng sự hiền lành tuyệt đối.
- Lòng tin
Vừa này, các môn đệ trách Đức Giêsu; còn bây giờ, sau khi ngăm đe gió và truyền cho biển yên lặng, Người trách các môn đệ (theo thánh sử Mát-thêu (Mt 8, 26), Người trách các môn đệ trước, để nêu bật lên sóng gió trong tâm hồn và sức mạnh dẹp yên của lòng tin):
Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
(c. 40)
Qua lời trách này, Đức Giê-su muốn nói với các môn đệ rằng, các ông không được hoảng lên, kêu la và đánh thức Thầy như thế. Đáng lẽ các ông phải “ngồi yên”!
- Cứ để biển động như thế.
- Cứ để gió gào như thế.
- Cứ để sóng thét và vùi dập con thuyền như thế.
- Và cứ để Người ngủ như thế.
Bởi vì chính Người đã lên thuyền và các ông đi theo Người. Nhưng nếu các ông cứ để yên thì chuyện gì xẩy ra, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra chuyện gì sẽ xẩy ra, sẽ chết hết! Như các môn đệ đã hốt hoảng la lên: “chúng ta chết đến nơi rồi!”
- Biển sẽ động đến tận cùng khả năng hung hãn của nó.
- Gió sẽ gào đến hết hơi của nó.
- Sóng sẽ thi thố hết sức mạnh kinh hồn của nó.
- Và Đức Giêsu sẽ cứ ngủ bình yên; nhưng ở đây, Ngài sẽ không để mình bị vùi dập, vì chưa đến “giờ”, và đây không phải là cách Người sẽ chết.
- Sức mạnh của Ngôi Lời
Chúng ta hãy cảm nếm sức mạnh của lời Chúa, vì đó là sức mạnh của Ngôi Lời sáng tạo :
Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
(c. 39)
Lời Chúa làm cho hư vô chuyển thành hiện hữu ; hỗn mang trở thành trật tự ; kêu gào trở nên yên lặng. Chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa lời trách của Đức Giê-su dành cho các môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lời trách vừa thẳng và nặng. Thẳng và nặng giống như Chúa nói với sóng gió. Tại sao vậy ? Bởi vì lòng chúng ta cũng có sóng gào gió thét, cũng có hỗn mang. Để dẹp yên, có lẽ còn khó hơn; vì thế, theo lời kể của thánh Mát-thêu, Người thực hiện điều này trước khi nói với sóng gió.
Các môn đệ vừa nãy sợ sóng gió, sợ chết ; bây giờ lại tiếp tục hoảng sợ trước căn tính thật sự của Đức Giê-su. Chúa dẹp yên sóng gió bên ngoài rồi ; nhưng sóng gió nội tâm dường như vẫn còn:
Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
(c. 41)
Tương tự như khi các ông hoảng sợ và tưởng là ma khi thấy Đức Kitô phục sinh từ cõi chết. Căn tính của Đức Giê-su lộ ra bởi sức mạnh của lời sáng tạo : chế ngự khuất phục hỗn mang, sự chết. Như các môn đệ, chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết căn tính của Chúa, dù ngài đồng thuyền với ta. Vì như thánh Phao-lô nói : “Mọi được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài.”
Nơi Mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa sẽ “ngủ” ở giữa gió rít sóng gào : một bên là bạo lực tuyệt đối ; một bên là hiền lành tuyệt đối. Ngài sẽ để yên cho Biển động, sóng to gió lớn, dập vùi Ngài cho đến chết. Ngài muốn để mọi sự diễn ra như thế, để chúng ta tín thác tuyệt đối vào ngôi vị của Ngài, và cũng để kinh nghiệm quyền năng tuyệt đối của Ngài trên Sự Dữ và Sự Chết. Quyền năng chỉ bộc lộ mức độ tuyệt đối khi trực diện với thế lực đối lập đã thi thố hết sức mạnh của nó.
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta gặp thử thách hay hiểm nguy, chúng ta kêu và Chúa “thức dậy” cứu chúng ta. Nhưng cũng có khi, chúng ta được mời gọi có kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của mầu nhiệm Thương Khó, nghĩa là hoàn toàn phó thác, để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đi ngang qua bão tổ của thử thách, như Đức Giê-su. Thực ra, dù muốn dù không, đó sẽ là thời điểm của sự chết, tất yếu sẽ đến với mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi sống thực tại này như một hành trình Vượt Qua.
Xin Chúa ban cho chúng ta lòng tín thác của bé thơ, như Đức Giê-su, nơi vòng tay yêu thương và bao dung của Thiên Chúa Cha.
