Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - Ngày 5/8/2017

Filled under:


Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 14: 1-12)

Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên dĩa này cho tôi". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục và để đầu Gioan trên dĩa đem trao cho cô gái, và nó đem đến cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.

Suy niệm 1
Thánh Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa. Ngài dọn đường cho Chúa Kitô bằng cách kêu gọi con người ăn năn tội để đón chờ Chúa Kitô ngự đến. Ngài đã dùng chính cái chết của mình để đấu tranh cho công lý. Nhưng ngài cũng là nạn nhân của những tính toán và những tham vọng quyền lực bất chính lúc bấy giờ.

Vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, cướp vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy thánh Gioan lên tiếng tố cáo sự cấu kết bất chính giữa Hêrôđê với Hêrôđiađê. Vì lên tiếng bênh vực công lý, thánh Gioan đã bị vua Hêrôđê bắt giam. 

Không biết vua có ý định xét xử thế nào đối với thánh Gioan, chỉ biết trong một lần vua tổ chức tiệc mừng sinh nhật của mình, thánh Gioan đã bị thảm sát. Nhà vua đã cấu kết với Hêrôđiađê, kẻ đang cùng với nhà vua sống loạn luân, ra lệnh chém đầu thánh Gioan. Vì thế, bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê đã biến thành bữa tiệc của sự thảm sát người công chính.

Trước mặt người đời, thánh Gioan xem ra là kẻ thất bại. Sứ mạng của ngài không hoàn thành. Ngài bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại. Thế nhưng Chúa Giêsu đã nói về ngài: “Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả” (Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống. Thái độ sống của thánh Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Nhưng chúng ta đừng tưởng, trong thời đại chúng ta đã hết cảnh những con người bị hàm oan, bị chà đạp quyền sống, bị bức tử, bị thảm sát. Những Gioan Tẩy Giả của thời hiện đại là biết bao nhiêu anh chị em đang dấn thân đi tìm công lý và hòa bình. Họ bị bức bách và đàn áp, bị bỏ tù và giết hại chỉ vì họ đã dấn thân đi tìm và mang lại một cuộc sống xứng với nhân phẩm cho nhiều người, nhất là những người thấp cổ, bé miệng, nghèo hèn, bị bỏ rơi. Họ dấn thân vì nhân quyền. Họ đấu tranh cho tự do, cho lẽ công bằng. Họ lên tiếng đòi phải trả lại quyền làm người, quyền tự do tôn giáo, quyền tư hữu, quyền được thông tin sự thật, quyền được pháp luật bảo vệ, v.v. cho mọi người, mọi tầng lớp xã hội. 

Những Gioan Tẩy Giả của thời hiện đại còn là những người dân chân chất quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm từng hạt cơm, manh áo trên mảnh đất của cha ông mình, hay của chính mình sau bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có được. Nó là phương tiện duy nhất để cả gia đình có thể sống. Bỗng dưng một ngày, họ mất tất cả, bị cướp trắng ngay trê tay mình, sau khi họ nhận được lệnh cưỡng chế tàn bạo. 

Những Gioan Tẩy Giả thời hiện đại còn là những nạn nhân của chiến tranh, khủng bố, bóc lột, v.v. đang diễn ra khắp nơi trên đất nước này, trên thế giới này. Với tư cách ngôn sứ, từng người Công giáo chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu, trước hết bằng sự cầu nguyện. Xin cho mọi người, mọi nhà đều được tôn trọng quyền sống, quyền là người. Ngoài ra, chúng ta lên tiến bênh vực những nạn nhân của bào lực, của bất công, v.v.

 Lạy Chúa, xin cho thế giới ngày càng bớt đi sự đối đầu. Xin cho mọi người lành được bảo vệ. Xin cho khắp nơi không còn cảnh người vô tội bị xử án bất công, độc ác bởi những kẻ có quyền. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2
  1. Thánh Gioan Tẩy Giả
Nghe danh tiếng của Đức Giê-su, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hê-rô-đê cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy. Đó là một sai lầm ; nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi. Thật vậy :
  • Vua Hê-rô-đê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một Gioan Tẩy Giả khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.
  • Vua Hê-rô-đê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo : « Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi » (Tv 141, 10)[1].
  • Đức Giê-su không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ bị giết chết cách bất công như Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có Gioan.
  1. Từ lúc sinh ra
Ngoài ra, sai lầm của vua Hê-rô-đê còn làm cho chúng ta nhận ra rằng cả cuộc đời của thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, gắn bó biết bao với Đức Giê-su, với sự sinh ra, sự sống, sự chết và sự sống lại của Người.
Thật vậy, Gioan đã loan báo và chuẩn bị cho Đức Ki-tô ngự đến, trong cách mình được cưu mang và được sinh ra và bằng cả cuộc đời của mình, như chính ông Dacaria, cha của Gioan, đã tiên báo :
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người
,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
(Lc 1, 76-77)
Sự sống của thánh Gioan là một tuyệt tác của Thiên Chúa, diễn tả quyền năng ban sự sống của Người ; nhưng Đức Giê-su, sinh bởi Đức Maria, là tuyệt tác còn lớn hơn và là tuyệt tác duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin Mừng cho loài người của chúng ta rồi : đó là Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, trong ngày sinh nhật của thánh Gioan và nhất là của Đức Giê-su, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Ngoài ra, tên gọi « Gioan » nghĩa là « Thiên Chúa Thi Ân » ; trong khi tên gọi « Giê-su » nghĩa là « Thiên Chúa Cứu Độ », là Ơn Huệ của mọi ơn huệ, là Ơn Huệ mà mọi ân huệ khác hướng tới và chỉ là dấu chỉ, và là Ơn Huệ một lần cho tất cả. Như thế, thánh Gioan không chỉ loan báo Đức Giê-su bằng cuộc đời và cái chết của mình, nhưng còn bằng chính biến cố sinh ra và tên gọi nữa.

  1. Cho đến lúc chết
Và trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc thương khó của thánh Gioan Tiền Hô. Như thế, thánh Gioan đã loan báo Đức Ki-tô cho đến chết và bằng chính cái chết của mình. Thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giêsu một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.
Thật vậy, bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Bởi lẽ chính vua Hê-rô-đê quyết định trảm quyết Gioan, nhưng có rất nhiều người tham gia vào quyết định này : Bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của vua, con gái bà Hê-rô-đi-a, và cả triều thần và quan khách có mặt trong bữa tiệc mừng sinh nhật. Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự… Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải sự dữ, cùng với tất cả những gì thuộc về sự dữ, nhất là vẻ bề ngoài dối trá, triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, không phải để lên án con người, nhưng để giải thoát con người khỏi sự dữ và sự chết ngay hôm nay.
* * *
Như thế, cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu biết bao ; và ơn gọi của thánh nhân cũng chính là ơn gọi của chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu : đó là ơn gọi, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết cũng gắn liền với Đức Giêsu: lúc sinh ra, phép rửa làm chúng ta trở thành Ki-tô hữu, nghĩa là môn đệ của Đức Ki-tô; và khi chết, chúng ta cũng sẽ cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Ngài, như chính phép rửa đã loan báo.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Trong sách CGKPV Câu này được lược bỏ; nhưng chúng ta không nhận ra điều này, vì câu này là câu cuối cùng của Tv 141 (140). Tuy nhiên, câu Thánh Vịnh này lại soi sáng cho chúng ta hiểu được ý nghĩa chính biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu!