Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 3/1/2018

Filled under:

TÔI BIẾT NÊN TÔI LÀM CHỨNG
“Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1,34)
Suy niệm: Trong sáu câu Lời Chúa hôm nay, đã có đến hai lần ông Gio-an Tẩy Giả nói: “Tôi đã không biết Người.” Xét về mặt tự nhiên, hẳn Gio-an phải biết Chúa Giê-su. Ngay từ trong dạ mẹ, Gio-an đã nhảy mừng khi nghe lời chào của Đức Ma-ri-a đến viếng thăm mẹ của mình. Nhưng ông còn biết một cách chắc chắn bằng con mắt đức tin rằng Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa, là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” khi ông thấy “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.” Đây không còn là một thứ biết tự nhiên theo tri thức thông thường nữa, mà là sự nhận biết của lòng tin. Nhờ tin, Gio-an đã đọc ra thực tại siêu nhiên, đã khám phá được mầu nhiệm ẩn giấu sau những biến cố đời thường, sau những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Ông nhận ra Ngài và không giữ cho riêng mình. Ông đã lớn tiếng làm chứng: Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.
Mời Bạn: Nhờ nhìn bằng cặp mắt đức tin, Gio-an nhận biết Đức Giê-su là “Đấng Thiên Chúa sai đến”; nhờ nhận biết Ngài, Gio-an mạnh dạn làm chứng Ngài là “Đấng xoá bỏ tội trần gian”. Bạn muốn làm chứng cho Chúa Ki-tô ư? Mời bạn cảm nghiệm và kết hợp với Ngài thật sâu xa qua việc chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa phải là việc làm hằng ngày không thể thiếu của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những bề bộn của cuộc sống, con đã không nhận biết được sứ điệp Chúa gửi đến để con tin và con sống. Con ước ao chiêm ngắm Chúa mỗi ngày để có thể làm chứng về Thiên Chúa trong cuộc sống của con.

THÁNH NỮ GIÊNÔVÊPHA
ĐỒNG TRINH
(422-512)
Vào mùa thu năm 425, nhân dịp đi kinh lý miền Britania hai Giám mục Germanô và Luđơtroa (Loup de Troyes) có ghé qua thăm làng Nanterre gần đô thành Paris, dân làng tấp nập ra nghênh đón hai vị chúa chiên. Trong dịp này Đức Giám mục Germanô đã ban lời khen tặng và chúc lành cho dân làng. Trong đám quần chúng đông đảo đang chăm chú nghe giảng thuyết, Đức Giám mục nhận thấy có một cô bé năm tuổi đang đứng trước mặt ngài có một vài nét đặc biệt biểu lộ trên khuôn mặt trái xoan xinh xắn của cô. Buổi lễ vừa chấm dứt, Đức Giám mục đi thẳng tới chỗ em bé đang đứng. Ngài âu yếm giơ tay vạch dấu thánh giá trên trán em và nói với cha mẹ em:
* " Ông bà thật là có phúc vì đã sinh hạ em bé lành thánh này. Em sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và sẽ được Thiên Chúa đặc tuyển để lôi cuốn nhiều người trở lại với Chúa". Rồi ngài quay sang nói với em bé: "Con yêu dấu, con có muốn tận hiến cho Chúa và sống với Người không ?"
* " Trình lạy Đức Cha, con nguyện cầu Thiên Chúa chúc phúc cho Đức Cha và con xin cảm tạ Đức cha, vì đã cho con hay những điều chính con hằng mong ước, và con hằng cầu xin Chúa ban cho con ơn đó với một lòng mến yêu nồng nhiệt ".
Nghe em bé trả lời, Đức Giám mục mỉm cười chúc lành cho em. Sáng hôm sau, trước khi lên đường, Đức Giám mục còn ghé qua nhà em bé để nhắn nhủ em trung thành với lời đoan hứa. Em bé lễ độ thưa với Đức Giám mục: "Trình lạy Đức cha, nhờ ơn Chúa hộ giúp, con hy vọng con sẽ luôn sống trung thành với Người ". Đồng thời Đức Giám Mục tặng riêng em bé một ảnh chuộc tội nhỏ để làm kỷ niệm và nói: "Cha cho con tượng nhỏ này để làm kỷ niệm ngày cha tới thăm con. Con hãy đeo tượng nhỏ này và đừng để rơi mất. Cha dặn con thêm điều này là con đừng đeo ở cổ, ở tay hoặc ở tai con những đồ trang sức bằng vàng bạc hay kim cương xa xỉ ".
Cô bé ngoan nguỳ đạo hạnh đó không là ai khác ngoài Giênôvêpha.
Giênôvêpha sinh năm 420 tại làng Nanterre. Ngay tự nhỏ đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ cô sẽ thành một vị đại thánh.
Nhớ lời khích lệ quý giá của Đức Giám mục, Giênôvêpha ngay từ bé đã ôm ấp ước vọng tận hiến hoàn toàn cho Chúa. Cô tiến bộ mau lẹ trên đường nhân đức. Ngày ngày hễ lúc nào rỗi rãi, cô lại lẻn đến nhà thờ cầu nguyện. Cô rất say mê việc suy niệm. Ngay từ bé cô đã tỏ ra có một lòng thống hối đặc biệt. Thấy cô có vẻ đạo đức quá, bà mẹ lấy làm khó chịu và đôi khi còn ngăn cấm không cho con lui tới nhà thờ. Một lần, Giênôvêpha xin mẹ cho phép đi nhà thờ cầu nguyện, bà mẹ không cho vì bà mù loà nên cần đến sự giúp đỡ thường trực của cô. Cô cứ năn nỉ mãi, bà mẹ tức mình giơ thẳng tay tát cô một cái thật mạnh. Tuy nhiên cô không tỏ vẻ gì giận dỗi mẹ.
Sau khi nghĩ lại, bà tới nắm tay con an ủi. Chính lúc nóng nẩy đó Thiên Chúa đã cho bà linh cảm rằng: con cái là của Thiên Chúa chứ không phải của cha mẹ.
Từ ngày đó, mẹ cô không bao giờ cư xử với cô quá khắt khe như trước. Đêm ngày bà nghiền ngẫm lời Đức Giám mục đã tiên báo về con bà, và luôn luôn thâm tín rằng con bà được Chúa thương yêu cách đặc biệt. Một hôm bà gọi Giênôvêpha đến và bảo: "Con ra giếng múc cho mẹ một bình nước, rồi đem về đây cho mẹ". Giênôvêpha vội vã vâng lời mẹ xách bình ra giếng múc nước, dọc đường cô tỏ vẻ không vui và trên gò má xinh xắn lại điểm thêm mấy dòng lệ lóng lánh, cô khóc vì nghĩ cảm thương số phận của mẹ. Kín đầy bình nước, Giênôvêpha lễ mễ xách bình về nhà. Tuân theo lời mẹ, Giênôvêpha làm dấu thánh giá trên bình nước rồi đưa cho mẹ. Mẹ cô lấy nước trong bình vỗ lên mắt nhiều lần bỗng nhiên mắt bà sáng ra và trông được như thường.
Nhờ phép lạ đó mà ơn kêu gọi của Giênôvêpha được bảo đảm; cô không còn sợ ai ngăn cản nữa. Phép lạ đó mở đầu cho bao nhiêu phép lạ Giênôvêpha sẽ thực hiện sau này để chữa người mù què, ốm yếu, nhất là những người bị tật bệnh thiêng liêng. Ngày nay, giếng Giênôvêpha đã kín nước lạ xưa vẫn còn được nhiều người tôn kính.
