Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XIII Thường niên năm A

Filled under:

Chúa nhật 13 thường niên năm A
Phúc Âm Mt 10, 37-42
“còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”
SIÊU THOÁT
Càng từ bỏ càng siêu thoát. Nhân loại hôm nay đang cần những con người biết từ bỏ mọi sự để tìm chân lý. Nói khác, con người siêu thoát là một nhu cầu cấp thiết nhất cho sự sống còn của nhân loại. Nếu chết dí dưới đống dữ kiện khoa học và kỹ thuật, con người sẽ không tìm được hướng giải thoát cho chính cuộc sống. Nhân loại hôm nay đang căng thẳng vì lo âu mọi mặt. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thúc đẩy các Kitô hữu hãy cống hiến cho những người đang ưu tư đau khổ “những câu giải đáp của chân lý và hi vọng” bằng cách trình bày cho họ một triết lý siêu việt (Zenit 24/06/2002). Triết lý đó không đến với những con người suốt ngày cắm đầu vào những đống dữ kiện khổng lồ và chết ngộp trong đời sống dư thừa vật chất. “Song song với những khám phá khoa học lạ lùng và những tiến bộ kỹ thuật kỳ diệu, chúng ta đang chứng kiến hai mất mát lớn: mất mát Thiên Chúa và hiện hữu, mất mát linh hồn và nhân phẩm. Đôi khi sự kiện này sinh ra những hoàn cảnh khó khăn cần đến những câu trả lời trong chân lý và hi vọng.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Nếu không từ bỏ chính mình, con người sẽ không bao giờ tìm thấy những câu trả lời đó và sẽ không bao giờ khám phá thấy mình là ai. Quả thực, “văn hóa ngày nay nói và biết nhiều về con người, nhưng hình như không biết con người là ai. Thực vậy, con người chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn về chính mình trong ánh sáng Thiên Chúa. Con người là “hình ảnh Thiên Chúa – được tình yêu tạo dựng và được an bài sống hiệp thông đời đời với Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Hình ảnh này chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu và những ai đang“theo Thầy”.
Nguồn: Giáo phận Cần Thơ

Xem Videoclip


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:52

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật XIII thường niên Năm A

Filled under:




CAU  HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 11,25-30
25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
  1. Đức Giêsu nói đoạn Phúc âm này “vào lúc ấy”. “Vào lúc ấy” là lúc nào?  “Lúc ấy” có khác với “ngay giờ ấy” trong Lc 10, 21 không?
  2. Theo bạn, bài Phúc âm này gồm có mấy phần? Cho biết nội dung của mỗi phần.
  3. Đọc Mt 11,25. Khi gọi Cha là “Chúa tể trời đất”, Đức Giêsu coi Chúa Cha là Đấng thế nào?
  4. Đọc Mt 11,25. “Những điều này” là những điều nào? Những người khôn ngoan thông thái là ai? Những người bé mọn là ai? Đọc Mt 10,42; 11,11; 18,6.10.14; 25,40.45.
  5. Đọc Mt 11,26. Tại sao Chúa Cha che giấu với hạng người này và mặc khải cho hạng người kia? Ngài có độc đoán hay thiên vị không? Để ý động từ “muốn” ở Mt 11,27.
  6. Đọc Mt 11,27. Câu này có cho thấy sự cao trọng độc nhất vô nhị của Đức Giêsu không?
  7. Đọc Mt 11,27. Nếu chỉ Chúa Cha biết Chúa Con, và chỉ Chúa Con biết Chúa Cha, thì làm sao chúng ta biết được Chúa Cha hay Chúa Con? Đọc Ga 1,18; Mt 11,25.27; 16,17; 17,5.
  8. Đọc Mt 11,28. Đâu là cái gánh nặng nề mà những người Do-thái thời Đức Giêsu phải chịu? Đọc Mt 23,4. Đức Giê su hứa cho họ điều gì?
  9. Đọc Mt 11,29. “Ách của Đức Giêsu” ở đây là gì? Đọc Mt 7,14; 10. Đức Giêsu mời chúng ta học gì nơi con người Ngài?
  • Đọc Mt 11,30. Tại sao ách và gánh của Đức Giêsu thì êm ái, nhẹ nhàng? Bạn có kinh nghiệm này không?

