Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

"Phục vụ sự sống con người là phục vụ Thiên Chúa"

Filled under:



"Phục vụ sự sống con người là phục vụ Thiên Chúa".
Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ kính Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa tại Vương cung Thánh đường Vatican.
Vatican (WHÐ 1-01-2018) - Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ kính Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 1 tháng Giêng năm 2018, tại Vương cung Thánh đường Vatican:
Năm mới bắt đầu nhân danh Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu quan trọng nhất của Ðức Mẹ. Nhưng có thể đặt câu hỏi: tại sao lại nói Mẹ Thiên Chúa, mà không nói Mẹ Chúa Giêsu? Trong quá khứ, có người muốn giới hạn vào danh xưng Mẹ Chúa Giêsu, nhưng Giáo hội đã tuyên xưng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta phải tạ ơn, vì danh xưng này chứa đựng sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Nghĩa là từ khi Chúa chúng ta nhập thể nơi Ðức Maria, từ đó và luôn mãi, Người đã mặc lấy nhân tính của chúng ta. Không còn Thiên Chúa mà không có con người nữa; xác thịt mà Chúa Giêsu nhận lấy từ Mẹ Người nay là xác thịt của chính Người, và mãi mãi là của Người. Danh xưng Mẹ Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ điều này: Thiên Chúa gần gũi với nhân loại, như đứa con ở sát bên mẹ khi người mẹ cưu mang nó trong lòng.
Từ mẹ (mater) cũng liên quan đến từ vật chất (materia). Trong Mẹ của Người, Thiên Chúa của trời cao, Thiên Chúa vô hạn, đã trở nên nhỏ bé, trở nên vật chất, không chỉ để ở với chúng ta mà còn để nên giống chúng ta. Ðây là phép lạ, là điều mới mẻ! Con người không còn cô độc; không còn mồ côi nữa, nhưng mãi mãi là người con. Năm mới bắt đầu với điều mới mẻ này. Và chúng ta tuyên xưng điều ấy khi nói: Mẹ Thiên Chúa! Chúng ta vui mừng khi biết rằng chúng ta không còn cô đơn nữa. Thật là tuyệt khi biết rằng chúng ta là những người con được yêu thương, biết rằng tuổi thơ của chúng ta không bao giờ bị lấy mất.
Ðó là nhìn thấy chính chúng ta trong Thiên Chúa yếu đuối và thơ bé đang nằm trong vòng tay người mẹ, và nhận ra rằng con người thật quý giá và thiêng liêng đối với Chúa. Vì thế phục vụ sự sống con người là phục vụ Thiên Chúa. Và mọi cuộc đời, từ cuộc đời ở trong lòng mẹ cho đến cuộc đời của người già, người đau khổ và bệnh tật, cuộc đời của những người gây phiền toái và cả những người ghê tởm, phải được đón nhận, yêu thương và giúp đỡ.
Bây giờ chúng ta hãy để bài Phúc âm hôm nay hướng dẫn chúng ta. Chỉ có một câu nói về Mẹ Thiên Chúa: "Ðức Maria ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng" (Lc 2,19). Mẹ chỉ đon giản ghi nhớ. Mẹ không nói. Phúc âm không thuật lại một lời nào của Mẹ trong suốt câu chuyện Giáng sinh. Ở đây cũng vậy, Mẹ là một với Con của Mẹ: Chúa Giêsu là một "trẻ sơ sinh", trẻ sơ sinh "không nói được". Ngôi Lời của Thiên Chúa, "thuở xưa đã nói nhiều lần và bằng nhiều cách" (Dt 1,1), nay, vào "thời đã mãn" (Gl 4,4), thì lại thinh lặng. Vị Thiên Chúa mà trước mặt Ngài tất cả phải im tiếng thì chính Ngài lại là một em bé chưa biết nói. Vị Vua thinh lặng; mầu nhiệm tình yêu của Người được mặc khải trong sự thấp hèn. Sự lặng thinh và thấp hèn này là ngôn ngữ của vương quyền của Ngài. Mẹ của Ngài kết hiệp với Con và ghi nhớ những điều ấy trong thinh lặng.
Sự thinh lặng ấy cho chúng ta biết rằng, nếu chúng ta muốn "giữ được" chính mình, chúng ta phải thinh lặng. Chúng ta cần thinh lặng ngắm nhìn máng cỏ. Ðứng trước máng cỏ, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta được yêu thương; chúng ta hưởng nếm ý nghĩa đích thực sự của cuộc sống. Khi ngắm nhìn trong thinh lặng, chúng ta để cho Chúa Giêsu nói với con tim chúng ta. Sự thấp hèn của Người hạ bệ niềm kiêu hãnh của chúng ta; sự nghèo khó của Người làm đảo lộn vẻ hoành tráng của chúng ta; tình yêu thương của Người chạm vào trái tim cứng cỏi của chúng ta. Mỗi ngày dành ít phút thinh lặng để ở với Chúa là "giữ" linh hồn của chúng ta; đó là "giữ" cho sự tự do của chúng ta khỏi bị hao mòn bởi những tầm thường của chủ nghĩa tiêu thụ, những ồn ào của quảng cáo, những dồn dập của lời nói trống rỗng và những làn sóng áp đảo của những chuyện ba hoa rỗng tuếch.
