Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế. Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ. Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
Trong tương giao xã hội, ai trong chúng ta cũng thích sự tế nhị nơi người khác và cũng mong muốn thủ đắc sự tế nhị để thành công trong cuộc sống. Vì "điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người" được xem là tiêu chuẩn để làm thước đo tính tế nhị. Tế nhị là sự khéo léo sử dụng những cử chỉ ngôn ngữ trong giao tiếp, ứng xử, thể hiện là con người có hiểu biết, có văn hóa; đồng thời, cũng thể thể hiện sự tôn trọng người khác.
Thánh sử Mátthêu thuật lại lời hướng dẫn của Chúa Giêsu cho các môn đệ khi xưa, cũng là cho chúng ta hôm nay về sự tế nhị góp ý, giúp nhau xây dựng đời sống hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5, 48): “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18, 15).
Có thái độ tôn trọng và tế nhị khi sửa lỗi người khác là cần thiết trong cộng đoàn, gia đình và Giáo Hội. Vì tính tế nhị đi liền với sự chân thành và lòng tôn trọng người khác. Người biết cách cư xử tế nhị sẽ mang lại sự hòa thuận vui vẻ với mọi người ở chung quanh. Trong khi theo tính khí và khuynh hướng tự đề cao mình, chúng ta thường có thói quen chỉ trích, chê bai công khai, nói xấu hay quyết liệt gièm pha, phản ứng gay gắt khi đối diện với những điều trái ý, phật lòng, khi bắt gặp những sai phạm hay khuyết điểm của người khác. Thiên Chúa mời gọi người Kitô hữu trong tình bác ái huynh đệ, những lúc như thế, chúng ta hãy gặp riêng người anh chị em, chỉ một mình ta với họ mà thôi. Việc gặp gỡ riêng tư giúp hai người đối thoại cởi mở hơn, bộc bạch với nhau và hiểu nhau hơn. Hơn nữa, gặp gỡ riêng tư trong giúp nhau hoàn thiện nên tốt hơn còn giúp chúng ta giữ gìn thanh danh và uy tín của nhau, kể cả người được góp ý và người góp ý. Bởi lẽ, người tế nhị cũng là người khiêm tốn. Không kín đáo đến mức khó hiểu, biết im lặng khi cần thiết. Không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác, cũng không tò mò thọc mách, không chế giễu người khác trước mặt cũng như sau lưng. Ngược lại, tế nhị cũng không phải bày tỏ lòng quan tâm quá mức cần thiết. Và con người tế nhị bao giờ cũng mang vẻ đẹp của lòng nhân hậu, tinh thần cao thượng và sự hiểu biết giàu có trong đời sống.
Mong thay, nhờ ơn Chúa giúp, mỗi chúng ta luôn nỗ lực sống tôn trọng và tế nhị với mọi người. Bởi lẽ, mọi người dù xấu hay tốt đều là con cái của Chúa.
- Bài giảng về Giáo Hội
Từ thứ hai sau Chúa Nhật X Thường Niên, lịch phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Như chúng ta đều biết, Thánh sử Mát-thêu thuật lại năm bài giảng lớn của Đức Giê-su : « Bài Giảng Trên Núi » (Mt 5-7), bài giảng về sứ mạng loan báo Tin Mừng (Mt 10), bài giảng bằng các dụ ngôn (Mt 13), bài giảng về tương quan giữa các thành viên trong Giáo Hội (Mt 18) và bài giảng về thời cánh chung (Mt 24-25).
Trong tuần này, kể từ thứ hai đến thứ năm, chúng ta bắt đầu lắng nghe bài giảng thứ tư của Đức Giê-su về tương quan của chúng ta với nhau trong đời sống Giáo Hội : vấn đề ai là người lớn nhất (bài Tin Mừng hôm qua) ; vấn đề sửa lỗi, quyền bình và cầu nguyện (bài Tin Mừng hôm nay) ; và vấn đề tha thứ cho nhau (bài Tin Mừng ngày mai, theo mùa thường niên).
Bài giảng về Giáo Hội kết thúc, hay đúng hơn là hướng tới, với lời mời gọi tha thứ cho nhau đến « bảy mươi lần bảy » ; và sự tha thứ vô hạn chúng ta được mời gọi trao ban cho nhau đặt nền tảng và hướng tới chính ơn tha thứ vô hạn của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Như thế, chính Thiên Chúa yêu thương và bao dung chúng ta trước, nên con tim chúng ta mới được tái tạo để có thể yêu thương và bao dung nhau, và để có thể ứng xử với nhau như lời dạy của Đức Giê-su về Giáo Hội.
