Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ đầu năm mới kính Mẹ Thiên Chúa

Filled under:

Lúc 10h sáng thứ Hai mùng Một tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón năm mới với thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hoà Bình thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô. 

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các vị trong giáo triều Rôma. Tham dự thánh lễ có các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn và đông đảo các tín hữu ngồi chật bên trong đền thờ.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Năm mới được mở ra trong danh thánh Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu quan trọng nhất của Đức Mẹ. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi tại sao chúng ta nói Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải là Mẹ của Chúa Giêsu. Trong quá khứ, một số người hài lòng hơn với tước hiệu thứ hai này, nhưng Giáo Hội đã tuyên bố rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nên tri ân về điều này, bởi vì những từ này chứa đựng một sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Ngay từ khi Chúa chúng ta nhập thể nơi cung lòng Đức Maria, và trong mọi lúc, Ngài đã mang lấy nhân tính của chúng ta. Không còn là một Thiên Chúa tách biệt khỏi con người; nhưng xác thịt mà Chúa Giêsu nhận lấy từ Mẹ Ngài, chính là xác thịt của chúng ta, bây giờ và mãi mãi. Gọi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về điều này: Thiên Chúa gần gũi với nhân loại, đến độ như một đứa trẻ gần gũi với người mẹ đang mang nó trong lòng bà.

Từ mẹ (mater) có liên quan đến từ matter, nghĩa là chất thể. Nơi Mẹ Người, Thiên Chúa của trời cao, Thiên Chúa vô hạn, đã làm cho mình trở nên nhỏ bé, trở nên một chất thể, không chỉ là để ở cùng chúng ta mà còn là để được giống chúng ta. Đây là một phép lạ, một sự mới lạ tuyệt vời! Con người không còn cô đơn; không còn là đứa trẻ mồ côi, nhưng mãi mãi là một người con. Năm mới được mở ra với sự mới lạ này. Và chúng ta công bố điều này khi nói: Mẹ Thiên Chúa! Niềm vui của chúng ta là nhận biết rằng sự cô đơn của chúng ta đã kết thúc. Thật là đẹp đẽ khi biết rằng chúng ta là những đứa trẻ được yêu thương, và thời thơ ấu của chúng ta sẽ không bao giờ bị cướp đi mất. Thật là vui khi nhìn thấy chính chúng ta được phản chiếu nơi Chúa Hài Nhi yếu đuối đang nằm trong vòng tay của Mẹ, và nhận ra rằng nhân loại là quý giá và thiêng liêng đối với Chúa. Do đó, phục vụ đời sống con người là phục vụ Thiên Chúa. Tất cả sự sống, từ sự sống của thai nhi còn trong lòng mẹ, cho đến sự sống của người già, người đau khổ và bệnh tật, sự sống của những người đang trong lúc gian truân và thậm chí sự sống của người nổi loạn, tất cả đều phải được hoan nghênh, yêu thương và giúp đỡ.

Giờ đây chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi Tin Mừng ngày hôm nay. Bài Tin Mừng nhắc đến Mẹ Thiên Chúa chỉ một lần: “Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều này, và suy ngẫm trong lòng họ” (Lc 2:19). Mẹ ghi nhớ. Mẹ đơn giản là ghi nhớ; chứ không hề nói. Phúc âm không tường trình bất cứ một từ nào của Mẹ trong toàn bộ trình thuật Giáng sinh. Ở đây cũng vậy, Mẹ nên một với Con mình: Chúa Giêsu là một “trẻ sơ sinh”, một đứa trẻ “không thể nói được”. Ngôi Lời của Thiên Chúa, “từ lâu đã phán dạy nhiều lần và nhiều cách khác nhau” (Dt 1: 1), bây giờ, trong “thời viên mãn” (Gal 4: 4), Người im lặng. Thiên Chúa là Đấng trước nhan Ngài tất cả mọi thứ phải im lặng thì chính Ngài giờ đây là một trẻ thơ không nói nên lời. Đức Vua không nói một lời nào; mầu nhiệm tình yêu của Người được tỏ lộ trong sự thấp hèn. Sự im lặng và thấp hèn này là ngôn ngữ vương quyền của Người. Mẹ tham dự cùng với Con Mẹ và giữ những điều này trong im lặng.

