Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Ý nghĩa cây thập giá

Filled under:

Chẳng có một tôn giáo nào lấy biểu tượng cho tôn giáo của mình bằng hình ảnh cây thập giá với một người bị đóng đinh trên đó như Kitô giáo của chúng ta. Hình ảnh cây thập giá vừa buồn, vừa thảm, chẳng có gì hấp dẫn để thu hút người ta. Hình ảnh một con người trần trụi, đầu đội mão gai, chân tay lấm lem máu, cạnh sườn bị đâm thâu, có lẽ làm cho người ta cảm thấy sợ, hơn là kính tôn mà chiêm ngưỡng. Con đường Chúa đi, đích thực là một con đường chẳng ai có thể hiểu nỗi, vì nó đi ngược lại hoàn toàn với những gì lý trí con người có thể nghĩ tới và cảm xúc con người có thể tuân theo. Từ xa xưa, cây thập giá đã được quan niệm là biểu tượng của thất bại, của nỗi đau, của những gì thấp hèn và nhục nhã nhất. Nếu chỉ là một cây thập giá trơ trụi thôi thì đúng là nó sẽ mang ý nghĩa như thế thật. Nhưng nếu là một thập giá có thân thể Đấng Cứu Thế tựa vào, thì với người Kitô hữu, nó lại trở thành dấu chỉ của tình yêu, của vinh quang và của chiến thắng.
Nhìn lên biểu tượng thập giá, ta không chỉ thấy nơi đó là hai thanh gỗ xếp vào nhau, nhưng còn hiểu được ý nghĩa đằng sau của những điều ấy. Thánh giá có hình thù hệt như một con người đang đứng thẳng và dang tay ra. Nó cũng chính là biểu tượng của thân phận con người. Có mấy ai sống kiếp người nơi dương gian mà khẳng định rằng mình chưa bao giờ gặp đau khổ? Một thân một cõi giữa dòng đời chơ vơ, ta bị thời gian và không gian đẩy đưa đến quay cuồng chóng mặt. Ta đã từng nghe bao nhà hiền triết bảo rằng: sống trên đời là một diễm phúc. Nhưng đúng thực là chỉ có những con người thoát tục như những vị ấy mới có thể khẳng định như thế mà thôi. Mấy chục năm sống trên đời, đôi tay, đôi chân này của ta không biết bao nhiêu lần dãi nắng, dầm sương. Từ bé đến lớn, hết trách nhiệm này đến nặng nề khác cứ đè xuống trên ta. Có biết bao tương quan làm cho ta mệt mỏi. Có biết bao nhiêu toan tính bào mòn khối óc ta. Nói rằng phận người ta cũng tang thương hệt như cây thập giá, thật chẳng sai chút nào!
Có lẽ chính vì lý do ấy mà Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ của chúng ta – mới vui lòng đón nhận Thánh ý Cha, muốn mình phải chọn cây thập giá làm điểm cuối cho hành trình làm người. Ngài chết trên cây thập giá, không phải vì Ngài “thích chơi nổi”, cũng không phải vì Ngài “chẳng thể làm gì hơn”, nhưng là vì Ngài muốn nói với con người rằng giữa nơi thánh giá của cuộc đời, Ngài đang hiện diện nơi đó. Ngài muốn hiệp thông cách trọn vẹn với phận người. Từ tận trời cao, Ngài đã xuống thế làm người, sống và trải nghiệm kiếp nhân sinh một cách tự nhiên và trọn vẹn như bao con người khác. Nhưng hành trình làm người của Ngài không dừng lại ở những chỗ cao sang, trang trọng, không đậu bến ở điện ngọc vinh hoa. Bàn chân cứu độ của Ngài đã không những đi đến mọi tận cùng ngõ hẽm để cứu vớt mọi người, nhưng còn đi đến nơi sâu thẳm nhất của kiếp làm người, để viếng thăm và nâng dậy những ai bần cùng và cơ cực nhất. Khi chấp nhận chịu chết trên cây thập giá, Đức Giêsu đã trở thành con người cùng tận nhất, Ngài đã xuống đáy sâu nhất để ôm trọn mọi loài vào trong vòng tay dấu ái của mình. Mọi thập giá, mọi cơ cực và vất vả của ta, Ngài đều hiểu và thông phần hết.
Cây thập giá cũng có hình thù như một chiếc chìa khóa, chìa khóa để mở ra một thế giới mới cho những ai có niềm tin. Ai trong chúng ta cũng mong muốn cho mình có hạnh phúc. Những chiếc chìa khóa ta dùng để mở cánh cửa hạnh phúc thường là thành công, tiền bạc, của cải, danh tiếng… Có một ngôi nhà lớn với xe sang, được mọi người yêu mến và kính nể, rõ ràng là điều mà hết thảy mọi con người đều mong chờ. Nó tạo cho ta cảm giác lâng lâng, an bình và hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc mà chúng ta nỗ lực tìm kiếm trên thế gian này thì mong manh và ngắn ngủi vô cùng. Hạnh phúc ấy bất toàn đến độ, ngay cả khi ta có được nó, ta cũng đã lo sợ là sẽ có một ngày ta mất nó đi. Có hạnh phúc nhưng lại sợ mất hạnh phúc. Một hạnh phúc bao hàm trong đó một nỗi sợ, sao có thể gọi là hạnh phúc được. Sở dĩ ta sợ là bởi vì ta không làm chủ được hạnh phúc này của mình. Ta không có toàn quyền trên nó và ta cũng không đủ quyền năng để níu giữ nó ở lại mãi bên mình.