- Quyền bính và hoán cải
Ngay trước đó, Đức Giê-su đã trao quyền « tháo cởi và cầm buộc » cho chính thánh Phê-rô, với tư cách là « Đá Tảng » : « Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy » (Mt 16, 19). Nhưng ở đây, quyền bính này, được Người phát biểu với cùng những từ ngữ, lại được trao cho nhóm, nghĩa là cho Giáo Hội :
Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
(Mt 18, 18 ; x. Ga 20, 23)
Việc thi hành quyền bính được thực hiện vừa bởi một người và vừa bởi cả nhóm ; như thế, sự quân bình được hình thành. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi vượt qua bình diện tổ chức và quyền bính để nhận ra sự tin tưởng mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho những con người mỏng dòn ở dưới đất! Sự tin tưởng thật trọn vẹn, trọn vẹn đến độ trời và đất như trở nên một. Vấn đề là Giáo Hội thi hành quyền bính theo năng động nào, của trời cao được thể hiện nơi ngôi vị và nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, hay theo năng động của đất thấp, nghĩa là thế gian, sự dữ, ma quỉ, để lên án, loại trừ và giết chết.
Một cách cụ thể khi phải đối diện với một thành viên phạm tội, là điều không thể tránh được trong đời sống đức tin của Giáo Hội: “Nếu người anh em trót phạm tội”. Nhưng thay vì dùng quyền để lên án và loại trừ, Đức Giê-su mời gọi sửa lỗi người anh em: “anh hãy đi sửa lỗi nó”. Và Đức Giê-su đề nghị cả một tiến trình rất sư phạm để giúp tội nhân hoán cải: ban đầu là cuộc gặp gỡ riêng tư và huynh đệ giữa hai người; tiếp đến, nếu tội nhân không nghe, thì thêm một hay hai người nữa; và cuối cùng, nếu tội nhân vẫn không nghe, thì Hội Thánh mới can thiệp. Và nếu tội nhân cũng chẳng nghe Hội Thánh, thì như Đức Giê-su nói: “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”; bị coi là “người ngoại hay người thu thuế”, theo cách nói của Do thái giáo, điều này có nghĩa là, người này không còn thuộc về cộng đồng.
Nhưng thực ra, khi từ chối lắng nghe lời khuyên bảo đến ba lần, tội nhân đã quyết định tự loại mình ra khỏi Hội Thánh rồi. Như thế, quyền bính chỉ được dùng đến khi giải pháp đối thoại trong kiên nhẫn và đức mến đã đi tới cùng và bị từ chối.
- Quyền bính và cầu nguyện
Trong bài Tin Mừng, khi nói về đời sống Giáo Hội, Đức Giê-su còn nói đến bầu khí hiệp nhất trong lời nguyện xin và lời đáp trả chắc chắn của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời:
Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.
Lời của Đức Giê-su vừa mang lại cho chúng ta niềm hi vọng khi nguyện xin, và vừa làm cho chúng ta nhận ra rằng, điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, chính là bầu khí hiệp nhất trong cầu nguyện và nhờ cầu nguyện, vì chúng ta được dựng nên là một như Thiên Chúa là một ; và Đức Giê-su cũng cầu nguyện và làm tất cả mọi sự để cho chúng ta nên một : « Xin cho họ nên một, như chúng ta là một ». Xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta biết kiên nhẫn cùng nhau nguyện xin và hướng chúng ta tới những ơn xin làm đẹp lòng Chúa Cha, nhất là những ơn xin làm cho chúng ta nên một, như Người dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha.
Tuy nhiên, vì lời giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay hướng tới việc cầu nguyện, chúng ta có thể hiểu lời của Đức Giê-su về « lời nguyện chung » còn phải là nền tảng của việc thi hành quyền bính, nhất là thi hành quyền bính trong việc sửa lỗi nhau cho nhau. Như thế, quyền bính không chỉ nhường bước cho đối thoại huynh đệ, nhưng còn phải được thực hiện, từ đầu đến cuối, trong cầu nguyện. Và cả khi tội nhân đã bị loại trừ khỏi cộng đồng, Giáo Hội vẫn được mời gọi kí thác người anh em cho lòng thương xót của Thiên Chúa và vẫn được mời gọi cầu nguyện cho người anh em ấy, tương tự như khi Người mời gọi chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù (x. Mt 5, 43-48).
* * *
Và trong mọi sự, nhất là trong việc thi hành quyền bính, để mời gọi hoán cải trong bầu khi cầu nguyện, Đức Giê-su mời gọi Giáo Hội « họp lại nhân danh Thầy ». « Nhân danh Thầy », có nghĩa là, trong đời sống đức tin, Giáo Hội và từng người chúng ta được mời gọi, không chỉ nhân danh Đức Ki-tô bằng lời nói, nhưng còn mặc lấy tâm tình của Đức Ki-tô. Chính khi đó, như Đức Giê-su nói :
Thầy ở đấy, giữa họ.
Như thế, ở mức độ tận cùng và sâu xa nhất, Giáo Hội được mời gọi để cho Đức Ki-tô tiếp tục hiện hiện, lên tiếng và hành động ở giữa loài người chúng ta, để tha thứ, chữa lành, giải thoát và tỏ bày tình yêu đến cùng của Thiên Chúa Cha, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc