Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Thiếu kiên nhẫn là lỗi lớn nhất của bạn? Thánh Cyprien có thể giúp bạn! bởi phanxicovn

Filled under:

Linh mục Michael Rennier, người viết xã luận của báo Aleteia ấn bản tiếng Anh chia sẻ
Tôi thật sự không có một chút gì kiên nhẫn. Khi phim của tôi chưa tải nhanh được, tôi vội cho là Chúa phạt tôi! Khi trang web của tôi không chạy nhanh ... Nếu nó không hiện ra ngay, tôi đổi qua trang khác hoặc tôi đi làm chuyện khác! Khiếm khuyết này lan rộng ra trong mọi quan hệ khác. Tôi khó chờ quyết định của người khác khi tôi biết mình sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào rồi. Giống như tôi biết loại pizza nào mình đã muốn mua, hoặc tôi nghĩ tôi đã tìm ra giải pháp hay nhất để giải quyết mâu thuẫn. Ngắn gọn, tôi ghét chờ!
Một ngày nọ, tôi thấy ông ngoại tôi tỉ mỉ tháo bản lề cánh cửa cũ kỹ ra để rửa, ông để cả giờ để ngồi rửa trước khi ráp lại. Nếu là tôi, tôi sẽ vứt nó ngay lập tức, đi mua bản lề khác liền! Nhưng dĩ nhiên cách làm của ông ngoại tôi khôn ngoan hơn nhiều.
Thiếu kiên nhẫn có thể là khiếm khuyết lớn nhất của thời buổi chúng ta. Chúng ta lái xe nhanh, chúng ta ăn thức ăn nấu sẵn, chúng ta phê phán người khác trong nháy mắt, chúng ta muốn kiếm tiền nhanh và ai làm việc chậm thì chúng ta ... mất kiên nhẫn!
Dù thời buổi bây giờ mọi sự đều tiến nhanh, nhưng chuyện sốt ruột thì không phải là chuyện mới! Tôi có nhiều lý do để nghĩ, nếu tôi sống cách đây cả ngàn năm, tôi cũng thiếu kiên nhẫn!
Thánh Cyprien cũng thiếu kiên nhẫn. Thánh có lễ mừng ngày 14 tháng 9. Thánh sinh ở Bắc Phi vào thế kỷ thứ 3, thời đó cũng rất khó khăn. Các tín hữu kitô bị bách hại và một cách chung chung, họ được khuyên phải ẩn mặt. Khi đó Thánh Cyprien là giám mục của giáo phận Carthage. Ngài được dân chúng mến chuộng nhưng ngài được đề cử trái với ý của một số giám mục. Trong bầu khí bách hại và dè chừng này, một vụ tranh chấp thần học nổ bùng ra và Thánh Cyprien có những lời nói và mưu toan mà sau đó ngài hối hận. Khi dễ nổi nóng và cứng đầu không chịu thay đổi ý kiến, để cuối cùng ngài công khai tuyên bố bất đồng ý kiến với giáo hoàng.
Được thuyết phục bởi các phẩm chất của đức tính kiên nhẫn
Từ việc này, Thánh Cyprien tiêu biểu cho ... sự thiếu kiên nhẫn! Để gỡ tội, ngài ý thức và cố gắng cải thiện. Ngài viết một tác phẩm có tên Điều tốt lành của đức tính kiên nhẫn (De bono patientiae), trong quyển sách này ngài đưa ra những lời khuyên rất hay. Thánh Cyprien được tôn kính là thánh tử đạo: chúng ta chứng kiến ở đây một tấm gương rất đẹp của một người nổi tiếng nóng nảy hung hăng lại thành thánh. Vì chính mình hiểu thế nào là nóng nảy nên ngài đưa ra các lời khuyên rất thực tế để làm dịu cơn nóng, đôi khi xâm chiếm con người mình.
Lời khuyên chủ chốt của Thánh Cyprien thì rất đơn giản. Để kiên nhẫn hơn thì trước hết phải biết các việc tốt lành do tính kiên nhẫn đem lại. Cuộc sống đầy cả trở ngại và kiên nhẫn là đức tính giúp chúng ta vượt lên các trở ngại này một cách bình thản và vui vẻ. Thánh Cyprien giải thích, khi công việc bị bắt buộc, khi gặp vấn đề sức khỏe, hay gặp những người làm mình bực mình, thường chúng ta ăn miếng trả miếng và cuối cùng là làm tổn thương nhau hoặc có những quyết định không đúng mà sau đó chúng ta hối hận.
Theo lời khuyên của Thánh Cyprien, với các quyết định quan trọng phải để thì giờ để suy nghĩ chín chắn, không quyết định ngay lập tức. Làm chủ mình, có bình an nội tâm, tận tâm với những người mình thương, dịu dàng với họ ... Theo Thánh Cyprien, đức tính kiên nhẫn là nguồn gốc của các đức tính khác. Ý thức được tất cả ân sủng có từ đức tính kiên nhẫn là sự giúp đỡ quý hóa khi chúng ta gặp những chuyện mà mình nghĩ là khó đạt được. Cuối cùng, những việc tốt lành mình có được cho mình thì quan trọng và lâu bền hơn là cảm nhận thỏa mãn ngay lập tức có được do một hành động theo xung năng.
Chuyện cuối cùng: Thánh Cyprien mời gọi chúng ta nhớ lại những giây phút mà chúng ta phải kiên nhẫn và hiểu những giây phút này quan trọng với chúng ta biết chừng nào. Nhất là ngài nhấn mạnh đến lòng kiên nhẫn của Chúa đối với các lỗi lầm của chúng ta và nghĩ tới những người khác cũng kiên nhẫn với chúng ta vô cùng. Đến lượt chúng ta, chúng ta phải kiên nhẫn lại. Như Thánh Cyprien dặn, “hãy kiên nhẫn với nhau”.
Marta An Nguyễn dịch

Đức Giáo hoàng không sợ khoa phân tâm học
Đức Phanxicô và tác giả Dominique Wolton ở Vatican, năm 2017 © ServizioFotograficoOR/CPP/CIRIC
pelerin.com, Christophe Chaland, 2017-09-16
Trong một tác phẩm gần đây, Đức Phanxicô đã thổ lộ với nhà xã hội học Dominique Wolton, ngài đã đi tham vấn với một nhà phân tâm học khi ngài 42 tuổi. Đâu là những điều tốt đẹp của khoa trị liệu này? Phỏng vấn Linh mục Jean-François Noel, nhà phân tâm học.
Pèlerin. Đức Phanxicô cho biết cách đây gần 40 năm, ngài có đi tham vấn khoa phân tâm học, mỗi tuần một lần trong vòng sáu tháng. Điều này muốn nói lên gì về ngài?
Linh mục Jean-François Noel. Lúc đó Đức Jorge Bergoglio là bề trên giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina. Chắc chắn ngài cảm thấy mình cần được lắng nghe bởi một tiếng nói trung lập và thiện cảm, một tiếng nói ngoài khuôn khổ tôn giáo để tìm hiểu chính mình. Tôi xin nhắc lại, khoa phân tâm học rất được phổ biến ở Argentina, trong khi ở Pháp, trong một thời gian nó bị cho là chống lại với đức tin. Tôi không ngạc nhiên khi thấy ngài đi tham vấn với một nữ chuyên gia phân tâm học để tìm hiểu chính mình. Điều này chứng tỏ cho thấy, ngài hoàn toàn thoải mái với hình ảnh người khác có về mình, với những gì người ta nghĩ về ngài, ngài rất can đảm. Đối với tôi, đó là dấu hiệu của một người đã làm việc trên chính bản thân mình.
Làm thế nào kinh nghiệm của khoa phân tâm học lại có thể tác động đến đức tin của người tín hữu?
Khoa phân tâm học là tham vấn kín, trong đó đương sự và nhà phân tâm phân tích sự khó khăn trong tương quan của mình với người khác và với chính mình. Một chuyên gia giỏi có thể lắng nghe, và nếu thấy cần thiết, họ có thể đặt câu hỏi về Chúa với khách hàng của mình, vì đây cũng là hình thức của một mối quan hệ. Theo phân tích của linh mục phân tâm học Dòng Tên Denis Vasse, phân tích này có thể làm cho mối quan hệ với người khác vượt qua được sự cần thiết. Sự cần thiết phải đình chỉ việc có được một cái gì đó trong mối quan hệ. Phân tâm học làm lộ ra sự cần thiết mình cần đến người khác, và làm cho việc tương giao tập trung vào mong muốn được ở bên cạnh. 
