Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Tin Công giáo thế giới ngày 02.09.2017

Filled under:



Nhà học giả, nghiên cứu Pháp Dominique Wolton kể các buổi nói chuyện với Đức Phanxicô, ông ấn tượng bởi tính đơn giản khó tin được của ngài. Ông Wolton có mười hai buổi nói chuyện với Đức Giáo hoàng, quyển sách Chính trị và Xã hội của ông sẽ phát hành ngày 6 tháng 9-2017.
francetvinfo.fr, 2017-09-01
Cuộc phỏng vấn đề cập đấn đề người di dân, thế tục, nạn ấu dâm trong Giáo hội, quan hệ với hồi giáo ... Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn của nhà học giả, nghiên cứu Dominique Wolton trong một loạt các buổi phỏng vấn, không ít hơn mười hai buổi trong vòng một năm. Nhà nghiên cứu giữ lại hình ảnh của một “người cực kỳ trí thức, nói chuyện đơn giản một cách lạ lùng”.
franceinfo: Làm thế nào ông thuyết phục được Đức Giáo hoàng và theo ông, vì sao ngài nhận lời?
Dominique Wolton: Tôi đề nghị với ngài dự án phỏng vấn mà không biết mảy may gì. Tôi viết cho ngài “Và đây là lý lịch của tôi, những gì tôi làm và tôi xin đề nghị với ngài một quyển sách về chính trị”. Tôi đính kèm bố cục quyển sách mà tôi đã chuẩn bị. Điều làm cho ngài chấp nhận, trước hết tôi là nhà khoa học. Điều này trấn an ngài so với một ký giả, sẽ không có cùng một vấn đề. Tôi là người thế tục Pháp, điều làm cho ngài thích vì ngài rất thích nước Pháp và ngài thích thảo luận về thế tục. Điều thứ nhì ngoài dự trù của tôi, là khi chúng tôi gặp nhau, đích thực có sự gặp gỡ giữa con người và con người. Có những điểm chung đã có sẵn giữa chúng tôi nhưng chúng tôi khác nhau hoàn toàn, nhưng như thế lại tạo ra đối thoại và thông hiệp này.
Buổi nói chuyện xảy ra như thế nào? Hai người đối diện với nhau?
Đúng. Lần đầu tiên, họ để tôi chờ ở một văn phòng nhỏ và tôi có mang theo một thông dịch viên để giúp tôi vì tôi không giỏi tiếng Ý cũng như tiếng Tây Ban Nha. Cánh cửa mở và người mặc áo trắng đi vào. Sau đó thì khi nào chúng tôi cũng ở một mình với nhau. Không phải dễ để nói chuyện với một giáo hoàng! 
Người trước mặt ông là người như thế nào? Người ăn nói giỏi? Một tu sĩ Dòng Tên? Đức Giáo hoàng? 
Điều đánh động tôi ngay lập tức là lòng nhân lành, hai cặp mắt, sự dễ thương, một loại dịu dàng không thể tưởng tượng được, một ý chí rất kiên cường, một sự sáng suốt thực sự và đơn giản lạ lùng. Chúng tôi ‘móc nối’ về mặt tri thức ngay. Ngay sau đó là phát triển trên bình diện tình bạn, không nói màu mè, nếu có thì rất tối thiểu. So với một số chính trị gia tôi biết, các Tổng thống Pháp, các chính trị gia vênh vang với lối nói màu mè thì Đức Phanxicô cực kỳ đơn giản! Đó là lý do vì sao ngài thành công trên toàn thế giới. Người này, một con người cực kỳ trí thức, nói với một sự đơn giản lạ lùng, khó tin được. Ngài không đại diện cho Giáo hội truyền thống.
Theo ông ngài một mình? Chính ngài cũng nói đến cái lồng ...
Đúng. Cái lồng Vatican! Tôi cũng không nhận ra là người ta bị khóa kín ở đây đến như thế nào, như ngài nói, một cái lồng rất đẹp. Tôi nghĩ ngài không một mình. Ngài cũng có một số lớn người công giáo thuận với ngài và cũng có một số khác thù nghịch ngài, nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ nhân văn, chính trị, văn hóa với những người vô thần, những người theo thuyết bất khả tri vì ngài nói về chính trị. Chính vì vậy mà tôi thích. Tuy nhiên ngài ghét đạo đức giả, cứng ngắc, các chỉ trích về phong tục tập quán. Ngài có một cái nhìn về nhân bản vừa mang tính cách rất kitô giáo, vừa không ảo tưởng. Đây không phải là con người của cắt đứt. Điều đánh động tôi, đích thực là tinh thần chính trị cao cả, theo nghĩa in sâu trong tâm trí ngài là xây cầu, không xây tường, nghĩa là gắn kết, không loại trừ. Tôi thấy đây là một chính trị thông tuệ cực kỳ, trong nghĩa cao cả nhất của chữ “chính trị”. 
Và bây giờ ngài là bạn của ông?
Tôi nghĩ, những gì tôi có thể trình bày cho ngài và những gì tôi có thể nói với ngài là quan trọng, và ngược lại. Như ông biết, luôn luôn là như thế trong cuộc đời. Tôi có một quan hệ rất mạnh với triết gia, chính trị gia Raymond Aron, rất mạnh với Đức Hồng y Jean-Marie Lustiger, khá mạnh với chính trị gia Jacques Delors và rất mạnh với ngài. Dù sao, đây là cuộc gặp gỡ nhân bản và điều tôi giữ lại nơi ngài là sự sáng suốt và tinh thần lạc quan của ngài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bí mật hạnh phúc của một người mù Ấn Độ làm xôn xao Facebook