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:49

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/06/2017

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 8: 1-4)

Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh". Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môisen để minh chứng cho họ biết".
 
SUY NIỆM 1

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị bệnh phong cùi. Để có thể hiểu hết ý nghĩa lớn lao của việc lành sạch đối với người bệnh này, chúng cần trở về với những quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu. Quả vậy, do cách nhìn của thời bấy giờ, người bị bệnh phong cùi không chỉ phải chịu đựng những nỗi đau đớn về thể xác do căn bệnh nan y này gây ra, nhưng họ còn phải chịu đau khổ bởi sự cách ly, xa tránh của cộng đoàn, của xã hội. Vì thế, việc chữa lành của Chúa Giêsu không chỉ phục hồi sức khoẻ của người bệnh về mặt thể lý nhưng còn mang ý nghĩa lớn lao hơn gấp trăm nghìn lần đó là đưa anh ta được hội nhập với cộng đoàn. Chính Chúa Giêsu đã cho người bệnh phong cùi một cuộc đời mới tràn đầy niềm vui và hy vọng, xứng với phẩm giá của một con người.

Tuy nhiên, phép lạ chữa lành này chỉ xảy ra do kết quả của cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người bệnh. Nếu như nơi Chúa Giêsu chúng ta khám phá ra dung mạo của một Thiên Chúa quyền năng luôn quan phòng yêu thương và săn sóc con người, thì nơi người bệnh phong cùi, chúng ta lại nhận ra một lòng tin tưởng mạnh mẽ sẵn sàng vượt qua mọi rào cản của định kiến để được đụng chạm đến lòng thương xót của Chúa.

Mỗi người chúng ta không ít lần cũng mắc phải những chứng bệnh nan y, cả về thể lý lẫn tâm linh. Chúng ta cần luôn hun đúc niềm tin của mình vào tình yêu quan phòng của Chúa bởi đó là điều kiện cần thiết để phép lạ chữa lành có thể được tái diễn nơi chính cuộc đời chúng ta. Nhờ đó, lòng thương xót của Chúa mới thật sự đụng chạm và mang lại cho chúng ta một cuộc sống mới tràn đầy bình an và niềm vui, xứng đáng với phẩm giá là những người con của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con tin rằng không có gì là không thể đối với Chúa. Xin cho chúng con luôn tin tưởng vào tình yêu và quyền năng của Ngài, ngõ hầu chúng con có thể tự tin vượt qua và lướt thắng mọi trở ngại để luôn được sống trong bình an và hy vọng của cuộc đời làm con Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2
Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin ?
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.
“Nếu Ngài muốn” : anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.
Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).
Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.           
Lời nguyện
Lạy Chúa
in ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu lời Chúa
những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương,
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính ta.”
Mẹ Têrêxa Calcutta

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:45

Tin Công giáo thế giới ngày 29/06/2017

Filled under:





Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh là Tổng Giám Mục đầu tiên nhận dây Pallium từ tay Đức Thánh Cha

Sau khi dây Pallium được làm phép, cuối thánh lễ sáng thứ Năm 29 tháng 6, Đức Thánh Cha đã trao tận tay dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục.

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh là người đầu tiên trong số 36 Tổng Giám Mục được nhận dây Pallium.

Đúng thế, ngài là người đầu tiên bước lên lễ đài đón nhận dây Pallium từ tay Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trước đây việc trao dây Pallium diễn ra như sau: sau khi Đức Thánh Cha làm phép các dây Pallium, các vị Tổng Giám Mục tiến đến quỳ trước mặt ngài và Đức Thánh Cha sẽ choàng dây lên vai vị Tổng Giám Mục.

Tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng buổi lễ trao dây Pallium chính thức cho các Tổng Giám Mục Chính Tòa từ nay trở đi sẽ diễn ra tại các giáo phận của vị Tổng Giám Mục chứ không phải ở Vatican như trước.