Sự im lặng bảo với chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn “giữ” bản thân chúng ta, chúng ta cần im lặng. Chúng ta cần giữ im lặng khi nhìn vào nôi Chúa Hài Nhi. Suy nghĩ về chiếc nôi này, chúng ta tái khám phá lần nữa rằng chúng ta đang được yêu; chúng ta được tận hưởng ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Khi chúng ta nhìn trong im lặng, chúng ta để cho Chúa Giêsu nói với con tim chúng ta. Sự thấp hèn của Ngài hạ thấp niềm tự hào của chúng ta; sự nghèo khó của Ngài thách thức dáng vẻ bên ngoài của chúng ta; tình yêu thương dịu dàng của Ngài chạm vào con tim đã khô cằn của chúng ta. Dành ra một khoảnh khắc im lặng mỗi ngày để ở với Thiên Chúa là cách “giữ” linh hồn của chúng ta; đó là cách để “giữ” sự tự do của chúng ta khỏi bị xói mòn do sự khống chế của chủ nghĩa tiêu thụ, sự ồn ào của những lời quảng cáo, dòng chảy những lời trống rỗng và những làn sóng áp đảo của những tiếng kêu vô nghĩa đầy thúc bách và ầm ĩ.

Phúc Âm tiếp tục nói rằng Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều này, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Những điều này là gì? Đó là những niềm vui và nỗi buồn. Một bên là sự chào đời của Chúa Giêsu, tình yêu của thánh Giuse, cuộc viếng thăm của những người chăn cừu, trong đêm huy hoàng này. Nhưng bên kia là một tương lai bất định, vô gia cư “vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2,7), sự cô đơn vì bị từ chối, sự thất vọng khi phải sinh Chúa Giêsu trong một chuồng gia súc. Niềm hy vọng, và những âu lo, ánh sáng và bóng tối: tất cả những điều này đều nằm trong trái tim của Đức Maria. Và Mẹ đã làm gì? Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng, nghĩa là Mẹ sống với những điều đó, cùng với Thiên Chúa, trong trái tim Mẹ. Mẹ không ngăn lại điều gì; Mẹ không khóa bất cứ điều gì trong lòng vì tự thương hại mình hoặc oán giận ai đó. Thay vào đó, Mẹ dâng mọi thứ cho Thiên Chúa. Đó là cách Mẹ “giữ” những điều này. Chúng ta “giữ” mọi thứ khi chúng ta trao ra không để cho cuộc sống của chúng ta trở thành miếng mồi ngon của sự sợ hãi, đau khổ hay mê tín, không đóng kín con tim chúng ta hoặc cố quên đi, nhưng bằng cách biến mọi thứ thành một cuộc đối thoại với Chúa. Thiên Chúa là Đấng nhớ đến chúng ta trong lòng, khi đó sẽ ngự đến trong đời sống chúng ta.

Những bí quyết của Mẹ Thiên Chúa là ghi nhớ mọi thứ trong thinh lặng và dâng lên cùng Thiên Chúa. Và Tin Mừng kết luận rằng điều này đã xảy ra trong lòng Mẹ. Con tim là chỗ cho chúng ta thấy cốt lõi của con người, tình cảm và cuộc sống của họ. Vào ngày đầu năm, chúng ta như các Kitô hữu trên con đường hành hương của mình, cũng cảm thấy cần phải khởi động lại từ trung tâm, bỏ lại sau lưng những gánh nặng của quá khứ và bắt đầu lại từ những điều thực sự quan trọng. Hôm nay, chúng ta đã có trước mặt mình điểm khởi hành: đó là Mẹ Thiên Chúa, vì Đức Maria là điều Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành, là điều Người muốn Giáo Hội của Người trở thành: đó là trở nên một người Mẹ dịu dàng và khiêm cung, nghèo nàn vật chất và giàu có tình yêu, sạch tội và hiệp nhất cùng Chúa Giêsu, giữ Chúa trong lòng chúng ta và nhớ đến người láng giềng trong cuộc sống của chúng ta. Để khởi động lại một lần nữa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ của chúng ta. Nơi con tim Mẹ, trái tim của Giáo Hội đang đập. Ngày lễ hôm nay bảo cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta muốn tiến lên phía trước, chúng ta cần phải quay lại: và bắt đầu lại từ chiếc nôi của Chúa Hài Nhi, từ Mẹ là Đấng đang bồng Chúa trong vòng tay.