Phúc Âm nói tiếp, Ðức Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy gẫm trong lòng. Những điều ấy là những điều gì? Ðó là niềm vui và nỗi buồn. Một đàng là sự kiện Chúa Giêsu ra đời, tình yêu của Thánh Giuse, các mục đồng đến viếng thăm, đêm huy hoàng ánh sáng. Nhưng đàng khác, đó là một tương lai bấp bênh, không nhà "vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ" (Lc 2,7), đau buồn vì bị từ chối, thất vọng khi phải sinh Chúa Giêsu trong chuồng bò. Những hy vọng và lo lắng, ánh sáng và bóng tối: tất cả những điều ấy Ðức Maria đều ghi nhớ trong lòng. Rồi Mẹ đã làm gì? Mẹ suy gẫm, nghĩa là Mẹ nghĩ đến những điều ấy, cùng với Chúa, trong lòng mình. Mẹ không giữ lại cho mình điều gì; không giữ chặt điều gì trong than vãn hay cay đắng. Nhưng Mẹ đã dâng hết cho Chúa. Ðó là cách Mẹ "ghi nhớ" những điều ấy. Chúng ta "ghi nhớ" khi chúng ta trao đi: bằng cách không để cho cuộc đời chúng ta trở thành nạn nhân của nỗi sợ hãi, chán nản hay mê tín, không đóng cửa lòng mình hay cố quên đi, nhưng bằng cách biến mọi thứ thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Thiên Chúa, Ðấng gìn giữ chúng ta trong trái tim Ngài, sẽ đến ở trong cuộc đời chúng ta.
Ðây là bí quyết của Mẹ Thiên Chúa: lặng lẽ ghi nhớ mọi sự và dâng lên Chúa. Phúc âm thuật lại, Mẹ ghi nhớ trong lòng. Cõi lòng mời gọi chúng ta nhìn vào bên trong của con người, tình cảm và cuộc sống của con người. Khởi đầu năm mới, chúng ta cũng vậy, là những Kitô hữu trên đường hành hương, chúng ta cũng thấy cần phải xuất phát lại từ bên trong, bỏ lại gánh nặng của quá khứ và bắt đầu lại từ những điều thực sự quan trọng.
Hôm nay, chúng ta có điểm khởi hành ở trước mặt, đó là Mẹ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên như Mẹ, muốn Giáo hội của Ngài trở nên như Mẹ: một người Mẹ dịu dàng và khiêm hạ, nghèo vật chất nhưng giàu yêu thương, không vương tội lỗi và kết hiệp với Chúa Giêsu, mang Chúa trong lòng và mang người thân cận trong đời mình. Ðể lên đường một lần nữa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ. Trái tim của Mẹ đập nhịp đập trái tim của Giáo hội. Ngày lễ hôm nay nói với chúng ta rằng nếu chúng ta muốn tiến bước, chúng ta cần phải quay lại: hãy bắt đầu lại từ máng cỏ, từ người Mẹ đã bồng ẵm Thiên Chúa trong vòng tay mình.
Lòng sùng kính Ðức Maria không phải là nghi lễ thiêng liêng tốt đẹp, nhưng là một đòi hỏi của đời sống Kitô hữu. Khi nhìn lên Mẹ, chúng ta được mời gọi bỏ đi những vướng bận vô ích để tái khám phá những gì là thực sự quan trọng. Ơn huệ của Mẹ, của mọi người mẹ và mọi người phụ nữ, là điều quý báu nhất đối với Giáo hội, vì Giáo hội cũng là mẹ và là người nữ. Trong khi người đàn ông thường trừu tượng hoá, quyết đoán và áp đặt ý tưởng, thì người phụ nữ, một người mẹ, lại biết cách "ghi nhớ", nối kết mọi sự trong lòng mình, để đem lại sự sống. Vì đức tin của chúng ta không chỉ giản lược vào một ý tưởng hay một học thuyết, nên tất cả chúng ta đều cần trái tim của một người mẹ, một người biết cách giữ tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa và lắng nghe nhịp đập của trái tim con người.
Nguyện xin Ðức Mẹ, là thụ tạo nhân linh tuyệt diệu nhất của Thiên Chúa, bảo vệ và gìn giữ năm nay, và mang đến cho tâm hồn chúng con và thế giới của chúng con bình an của Con Mẹ. Tôi mời gọi anh chị em hãy lấy lòng đơn sơ của con cái mà chào mừng Mẹ, như các Kitô hữu ở Êphêsô đã làm cùng với các giám mục của họ: "Lạy Mẹ rất thánh của Thiên Chúa!". Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lên Mẹ và lặp lại ba lần (Ðức Thánh Cha quay sang Tượng Ðức Mẹ bên cạnh Bàn thờ): "Lạy Mẹ rất thánh của Thiên Chúa!"
(Nguồn: w2.vatican.va)


