Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 18/01/2018

Filled under:

“Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân”
(Mc 3, 7-12)
7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ.
Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.
10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa! “12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
 Suy niệm 1
  1. Ý định loại trừ
Một loạt bất đồng của “họ” với Đức Giê-su (Mc 2, 1 – 3, 6) đã dẫn tới ý định thuần túy, nghĩa là vô cớ, loại trừ Người. Thật vậy, lúc đầu họ nhân danh lề luật để chất vấn Đức Giê-su: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (2, 7) Sau đó, tiếp tục dựa vào lề luật để dò xét, họ nêu ra nhiều thắc mắc: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (c. 16); “Sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (c. 18); “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép” (c. 24).
Và sau cùng, như bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua kể lại, “họ làm thinh” (3, 4). Sự thinh lặng của họ diễn tả lựa chọn sự chết trong nội tâm: “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su” (c. 6).
 “Người lánh về phía Biển Hồ”
Tuy nhiện, Đức Giê-su không đối đầu với họ bằng sức mạnh, nhưng lánh đi cùng với các môn đệ:
Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ.
(c. 7)
Điều này loan báo cách Ngài đối đầu với họ trong cuộc Thương Khó; nghĩa là, Ngài không dùng sức mạnh chống lại sức mạnh, bạo lực chống lại bạo lực, vì sức mạnh biểu hiện dưới dạng bạo lực không phù hợp với căn tính đích thật của Ngài, nhưng dùng sự hiền lành và sự tín thác nơi Thiên Chúa, là Nguồn Sự Sống mạnh hơn sự chết, như Tv 8 loan báo:
Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ,
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
(Tv 8, 3)
Nhưng chính khi Ngài lánh đi, chính khi Ngài “vượt qua” họ, Ngài trở thành điểm qui tụ muôn người:
Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người.
(c. 7-8)
Và từ nơi Ngài lan tỏa năng lực chữa lành khỏi bệnh tật và thần dữ, nghĩa là năng lực phục hồi sự sống cho con người:
Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để đụng vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”
(c. 10-11)
Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử; nhưng sự sống của con người bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ mới là bi đát hơn, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. Và chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là “Lời Thập Giá” (1Cr 18, 1) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.
 Mầu Nhiệm Vượt Qua
Những gì thánh sử Mác-cô kể lại ở đây đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Phục Sinh rồi, nghĩa là mầu nhiệm Đức Ki-tô chiến thắng sự dữ và sự chết và Ngài chia sẻ sự sống viên mãn mạnh hơn sự dữ và sự chết của Ngài cho chúng ta ngay từ cuộc đời này. Hình ảnh Đức Giê-su ngồi trên thuyền ở Biển Hồ, diễn tả Đức Ki-tô Phục Sinh chiến thắng sự chết, được tượng trưng bằng khía cạnh hủy diệt của Biển Cả.
Như thế mầu nhiệm Vượt Qua được ghi khắc khắp nơi trong cuộc đời của Đức Giê-su, cũng như đã được ghi khắc khắp nơi trong sáng tạo: đó là ơn lương thực hướng tới Lương Thực Hằng Sống, hạt lúa mì nói lên hành trình Vượt Qua; và trong lịch sử: đó là lịch sử cứu độ được Thư Do-Thái nhắc lại (Dt 8, 6-13) nhắc lại, đó là tương quan giữa Gô-li-át với vua Đa-vít; sau đó giữa vua Sa-un và vua Đa-vít, được kể lại trong 1Sm 17-18.
Xin cho chúng ta cũng nhận ra những dấu vết của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, vì đó là niềm hi vọng, và cũng là lời hứa, hướng chúng ta đến mầu nhiệm Vượt Qua viên mãn của Đức Ki-tô.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 2

Dân chúng ngày xưa lũ lượt đến với Chúa. Thánh Luca liệt kê 7 nhóm dân cư của các vùng đất lớn, gồm cả vùng đất của dân ngoại. Họ đến cách đông đảo như thế chắc hẳn Chúa Giêsu phải có một sức thu hút mãnh liệt, một sự hấp dẫn tuyệt vời! Thánh Luca cho biết thêm lý do người ta tìm đến với Chúa là để được hưởng phép lạ chữa bệnh hoặc để tò mò xem phép lạ mà thôi. Niềm tin của họ quả còn hời hợt, sự gắn bó của họ với Chúa cũng còn nông cạn, nhưng Chúa vẫn châm chước cho họ. Chúa quý trọng một niềm tin đang bắt đầu chớm nở như thế. Và để thưởng cho thiện chí tin cậy của họ, Chúa ra tay chữa lành.