Sứ thần Tòa Thánh hay Khâm Sứ Tòa Thánh sẽ bàn thảo với vị Tổng Giám Mục ngày giờ và, hoàn cảnh hợp lý nhất để “công khai và chính thức” trao dây Pallium cho ngài nhân danh Đức Thánh Cha với sự tham dự của các giám mục trong các giáo phận thuộc về giáo tỉnh; và cộng đoàn tín hữu địa phương.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:35

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 30/6/2017

Filled under:

NẾU CHÚA MUỐN, CHÚA CÓ THỂ
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,3)
Suy niệm: Các nữ tu phục vụ một trại phong ở miền Trung nói với khách tham quan rằng mỗi gia đình người phong có một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, nhưng kiểu nhà và màu sắc khác nhau một chút. Tại sao vậy? Để người phong không cảm thấy bị đối xử như “cá mè một lứa.”  Các nữ tu ấy đã điều trị cho người phong không chỉ bằng thuốc men, nhưng với cả tấm lòng của mình. Cũng vậy, Đức Giê-su luôn tế nhị, sẵn lòng đón tiếp và chữa lành cho các người phong. Ngài đụng vào người phong này không phải chỉ bằng đôi bàn tay, nhưng với cả tấm lòng trắc ẩn của mình. Còn người phong, hiếm có lời cầu xin nào khiêm tốn và đầy tin tưởng cho bằng lời của người phong này: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người phong ấy đến với Chúa với ước mong được Ngài chữa lành, với lòng phó thác, đặt ý Chúa trên ý muốn của anh.
Mời Bạn: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Khi bạn phó thác cho ý muốn của Chúa, Ngài sẽ ban cho bạn những gì tốt đẹp nhất. Bạn hãy xét lại lời cầu nguyện của mình, phải chăng lâu nay bạn thường “ép” Chúa phải làm theo ý muốn bạn, hay tin tưởng, phó thác nơi ý muốn nhân lành của Ngài?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thêm chữ “Nếu Chúa muốn…” vào các lời cầu nguyện của mình, để tập sự khiêm tốn và phó thác hơn vào lòng nhân hậu của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chắc hẳn Chúa hài lòng trước lời cầu xin lịch lãm và phó thác của người phong lạ đời ấy. Xin cho con noi theo lời cầu xin mẫu mực này: lúc nào cũng biết thưa “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể…” khi cầu xin, để lòng con thuận theo ý Chúa muốn, chứ không phải bắt Chúa theo ý con.



Các Vị Tử Ðạo Tiên Khởi ở Rôma
(c. 68 A.D.)
Nhiều năm sau khi Ðức Giêsu về trời, chỉ có khoảng một chục người Kitô Giáo ở Rôma, dù rằng họ không phải là những người tòng giáo của "vị tông đồ Dân Ngoại" (Rom 15:20). Khi Thánh Phaolô viết lá thư ấy vào khoảng 57-58 A.D. thì ngài chưa đến thăm họ.
Ở Rôma có nhiều người Do Thái. Có lẽ vì sự tranh chấp giữa những người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô Giáo mà Hoàng Ðế Claudius đã trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi Rôma trong những năm 49-50 A.D. Sử gia Suetonius nói rằng việc trục xuất là vì những xáo trộn trong thành phố "gây nên bởi một vài Kitô Hữu." Có lẽ sau khi Claudius từ trần, nhiều người đã trở lại đây vào năm 54, vì lá thư của Thánh Phaolô dường như viết cho một giáo đoàn Dân Ngoại đông đảo.
Vào tháng Bảy năm 64, hơn một nửa thành phố Rôma bị tiêu hủy vì hỏa hoạn. Người ta đồn rằng chính Hoàng Ðế Nero đã gây ra thảm kịch này vì muốn nới rộng cung điện của ông. Nero đã mưu mô đánh lạc hướng bằng cách kết tội người Kitô Giáo. Theo sử gia Tacitus, một "số đông" Kitô Hữu đã bị chết vì "sự thù hận của con người." Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có lẽ cùng chung số phận với những người này.

Lời Bàn
Bất cứ đâu Tin Mừng của Ðức Giêsu được rao giảng, ở đó có sự chống đối như Ðức Giêsu đã từng gặp, và nhiều người theo Ngài đã chia sẻ sự đau khổ và sự chết của Ngài. Nhưng không một sức lực nào của loài người có thể ngăn chặn quyền năng của Thần Khí đang giải thoát thế giới. Máu của các vị tử đạo đã từng là, và sẽ luôn luôn là hạt giống đức tin.

Lời Trích
Ðức Giáo Hoàng Clêmentê I, người kế vị Thánh Phêrô đã viết: "Chính vì sự đố kỵ và ghen ghét mà các trụ cột vĩ đại và chính trực của Giáo Hội đã bị bách hại và đã chiến đấu cho tới chết... Trước nhất, Thánh Phêrô, vì sự ghen tương vô lý ngài phải đau khổ không chỉ một hoặc hai lần nhưng nhiều lần, và như thế ngài đã hy sinh làm chứng, đã đến nơi vinh hiển mà ngài đáng được. Vì sự đố kỵ và tranh chấp, Thánh Phaolô đã cho thấy cái giá của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, và bị ném đá; là một sứ giả từ đông sang tây, ngài đáng được kính phục vì đức tin của ngài...
"Chung quanh các đấng ấy là một đám đông những người được tuyển chọn, mặc dù là nạn nhân của sự ghen ghét, họ đã đem cho chúng ta gương mẫu cao quý nhất về sự chịu đựng khi bị tra tấn và sỉ nhục. Vì sự đố kỵ mà các phụ nữ phải đau khổ, như bà Dirce hoặc các con gái của Danaus, họ phải đau đớn khủng khiếp vì các hành động thô bạo. Nhưng họ đã can đảm chu toàn đức tin bất kể sự yếu đuối của thân xác và đã chiếm được phần thưởng cao quý."

Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ

Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.
Ông giáo sư cầu cóng không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:25

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Trao Chứng Chỉ Giáo Lý cho Lớp Giáo Lý Vào Đời

Filled under:

Sau cuộc hành trình dài hơn 120 km từ nhà thờ Sơn Lộc đến núi Tao Phùng, Vũng Tàu, 7 giờ 30 sáng ngày 26/6/2017, tại chân tượng Chúa Kito, cha xứ Simon đã chủ sự nghi thức trao Chứng chỉ  Giáo lý Vào đời cho 17 em đã học xong lớp giáo lý vào đời niên khóa 2016-2017.







































Posted By Đỗ Lộc Sơn11:49

Bài giảng CN XIII thường niên A - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:


Điều kiện theo Chúa (Mt 10,37-42)

Willton Rix có kể một câu chuyện đầy kịch tính như sau “Vào một sáng mùa đông tuyết lạnh, Sadhu Sundar Singh và một người bạn du lịch qua miền núi Bắc Ấn Độ. Thình lình một cơn bão tuyết ào ào đổ tới, gió lạnh gào thét bên tai họ, khiến hai người phải chống trả hết sức khó khăn.
Đang lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy, họ lại thấy một người đàn ông nằm vất vưởng bên đường chờ chết. Sadhu muốn dừng lại để cứu giúp người bị nạn, nhưng bạn ông cho rằng, nỗ lực ấy chỉ hoài công thôi. Vì để cứu lấy chính mình trong lúc này cũng đã vất vả lắm rồi. Và ông bạn ấy đã bỏ đi.
Chạnh lòng xót thương, Sadhu ở lại bên kẻ bất hạnh, xoa nóng tay chân con người sống dở chết dở ấy. Với sức lực còn lại, Sadhu cố gắng cõng anh trên lưng và khó nhọc đi qua vùng bão tuyết. Hơi ấm của hai thân thể hòa quyện lấy nhau khiến người kia hồi sinh và cả hai cùng mạnh sức.
Đi khoảng một dặm, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một xác chết lạnh cóng bên vệ đường. Họ càng sững sờ hơn nữa khi nhận ra đó chính là anh bạn cùng đi với Sadhu sáng nay.
Nghĩa cử yêu thương của Sadhu đã minh chứng hùng hồn cho lời nói của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay:”Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Ông bạn của Sadhu đã cố giữ lấy mạng sống mình nên đã mất mạng, còn Sadhu liều mất mạng “vì anh em” nên đã được sống.

Trường hợp của Sadhu cũng chỉ nói lên một chút thoáng qua chốc lát, nhưng còn có những trường hợp Chúa đòi ta phải hy sinh liên lỷ và kéo dài cả hàng mấy chục năm như trường hợp của thánh nữ Macđala Môranô.

Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho chị Mácđala Môranô, là một nữ tu thuộc dòng Đức Mẹ Phù Hộ. Ngay từ thuở niên thiếu, Mácđala đã phải nếm mùi tang tóc, chỉ trong vòng một tháng, thần chết đã hai lần đến gõ cửa nhà chị và cướp mất hai cột trụ của gia đình: người cha và người chị cả, những ngày đen tối bắt đầu đè nặng trên vai bà quả phụ Catarina với bốn đứa con thơ dại.
Hồi đó Mácđala mới 8 tuổi, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan và chín chắn, thấy mẹ đau buồn và khóc hoài, chị thường nói với mẹ: “Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa, chẳng bao lâu con sẽ khôn lớn và con hứa sẽ giúp mẹ thật nhiều như bố và chị Phanxica đã giúp mẹ vậy”. Nhưng không phải tới lúc khôn lớn mà ngay từ bây giờ, vì nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Mácđala đã ngồi xuống trước guồng tơ dệt chỉ mà chị Phanxica đã để lại.
Một hôm, tình cờ cha Bandenla, người anh họ của mẹ đến chơi và biết Mácđala không được đi học, cha hứa sẵn sàng phụ giúp thêm vào nhu cầu vật chất của gia đình và trả tiền học phí cũng như tiền sách vở cho Mácđala đi học. Sau hơn 10 năm chăm chỉ học tập, chị đã tốt nghiệp và trở thành một cô giáo trường làng, thế là Mácđala đã bắt đầu làm việc để phụ giúp gia đình. Suốt 16 năm trời, chị đã giữ lời hứa với mẹ, hơn nữa, chị biết mẹ luôn ấp ủ một ước muốn thầm kín là có được một căn nhà với mảnh vườn nho nhỏ, những luống rau và mấy giàn nho ngon ngọt. Vì thế, chị đã chuyên cần làm việc và âm thầm dành dụm, giảm bớt chi tiêu không cần thiết. Đến ngày sinh nhật thứ 30 của mình, Mácđala dẫn mẹ đến xem mảnh đất với căn nhà và khu vườn như mẹ mong ước, chị âu yếm nói với mẹ: “Thưa mẹ, đây là món quà con xin biếu tặng mẹ, con chỉ xin mẹ một điều là cho phép con tận hiến cuộc sống còn lại của con cho Chúa để đáp lại tiếng gọi của Ngài vẫn thúc giục con từ lâu rồi”.
Quyết định của Mácđala đã gây đau khổ nhiều cho mẹ chị, cho cha xứ, bạn bè và các phụ huynh học sinh của chị, vì họ mất đi một người con hiếu thảo, một người bạn tốt, một giáo viên gương mẫu, một người giáo dân nhiệt thành việc tông đồ. Trái lại, trong tâm hồn chị trào dâng một niềm vui mừng, vì chị có thể thực hiện được ước mơ chị đã ấp ủ từ lâu.
Ngày chia ly không khỏi ngậm ngùi đau xót, nhưng chị đã tìm được sức mạnh nơi tình yêu và lời nói của Chúa: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy”. Đồng thời chị cũng được sự an ủi vì tin vào lời Chúa đã hứa: “Quả thật, Thầy bảo cho anh em rõ, không ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con, anh chị em vì nước Thiên Chúa mà lại chẳng lãnh nhận gấp trăm ở đời này và sẽ được sống đời sau”. Thật vậy, lời hứa ấy đã thể hiện qua suốt 30 năm sống đời tận hiến, trong đó, hơn 25 năm hăng say với sứ mệnh tông đồ giữa giới trẻ nghèo khổ, bị bỏ rơi tại đảo Xixilia. Và Chúa đã thưởng công cho chị qua việc Đức Giáo Hoàng tôn phong chị lên bậc chân phước để mọi người ngưỡng mộ và tôn kính.
Kể lại câu chuyện trên để minh họa cho bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng này là đoạn cuối trong bài giảng dạy về truyền giáo của Chúa Giêsu. Ngài nói với các tông đồ, và qua các ông, nói với mọi Kitô hữu về sự từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài và Ngài hứa ban thưởng bội hậu cho họ.
Tại sao Chúa đòi hỏi như vậy và đòi hỏi như vậy có nghịch lý không?
Quả thực, con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý, một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết điều kiện đó là phải từ bỏ tất cả: gia đình, của cải, nghề nghiệp và chính bản thân mình. Cái nghịch lý là ở chỗ đó. Muốn theo Chúa, phải từ bỏ hết, phải từ bỏ tất cả, nghĩa là coi Chúa hơn hết tất cả mọi người, hơn hết tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa thôi.
Có người cho rằng: những điều trên đây Chúa chỉ dạy riêng cho những người đi tu mà thôi, nói thế cũng đúng, nhưng những lời Chúa dạy đây không phải là không áp dụng được cho tất cả chúng ta, bởi vì với mỗi người, Chúa cũng đòi hỏi phải từ bỏ, không phải từ bỏ để đi tu hay để làm tông đồ cho Chúa, nhưng trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cái, nhiều điều và nhiều lần phải từ bỏ.
Tóm lại, trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.Amen.

