Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 30/6/2016

Filled under:

CÒN CON, CON BẢO THẦY LÀ AI?
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)
Suy niệm: Vốn không ưa thích gì Ki-tô giáo, nhưng triết gia Pháp E. Renan cũng phải thốt lên: “Đức Giê-su là thiên tài tôn giáo vĩ đại nhất của lịch sử.” Người Do Thái thời Đức Giê-su cũng dành cho Ngài những danh hiệu cao quý nhất: là Ê-li-a, bậc tôn sư lỗi lạc trong hàng ngũ ngôn sứ; là Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ giúp quốc gia trong cơn khốn khó. Cả hai vị này bất quá chỉ là người dọn đường cho Đấng Ki-tô. Vì thế đối với người đương thời, Đức Giê-su cao lắm chỉ được coi là người dọn đường, chứ không phải là chính Đấng Cứu Thế. Chỉ có Phê-rô, đại diện cho các môn đệ, mới có thể nhận diện đúng chân tướng của Chúa: Ngài là chính Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Ngày hôm nay, bạn có tuyên xưng Ngài là Cứu Chúa đời bạn như Phê-rô không?
Mời Bạn: “Vấn đề cấp bách nhất về niềm tin là liệu một người văn minh có thể tin Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa hay không, vì toàn bộ niềm tin của ta dựa trên điều ấy” (nhà văn Nga F. Dostoievski). Ngày hôm nay, Đức Giê-su cũng hỏi bạn: “Còn con, con bảo Ta là ai?” Bạn sẽ trả lời Ngài thế nào? Đây là câu trả lời mang tính sinh tử với bạn, vì sẽ quyết định vận mạng đời bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, là Anh Cả, là bậc Thầy có lời ban sự sống đời đời, là người bạn thân thiết nhất, và sẽ nỗ lực sống điều mình tuyên xưng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tựa như thánh Phê-rô, con cũng tuyên xưng Chúa là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con muốn sống với trọn con tim điều mình tuyên xưng: Chúa có vị trí quan trọng nhất trong những chọn lựa hằng ngày của con. Amen. 

Suy niệm với Mẹ.

“Này con, cứ an tâm,
con đã được tha tội rồi” (Mt 9,2b).
Như Mẹ: Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy cho chúng ta biết rằng tình yêu thương nhau rất cần thiết, giống như chiếc cầu giúp chúng ta đến được với Chúa như anh bại liệt trong bài Tin Mừng. Anh không thể tự mình đến với Chúa Giêsu, nhưng anh được những người xung quanh giúp anh, khiêng anh đến với Chúa Giêsu và anh đã được chữa lành.
Với Mẹ: Chúa ơi, chúng con cũng bị liệt về thể lý, tâm lý vì bị bức xúc, thất vọng, chán chường, hay liệt về tâm linh do tội lỗi... Vì thế chúng con cần lòng thương xót của Chúa, để được chúc phúc và chữa lành.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ cực khôn cực ngoan, xin cho chúng con mau mắn chạy tới Chúa để được Ngài xót thương phù trì.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Các Vị Tử Ðạo Tiên Khởi ở Rôma
(c. 68 A.D.)
Nhiều năm sau khi Ðức Giêsu về trời, chỉ có khoảng một chục người Kitô Giáo ở Rôma, dù rằng họ không phải là những người tòng giáo của "vị tông đồ Dân Ngoại" (Rom 15:20). Khi Thánh Phaolô viết lá thư ấy vào khoảng 57-58 A.D. thì ngài chưa đến thăm họ.
Ở Rôma có nhiều người Do Thái. Có lẽ vì sự tranh chấp giữa những người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô Giáo mà Hoàng Ðế Claudius đã trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi Rôma trong những năm 49-50 A.D. Sử gia Suetonius nói rằng việc trục xuất là vì những xáo trộn trong thành phố "gây nên bởi một vài Kitô Hữu." Có lẽ sau khi Claudius từ trần, nhiều người đã trở lại đây vào năm 54, vì lá thư của Thánh Phaolô dường như viết cho một giáo đoàn Dân Ngoại đông đảo.
Vào tháng Bảy năm 64, hơn một nửa thành phố Rôma bị tiêu hủy vì hỏa hoạn. Người ta đồn rằng chính Hoàng Ðế Nero đã gây ra thảm kịch này vì muốn nới rộng cung điện của ông. Nero đã mưu mô đánh lạc hướng bằng cách kết tội người Kitô Giáo. Theo sử gia Tacitus, một "số đông" Kitô Hữu đã bị chết vì "sự thù hận của con người." Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có lẽ cùng chung số phận với những người này.

Lời Bàn
Bất cứ đâu Tin Mừng của Ðức Giêsu được rao giảng, ở đó có sự chống đối như Ðức Giêsu đã từng gặp, và nhiều người theo Ngài đã chia sẻ sự đau khổ và sự chết của Ngài. Nhưng không một sức lực nào của loài người có thể ngăn chặn quyền năng của Thần Khí đang giải thoát thế giới. Máu của các vị tử đạo đã từng là, và sẽ luôn luôn là hạt giống đức tin.

Lời Trích
Ðức Giáo Hoàng Clêmentê I, người kế vị Thánh Phêrô đã viết: "Chính vì sự đố kỵ và ghen ghét mà các trụ cột vĩ đại và chính trực của Giáo Hội đã bị bách hại và đã chiến đấu cho tới chết... Trước nhất, Thánh Phêrô, vì sự ghen tương vô lý ngài phải đau khổ không chỉ một hoặc hai lần nhưng nhiều lần, và như thế ngài đã hy sinh làm chứng, đã đến nơi vinh hiển mà ngài đáng được. Vì sự đố kỵ và tranh chấp, Thánh Phaolô đã cho thấy cái giá của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, và bị ném đá; là một sứ giả từ đông sang tây, ngài đáng được kính phục vì đức tin của ngài...
"Chung quanh các đấng ấy là một đám đông những người được tuyển chọn, mặc dù là nạn nhân của sự ghen ghét, họ đã đem cho chúng ta gương mẫu cao quý nhất về sự chịu đựng khi bị tra tấn và sỉ nhục. Vì sự đố kỵ mà các phụ nữ phải đau khổ, như bà Dirce hoặc các con gái của Danaus, họ phải đau đớn khủng khiếp vì các hành động thô bạo. Nhưng họ đã can đảm chu toàn đức tin bất kể sự yếu đuối của thân xác và đã chiếm được phần thưởng cao quý."

Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ

Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.
Ông giáo sư cầu cóng không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.