Điều gì phân biệt phân tâm học và tâm lý trị liệu?
Khoa phân tâm đưa ra các xung đột vô thức. Nó hoạt động theo kiểu thuốc chủng ngừa: nó là mối quan hệ với nhà phân tâm học giúp kích hoạt các xung đột và phát triển chúng. Đây được gọi là chuyển. Nó làm mất đi sự đồng tình mà người ta có thể có với cái chết dưới mọi hình thức. Nó giúp bệnh nhân trở nên tự do với các trói buộc của đời mình, để trở nên chủ động. Thêm nữa, bây giờ việc thực hành khoa phân tâm học ít bị cứng nhắc như trong quá khứ. Cũng như trong tâm lý trị liệu, bây giờ nó có thể có những lúc được phân tâm gia nâng đỡ, an ủi, chứ không nhất thiết họ phải im lặng như hồi xưa. Khoa tâm lý trị liệu là giải thích cho bệnh nhân hiểu chức năng tâm lý. Nó hướng ngoại hơn dù hình thức ‘chuyển giao’ cũng đóng một vai trò ở đây. Tuy nhiên có một vài khoa tâm lý trị liệu là một loại phân tích.
Đâu là các lý do tốt để khởi đầu cho tham vấn phân tâm học?
Phân tâm học được thực hiện cho tất cả mọi người, khi họ đụng với một trở ngại làm cho họ không thể sống, yêu thương và làm việc. Nó giúp bạn xem lại đời mình  khi đứng trước một chuyên gia nghe mà không phán xét và giữ bí mật hoàn toàn cho bạn. Do đó người bệnh có thể thú nhận các tư tưởng tiêu cực, đen tối, thậm chí giết người chẳng hạn. Những người đến tham vấn mong muốn tháo gỡ một quá trình gây bệnh.
Đâu là các dấu hiệu của một đau khổ tâm lý?
Có thể lấy ví dụ của người có cảm giác mình luôn lặp lại cùng một triệu chứng. Tôi lấy ví dụ người phụ nữ Samaritanô trong Kinh Thánh. Bà có năm người chồng nhưng vẫn không hài lòng. Sự lặp đi lặp lại của triệu chứng cho thấy mình bị kẹt trong một chức năng bệnh hoạn. Đã đến lúc phải nhìn lại chính mình để thấy được chức năng này, tháo gỡ nút thắt làm cản trở các quan hệ, đời sống, công việc, tình yêu. 
Một nhà phân tâm học tốt là người như thế nào?  
Đó là người thích ứng với “tôn giáo” của người kia, theo nghĩa sâu xa nhất của từ này. Họ phải mang lấy, mà không phán xét các quan điểm tín ngưỡng và đức tin của người bệnh, theo nghĩa rộng nhất. Họ tế nhị đặt các câu hỏi đúng. Họ giống như người khiêu vũ. Nhẹ nhàng lướt theo bước chân của từng người bệnh và để người kia nói. Họ phải có khả năng bước vào thế giới nội tâm của mình, như đi trong một lãnh vực chưa ai khai phá, và bước đi với mình. Một nhà phân tâm học không tốt sẽ là người chỉ nghĩ đến các quyền lợi của mình.
Cha có nhìn thấy các bệnh nhân trở lại với cuộc sống không?
Tất nhiên là có. Một ví dụ cho thấy, làm thế nào khoa phân tâm đã giúp họ phát triển một hội chứng: một người cảm thấy mình bị bỏ rơi. Khi còn nhỏ, ở trường cô không thấy ai nói cùng thứ tiếng với mình. Khi công việc phân tích của tôi đã xong, tôi gặp cô ngoài đường, cô cho tôi biết, cô dạy tiếng Pháp cho người nước ngoài. Cô biến đổi nỗi đau khổ bị bỏ rơi của mình bằng cách đi giúp những người cũng bị đau khổ như mình trước đây. Công việc phân tích không loại đi được chấn thương đã bị, nhưng nó có thể là dịp để trở lại, theo nghĩa về thuật ngữ của phân tâm học.
Marta An Nguyễn dịch