Posted By Đỗ Lộc Sơn10:58

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29/06/2017

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 16: 13-19)

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?". Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?". Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc, và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". 
 
SUY NIỆM 1

Hôm nay Giáo Hội hoàn vũ long trọng mừng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài đã trở nên những trụ cột của Hội Thánh Chúa Kitô bằng chính đời sống chứng tá của mình. Với sự lãnh đạo khôn ngoan, lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, với những giáo huấn vừa uyên thâm vừa thiết thực, và với niềm tin kiên trung, hai vị tông đồ cả đã xây dựng nên những nguyên lý nền tảng cho đời sống Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai và lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Điều đáng nói ở đây là Thiên Chúa lại chọn gọi những người rất bình thường, thậm chí là tầm thường để thực hiện những sứ vụ cao cả trong chương trình cứu độ của Ngài. Thánh Phêrô, cũng như bao ngư phủ khác, là người cũng có không ít những khiếm khuyết, bất toàn: bất đồng, nhát đảm và đã từng chối bỏ Thầy Giêsu đến ba lần. Thánh Phaolô trước khi trở thành người tông đồ của dân ngoại đã từng là một người khét tiếng chuyên bách hại các Kitô hữu. Thế nhưng vượt lên trên tất cả là tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho các ngài. Chính tình yêu đó đã biến đổi các ngài trở nên những tông đồ đầy nhiệt tâm và hiến dâng trọn vẹn, kể cả mạng sống của mình cho Đức Kitô và Hội Thánh của Người.

Mừng kính ngày lễ hôm nay, chúng ta hãy cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ vì đã ban cho Giáo Hội những vị tông đồ làm gương mẫu cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta. Đồng thời, qua lời chuyển cầu của các ngài, xin cho chúng ta mỗi ngày được cảm nhận sâu xa hơn tình yêu Thiên Chúa dành cho cuộc đời từng người chúng ta, ngõ hầu chính chúng ta cũng trở nên những ‘tông đồ’ nhiệt thành loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho muôn người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần Tình Yêu Chúa trên mỗi người chúng con và biến đổi chúng con thành những khí cụ hữu dụng để mang tình yêu cứu độ của Chúa đến mọi người.