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
(Tv 131, 2)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2
Tin Mừng hôm nay thánh Maccô thuật lại một hành trình trên biển để “sang bờ bên kia” của Chúa Giêsu và các môn đệ. Hành trình này được ví như hành trình đức tin của mỗi chúng ta. Hành trình trên biển gặp sóng gió là chuyện không lạ lắm đối với những người thường xuyên đi biển và sống bằng nghề biển như các môn đệ. Tuy nhiên, chiếc thuyền của Chúa Giêsu và các môn đệ hôm nay không gặp những con sóng ngọn gió hiền lành bình thường, mà là gặp “cuồng phong”… “sóng ập vào”… “thuyền đầy nước”… Các môn đệ lo lắng như “chết đến nơi rồi”, còn Chúa Giêsu thì “chẳng lo gì”…
Với sáng kiến táo bạo của Chúa Giêsu, Ngài mời gọi các môn đệ hãy bước vào cuộc phiêu lưu của đời ngôn sứ "Chúng ta sang bờ bên kia kia đi' (35). Trời đã sẩm tối, thế mà Chúa lại muốn các ông lên thuyền. Theo quan điểm người Do Thái xưa, đây là thời gian thuận tiện cho ma quỷ quấy phá. Biển cả là nơi cư ngụ của chúng và bão tố cũng thể hiện oai quyền của chúng. Bờ bên kia, mạn đông miền Galile là vùng đất dân ngoại sinh sống.
Đây là một thử thách cam go đối với các môn đệ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Bỏ lại đám đông là những người từng theo họ, bỏ lại những an toàn trong cuộc sống, những tiện nghi… để lao mình vào cuộc phiêu lưu mờ mịt. Bỏ lại là không dính bén, không thương tiếc, không an vị … mà dấn thân lên đường vì Tin Mừng.
Hình ảnh con thuyền trong đó các môn đệ sống chung với Chúa Giêsu là biểu tượng cho cộng đoàn gồm những môn đệ hôm nay vẫn đang muốn bước theo Người. Đó chính là một cuộc “cộng đồng sinh mệnh”, sống chết có nhau. Phản ứng của các môn đệ trong biến cố này là một tấm gương và một lời nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô hữu là đừng rơi vào một thái độ không tin như thế. Nếu chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, thì không có hoàn cảnh nào có thể tiêu diệt chúng ta, bởi vì không có hoàn cảnh nào mà Người không chế ngự được.
"Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền và thuyền đầy nước" (37). Thánh sử tường thuật về thử thách đã xảy ra. Quyền lực sự dữ như muốn nhấn chìm con thuyền bé nhỏ và nuốt trôi những con người mỏng manh trên đấy. Chúng ta có thể tưởng tượng một hình ảnh sống động đang diễn ra trước mắt. Các môn đệ chạy ngược chạy xuôi, người thì loay hoay lèo lái để giữ vững con thuyền, kẻ thì lo tạt nước ra ngoài. Sự hoảng loạn, la hét í ới xảy ra… Còn Chúa Giêsu, đầu tựa vào đàng lái vẫn ngủ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi thấy mình hầu như bất lực trước sức mạnh của biển cả, sóng gió, các môn đệ mới sực nhớ ra trên thuyền còn có thày mình. Các ông thi nhau đánh thức Ngài : "Thày ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thày chẳng lo gì sao?" (38).
Một lời kêu cầu nhưng trách móc nhiều hơn. Thầy đang ở giữa mà họ vẫn cho là mình sắp chết. Thày đang hiện diện mà họ lại cho là mình chẳng được quan tâm, che chở. Các ông chưa tin rằng : chỉ cần có Thầy với uy quyền của Con Thiên Chúa… sẽ dẹp tan sự dữ, xua trừ ma quỷ, như Thầy đã từng thực hiện qua các phép lạ ư?
Với phép lạ lớn lao ấy, Chúa Giêsu đã lần nữa tỏ cho các môn đệ và muôn dân biết Ngài là Đấng Mêsia, cho họ thấy thần tính của Ngài và chính Ngài là con Thiên Chúa thật như lời Gioan tẩy giả đã giới thiệu. Chúng ta hãy đọc chậm rãi đoạn tin mừng và chú ý đến vài chi tiết mang tính biểu tượng: “Biển Hồ” là nơi đầy nguy hiểm, ở đó đầy “thủy quái dị hình” là ma lực của bóng tối, của tà thần. “Trận cuồng phong” là sức mạnh của sự dữ, nó như một con thủy quái kinh khiếp và mạnh mẽ đến nổi làm cho mọi người kinh hồn bạc vía. Đối lại với tà lực ấy, thì Chúa Giêsu vẫn “đang ngủ”, điều này cho thấy Ngài chẳng bận tâm hay lo lắng gì về thế lực sự dữ, bởi lẽ Ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa Cha.
