Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 29/6/2016

Filled under:

CẢM NGHIỆM ĐỨC TIN
“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy niệm: Có những chân lý người ta “ngộ” ra như trong một tia chớp của một phút xuất thần nhưng lại có tác động sâu xa, định hướng cả một đời người. Đó chính là cảm nghiệm của thánh Phê-rô khi ngài tuyên xưng Thầy mình là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống,” lời tuyên xưng “không phải do phàm nhân mạc khải” mà là do Thiên Chúa. Điều đó lại càng đúng với thánh Phao-lô khi ngài “ngộ” ra Đức Ki-tô qua lời phán trong “luồng ánh sáng” trên đường đi Đa-mát: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (x. Cv 9,1-9). Dù cảm nghiệm đức tin của hai ngài có nhiều khía cạnh khác nhau, cả hai đều cùng một niềm say mê Đức Ki-tô, lẽ sống của đời mình: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mời Bạn: Niềm say mê Đức Ki-tô của các tông đồ cũng là động lực, là sức  mạnh khiến các ngài hăng say rao giảng Tin Mừng và dũng cảm hy sinh mạng sống để làm chứng cho lời mình rao giảng. Chúa đã thương ban cho bạn ơn đức tin, để bạn trở thành chi thể của Hội Thánh, được xây trên máu của các thánh Tông Đồ và Tử Đạo. Với nhận thức đó, bạn hãy mạnh dạn sống niềm tin và lòng trung tín của mình.
Sống Lời Chúa: Nuôi dưỡng đức tin của mình bằng việc siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì gương anh hùng của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Xin cho con hôm nay trung kiên theo bước các ngài sống chứng nhân Tin Mừng trong đời sống ki-tô hữu thường nhật.

Suy niệm với Mẹ

“Thầy sẽ trao cho anh
chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19).
Như Mẹ: Tại sao Chúa Giêsu lại chọn một người như Phêrô để đứng đầu Giáo Hội? Chúa chọn những người kém cỏi để làm công việc của Chúa, để cho người ta biết rằng Giáo Hội là công trình của Chúa, chứ không phải của con người. Chúa chọn người yếu kém để họ biết khiêm nhường cậy trông vào sức mạnh của Chúa, chứ không cậy dựa vào sức riêng mình.
Với Mẹ: Xin Chúa hướng dẫn Hội Thánh để Hội Thánh luôn trung thành với sứ mạng mà Chúa đã giao phó. Xin Chúa nâng đỡ Đức giáo hoàng và các giám mục trong việc chăn dắt đoàn chiên của Chúa.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế, chúng con xin dâng lên Mẹ những cố gắng của các thành phần trong Hội Thánh, xin cho chúng con nhiệt tình góp phần xậy dựng Hội Thánh.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Thánh Phêrô và Phaolô
(c. 64?)
Thánh Phêrô: Thánh sử Máccô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một tuyệt đỉnh thắng lợi. Sau khi ghi lại nhiều sự hồ nghi, hiểu lầm và chống đối Ðức Giêsu, giờ đây Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thầy là Ðấng Thiên Sai" (Máccô 8:29b). Ðó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phêrô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Galilê để trở thành kẻ lưới người.
Tân Ước rõ ràng cho thấy Phêrô là vị lãnh đạo các tông đồ, được Ðức Giêsu chọn với một tương giao đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của một đứa trẻ đã chết và sự thống khổ trong vườn Cây Dầu. Bà mẹ vợ của Phêrô bị Ðức Giêsu quở trách. Ngài được sai đi với Gioan để chuẩn bị cho lễ Vượt Qua trước khi Ðức Giêsu từ trần. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị tông đồ.
Và Phêrô là người duy nhất được Ðức Giêsu nói, "Này Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Bởi thế, Thầy bảo với anh: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mátthêu 16:17b-19).
Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phêrô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phêrô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Ðức Giêsu.
Phêrô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, "Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?" (x. Mt 19:27). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Ðức Kitô khi chống đối ý tưởng của một Ðấng Thiên Sai đau khổ: "Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt. 16:23b).
Phêrô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Ðức Giêsu, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Ðức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Ðức Giêsu bằng cách chém đứt tai tên Man-khô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các tông đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Ðức Giêsu đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
Thánh Phaolô: Nếu giả như có nhà truyền giáo Hoa Kỳ kêu gọi phải chấp nhận chủ nghĩa Mác-xít chứ đừng tôn trọng Hiến Pháp, thì phản ứng tức giận sẽ giúp chúng ta hiểu cuộc đời Thánh Phaolô hơn khi ngài bắt đầu rao giảng là chỉ có Ðức Kitô mới cứu chuộc được chúng ta. Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo.
http://thanhlinh.net/sites/default/files/Images/StPaul.jpg
Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối: chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người -- ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất -- có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Ðể được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.
Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Ðức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại biết rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là những người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.
Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ. Ngày tháng này có từ năm 258, dưới thời bách hại của Valerian, khi các tín hữu tìm cách lấy xác của hai ngài để khỏi rơi vào tay các kẻ bách hại.
Kinh Thánh không ghi lại cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô, hoặc bất cứ vị Tông Ðồ nào, ngoại trừ Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê (TVCÐ 12:2), nhưng qua các bài đọc và truyền thuyết có từ thời Giáo Hội tiên khởi, các ngài đã tử đạo ở Rôma dưới thời Hoàng Ðế Nêrô, và được chôn cất ở đây. Là một công dân Rôma, có lẽ Thánh Phaolô bị chặt đầu. Còn Thánh Phêrô, được biết ngài bị treo ngược đầu trên thập giá.

Ngài Là Cha Tôi

Truyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.
Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.
Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần... Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: "Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi".
"Ngài là cha tôi": đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên Chúa. Ðó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn thắt chặt với từng người trong chúng ta.
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của con người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta vẫn có thể gọi Chúa là Cha.
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình. "Hãy trở nên chính mình". Ðó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những cá biệt của từng người.
Hôm nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc nhau.
Một người xuất thân từ một dân chài, nóng nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một thư sinh học rộng, hiểu sâu.
Hai trình độ khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm hồn: đó là cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô. Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người của Ðức Kitô sau ba lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài.... Một người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sám hối, một người đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.
Hai tính khí khác nhau, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội của Chúa.
Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu trưng của Tình Yêu của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải chối bỏ con người tự nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng tất cả những khuyết điểm, những giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.