Lạy Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ xin cầu cho chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường đi đến các làng xã vùng Cêsarê Philiphê, là miền dân ngoại ở phía bắc Galilê. Đó là một nơi xa khỏi vùng mà Đức Giê-su và các môn đệ của Người thường xuyên lui tới. Dọc đường, Đức Giê-su hỏi các môn đệ hai câu hỏi liên quan đến chính căn tính của mình : câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? » chuẩn bị cho câu hỏi thứ hai : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? ».
Dường như để đặt cho nhau những câu hỏi thiết thân, nghĩa là tỏ bày cho nhau người này là ai đối với người kia, người ta cần phải giữ khoảng cách với thực tại, bằng cách đến một nơi xa lạ để sống thân tình với nhau.
1. « Người ta nói Thầy là ai ? »
Đúng là, để trả lời đích thân cho Chúa và đi vào tương quan thiết thân với Ngài, chúng ta phải vượt qua những gì « người ta » nói về Ngài, và cũng đúng là những gì người ta nói về Ngài vẫn chưa là điều Ngài thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với con người. Nhưng, để giúp các môn đệ và giúp chúng ta hôm nay hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm Nhập Thể và nhất là về cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ, những gì người ta nói về Ngài có một ý nghĩa thực sự quan trọng.
Thật vậy, các môn đệ trả lời : « Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ ». Như thế, Chúa Giê-su ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của ngôn sứ Gioan, một chút của ngôn sứ Elia, một chút của ngôn sứ Giêrêmia ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời « nhảy xuống » cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế, chắc hẳn Ngài sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.
Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của ngôn sứ Gioan. Theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ Đau Khổ là hình ảnh biểu tượng của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ nơi chính cuộc đời của mình.
Thánh Phê-rô đã không hiểu ra điều này, mặc dù đã tuyên xưng đúng căn tính của Chúa. Bởi vì, điều khó vừa khó hiểu và vừa khó chấp nhận, đó là con đường Ngài chọn để bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa cho các môn đệ, cho loài người, cho từng người trong chúng ta. Chính vì thế, bao lâu mầu nhiệm Vượt Qua chưa được hoàn tất, Ngài « cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô » (c. 20).
2. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »
Sau câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? », Ngài hỏi các môn đệ : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để lắng nghe câu hỏi này của Đức Giê-su, vì đây là câu hỏi không thể tránh né được, nhằm đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong hành trình đi theo Thầy Giê-su của các môn đệ, và vì đó cũng là câu hỏi Đức Giê-su hỏi đích thân mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, trong đời sống gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, có một lúc nào đó, và có thể là lúc này, Ngài cũng đích thân hỏi chúng ta : « Còn con, con nói Thầy là ai ? ».
Với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Bởi lẽ, đó là nói lại điều người khác nói về Chúa, đó là những thông tin. Đức Giêsu đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng một mình thánh Phêrô trả lời, bởi lẽ câu hỏi này đòi hỏi mỗi người phải trả lời đích thân. Và sau khi người môn đệ tuyên bố Đức Giê-su là ai đối với mình, Ngài sẽ dẫn các ông đi xa hơn và sâu hơn vào cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ và qua đó, Ngài bày tỏ ngôi vị thần linh và tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa : “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (c. 21)
Giống như hai người trẻ, sau một thời gian tìm hiểu, và nhất là đón nhận những ân huệ của nhau (quà tặng, thời gian, sự hiện diện và nhất là tình yêu), nhưng sẽ đến một lúc nào đó phải dừng lại, tìm một nơi thanh vắng, cách xa với môi trường sống quen thuộc, để tĩnh tâm, cầu nguyễn và suy nghĩ về việc có nên trao ban cho nhau lòng tin hay không, nghĩa là đặt cuộc đời của mình vào tay người kia, và cùng nhau suy nghĩ về một lựa chọn dứt khoát : có nên thuộc về nhau suốt đời hay không ? Mỗi người được mời gọi đưa ra quyết định : người kia là ai đối với mình suốt đời ? Cũng vậy, trong hành trình đi theo Chúa trong một ơn gọi, mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý hay truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một.