Bị mù từ khi mới sinh, một người ẩn danh làm chứng niềm hạnh phúc của mình trên trang Facebook của người dân Bombay, Ấn Độ. Lời chứng của ông được chia sẻ cả hàng chục ngàn lần. Bị mù từ khi mới sinh, ông chia sẻ niềm vui dù ông bị khuyết tật. Ông đã vượt qua các khó khăn to lớn từ khi sinh ra cho đến khi có được bằng cấp, làm ở ngân hàng, lập gia đình và nhất là có một niềm vui ... vô biên.
Karishma Mehta là một phụ nữ trẻ người Ấn, tân thời và chủ hãng, cô lập ra dự án “Humans of Bombay”. Đó là trang Facebook cô đăng các hình ảnh và các câu chuyện của người dân thành phố khổng lồ có đến 25 triệu dân này.
Qua trang này, số phận của các chân dung đủ loại này được 720.000 người xem, những người đàn ông, đàn bà thuộc đủ mọi thành phần, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ lớn bé ...
Gần đây, ngày 29 tháng 7 có một chia sẻ của một người ẩn danh 55 tuổi đã làm cho mọi người thật xúc động. “Khi tôi sinh ra được vài phút, các bác sĩ đã tuyên bố tôi bị mù. Năm tôi 16 tuổi, tôi được đưa đến Bombay để mổ nhưng không thành công. Tôi chấp nhận số phận của mình. Tôi học ở trường Victoria Memorial School dành cho người mù.
Tôi rất mê trường học, tôi có nhiều bạn và tôi học để được độc lập với các bạn. Gia đình tôi không có nhiều tiền, nhưng tôi thích được học nhiều hơn, nên tôi đi bán nhang sau giờ học và tôi ở lại đến khuya để tiếp tục học. Thỉnh thoảng tôi cũng đánh đàn trong một ban nhạc, tôi tiết kiệm từng đồng để đi học và tôi tốt nghiệp, cuối cùng tôi được Ngân hàng Quốc gia Ấn Độ nhận tôi vào làm việc!
Tôi mê công việc của tôi, các đồng nghiệp của tôi rất dễ thương. Họ dạy cho tôi cách nào để đi xe lửa một mình, nấu ăn một mình. Khi tôi có đủ tiền, tôi lập gia đình với tình yêu đời tôi .”
Ông có lời khuyên nào cho người khác? 
Sau 55 năm bị mù, lời khuyên đầu tiên tôi có thể nói là cuộc đời rất đẹp, dù nó có thế nào chăng nữa. Lời khuyên thứ nhì là bạn hãy yêu và chấp nhận tình trạng của mình, khi đó thế giới sẽ trở nên nơi tuyệt vời để bạn sống. Thường thường khi thấy tôi bị mù người ta hỏi tôi, các chiến đấu của tôi là gì, nhưng tôi không có chiến đấu, tôi không có vấn đề. Lý do duy nhất là tôi có tình yêu trong lòng, và tôi cảm thấy tình yêu này nơi vợ tôi, nơi các bạn đồng nghiệp của tôi. Khi tôi nghe các câu chuyện của những người bị suy thoái tinh thần, hoặc các người trẻ tự tử, tôi nghĩ họ có vấn đề. Thiếu tình yêu đích thực là bất hạnh mà ai cũng có thể thiếu và vì thế họ phải được thương nhiều hơn.
Với tất cả những ai gặp các khó khăn tưởng chừng như không vượt lên được, ông khuyên: “Hãy có tâm hồn tràn ngập tình yêu; chấp nhận và yêu thương hoàn cảnh hiện tại dù có như thế nào. Ông cho rằng: “Khiếm khuyết duy nhất là thiếu tình thương”. Một câu không thể không làm cho chúng ta nghĩ đến câu của Thánh Phaolô: “Nếu tôi không có đức mến thì tôi chẳng là gì (1 Co 13, 2).
Để minh chứng cho niềm vui này, lời tỏ tình của ông với vợ thật cảm động: “Tôi lập gia đình với tình yêu của đời tôi. Tôi không bao giờ thấy mặt bà, nhưng tôi biết tâm hồn của bà tuyệt vời, vì không có một ngày nào mà tôi không nói, không có bà, đời tôi như thiếu một cái gì. Chúng tôi sống một đời sống tuyệt vời với con gái chúng tôi”.
Marta An Nguyễn dịch