Lòng sùng kính Đức Maria không phải là một thứ kiểu cọ về mặt siêu nhiên; đó là một yêu cầu trong đời sống Kitô hữu. Khi nhìn vào Mẹ, chúng ta được yêu cầu bỏ lại tất cả các loại hành lý vô ích để tái khám phá những gì thực sự quan trọng. Đặc sủng của Mẹ, đặc sủng của mỗi người mẹ và mỗi phụ nữ, là điều quý báu nhất đối với Giáo Hội, vì Mẹ cũng là một người mẹ và là một người phụ nữ. Trong khi một người nam thường khái quát, quyết đoán và áp đặt các ý tưởng, một người phụ nữ, một người mẹ, biết cách “giữ”, biết cách đặt mọi thứ vào trong trái tim của mình, để trao ban cuộc sống. Nếu đức tin của chúng ta không bị giản lược thành một ý tưởng hay một học thuyết thì tất cả chúng ta cần trái tim của một người mẹ, một người biết cách ghi nhớ tình yêu dịu dàng của Chúa và cảm nhận được nhịp tim của tất cả những người xung quanh chúng ta. Lạy Mẹ, là thụ tạo tốt nhất của Chúa, xin bảo vệ và gìn giữ chúng con trong năm nay, và mang hòa bình của Con Mẹ đến con tim chúng con và thế giới. Và như những đứa trẻ, với sự giản dị, tôi mời anh chị em chào đón Mẹ như các Kitô hữu đã làm tại Ê-phê-sô trước sự hiện diện của các giám mục của họ: “Mẹ Thiên Chúa!”. Chúng ta hãy cùng nhau lặp lại ba lần, trong khi hướng nhìn về Mẹ “Mẹ Thiên Chúa!”.



Nhìn lại năm 2017 của Đức Phanxicô: theo đuổi hòa bình thế giới
Về phương diện công luận, người ta nên quên những gì Sách Giáo Lý Của Giáo Hôi Công Giáo hay Giáo Luật nói về Đức Giáo Hoàng. Vì đối với công luận, ngôi vị giáo hoàng là một việc làm gần như không thể có, bởi người ta mong các vị giáo hoàng cùng một lúc phải là các siêu sao truyền thông, các vị giảng thuyết lừng danh thế giới và là các quản trị viên thuộc hàng 500 của tạp chí Fortune, ấy là chưa kể phải là những vị thánh sống. 

Người ta cũng mong các vị giáo hoàng là những tay chơi chính trị tài tình, có khả năng múa gậy ma thuật khiến cho mọi nan đề của thế giới tự dưng biến mất. Dĩ nhiên, đây là một cái nhìn hoàn toàn không thực tiễn chút nào, nhưng nó vẫn làm các vị giáo hoàng ráng sức, và Đức Phanxicô có lẽ là vị cố gắng nhiều hơn cả. 

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã có hoài vọng trở thành vị “Giáo Hoàng Hòa Bình”, nhằm xử lý điều ngài gọi là “Thế Chiến Ba” được đánh từng mảng từ đầu thế kỷ 21. Từ việc giúp ngăn cản sự can thiệp quân sự của Tây Phương vào Syria năm 2013 tới vai trò làm nhẹ bớt căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Cuba, Đức Phanxicô đã bước chân theo Thánh Gioan Phaolô II trong việc dấn mình vào nền địa chính trị của thời mình. 

Năm 2017 đem lại một năm tích cực hoạt động nữa của Đức Phanxicô trong việc theo đuổi nền hòa bình thế giới, cùng với các mục tiêu cốt lõi khác trong nghị trình xã hội của ngài. 

Năm 2014, Đức Phanxicô từng tố cáo “tội ác chống lại nhân loại” tức nạn nô lệ thời hiện đại. Năm 2015, tập chú của ngài chuyển qua môi trường, với thông điệp Laudato Sí về chủ đề này. Năm ngoái, ngài đặc biệt lưu tâm tới cuộc khủng hoảng di dân trên thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng tới Âu Châu. 

Luôn là vị giáo hoàng của người nghèo, Đức Phanxicô khai mở Ngày Thế Giới Người Nghèo lần đầu tiên năm 2017. 

Theo đuổi hòa bình 

Tuy nhiên, không điều gì có thể sánh với việc theo đuổi hòa bình trong năm 2017.

Tháng 11, Tòa Thánh tổ chức một hội nghị lớn để thúc đẩy việc giải giới hạch nhân. Tại đây, Đức Phanxicô nói rằng lý thuyết gián chỉ (deterrence) là điều không được phép về luân lý và các vũ khí giết người hàng loạt này “cho thấy não trạng sợ hãi”. 

Ngày 2 tháng 11, nói tại Nghĩa Trang Mỹ-Xilixi ở Nettuno, Ý, nơi gần 8,000 tử sĩ Hoa Kỳ đã được chôn cất, Đức Phanxicô đã cầu nguyện cho mọi người đã qua đời nhân dịp Lễ Các Linh Hồn, nhưng đặc biệt cho những người “đang nằm tại đây… vào lúc thế giới đang có chiến tranh một lần nữa”. 

“Chúng ta cầu nguyện cho mọi người đã qua đời, và đặc biệt các người trẻ trong một khoảnh khắc trong đó quá nhiều người trẻ chết hàng ngày tại các mặt trận vì cuộc thế chiến ‘từng mảng’ này”, ngài nói thế khi sử dụng lối nói quen thuộc của ngài để mô tả một thế giới trong đó không phải chỉ có một cuộc tranh chấp hoàn cầu lớn lao mà là hàng chục cuộc chiến tranh qui mô nhỏ hơn đang diễn ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới.

Ngài nói thêm “ngay cả các trẻ em cũng đang phải chết. Chết là kết quả của chiến tranh, và xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết khóc”. 

Các cuộc tông du ngoại quốc của ngài cũng lấy hòa bình làm cốt lõi cho các thông điệp của chúng, ngài từng cảnh cáo rằng cuộc tranh chấp Đại Hàn đang đe dọa “phần tốt” của nhân loại, và đầu năm ngài phối hợp cả chủ đề hòa bình và chủ đề môi trường khi nói rằng thế giới đang lao đầu vào cuộc chiến tranh giành nước uống. 

Một số câu chuyện khác

Bên kia các chủ đề lớn của năm 2017, là một số câu truyện khác liên quan tới Đức Giáo Hoàng nhưng cũng giúp ta xác định được năm vừa qua.

Việc chống đối Đức Phanxicô từ một số giới bảo thủ nhất trong Giáo Hội vẫn tiếp tục, trong đó, có nhóm thần học gia bảo thủ hồi tháng Chín tố cáo ngài gieo rắc lạc giáo. Dù tạo được khá nhiều ồn ào lúc đầu, nhưng cú giáng này chẳng bao lâu sau trở thành tiếng khóc thút thít. 

Cũng chống lại Đức Phanxicô còn có nhà thần học Hoa Kỳ, Linh Mục Thomas Weinandy, cựu trưởng chuyên viên tín lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, người đã từ chức sau khi lá thư ngài gửi cho Đức Phanxicô trở thành công khai. Trong lá thư này, ngài nói với Đức Phanxicô rằng trong văn kiện Niềm Vui Yêu Thương, “sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha đôi khi cố ý mơ hồ, do đó, đã tạo ra cả lối giải thích cổ truyền đối với giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và ly dị lẫn lối giải thích hàm ngụ một sự thay đổi nào đó đối với giáo huấn ấy”. 