Vậy sau bằng đó năm đi theo Chúa, với tư cách là Ki-tô hữu trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, mỗi người chúng ta đã nghe Chúa đặt câu hỏi này cho mình chưa : « còn con, con nói Thầy là ai ? » Nếu có, chúng ta đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay chúng ta chỉ nghe và trả lời giống như người ta nói về Chúa mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người trưởng thành ?
Dĩ nhiên là chúng ta có thể trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô? Và tôi sẽ đi theo Ngài và dấn thân như thế nào để sống câu trả lời của tôi ?
3. Mối phúc và sứ mạng
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đây là lời tuyên xưng đức tin, qua đó thánh Phê-rô đại diện cho tất cả những người tin thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, nhìn nhận căn tính thần linh của con người Đức Giê-su Nazareth. Lời tuyên xưng đức tin này không có nguồn gốc con người, như Đức Giê-su xác nhận : « không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy », nhưng đến từ mặc khải của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự trên trời. Và niềm tin nơi Đức Ki-tô là một mối phúc : « Này anh Simon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc », phúc của thánh Phê-rô đã tuyên xưng niềm tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhờ mặc khải của Thiên Chúa, và phúc của chúng ta hôm nay, vì cũng tuyên xưng và sống cùng một niềm tin.
Xin cho chúng ta cảm nhận được mối phúc này mỗi ngày và suốt đời trong niềm vui, vì niềm tin chúng ta đặt để nơi Đức Ki-tô : đức tin của chúng ta thiết yếu không phải là một hệ thống tư tưởng hay nguyên tắc luân lí, nhưng là ngôi vị sống động và thần linh, là Đấng Cứu Độ, mang lại cho chúng ta tình yêu, lòng bao dung, ý nghĩa, đường đi, sự hiểu biết, sức sống và chính sự sống.
Nhưng thế nào là một mặc khải của Thiên Chúa về Đức Ki-tô ? Chắc chắn đó không phải là một sự nhận biết bất chợt và một lần là xong ; như chính Đức Ki-tô nói với thánh Phê-rô : « Điều Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu » (Ga 13, 7). Đặt mối phúc của thánh Phê-rô trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của ngài, chúng ta nhận ra rằng, mặc khải về căn tính thần linh của Đức Ki-tô đến từ chính kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô, đi theo, ở lại, lắng nghe, hiểu biết, để cho Người rửa chân, trao ban và yêu thương đến cùng, mỗi ngày và suốt đời. Kinh nghiệm đức tin của hai Thánh Tông Đồ giúp chúng ta nhận ra điều này : Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Pl 3, 7-9)
Đó là lời của thánh Phao-lô, nhưng thánh phê-rô cũng có cùng một kinh nghiệm sâu đậm về hiểu biết và lòng mến đến cùng dành cho Đức Ki-tô (x. Ga 21, 1-20). Chúa tin tưởng trao ban cho thánh Phê-rô, vừa với tư cách là “Đá Tảng” và vừa với tư cách là đại diện các tông đồ và các thừa tác viên (x. Ga 20, 23) một quyền rất lớn, đó là quyền tháo cởi hay cầm buộc. Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tin tưởng trọn vẹn mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho con người mòng dòn ở dưới đất. Nhưng trong lịch sử, đã có lúc Giáo Hội mê quyền cầm giữ hơn quyền tha tội, đã tách biệt quyền bính với sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô. Không gắn bó với Đức Ki-tô, không hiểu Ngài cách sâu xa, nhất là mầu nhiệm Thập Giá , không nhớ lại kinh nghiệm được thương xót, không để cho Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta rất dễ sử dụng quyền bính Chúa ban không phải để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, nhưng để lên án loại trừ và giết chết, theo năng động của Sự Dữ.
Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phê-rô, nhưng đá tảng Phê-rô lại được nâng đỡ bởi lòng thương xót.

(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:17