Năm tháng trôi qua, Giênôvêpha đã được 15 tuổi chẵn. Cô nài nẵng xin mẹ cho phép từ giã thế tục để lên đường theo tiếng gọi của tình yêu. Giênôvêpha một mình đến trình diện Đức Giám mục Paris. Tới toà Giám mục, Giênôvêpha gặp hai thiếu nữ nhiều tuổi hơn cũng tới đó với mục đích như cô, Giênôvêpha khiêm nhượng nhường hai người vào yết kiến Đức Giám mục trước. Thoáng thấy Giênôvêpha, Đức Giám mục đã nhận thấy ngay ở nơi cô một tâm hồn đạo đức sâu xa đặc biệt. Đức Cha cử hành lễ thánh hiến trinh nữ cho ba cô.
Lễ nghi thánh hiến chấm dứt, ba cô lại trở về gia đình. Chúng ta nên biết vào khoảng mấy thế kỷ đầu thời Giáo Hội sơ khai, các trinh nữ muốn tận hiến cho Chúa thường không sống trong các nhà dòng như ngày nay, các cô thường vẫn sống với cha mẹ và chỗ hội họp độc nhất của các cô là nhà thờ.
Giênôvêpha tuyên khấn được ít lâu thì mẹ cô từ trần. Mồ côi cha mẹ, Giênôvêpha phải đến ở trọ nhà bà mẹ đỡ đầu ở Paris. Đây là giai đoạn Chúa bắt cô chịu những thử thách liên tiếp hầu củng cố đức tin của cô. Vừa tới ở nhà bà mẹ đỡ đầu ít bữa, Giênôvêpha lâm bệnh nặng, toàn thân tê liệt, các mạch máu hình như ngừng chạy. Ai cũng đoán cô sẽ chết. Nhưng nhờ ơn Chúa bệnh tình cô dần dần thuyên giảm và cuối cùng cô được khỏi bệnh. Từ ngày khỏi bệnh, Giênôvêpha quyết tâm sống một cuộc đời hết sức nhiệm nhặt. Cô nhận thấy lối sống hiện nay của mình không phải là lối sống của một kitô hữu đích thực. Trong cuộc sống thường nhật, Giênôvêpha cố gắng sống theo tinh thần Phúc Âm. Cô ăn chay nhiều ngày: thứ năm và chủ nhật, các ngày khác hoàn toàn không ăn gì. Từ lễ Hiển Linh cho tới thứ năm Tuần Thánh, Giênôvêpha giam mình trong phòng riêng không hề tiếp xúc với một ai ở ngoài để có thể phụng thờ Chúa hoàn hảo hơn bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng sự trầm lặng. Thấy cảnh sống của Giênôvêpha có vẻ lạ kỳ, nhiều người cho cô là giả hình hoặc mắc ảo tưởng! Nhưng Đức Giám mục Germanô đã đến can thiệp kịp thời.
Lúc đó Đức Giám mục hiện coi sóc Giáo phận Trêvia. Nhân một cuộc đi kinh lý, ngài có nghỉ lại Paris. Nhân dịp này, ngài dò hỏi tin tức cô bé mà ngài đã chúc phúc và khích lệ theo ơn Chúa kêu gọi cách đây 18 năm. Dân chúng cho Đức Giám mục hay Giênôvêpha không có những đức tính như ngài nghĩ. Không đếm xỉa chi đến lời đồn đại của dân chúng, Đức Giám mục đến tận nhà Giênôvêpha đang trú ngụ. Cùng đi với ngài có rất đông nhân vật đạo đời.
Tới nơi, Đức giám mục kính cẩn chào Giênôvêpha. Mọi người có mặt trong phòng đều nhận thấy chỗ Giênôvêpha vẫn cầu nguyện ướt đẫm nước mắt mà cô đã khóc khi tâm sự với Chúa. Đứng trước cảnh tượng đó, Đức Giám mục tuyên bố với những người chung quanh: "Từ nay, anh chị em nên dành cho Giênôvêpha một lòng tôn kính đặc biệt vì Giênôvêpha đã biết sống một đời sống hết sức tốt đẹp trước mặt Thiên Chúa ".