Ngược ngạo thay, chìa khóa mà Giêsu trao tặng chúng ta để tiến về ngôi nhà hạnh phúc đích thực lại là cây thập giá. Đúng ra mà nói, chẳng phải Ngài tạo ra thập giá rồi đặt lên vai ta, bắt ta gánh lấy, nhưng Ngài chỉ cho ta biết rằng khi dòng đời gửi đến cho ta biết bao thập giá, hãy đón nhận nó với một niềm tin, chứ đừng chối bỏ nó, đừng gạt nó sang một bên. Quả vậy, cuộc đời này chẳng bao giờ thiếu thập giá và thập giá cũng chẳng chừa ai ra. Việc Đức Giêsu chết trên thập giá chẳng phải là sáng kiến gì mới của riêng Ngài. Ngài chỉ làm một việc đơn giản là đón nhận những gì xảy đến như nó là, dù với một nỗi đau khôn tả, nhưng cũng với một niềm tin và tình yêu chan chứa cả trái tim. Thập giá của mưu sinh, thập giá của tật bệnh, thập giá của gia đình… và biết bao những thập giá nhỏ lẻ, không tên nhưng không kém nặng nề khác. Chúng là khổ giá đối với những ai đánh mất niềm hy vọng và cho rằng cuộc sống của mình chỉ giới hạn nơi thế giới này thôi. Nhưng chúng sẽ là thánh giá cho những ai luôn sống trong tình thân với Cha trên trời và tin tưởng vào lời Thầy Giêsu đã hứa. Khổ giá và thánh giá, tuy là một, nhưng là hai điều khác xa nhau vời vợi. Phải, chỉ khi nào người ta cảm đảm đón nhận hết mọi điều xảy đến với mình, chứ không trốn tránh và oán trách nó, người ta mới có được hạnh phúc đích thực, chẳng bao giờ hư nát dành cho mình mà thôi.
Nếu ta biết để lòng lắng lại, trầm mình chiêm ngắm Đức Giêsu trên cây thập giá, ta sẽ thấy nơi đó không chỉ là những điều tang tóc đau thương. Có nhiều người đã tìm thấy nơi đó là cả một thần dược chữa lành. Cứ mỗi khi nhìn lên đấy, dõi theo từng vết thương của Chúa, ta như thấy mình được vơi đi rất nhiều những nỗi thống khổ mà ta đang trải qua. Hệt như rằng, chính Ngài đã chịu thay cho chúng ta những gì là kinh khủng nhất. Nhìn lên Ngài rồi nhìn xuống ta, ta thấy những gì mình chịu chẳng đáng là gì cả. Ta thấy những nhục nhã mình đang nếm dường như chẳng còn vị đắng như trước, nỗi cô đơn và buồn tủi cũng vơi đi bội phần. Cũng chính từ nơi thập giá, ta mới nghiệm thấy quyền năng Thiên Chúa lớn lao làm sao. Chết trên cây thập giá, nhưng đó không phải là một sự thất bại. Khi dồn Giêsu vào chỗ chết và đóng đinh Ngài cách tàn nhẫn, sự dữ tưởng rằng nó đã chiến thắng, nhưng nó không ngờ rằng chính âm mưu và sự đắc thắng vô lối ấy của nó đã đưa nó đến chỗ diệt vong. Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện ở chỗ, Ngài không diệt trừ sự dữ, nhưng làm bừng lên từ chính nơi đó một công trình tạo dựng mới, một Vườn Địa Đàng mới cho muôn loài.
Đức Giêsu và cây thánh giá của Ngài, có vẻ như là im lặng, nhưng sự im lặng ấy của Ngài đang nói với chúng ta rất nhiều điều. Quả vậy, ngay trên cây thập giá, Ngài vẫn có thể chữa lành và là một nhà giảng thuyết hùng hồn chẳng kém trước. Ngài nói với chúng ta về một niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến. Ngài trao ban cho chúng ta lời an ủi thiêng liêng tận linh hồn. Ngài xoa dịu cõi lòng tan nát của ta. Rồi Ngài đặt cho ta một câu hỏi: ta có đủ tin và yêu Ngài, có dám cùng Ngài vác cây thập giá của đời ta, leo lên đỉnh đồi cùng với Ngài không? Trên hành trình ấy, ta chẳng bước đi đơn côi, ta cũng chẳng phải tự mày mò tìm lối. Ta chỉ việc theo bước Ngài mà thẳng tiến thôi.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, 

cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai


                                                                                         Đức Thánh Cha Phanxicô