Minh Ðức chuyển ngữ


Sắp hoàn thành việc trùng tu
Vương Cung Thánh Ðường Chúa Giáng Sinh
tại Bêlem

Thánh Ðịa: Sắp hoàn thành việc trùng tu Vương Cung Thánh Ðường Chúa Giáng Sinh tại Bêlem.
Belem (WHÐ 3-01-2018) - Từ tháng Chín năm 2013, khoảng hai mươi người ở Bêlem và từ nhiều nơi trên thế giới, đã miệt mài tham gia công việc trùng tu nhà thờ Chúa Giáng Sinh tại Bêlem.
Mười lăm thế kỷ sau khi được Hoàng đế Justinianus tái thiết, nhà thờ Chúa Giáng Sinh đã không hề mất đi vẻ huy hoàng lộng lẫy. Mỗi năm có hơn hai triệu khách hành hương và khách du lịch đã đến và bước qua khung cửa hẹp dẫn vào nhà thờ để khám phá kho tàng ẩn giấu tại nơi mà từ thế kỷ thứ hai đã được công nhận là nơi sinh của Chúa Giêsu. Và sắp tới đây họ sẽ được chiêm ngưỡng các bức tranh khảm chưa từng được trưng bày cho công chúng từ hàng trăm năm nay.
Bị hư hỏng do một trận hoả hoạn hồi thế kỷ thứ sáu, và bị thời gian và các sự kiện bào mòn, những tảng đá ở Nhà thờ Chúa Giáng sinh đã xuống cấp qua nhiều thế kỷ, đến mức vào năm 2009, chính quyền Palestine đã có một quyết định quan trọng: tìm các khoản ngân quỹ cần thiết để trùng tu Nhà thờ này, mặc dù chi phí ước tính lên đến hơn 18 triệu euro.
Phục hồi các bích hoạ
Ðược sự giúp đỡ của ba Giáo hội chịu trách nhiệm về Thánh Ðịa: Giáo hội Latinh, Giáo hội Armenia và Giáo hội Chính thống giáo, một "Uỷ ban Trùng tu Nhà thờ Chúa Giáng Sinh" được thành lập năm 2013. Trong giai đoạn đầu của dự án, nhóm Piacenti của Italia, chuyên trùng tu các công trình cổ, đã dành toàn bộ thời gian hơn hai năm để phục hồi phần mái và cửa sổ.
Ðến hôm nay, Ibrahim Abedrabbo, kỹ sư giám sát toàn bộ công trình, không giấu được niềm vui của mình. Ông nói: "Phần lớn công việc đã xong. Bây giờ chúng tôi tính đến các chi tiết". Ông đang ngồi trên giàn giáo mà, trong vài tuần nữa, sẽ tiếp tục che mất một phần lớn của mảng trần ở gian trung tâm. Khi được gỡ bỏ, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng bảy thiên thần trong bức bích hoạ của hoạ sĩ Basilius người Syria, được vẽ hồi thế kỷ 12. Ông Ibrahim Abedrabbo vui mừng cho biết: "Ban đầu, có 12 bức bích hoạ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể phục hồi sáu bức, nhưng may mắn thay, các nghiên cứu của chúng tôi đã giúp khám phá thêm một bức nữa".
Có hơn 30 đơn vị tài trợ cho việc trùng tu
Trong 5 năm trùng tu, không phải lúc nào công việc cũng đơn giản. Trước hết là giữa ba Giáo hội. Theo hiệp ước Berlin được ký vào năm 1878, mỗi Giáo hội có những nghĩa vụ cụ thể phải đảm trách để bảo đảm hoạt động của nơi thánh được diễn ra tốt đẹp, và trong lịch sử, người ta không còn tính được những xung đột xảy ra do việc có tới ba Giáo hội cùng đứng đầu. Chẳng hạn vào năm 2014, một trận hoả hoạn trong hang đã làm hư hỏng lối vào Nhà thờ. Ba năm sau, chẳng có gì được thực hiện, vì thiếu sự thoả thuận.
Một vấn đề khác là việc gây quỹ. Các quốc gia, các tổ chức tôn giáo hoặc các nhóm tư nhân, tổng cộng hơn 30 đơn vị, đã tài trợ cho việc trùng tu. Nhưng đối với giai đoạn tiếp theo của công trình là phục hồi các bức tranh khảm trên nền nhà, thì vẫn chưa tìm được tài trợ.
Ðược liệt kê trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 2012, Nhà thờ Chúa Giáng Sinh và con đường hành hương dẫn đến nhà thờ vẫn nằm trong số 54 địa điểm được tổ chức quốc tế này đưa vào danh sách "Di sản Thế giới gặp nguy cơ". Một kỹ sư giải thích: "Ðể thoát khỏi nguy cơ, cần phải có một kế hoạch bảo trì toàn bộ". Ðây là mục tiêu mà việc trùng tu Vương cung thánh đường nay sắp hoàn tất hẳn đã có phần đóng góp rất lớn.
(La Croix)