Từ đó mọi người đem lòng quý mến Giênôvêpha. Nhiều thiếu nữ thường lui tới để học hỏi cách sống nhân đức của thánh nữ.
Ở Measux có một cô gái tên Cêlini đã đính hôn với một chàng trai kia, nhưng đến sau vì cảm mến Giênôvêpha, đã từ hôn và xin vào tu với Giênôvêpha.
Vị hôn phu của nàng tức giận đuổi bắt nàng vì nàng đã bội ước. Giênôvêpha và Cêlini vội vã đưa nhau tìm chỗ trú trong nhà rửa tội tại thánh đường Mô. Chàng thanh niên kia biết rõ hai cô đã chạy trốn ở đó, liền chạy theo để bắt cho bằng được. Nhưng khi hai cô đã vào tới phòng rồi, cửa liền đóng sập lại. Và chàng trai vị hôn chịu nuốt hận ra về, nhờ đó Cêlini được tự do theo ơn gọi.
Chúa đã cho Giênôvêpha làm rất nhiều phép lạ, chữa lành nhiều bệnh nhân. Một đêm kia, trong thánh đường đang hát kinh, một người trong ca đoàn nổi cơn điên, xé hết quần áo. Hắn bỏ cung thánh tiến thẳng xuống chỗ Giênôvêpha đang quỳ cầu nguyện cuối nhà thờ. Thoạt trông, Giênôvêpha biết ngay là hắn bị ác thần mê ám. Giênôvêpha truyền cho thần ác ra khỏi hắn và lập tức người đó khỏi bệnh.
Hồi đó tướng Hung nô là Attila đã chiến thắng hầu như cả Âu Châu; ông vượt qua sông Ranh, tràn vào khắp nước Pháp như nước vỡ bờ với một đạo binh hùng mạnh gồm chừng 6-7 trăm ngàn quân. Cả Âu Châu đều lo lắng bối rối tưởng chừng như tận thế đến nơi. Quân giặc tới đâu là phá bình địa tới đó, cả đô thành Paris xôn xao hỗn loạn: từng đoàn người đông đảo đua nhau chạy trốn về các vùng quê hẻo lánh. Riêng phần thánh nữ Giênôvêpha, vì được Chúa linh cảm, hăng hái khuyên mọi người sống bình tĩnh: "Nếu anh chị em biết ăn năn thống hối, tôi dám chắc ở đây anh chiï em sẽ được an toàn hơn bất cứ nơi nào khác anh chị em định đi tới. Quân địch sẽ không bao vây kinh thành của ta đâu ".
Một số người đạo đức nghe theo lời thánh nữ khuyên nhủ, tụ tập quanh thánh nữ ăn chay và cầu nguyện ngày đêm. Còn đa số cho thánh nữ là người bị quỷ ám và kết án là một tên phản quốc. Họ cho rằng thánh nữ cố ý ngăn cản dân thành bảo vệ mạng sống và chiến đấu cho tổ quốc. Ít ngày sau, mọi người vui mừng khi hay tin quân địch đã phải rút lui vì sự kháng cự của dân thành quá mạnh. Thành phố được bình an vô sự là nhờ phần lớn công lao của thánh nữ, vì nếu như dân thành không nghe lời khuyên của thánh nữ mà bỏ đi hết, dĩ nhiên quân địch sẽ tiến quân vào thành một cách dễ dàng.
Từ đó thánh nữ càng được mọi người cảm phục và quý mến. Cả đến các bậc vua chúa cũng biết đến tiếng tăm của thánh nữ và rất quý mến.