Tháng Mười, Đức Phanxicô chỉ trích ‘khuynh hướng ưu sinh’ (eugenic tendency) nhằm tận diệt những người khuyết tật. Ngài thừa nhận rằng vì các thất bại của mình, Giáo Hội phải cổ vũ sự an toàn cho trẻ em, và tố cáo rằng thu tích của cải trong khi trẻ em chết là “tội thờ ngẫu thần giết người”. Ngài cũng triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon. 

Năm nay cũng là một năm đáng lưu ý đối với những người tin rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại thị trấn nhỏ Medjugorje của Bosnia. Đức Giáo Hoàng đã cử một vị giám mục Ba Lan đi khảo sát tình trạng mục vụ tại nơi này, nơi đã trở thành một địa điểm hành hương cho hàng triệu người đến đó hàng năm để cầu nguyện. Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm hồi tháng Hai để tìm hiểu việc chăm sóc mục vụ cho cư dân thị trấn và người hành hương, và ngài tỏ ra tích cực một cách công khai đối với các khám phá của mình.

Tháng Mười Một năm 2016, trong một cuộc gặp gỡ được đăng tải trên báo chí, Đức Phanxicô chế diễu hiện tượng Medjugorje, nhưng khi trả lời các câu hỏi của các phóng viên lúc từ Fatima trở về Rôma, giọng điệu của ngài hơi khác, ngài chấp nhận việc điều tra thêm khả tín tính của thông điệp vốn gán cho Đức Mẹ Hòa Bình, như đã được các thị nhân mô tả.

Tháng Bẩy, Đức Phanxicô can dự vào câu truyện chung quanh bé Charlie Gard: ngài đứng về phía cha mẹ em bé 10 tháng bị bệnh đến thời kỳ cuối cùng, một biến cố được cả Vương Quốc Thống Nhất lưu ý. Bất kể một số bệnh viện sẵn sàng cung cấp việc điều trị, trong đó, có Bệnh Viện Bambino Gesu của Đức Giáo Hoàng, em bé đã qua đời ngày 24 tháng Bẩy. 

Tháng Sáu, Đức Phanxicô đe dọa sẽ ngưng chức các linh mục của một giáo phận ở Nigeria, trong một câu truyện dài đến nay vẫn chưa được giải quyết, và trước đó một tháng, ngài từng cố gắng hòa giải sự chia rẽ tả hữu bằng cách tuyên bố rằng Giáo Hội giống một con sông, và điều quan trọng là ở trong con sông này: “Nếu anh em ở giữa hay ở bên phải hoặc ở bên trái nhiều hơn, nhưng vẫn ở trong lòng con sông, thì sự đa dạng này là điều hợp pháp… Rất nhiều lần, chúng ta muốn con sông chẩy về phía chúng ta và kết án người khác… thì đó không phải là tình anh em. Mọi người đều ở trong con sông. Mọi người. Đó là điều anh em học được trong chủng viện…”

Danh sách các hành động và lời nói của Đức Phanxicô có thể gây sóng gió trong năm 2017 thì còn dài lắm, vì ngài gần như nói về đủ loại chủ đề trong Thánh Lễ hàng ngày, trong các buổi yết kiến mỗi thứ tư, trong các buổi yết kiến Chúa Nhật và rất nhiều các buổi gặp gỡ hàng ngày. 

Qua năm 2018, người ta chưa được biết nhiều về những gì xẩy ra cho lịch trình sinh hoạt của Đức Phanxicô, ngoại trừ chuyến đi Chile và Peru, và chuyến đi có thể có tới Ái Nhĩ Lan để tham dự Ngày Họp Mặt Các Gia Đình Thế Giới. Điều rõ ràng về người vừa qua tuổi 81 là: đừng trông mong Cơn Lốc Châu Mỹ La Tinh này hãm đà nay mai.