Khi được gọi dậy, Ngài ngăm đe gió và biển “im đi, câm đi”, một vẻ giọng khỏe khoắn đầy quyền năng. “Im đi, câm đi” là một mệnh mệnh vì cơn bão được xem như con thú dữ, điều này cho ta hiểu Chúa Giêsu đang chứng tỏ Ngài có thể kiểm soát được mãnh lực của tà thần, của sự dữ. Quả thế, mệnh lệnh được phán ra là “biển lặng như tờ”.
Trước sự cứng lòng tin của những người đã từng theo mình trên mọi nẻo đường, từng chứng kiến bao phép lạ, Chúa Giêsu đã thức dậy. Việc trước tiên Ngài ngăm đe biển cả và gió "Im đi ! Câm đi !". Đây là một lời truyền, một mệnh lệnh đầy uy quyền khiến sự dữ phải tuân lệnh và lùi xa, trả lại sự bình yên hiền hòa cho biển cả. Sau đó, Ngài mới trách cứ các ông : "Anh em vẫn chưa có lòng tin?" (40). Có lẽ các ông chỉ mới công nhận Chúa Giêsu như một thày pháp cao tay dùng ảo thuật để phá tan sóng gió, nên các ông đã không kêu cầu Chúa khi đánh thức Ngài dậy.
Hơn nữa, "các ông còn hoảng sợ và nói : Người này là ai mà gió và biển phải vâng lời?" (41). Câu hỏi này chỉ để lại một sự nghi vấn trong lòng các ông, chứ không là hành vi biểu lộ niềm tin.
Biến cố biển động hôm nay như một hình bóng về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Ngài ngủ trong lòng đất 03 ngày rồi chỗi dậy trong uy quyền vinh quang và chiến thắng sự dữ cùng sự chết. Thánh sử Mác-cô như muốn nói : qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa biểu lộ quyền năng tối thượng của Ngài và mời gọi con người hãy xác định lại vị trí niềm tin của mình.
Qua trang Tin Mừng, có lẽ chúng ta còn trách cứ các môn đệ mạnh mẽ hơn cả Máccô: Ở với Thày như thế mà không nhận ra uy quyền của vị Thiên Chúa? Nhìn lại ơn gọi Kitô hữu, chúng ta thấy mình đang ở vị trí nào trong sứ vụ ngôn sứ của mình? Giữa một thế giới mà ánh sáng và bóng tối đan xen lẫn lộn, con người như mất định hướng cho cuộc đời và họ tự giải quyết cho vận mệnh của mình.
Thiên Chúa muốn chúng ta : hãy thắp lên một ngọn nến, hãy bước ra khỏi sự an toàn của bản thân, của cộng đoàn, của Giáo Hội … để lao vào thế giới trở thành men làm dậy bột, thành muối ướp mặn, thành ánh sáng chiếu soi nơi lạnh lẽo tăm tối. Có thể chúng ta sẽ chùn bước, ngại khó lo khổ, sợ thất bại…
Và rồi chúng ta cần có Chúa trong cuộc đời, cần có tương quan liên vị hàng ngày, từng giờ từng phút với Ngài, để Ngài cùng ta song hành trên bước đường truyền giáo, để tim Ngài thổn thức trong ta, tư tưởng Ngài chiếu sáng trong ta, bàn tay ta nối dài bàn tay Ngài… hầu trả lại sự tươi mới, trật tự an hòa cho thế giới này như trong thời ban đầu khi tạo dựng vũ trụ Thiên Chúa đã mong muốn như vậy.
Trang Tin Mừng hôm nay nêu bật sự cần thiết của đức tin trong đời sống người môn đệ. Nếu chúng ta hiểu rộng ra rằng trận bão trên biển ấy là một hình ảnh báo trước cuộc Khổ Nạn mà Chúa Giêsu sẽ đi vào, thì bước theo Chúa Giêsu, dù ngày hôm qua hay ngày hôm nay, luôn luôn là bước theo Người xuyên qua Khổ Nạn. Và như thế, cần phải có đức tin. Chỉ với giá ấy, người môn đệ mới được tham dự vào cuộc Phục Sinh vinh quang với sự an bình thẳm sâu được.
Huệ Minh