Thánh Giênôvêpha rất thương mến những người nghèo khổ, tù đầy. Một lần kia, Giênôvêpha đến xin vua Clovis giải phóng các tù nhân đang sống lay lắt cực khổ trong các trại giam; vì sẵn lòng cảm mến thánh nữ, vua Clovis đã y theo lời thánh nữ xin; ngoài ra để chiều ý thánh nữ, vua truyền xây nhiều thánh đường đồ sộ rải rác khắp đô thành Paris.
Ngày tháng qua, Giênôvêpha càng ngày càng kiệt sức vì đã quá già yếu với tuổi 89. Sứ mệnh Chúa giao phó cho thánh nữ đã hoàn tất.
Ngày 03 tháng giêng năm 512, thánh nữ yên hàn từ giã cõi trần để về trời vui hưởng dung nhan Chúa. Xác thánh ngài được an táng trong nhà thờ thánh Phêrô và Phaolô. Chính vua Clovis đã cất ngôi thánh đường này theo lời yêu cầu của thánh nữ. Từ ấy thánh đường đó được mang danh hiệu mới: Thánh đường Thánh nữ Giênôvêpha. Nhưng thánh đường này không may đã bị phá huỷ vào năm 1807.
Mộ thánh nữ được nhiều người đến kính viếng, vì những phép lạ lớn lao thánh nữ đã thực hiện nơi đây. Nhiều bệnh nhân đi viếng mộ về đã được khỏi bệnh. Thánh nữ Giênôvêpha được tôn lên bậc hiển thánh và được đặt làm bổn mạng kinh thành Paris. Giáo hội mừng lễ kính thánh nữ vào ngày 03 tháng giêng.


Bí Quyết Hạnh Phúc

Trong một chương trình truyền hình Mỹ, người ta phỏng vấn một cụ già, tuổi hạc rất caọ Người ta đặt câu hỏi như sau: "Thưa cụ, chắc cụ có một bí quyết đặc biệt để được hạnh phúc?"
Cụ già trả lời một cách đơn sơ như sau: "Không, tôi chẳng có bí quyết nào gọi là đặc biệt cả. Trái lại, nó rất đơn giản như chiếc mũi trên mặt ông vậy!". Cụ già giải thích như sau: "Mỗi buổi sáng mai, lúc thức dậy, tôi có hai điều chọn lựa, một là sống hạnh phúc, hai là sống bất hạnh. Ông nghĩ xem, tôi sẽ chọn điều nàỏ Dĩ nhiên tôi phải chọn được hạnh phúc".
Câu trả lời trên đây của cụ già thật đơn giản. Abraham Lincol đã nói như sau: "Con người sở dĩ có được hạnh phúc, sung sướng hay không cũng tại lòng tưởng nghĩ như vậy". Bạn có thể hạnh phúc, nếu bạn muốn như thế. Ðó là điều dễ thực hiện nhất trên đờị Bạn hãy chọn lựa sự bất hạnh. Ði đến đâu bạn cũng than thân trách phận, chắc chắn bạn sẽ được như ý. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng tự nhủ rằng: "Mọi việc đều tốt đẹp, đời vẫn đẹp và đáng sống. Tôi chọn sống hạnh phúc", thì chắc chắn bạn sẽ được điều bạn muốn.
Trẻ con rành về nghệ thuật sống hạnh phúc hơn người lớn. Trẻ em mang vào giấc ngủ của mình vô số những mộng mơ và chúng cũng thức giấc với vô số những mộng ước, trong đó cơ bản nhất vẫn là được vui chơi.
Người lớn mà có được một tinh thần như trẻ thơ lúc tráng niên và vào tuổi già, thì quả là một thiên tài, vì họ nắm được niềm hạnh phúc thật trong tâm hồn mà Chúa đã dành để cho tuổi thanh xuân. Chúa Giêsu quả là tế nhị khi Ngài nói với chúng ta rằng cần phải có tinh thần trẻ thơ thì mới vào được Nước Trờị Nước Trời là gì nếu không phải là được sống hoan lạc trong tình yêu thương của Chúa?