Ngày nay chúng ta cũng theo Chúa và mang danh Kitô hữu, nhưng lắm lúc sao bản thân cảm thấy mệt mỏi, phải cố gắng lắm mình mới có thể thực hiện việc đọc kinh tối hay phải ngồi lại cầu nguyện với Chúa ít phút. Dường như Chúa không còn gì hấp dẫn nữa. Có khi nào chúng ta cảm thấy việc đọc kinh cầu nguyện hay dự lễ ngày Chúa Nhật trở thành một gánh nặng không? Có khi nào chúng ta cảm thấy quyền năng của Thiên Chúa  dường như bị thui chột đi rồi, vì bao nhiêu điều mình cầu xin cùng Ngài không được đáp ứng?

Hoàn toàn không phải vậy, vì Thánh Kinh quả quyết: “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”.

Vậy, nếu như Thiên Chúa không còn hấp dẫn đối với ta là vì ta không thật sự gặp được Ngài. Đọc kinh xem lễ cho xong bổn phận không diễn tả được niềm khao khát mong mỏi được gặp Thiên Chúa. Trong khi đó, ơn được gặp Chúa chỉ được trao cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài: “Nếu các ngươi  hết lòng tìm kiếm Ta, Ta sẽ cho các  ngươi  được gặp” (Jeremiah 29,13-14).

Gặp gỡ Chúa, đụng chạm đến Ngài đã là một sự vui thỏa cho linh hồn; nhưng Chúa Giêsu còn hứa ban một ơn khác vượt xa ơn huệ đó, đó là ơn hiểu biết về chính Người. Đức Kitô dành ơn đó cho những ai hết lòng yêu mến và tuân giữ Lời Người: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21). Trong những cuộc tâm giao của những giờ cầu nguyện, Chúa Giêsu sẽ thực hiện điều đó.

Chúa biết ta và ta biết Chúa sẽ làm cho tình yêu đôi bên càng thêm bền vững. Nói cách khác, tình yêu càng được đặt nền trên sự hiểu biết lẫn nhau thì càng thêm keo sơn bền chặt.

Kitô hữu phải đạt đến mức độ yêu thương đó với Chúa của mình. Nếu không đạt đến mức độ đó, nghĩa là không có một sự yêu thương gắn bó nào với Thiên Chúa, không có gì ràng buộc với Ngài, thì khi sóng gió cuộc đời xảy đến chúng ta sẽ dễ dàng lìa bỏ Ngài. Bởi lẽ chúng ta có thể tự hỏi, việc gì tôi phải trung thành với một Thiên Chúa mà tôi không cảm thấy hấp dẫn? Nhưng nếu như thế thì quả là đại họa cho phần rỗi đời đời của mình vì “bỏ Chúa thì búa bổ đầu”!

Nguyên nhân của những điều ấy cũng tại những ai đã không cầu nguyện cho ra hồn. Trái lại, nếu ai hết lòng khao khát gặp gỡ Thiên Chúa và lấy cả tâm hồn mà cầu nguyện thì sẽ được gặp gỡ và sẽ khám phá ra rằng, Ngài vô cùng hấp dẫn, đáng yêu đáng quý. Và Chúa Giêsu, Người không nỡ từ chối ban mọi ơn lành cho kẻ biết tôn kính và yêu thương Người bằng cả con tim.

Lạy Chúa, xin cho con cảm được niềm vui khi cầu nguyện và xin đốt lên ngọn lửa yêu thương trong trái tim con để con đừng bao giờ lìa xa Chúa mà vẫn trung kiên đến cùng, nhất là những lúc cuộc đời con ngập tràn bóng tối. Amen. 


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường